Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngoại lực, chủ yếu là tập đoàn đa quốc gia lớn sẽ bộc lộ những bất ổn, không bảo đảm tính bền vững.
Đầu tư FDI vẫn lớn
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 7/2017 đạt 17,50 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,90 tỷ USD, giảm 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kể cả dầu thô cũng chỉ đạt 12,60 tỷ USD, giảm 1%.
So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 của Việt Nam đã tăng 17,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,1%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 19,9%.
Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngoại lực, chủ yếu là một số tập đoàn đa quốc gia lớn sẽ bộc lộ những bất ổn, không bảo đảm tính bền vững. Ảnh minh họa |
Tính chung 7 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 14,6%; khu vực FDI đạt 83,0 tỷ USD, tăng 20,3%.
Như vậy có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu khu vực doanh nghiệp FDI vẫn luôn ở thế “áp đảo” khi có mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với khu vực kinh tế trong nước. Đồng thời khu vực FDI vẫn luôn được coi là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, tăng trưởng kinh tế hiện nay vẫn đang phụ thuộc nhiều vào ngoại lực, chủ yếu tập trung tại một số tập đoàn đa quốc gia lớn nên đang và sẽ bộc lộ những bất ổn, không bảo đảm tính bền vững.
Ông Thanh thừa nhận, mặc dù doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng hầu như nền kinh tế trong nước hiện nay không khai thác được lợi thế của những doanh nghiệp này. Đặc biệt, Việt Nam chưa có giải pháp căn cơ để tận dụng các cơ hội thuận lợi từ khối này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn. Lời cảnh báo nóng
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam được nhắc đến. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, khi tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp FDI sẽ khiến nền kinh tế mất tự chủ và nội lực ngày càng trở nên suy yếu.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan trong 1 lần trao đổi với Đất Việt đã bày tỏ lo lắng khi doanh nghiệp nước ngoài được nhận nhiều ưu đãu về đất đai, thuế hay vốn trong khi các doanh nghiệp Việt Nam lại chịu nhiều thiệt thòi. Vị chuyên gia kinh tế đề nghị Việt Nam cần điều chỉnh lại chính sách để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
“Rút bớt những ưu đãi quá mức đối với đầu tư nước ngoài, tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời xử lý nghiêm những hành vi xấu của một số doanh nghiệp nước ngoài như chuyển giá để trốn thuế”, bà Lan nói.
Bà Phạm Chi Lan cũng cho biết, một nền kinh tế muốn phát triển mạnh và bền vững đều phải dựa vào nội lực nên muốn thoát khỏi khó khăn và phát triển trong tương lai thì nội lực phải mạnh chứ không thể dựa vào bên ngoài.
Còn việc Việt Nam vẫn đang dựa vào doanh nghiệp FDI để có con số tăng trưởng GDP, xuất khẩu đẹp chỉ mang tính nhất thời.
Bà Lan cảnh báo, khi không còn cung cấp nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI nữa, họ sẽ tự động rút lui khỏi thị trường và chuyển sang những mảnh đất màu mỡ mới. Khi ấy Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn nữa. Sự việc này đã xảy ra ở Thái Lan năm 1997.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, trường ĐH Nông – Lâm TP.HCM nhận định, khả năng hàng loạt doanh nghiệp Việt sẽ bị phá sản khi các nhà đầu tư Hàn-Nhật-Mỹ nhảy vào Việt Nam.
Theo ông Ngãi, khi doanh nghiệp ngoại đầu tư vào Việt Nam, tất cả hàng hóa trên đất nước Việt Nam sẽ góp phần tăng GDP của Việt Nam. Nhưng GNP (Tổng sản phẩm quốc dân) lại không thuộc về Việt Nam mà thuộc về Mỹ, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.
“Nếu doanh nghiệp Việt đương đầu, cạnh tranh với sản phẩm cuối cùng của họ thì tôi e rằng vô cùng khó khăn. Khả năng hàng loạt doanh nghiệp Việt sẽ bị phá sản vì các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam họ làm ăn rất bài bản, công nghệ rất cao, năng suất lao động rất tốt, hiệu quả sản xuất cao sẽ bóp chết DN Việt”, ông Ngãi chỉ rõ.
Chi gần 9.000 tỉ đồng/tháng trả lãi nợ vay Theo thông tin từ Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm 2017, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 666.000 tỉ đồng (làm tròn), bằng 55% dự toán năm, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thu nội địa ước đạt 532.500 tỉ đồng, bằng 53,8% dự toán năm, tăng 9,4% so với cùng kỳ 2016. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất tăng mạnh nhất với 30% so với cùng kỳ 2016, đạt 93,5% dự toán năm. Đáng chú ý, số chi trong 7 tháng đạt 695.000 tỉ đồng, bằng 50% dự toán năm và tăng 8,7% so với cùng kỳ 2016, trong đó chi đầu tư phát triển khoảng 119.000 tỉ đồng, chi 62.290 tỉ đồng trả lãi nợ vay và chi thường xuyên 511.000 tỉ đồng. Như vậy tính bình quân, mỗi tháng Việt Nam chi gần 9.000 tỉ đồng để trả lãi nợ vay. |