Kinh đô thời trang Milan hiu quạnh vì nCoV

Milan, thủ phủ thời trang của Italy, chưa bị phong tỏa vì dịch viêm phổi nhưng đã trở nên vắng lặng. 

Trường học, nhà hàng, quán bar, danh thắng ở thành phố Milan, thủ phủ của vùng Lombardy đồng loạt đóng cửa, theo giờ hoặc cả ngày. Các công ty tư nhân, bao gồm hãng bảo hiểm Generali, ngân hàng UniCredit, thương hiệu thời trang Armani đều cho phép nhân viên làm việc tại nhà, thay vì đến văn phòng.

"Mọi thứ dường như hoàn toàn dừng lại trong tuần này. Nếu miền bắc Italy ngừng hoạt động, cả Italy cũng sẽ như vậy", Leonardo Miri, 48 tuổi, nhân viên tập đoàn IBM nói sau khi rời trụ sở công ty vì lễ tân cho biết không có ai tới làm việc.

kinh do thoi trang milan hiu quanh vi ncov
Quận Piazza Gae Aulenti, trung tâm kinh tế sầm uất ở Milan, vắng bóng người hôm 24/2. Ảnh: NY Times.

Dù không bị phong tỏa, Milan vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi Italy ghi nhận nhiều ca nhiễm nCoV tập trung chủ yếu ở các thị trấn xung quanh thành phố được xem là năng động nhất, là cỗ máy kinh tế và thủ đô văn hóa của quốc gia này.

Dù chưa tới mức hoảng loạn, nhưng lo lắng đang bao trùm Milan, không chỉ vì sự lây lan của virus corona mà còn là ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế và cuộc sống của thành phố. Những tác động lên vùng Lombardy sẽ đe dọa đến nền kinh tế yếu ớt của phần còn lại ở Italy.

Ảnh hưởng của nCoV ngày càng lan rộng. 10 thị trấn ở phía nam và một thị trấn ở phía đông Milan thuộc vùng Lombardy đã bị phong tỏa. Số ca nhiễm nCOV tiếp tục tăng lên hơn 200 người, với 6 ca tử vong và tất cả đều là người cao tuổi.

Ngay cả trước khi chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm, virus corona đã bắt đầu tàn phá vùng đất công nghiệp giàu có phía bắc Italy, nơi có thành phố Milan. Giờ đây, tác động kinh tế lớn hơn đang dần hình thành.

"Cuộc khủng hoảng đang xảy ra trong những ngày này chắc chắn sẽ tác động đến nền kinh tế của Italy", Marco Barbieri, tổng thư ký hiệp hội thương mại hàng đầu Confcommercio Milan, nhận định.

Milan đóng góp 10% vào nền kinh tế Italy và cả vùng Lombardy là hơn 20%. Thị trường chứng khoán ở Milan giảm hơn 5% trong phiên đóng cửa ngày 24/2 vì lo sợ những điều có thể xảy ra nếu virus lan rộng.

Ba tuần trước, ông Barbieri ước tính virus corona có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy giảm 0,3%. Con số này dự kiến có thể còn lớn hơn với Italy, quốc gia có tăng trưởng kinh tế chậm nhất Liên minh châu Âu (EU), bởi chính phủ đang tăng cường hạn chế hoạt động kinh tế và đi lại của người dân. Để giảm nhẹ ảnh hưởng đối với các thị trấn bị phong tỏa, chính phủ Italy cho biết sẽ áp dụng các biện pháp tương tự khi ứng phó với động đất, như ngừng hoạt động thanh toán thuế.

Quyết định tạm ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc do dịch Covid-19 đưa ra cuối tháng 1 đã phá vỡ chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Italy có chi nhánh ở Trung Quốc hoặc có thị trường ở đó. Ông Barbieri ước tính lợi nhuận của các công ty xuất nhập khẩu với Trung Quốc sẽ giảm 20%.

Tối 24/2, khu phố người Hoa nhộn nhịp và sầm uất ở Milan, nơi kinh doanh sụt giảm do nỗi sợ virus corona, gần như vắng tanh khi chính quyền địa phương yêu cầu tất cả quán bar và cà phê phải đóng cửa lúc 6h tối.

