Từ ngày 15.11.2019 đến ngày 15.2.2020, người dân và du khách khi muốn lên núi Sơn Trà phải đăng ký để cấp thẻ và chỉ được tham quan một số tuyến đường, địa điểm nhất định. Quyết định này được nhiều người hoan nghênh bởi những vụ tai nạn giao thông tại Sơn Trà ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tính toán này của Đà Nẵng chỉ nhắc về khía cạnh du lịch trong khi Sơn Trà còn là khu bảo tồn, khu quân sự của miền Trung, Việt Nam.
Từ ngày 15.11.2019 đến ngày 15.2.2020, người dân và du khách khi muốn lên núi Sơn Trà phải đăng ký để cấp thẻ và chỉ được tham quan một số tuyến đường, địa điểm nhất định. Quyết định này được nhiều người hoan nghênh bởi những vụ tai nạn giao thông tại Sơn Trà ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, tính toán này của Đà Nẵng chỉ nhắc về khía cạnh du lịch trong khi Sơn Trà còn là khu bảo tồn, khu quân sự của miền Trung, Việt Nam.
Cấm xe tay ga, hạn chế khu vực tham quan
Đầu tháng 11 vừa qua, UBND thành phố đã triển khai thí điểm công tác quản lý, bảo đảm an toàn cho du khách khi dã ngoại, tham quan tại bán đảo Sơn Trà, thực hiện thí điểm trong 3 tháng. Với quyết định này, tất cả số lượng người lên xuống bán đảo Sơn Trà dã ngoại, tham quan, làm việc… sẽ được cấp phát thẻ qua trạm gác với hai loại màu vàng dành cho đối tượng nghiên cứu, sản xuất trồng rừng… và màu xanh dành cho khách.
Đặc biệt, một số đoạn đường tham quan trên Sơn Trà như đoạn từ đường Hoàng Sa đến Bãi Bắc, đi Đỉnh Bàn Cờ, Cây Đa di sản, Đà Nẵng cho phép các phương tiện di chuyển trừ xe gắn máy sử dụng hộp số tự động (xe tay ga), có đoạn cấm xe trên 24 chỗ ngồi hoặc chuyển thành di chuyển 1 chiều. Đối với các tuyến đường còn lại, các tuyến nhánh do hiện trạng hạ tầng không đảm bảo an toàn giao thông nên không cho phép các phương tiện di chuyển trên các tuyến đường này (trừ phương tiện phục vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ rừng...). Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn chủ trì cùng các đơn vị quân đội có trụ sở làm việc trên bán đảo Sơn Trà thực hiện việc lắp đặt bảng cấm và rào chắn tại các lối vào khu vực không cho phép dã ngoại, tham quan.
Chưa hết, thời gian tổ chức tham quan du lịch tại Sơn Trà cũng được siết lại từ 7h30 đến 19h hằng ngày. Khách du lịch được phép dã ngoại, tham quan trên 3 tuyến tại bán đảo Sơn Trà. Trong đó, từ 17h30 thực hiện khóa rào chắn và không đón khách dã ngoại, tham quan. Từ 19h00 - 7h30 ngày hôm sau, không cho phép các hoạt động dã ngoại, tham quan, trừ những hoạt động đã được cấp phép của các cơ quan chức năng cho tổ chức thực hiện.
Với những sự thay đổi trên, Đà Nẵng đồng thời tổ chức vận hành dịch vụ xe trung chuyển, khách du lịch sử dụng xe tay ga hoặc ôtô trên 24 chỗ ngồi trước khi lên các tuyến tham quan phải thực hiện chuyển đổi phương tiện tại bãi xe trung chuyển. Nhiều trạm gác sẽ được lắp đặt để kiểm soát khách và phương tiện lên Sơn Trà. Như vậy, trong 3 tháng tới, Sơn Trà sẽ được kiểm soát từ số lượng du khách đến từng phương tiện. Thậm chí, du khách có thể không tiếp cận được nhiều tuyến đường và phải thực hiện tham quan theo đúng giờ và các tuyến quy định.
Tính toán kỹ công năng Sơn Trà
Trước quyết định này của Đà Nẵng, có ý kiến cho rằng chính quyền đã “cảm tính” khi cấm xe tay ga, cứng nhắc khi quy định giờ giấc, cấm các tuyến đường. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Minh Hải - Phó Trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng - lý giải, mục tiêu của thành phố hướng đến khi thực hiện thí điểm quản lý Sơn Trà lần này là giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho du khách, phòng chống cháy nổ và đưa một dịch vụ mới vào phục vụ du khách. Về lâu dài, thành phố sẽ có mô hình quản lý Sơn Trà một cách khép kín, để đảm bảo tốt hơn cho Sơn Trà về mọi mặt chứ không riêng gì vấn đề du khách.
Thời gian qua, các vụ tai nạn có liên quan đến xe tay ga gia tăng, trong khi nhiều tuyến đường tại Sơn Trà có độ dốc cao nên thành phố đưa ra giải pháp tạm thời cấm xe tay ga, cấm di chuyển ở các tuyến đường dốc. Trong khi đó, Sở Du lịch cũng đang xây dựng đề án, đề xuất có thể sẽ cấm cả phương tiện cá nhân lên Sơn Trà thay vào đó là mô hình xe vận chuyển hành khách đến những điểm tham quan, ở một số vị trí được cho phép. Từ đó, thành phố cũng sẽ kiểm soát số lượng khách đến Sơn Trà. “Một khu bảo tồn thiên nhiên, có vị trí chiến lược an ninh quốc phòng mà ai muốn lên giờ nào cũng được thì cơ quan chức năng có muốn quản lý khó mà quản lý hết” - ông Hải cho hay.
Cùng góp ý cho Đà Nẵng, ông Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho rằng, muốn quản lý vấn đề giao thông, du khách hay bảo tồn tại Sơn Trà thì đầu tiên Đà Nẵng phải xác định lại công năng của Sơn Trà là gì rồi mới bàn đến chuyện tính năng; sau đó mới có quy trình như việc cấm phương tiện cá nhân, sử dụng xe vận chuyển hành khách như thế nào, đi đến đâu cho an toàn…
“Trong đó, đặc biệt lưu ý bán đảo Sơn Trà trước hết là một trong những vị trí an ninh quốc phòng, an ninh biển đảo có vai trò quan trọng. Sau đó mới đến mặt sinh học, Sơn Trà có một hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú cần được bảo vệ theo hướng duy tu bảo tồn. Cuối cùng mới là kết hợp các hoạt động du lịch tại Sơn Trà nhưng không phải chỗ nào du khách cũng được đến. Du lịch tại Sơn Trà có thể chỉ cần đi bộ, du khách được đến những điểm dừng ở dưới và phát triển du lịch quanh bờ biển bằng tàu thuyền...” - ông Thuận nói.