- Trình Quốc hội cho lùi thời hạn xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
- Bộ trưởng Công Thương: Sửa đổi Luật Dầu khí sẽ giải quyết 6 nhóm chính sách
Theo Chủ tịch Quốc hội, chúng ta yêu cầu Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp thì công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính.
Kiên quyết với tình trạng cài cắm lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật là một yêu cầu bức thiết đang đặt ra. Chỉ khi làm tốt yêu cầu này thì hệ thống pháp luật mới thực sự vì lợi ích chung, công khai, minh bạch, tinh thần thượng tôn pháp luật mới được đảm bảo.
Hai nhóm lợi ích cơ bản xuất hiện trong quy trình xây dựng chính sách pháp luật, đó là các cơ quan quản lý, bộ, ngành là cơ quan được giao chuẩn bị các dự án luật và nghị định cũng như ban hành các thông tư thường hướng tới lợi ích của ngành, lĩnh vực mình phụ trách; tiếp theo là nhóm lợi ích từ các đối tượng chịu tác động của chính sách, mong muốn chính sách pháp luật đưa ra có lợi cho nhóm của mình.
Tham nhũng chính sách xuất hiện ngay từ khâu đầu tiên là hoạch định chính sách. Lúc này, nhóm lợi ích thực hiện vận động hành lang, thậm chí bôi trơn để lợi ích của mình được luật hóa, trước hết là được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật.
Trong giai đoạn xây dựng và ban hành chính sách, tham nhũng có thể xảy ra với những hình thức rất tinh vi như việc thêm, bớt các câu chữ có lợi cho nhóm lợi ích mình hoặc những thủ tục, "giấy phép con" không cần thiết vào văn bản quy phạm pháp luật. Cách thức này thường xuất hiện trong các văn bản hướng dẫn luật.
Trong giai đoạn thông qua chính sách, việc vận động hành lang, bôi trơn lại được nhóm lợi ích tiến hành nhằm thúc đẩy việc ban hành chính sách pháp luật.
Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phân tích, có ba khía cạnh xem xét để nhận định văn bản pháp luật là vì mục đích chung hay lợi ích riêng. Cụ thể, mục đích của chính sách đó nhắm vào đối tượng nào; những quy định, nội dung của các văn bản pháp luật quy định như thế nào, thuận lợi cho ai; khi triển khai, sử dụng công cụ pháp lý đó thì kết quả mang lại cho ai.
Theo bà Trần Thị Dung - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy bam Pháp luật của Quốc hội, để hạn chế lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành cần được đề cao.
“Xây dựng pháp luật, thể chế, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ nhất để ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng quyết liệt, các thành viên Chính phủ quyết liệt thì việc đó mới thực hiện được. Bởi vì làm dự thảo ở đây gắn với các bộ, ngành được phân công. Vậy thì không chỉ Thủ tướng mà các thành viên Chính phủ phải quyết liệt và phải nghiêm túc thực hiện thì mới tạo được sự đồng bộ, mới giảm được lợi ích nhóm trong xây dựng luật", bà Dung nhận định.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần sớm thể chế quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó lưu tâm các cơ chế thực chất để đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật nói chung.
“Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật là công việc chung của toàn hệ thống chính trị, không phải là nhiệm vụ riêng của một cơ quan Nhà nước nào. Vì vậy, việc ban hành quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật nói chung”, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhận định, hiện nay pháp luật của Nhà nước đã quy định tương đối đầy đủ về việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, quy định đối với trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên về vấn đề này còn ít, nằm rải rác trong các văn bản của Đảng, chưa có văn bản riêng. Do đó, việc ban hành quy định này là cần thiết.
“Chủ thể kiểm soát cấp ủy Đảng, cơ quan Đảng, đảng viên nhưng không thể không có các cơ quan nhà nước. Phải có người đứng đầu và người có thẩm quyền trong xây dựng pháp luật. Ví dụ bây giờ chỉ có cấp ủy, đảng viên thì không hẳn mà phải có cả cơ quan nhà nước, có cả cán bộ, người thực thi nhiệm vụ và có thể đối tượng không phải là đảng viên thì vẫn phải kiểm soát” - ông Nguyễn Khắc Định cho biết.
Kiên quyết với những dự án luật cài cắm lợi ích nhóm cũng là chỉ đạo xuyên suốt của người đứng đầu Quốc hội ngay từ đầu nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chúng ta yêu cầu Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp thì bản thân công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính, không được để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ cài cắm vào trong quá trình xây dựng pháp luật. Đó là điều mà Đảng đoàn Quốc hội các nhiệm kỳ và nhiệm kỳ này tiếp tục lưu ý.
"Với tinh thần làm việc ngày đêm để đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển, tất cả dự án luật và dự thảo, nghị quyết không đảm bảo chất lượng thì dứt khoát trả lại cho cơ quan trình. Không thể chấp nhận những dự án luật sơ sài, đưa ra để biểu quyết và sau đó một thời gian ngắn lại phải sửa vì không đáp ứng được yêu cầu kiến tạo, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Xây dựng hệ thống pháp luật, minh bạch, bảo đảm bảo vệ lợi ích chung là cơ sở quan trọng tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cho cuộc sống của người dân phụ thuộc phần lớn vào một quy trình liêm chính, công khai, thúc đẩy sự giám sát của người dân và các cơ quan đại diện dân cử. Liêm chính trong quy trình xây dựng luật là trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo và cơ quan lập pháp.