"Tình huống mà chúng tôi đang trải qua thực sự đáng lo ngại", Giorgio Armani, nhà thiết kế có vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp thời trang Milan, viết trong email. Ông cho biết mình cần có trách nhiệm đóng cửa tất cả nhà máy và văn phòng của công ty ở Italy, đồng thời tuân thủ những biện pháp phòng ngừa của khu vực.

"Tháng trước, tôi đã hủy tất cả chuyến đi không quan trọng đến và đi từ Trung Quốc vì lo sợ virus corona. Tôi hy vọng rằng tình hình sẽ trở lại bình thường sớm nhất có thể. Khi đó, tôi sẽ là người đầu tiên tái khởi động", ông nói thêm.

kinh do thoi trang milan hiu quanh vi ncov
Quán cà phê vắng khách ở thành phố Milan hôm 24/2. Ảnh: NY Times.

Nhưng hiện tại, việc trở lại nhịp sống bình thường dường như còn khá xa.

Dù các quốc gia láng giềng châu Âu không đóng cửa biên giới với Italy, quốc gia này vẫn lo ngại bị tẩy chay. Đảo Mauritius của châu Phi từ chối tiếp nhận hành khách của hãng hàng không Alitaia đến từ miền bắc Italy, nếu họ không cách ly.

Điều này cũng xuất hiện trong chính Italy khi những ca nhiễm bệnh xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau. Tại vùng Basilicata ở phía nam Italy, khu vực từ lâu bị xem là lạc hậu so với miền bắc giàu có, đã thông báo cách ly với tất cả người đến từ phía bắc.

"Nếu những động thái như vậy lan rộng, cả Italy sẽ dừng hoạt động. Tất cả mọi thứ xảy ra ở quốc gia này đều bị chặn lại", Attilio Fontana, thống đốc vùng Lombardy, cho hay.

Giới chức Italy chưa tìm ra nguyên nhân khiến virus corona lây lan mạnh ở miền bắc. Họ đang tập trung theo dõi hoạt động của người đàn ông giấu tên nhiễm virus, được gọi là "bệnh nhân số 1", hiện điều trị ở thị trấn phong tỏa Codogno. Nhưng "bệnh nhân số 0" vẫn là ẩn số, làm dấy lên cảm giác virus corona đang vượt ngoài tầm kiểm soát.

Milan, thành phố đầy năng lượng, sáng tạo và quyến rũ, đã bắt đầu cảm thấy tê liệt. "Bạn có thể nhận thấy sự khác biệt", Schynaider Garnero, 30 tuổi, người mẫu Brazil, nói khi đứng ngoài khách sạn Armani sáng qua.

Garnero tới đây để tham dự tuần lễ thời trang Armani nhưng nó đã bị hoãn. "Có rất ít người đi lại trên phố và rất nhiều người đã rời đi", cô nói.

Zeynep Kokrerek, 21 tuổi thật sự nóng lòng rời khỏi thành phố này. Đại học Kinh tế Bocconi hàng đầu ở Milan, nơi Kokrerek đang theo học, đã hủy tất cả các lớp tuần tới. Kokrerek đã đặt vé về Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng 25/2 vì sợ bị mắc kẹt ở Milan, nếu chính phủ ra lệnh phong tỏa.

Cô cho biết không có hiệu thuốc nào, kể cả nơi cô vừa rời đi, còn khẩu trang để bán. Cô cũng nói thêm có nhiều sinh viên Trung Quốc ở Bocconi và nhiều người trong số họ vừa quay lại trường sau kỳ nghỉ Tết ơ Trung Quốc. Tất cả họ thường học cùng nhau ở thư viện.

"Chúng tôi không cảm thấy an toàn", cô nói.

"Tất cả bạn học người miền nam Italy đều rời trường. Bạn người Pháp cũng vậy. Tất cả đều đang rời đi", bạn của Kokrerek, Tara Kamer, 20 tuổi, nói thêm.

