Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Đề án, trong đó xác định sáu nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Bãi rác tại huyện Nga Sơn gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN) |
Thời gian qua, nhiều vấn đề bức xúc, điểm nóng về ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng ở nhiều vùng, nhiều lĩnh vực, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chất lượng môi trường tiếp tục bị xuống cấp ở một số nơi, đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.
Đặc biệt, sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung thời gian vừa qua là bài học đắt giá. Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Đề án kiểm soát đặc biệt đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Chánh Văn phòng Bộ tài nguyên và Môi trường Tăng Thế Cường cho biết Bộ cùng cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp đã đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các quy định, cơ chế, công cụ, biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường và đã đạt được những kết quả, bài học nhất định, góp phần phòng ngừa, hạn chế, làm giảm sự gia tăng ô nhiễm về ô nhiễm môi trường.
Tuy vậy, cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, tại Việt Nam còn tồn tại nhiều dự án, cơ sở sản xuất công nghiệp có nguy cơ cao xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, tác động đến nhiều mặt, nhiều đối tượng của đời sống kinh tế, xã hội song đến nay chưa có các giải pháp quản lý, giám sát chặt chẽ, hiệu quả; chưa có các biện pháp kiểm soát đặc thù về môi trường đối với nhóm đối tượng này.
Việc xây dựng và thực hiện Đề án kiểm soát đặc biệt đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao góp phần chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa nguy cơ gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sự cố môi trường trong tương lai. Đồng thời, thực hiện quyết tâm không chấp nhận việc thu hút đầu tư để ảnh hưởng đến môi trường, không đánh đổi phát triển kinh tế với hủy hoại môi trường mà Chính phủ đặt ra.
Hệ thống xử lý nước thải của Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN) |
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Đề án, trong đó xác định sáu nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đó là rà soát các dự án, cơ sở sản xuất thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, xác định đối tượng và lập danh mục các dự án, cơ sở sản xuất cần kiểm soát đặc biệt cấp Trung ương và cấp tỉnh; rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường, các báo cáo đăng ký, xác nhận, chứng nhận, giấy phép, chấp thuận điều chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, thanh tra và lập hồ sơ môi trường của từng dự án, cơ sở sản xuất thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt; đề xuất bổ sung, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu thấy cần thiết đối với các dự án chưa triển khai trên thực tế; rà soát, đánh giá nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu cải tiến, đổi mới về công nghệ sản xuất; cải tiến công trình và biện pháp bảo vệ môi trường; tăng cường năng lực phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; tăng cường năng lực quản lý và giám sát môi trường; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ về môi trường của từng dự án, cơ sở sản xuất thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt.
Mặt khác, Bộ xác lập chế độ giám sát đặc thù về môi trường; chế độ báo cáo, thanh tra, kiểm tra đối với từng dự án, cơ sở sản xuất thuộc danh mục kiểm soát đặc biệt; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát về môi trường; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về các dự án, cơ sở sản xuất thuộc danh mục cần kiểm soát đặc biệt trên phạm vi cả nước; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về kiểm soát đặc biệt đối với dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Danh mục các loại hình sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường gồm luyện gang, thép; nhiệt điện; khai thác, chế biến khoáng sản kim loại có sử dụng hóa chất độc hại; sản xuất giấy, bột giấy; nhuộm (vải, sợi); mạ; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; sản xuất xi măng; sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học (trừ loại hình phối trộn); lọc hóa dầu; thuộc da; chế biến thủy sản; chế biến mía đường; sản xuất pin, ắcquy và xử lý chất thải.