Nền kinh tế thế giới đang phải hứng chịu những thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Nếu không có các gói cứu trợ khẩn cấp, kinh tế thế giới khó có thể đối phó với sự tàn phá khủng khiếp của “cơn bão” Covid-19.
Bất chấp khó khăn do dịch Covid-19, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được thế giới đánh giá tích cực
Cuộc suy thoái tồi tệ trong lịch sử
Mới đây, phát biểu trong họp báo, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo nền kinh tế thế giới “rõ ràng” đã bước vào một cuộc suy thoái tồi tệ tương tự hoặc thậm chí hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Trong một phân tích cụ thể hơn, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ước tính dịch bệnh Covid-19 có thể gây ra khoản tổn thất toàn cầu từ 2.000 đến 4.100 tỷ USD, tương đương với mức thiệt hại 2,3-4,8% GDP toàn cầu.
Thông tin từ khắp các châu lục chỉ toàn những màu xám. Mới vài tuần hứng chịu đòn của Covid-19, cường quốc kinh tế đầu tầu thế giới là Mỹ đã cảm thấy đuối sức. Dự báo mới nhất cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm hơn 7% trong quý II do hoạt động thương mại tiếp tục gián đoạn. Số đơn hàng mới của các nhà máy tại Mỹ xuống mức thấp nhất trong 11 năm, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã lên tới mức cao 6,65 triệu.
“Công xưởng thế giới” - Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Ngành xuất khẩu của Trung Quốc đang gặp “cú sốc” suy giảm khi nhiều nước áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn dịch. Dù đã dần trở lại hoạt động nhưng phần lớn các nhà máy sản xuất ở nước này chưa đạt mức vận hành trước thời điểm bùng phát dịch. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, GDP của Trung Quốc trong quý I-2020 có thể giảm mạnh tới 9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức suy giảm mạnh nhất trong 30 năm qua.
Đối với các quốc gia châu Âu vốn đang lao đao vì dịch bệnh, tình hình cũng không mấy khả quan. Trước mối lo dịch bệnh, các nhà đầu tư thi nhau bán tháo cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Trong một báo cáo mới được công bố, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm nay sẽ là 0%, khác hẳn dự báo cách đây một tháng là 1,4%.
Từng được ví như “ngôi sao đang lên” của thế giới trong giai đoạn “phát triển vàng” 2003-2013, Mỹ Latinh giờ đây đang chật vật giải quyết những khó khăn kinh tế. Cũng như các khu vực khác trên thế giới, các thị trường chứng khoán chính của khu vực chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, với giá trị một số tiền tệ lao dốc so với đồng USD. Những biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm chống lại sự lây lan của virus cùng sự sụt giảm giá nguyên liệu thô và sự tê liệt của ngành du lịch đã khiến triển vọng kinh tế khu vực càng ảm đạm.
Với châu Á, khu vực vốn là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới, ADB dự báo mức tăng trưởng sẽ giảm mạnh. Do nhu cầu thế giới giảm vì dịch bệnh và tác động từ các chính sách ngăn chặn dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm nay chỉ còn 2,2%. Mức này thấp hơn nhiều so với con số 5,5% mà ADB dự báo hồi tháng 9-2019.
Việt Nam - “điểm sáng” trong bức tranh màu xám
Trong bối cảnh ảm đạm như vậy, nếu thế giới không hành động khẩn cấp, nếu không có một nỗ lực tổng thể, kinh tế thế giới khó có thể đối phó trước sự tàn phá khủng khiếp của “cơn bão” Covid-19. Cho đến nay, 81 quốc gia đã đề xuất hoặc yêu cầu trực tiếp về các gói tài trợ khẩn cấp từ IMF, bao gồm 50 quốc gia thu nhập thấp và 31 quốc gia thu nhập trung bình. Theo Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva, chỉ riêng các thị trường mới nổi đã cần tới nguồn lực tài chính có giá trị tối thiểu là 2.500 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng.
Bên cạnh nỗ lực của các tổ chức tài chính quốc tế, hầu hết các nước đều tung ra các gói cứu trợ lên tới hàng nghìn tỷ USD. Đây được coi như “thuốc giảm đau” nhằm làm dịu bớt tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trung Quốc-quốc gia đầu tiên bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đã công bố giải pháp mới kích thích kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) quyết định “bơm” 400 tỷ nhân dân tệ (khoảng 56,38 tỷ USD) để ổn định thanh khoản tiền mặt. Trung Quốc cũng giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc đối với các ngân hàng nhỏ và vừa xuống còn 6% nhằm tăng thêm các khoản cho vay.
Ở Mỹ, trước những tác động mang tính tàn phá của dịch Covid-19, Cục Dự trữ liên bang (FED) tuyên bố bắt đầu một loạt các biện pháp tín dụng chưa từng có đối với các gia đình, doanh nghiệp nhỏ và chủ lao động lớn đang gặp khó khăn. Quốc hội Mỹ thông qua và Tổng thống Donald Trump đã ký thành luật gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD. Quy mô của gói cứu trợ này lớn gần gấp ba lần so với gói 831 tỷ USD mà Chính phủ Mỹ từng đưa ra hồi khủng hoảng tài chính năm 2009.
Trước nguy cơ suy thoái cận kề, Tổng thư ký Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Angel Gurria đã đề cập đến Kế hoạch Marshall mới (Marshall là tên kế hoạch tái thiết châu Âu sau Thế chiến II). Ngân hàng Trung ương châu Âu (European Central Bank - ECB) đã đưa ra gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro (tương đương 820 tỷ USD). Khoản cứu trợ nhằm mua lại nợ của các Chính phủ và công ty ở khu vực đồng euro (eurozone), bao gồm cả Hy Lạp và Italia đang gặp khó khăn. Ủy ban châu Âu (EC) thì đề xuất một gói bảo hiểm trên quy mô toàn Liên minh châu Âu (EU), có thể lên tới 100 tỷ euro, để hỗ trợ chương trình bảo hiểm thất nghiệp ở các quốc gia thành viên đang bị quá tải khi hàng triệu người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Trong bức tranh màu xám của nền kinh tế thế giới giữa tâm bão Covid-19, Việt Nam đang là một “điểm sáng”. Trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á công bố hôm 3-4, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt mức 4,8%.
Theo ADB, bất chấp khả năng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, các yếu tố nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. Các yếu tố này bao gồm tầng lớp trung lưu đang phát triển, khu vực tư nhân năng động, kinh tế hộ gia đình và các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn vững mạnh. Trên cơ sở đó, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nhận định, nếu khống chế được dịch bệnh trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng của Việt Nam sẽ hồi phục trở lại mức 6,8% vào năm 2021 và duy trì mạnh mẽ trong trung và dài hạn.
Kịch bản nào cho kinh tế thế giới
Nền kinh tế phục hồi nhanh như mô hình chữ V hay đi lên rồi lại đi xuống như chữ W, tuỳ vào việc phải kéo ... |
Cách virus corona "hạ gục" kinh tế thế giới
Số người chết vì virus corona quá nhỏ để tác động đến kinh tế toàn cầu nhưng nỗi sợ mà nó gây ra lại đủ ... |