Nhiều người dùng mạng còn chế giễu hoàn cảnh của Milan, trong đó có bức tranh "Bữa tối cuối cùng" của danh họa Da Vinci trở thành bàn tiệc không có người. Thống đốc Lombardy cũng cảnh báo những tên trộm đã lợi dụng tình hình để lẻn vào nhà dân, khi mặc áo vest và giả làm quan chức y tế cộng đồng.

Một số cư dân Milan cho biết họ đang cố gắng để kiềm chế nỗi sợ hãi.

"Nó là dịch hạch", Graziella Madda, 55 tuổi, nói đùa khi đứng bên ngoài cửa hiệu giặt khô của ở cạnh nhà thờ San Carlo al Lazzaretto, nơi từng là khu nhà dành cho những người mắc dịch hạch được bao quanh bởi một con hào vào thế kỷ 15. Nhà thờ này cũng từng là bối cảnh trong tiểu thuyết "The Betrothed" nổi tiếng của nhà văn Alessandro Manzoni, trong đó bác sĩ và quan chức đã đánh bại thảm họa dịch hạch năm 1630.

Madda cho hay dù việc đóng cửa các quán bar và hủy các sự kiện là điều cần thiết, nhưng bà vẫn quyết định mở cửa hiệu của mình bởi Milan chính là động lực duy trì hoạt động của Italy. "Chúng tôi phải tiến về phía trước", bà nói.

Nhưng du khách ở Milan cảm thấy thành phố có vẻ hiu quạnh hơn nhiều. Tại thánh đường Duomo, Nichola MacGuinness, du khách từ Frankfurt, Đức đến Milan cùng gia đình hôm 23/2, đọc thông báo ở cổng vào rằng nhà thờ đóng cửa hai ngày 24-25/2 và có thể lâu hơn phụ thuộc vào tình hình thực tế.

"Cảm giác thật đáng sợ", cô nói và bày tỏ sự thất vọng khi nhà thờ đóng cửa, dù hiểu rằng đây có lẽ là điều tốt.

"Chúng tôi đã đi bộ rất nhiều, nhìn ngắm mọi thứ bên ngoài và lập danh sách những nơi muốn tới khi trở lại đây lần nữa", MacGuinness nói và thêm rằng "nó có thể là điều mà chúng tôi phải tập sống cùng".

kinh do thoi trang milan hiu quanh vi ncov
Đại học Milan vắng bóng sinh viên hôm 24/2 sau thông báo đóng cửa ít nhất một tuần. Ảnh: NY Times.

Bên ngoài nhà hát La Scala, hai phụ nữ đến từ Naples, phía nam Italy, ngồi trên chiếc ghế dài dưới ánh nắng và phàn nàn về sự vắng vẻ của thành phố. "Đây là thời điểm không phù hợp để đi du lịch", Maura Rivitera nhún vai nói.

Cô đã đổi vé máy bay sớm hơn để trở về phía nam bởi lo ngại rằng vùng Campani của cô sẽ có thể là nơi tiếp theo từ chối người đến từ phía bắc, hoặc yêu cầu họ phải cách ly nếu tình hình ở Milan tệ hơn.

Là giáo viên, Rivitera đang cân nhắc có nên tự cách ly hay không bởi các học sinh của cô đang đợi cô trở về. Tuy nhiên, cô và người bạn của mình không để điều đó làm ảnh hưởng tới chuyến nghỉ ngơi ở Milan.

"Đêm qua chúng tôi đã đi nhảy tại vũ trường có tên là Spirit", Eleonara D\'Elia, bạn của Rivitera, nói.

"Điều này thật điên rồ", Rivitera nói.

"Ở đó không có nhiều người nên có rất nhiều phòng nhảy", D\'Elia nói thêm.

kinh do thoi trang milan hiu quanh vi ncov Kinh đô thời trang Milan hiu quạnh vì nCoV

Milan, thủ phủ thời trang của Italy, chưa bị phong tỏa vì dịch viêm phổi nhưng đã trở nên vắng lặng.

Thanh Tâm (Theo NY Times)

/ vnexpress.net