Dữ liệu tháng 9 và quý III/2022 cho thấy, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Tăng trưởng kinh tế cả năm nay vì thế nhiều khả năng sẽ vượt xa so với mục tiêu đặt ra.
Vượt cả những dự báo tích cực nhất
Trên nền tăng trưởng rất thấp của quý III/2021 (giảm 6,03% so với cùng kỳ năm 2020) và đà phục hồi tích cực tiếp tục diễn ra ở cả ba khu vực của nền kinh tế, nhiều tổ chức trong và ngoài nước dự báo mức tăng trưởng quý III/2022 của Việt Nam sẽ rất cao (hầu hết dự báo ở mức 10-11%). Thực tế theo số liệu Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa công bố cho thấy, tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực thậm chí còn cao hơn kỳ vọng đã giúp GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông nghiệp tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%. Đặc biệt, với mức tăng trưởng mạnh 10,57% (cao nhất của 9 tháng các năm 2011-2022), khu vực dịch vụ đã đóng góp tới 54,17% vào mức tăng chung. Cũng vì thế, cơ cấu nền kinh tế sau 9 tháng đã có sự chuyển dịch, với đóng góp tỷ trọng lớn nhất đến từ khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực nông nghiệp và thủy sản chiếm 11,27%...
Không chỉ mừng vì tăng trưởng GDP cao mà tin vui còn đến từ lạm phát, với CPI chỉ nhích nhẹ trong tháng 9 và quý III vừa qua. Cụ thể, CPI tháng 9/2022 chỉ tăng 0,4% so với tháng trước (tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước); CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Như vậy sau 9 tháng, CPI bình quân mới chỉ tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng 3,85% của cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức tăng 1,82% của cùng kỳ năm 2021) và lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Đánh giá chung, theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng TCTK, rất nhiều “điểm sáng” khác có thể kể đến trong bức tranh kinh tế 9 tháng vừa qua như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh ở cả ba khu vực kinh tế; Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng vừa qua đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao so với cùng kỳ trong vòng nhiều năm trở lại đây). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD; Vốn FDI thực hiện đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3%, mức cao nhất so với 9 tháng các năm từ 2018 đến nay...
Tăng trưởng cả năm có thể vượt mục tiêu
Trên cơ sở các diễn biến tích cực đó của bức tranh kinh tế 9 tháng, ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng cục trưởng TCTK đã thông tin về những cập nhật triển vọng cho cả năm nay. Theo đó, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5% đến 8%. Cụ thể ở kịch bản 7,5%, tăng trưởng quý IV chỉ cần đạt mức 4,14% (là thấp nhất các quý trong năm). Còn ở kịch bản tăng trưởng GDP đạt 8% thì quý IV cũng chỉ cần tăng ở mức 5,9%. “Mặc dù quý IV còn có những khó khăn, nhưng do nền kinh tế đang trên đà phục hồi, đặc biệt là các ngành dịch vụ nên nếu không có những biến động quá lớn và bất thường thì khả năng cao nghiêng về kịch bản cả năm đạt tăng trưởng 8%”, ông Hiếu cho biết.
Tuy nhiên, ông Lê Trung Hiếu cũng lưu ý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Theo đó, mặc dù giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt lao động cục bộ, nhất là lao động có tay nghề trong các doanh nghiệp lớn; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng… tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước. Trong bối cảnh đó, điều hành tăng trưởng tín dụng cũng chịu sức ép lớn để vừa kiềm chế lạm phát, vừa đáp ứng nhu cầu vốn cho phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh tăng cao. Thu hút FDI mới cũng gặp nhiều khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, từ đó có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, thu hút công nghệ cao… trong trung và dài hạn. Trong khi đó, xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái. Thực tế số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU đã có dấu hiệu suy giảm, tồn kho gia tăng… Đây là những yếu tố chưa thể sớm giải quyết dứt điểm trong ngắn hạn và vẫn là những bất định lớn cần theo dõi chặt chẽ.
Đặc biệt lưu ý đến lạm phát, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, TCTK cho rằng, việc kiểm soát tốt lạm phát trong 9 tháng vừa qua giúp Việt Nam có dư địa để thực hiện thành công mục tiêu đặt ra trong năm nay, nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố có khả năng tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Do đó, bà Oanh kiến nghị, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước, nhất là cần kiểm soát giá các loại nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, dần thay thế nguồn nhập khẩu... Cùng với đó, cần tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với CSTK và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi, tập trung vào các lĩnh vực cấp bách và có khả năng hấp thụ tốt, dự án có tính liên vùng, chương trình hỗ trợ, trợ cấp cho người lao động; khơi thông các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Trả lời câu hỏi của Thời báo Ngân hàng đánh giá về điều hành CSTT trong nỗ lực cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát trong nước, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng TCTK cho biết, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao, nhiều đồng tiền mạnh mất giá nhanh chóng khiến nhiều NHTW phải nâng lãi suất, NHNN đã bình tĩnh điều hành CSTT một cách linh hoạt, khéo léo qua đó giúp ổn định tỷ giá, đảm bảo cân đối dự trữ ngoại hối, an toàn cho toàn hệ thống ngân hàng và kiểm soát khá tốt lạm phát trong nước.
Tuy nhiên, là một nước có độ mở kinh tế lớn, Việt Nam không thể né tránh hoàn toàn được làn sóng lạm phát trên thế giới mà chỉ có thể kìm giữ, kéo dài thời gian lạm phát gia tăng mạnh hơn so với các nước. Do đó, việc NHNN vừa qua công bố tăng lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn... cũng là việc bình thường và trong tầm kiểm soát. Từ đây, có thể thấy Việt Nam đã bắt đầu điều chỉnh CSTT theo hướng thu hẹp hơn thời gian qua, chấp nhận khó khăn đầu tư tạm thời để có thể kiểm soát tốt áp lực lạm phát, tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn tâm lý của doanh nghiệp và người dân.