Khủng hoảng khí đốt sớm lan sang châu Á?

Các nguồn cung cấp và dự trữ khí đốt tại châu Á có thể đủ cho hiện tại, nhưng khả năng duy trì đến 2023 sẽ là một dấu hỏi.

Hàng loạt quốc gia Bắc bán cầu bước vào mùa đông đầu tiên trong tình trạng thị trường năng lượng chịu những biến động địa chính trị nghiêm trọng, trong đó có xung đột quân sự tại Ukraine.

Tăng cạnh tranh

Trong bối cảnh cuộc chiến khí đốt diễn ra giữa Nga và châu Âu, các khách hàng châu Á cảm thấy tác động rõ rệt. Việc Moskva hạn chế cung cấp khí đốt qua đường ống cho EU, và việc phương Tây quyết tâm dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch Nga, đã khiến nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng mạnh mẽ trên toàn cầu.

Khủng hoảng khí đốt sớm lan sang châu Á? - 1

Tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng đến Nhật Bản. (Ảnh minh họa: Kyodo)

Châu Âu dần trở thành khách hàng mua LNG nhiều hơn, làm thay đổi dòng chảy trên thị trường. Các nước châu Á – vốn là các nhà nhập khẩu lớn nhất – nay phải nhanh chóng đảm bảo nguồn cung cấp cho mùa đông và xa hơn, nếu không muốn rơi vào tình trạng thiếu hụt.

Ông Takayuki Nogami, nhà kinh tế trưởng tại Tập đoàn dầu khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (Jogmec) nhận xét: “Châu Á giờ cũng phải cố gắng cạnh tranh với châu Âu để giành lấy LNG, vì nguồn năng lượng này với châu Âu không còn chỉ là một nguồn năng lượng bổ sung”.

Tuần này, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố báo cáo “Tầm nhìn Năng lượng Thế giới” (World Energy Outlook). Theo IEA, lượng nhập khẩu LNG của châu Âu tăng 65% trong 8 tháng đầu năm 2022, so với cùng kỳ năm 2021. Phần nhập khẩu tăng thêm bắt nguồn từ nhu cầu dự trữ khí đốt cho mùa đông của châu Âu. Tính đến cuối tháng 9, mức dự trữ của châu Âu là 87% kho chứa.

Nhu cầu ở châu Âu có thể tự giảm theo xu hướng trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau, với mức giảm ước tính rơi vào khoảng 15% so với nhu cầu trung bình 5 năm. “Đây là câu hỏi về việc chúng ta sẽ cắt giảm nhu cầu ra sao và thời tiết sẽ như thế nào”, ông Naohiro Niimura, cộng sự tại công ty tư vấn rủi ro thị trường Nhật Market Risk Advisory, bình luận về thị trường LNG.

Khủng hoảng khí đốt sớm lan sang châu Á? - 2

Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) châu Á tăng mạnh trong tháng 8. (Đơn vị tính: USD/ 1 triệu đơn vị nhiệt Anh BTU)

Châu Âu thực tế đã hưởng lợi từ việc nhu cầu ở những nơi khác giảm. Ông Hiroshi Hashimoto, trưởng nhóm nghiên cứu về khí đốt tại Viện Kinh tế năng lượng Nhật Bản (IEEJ), nói: “Khi châu Á giảm nhập khẩu LNG vào nửa đầu năm 2020, thị trường châu Âu có sẵn thêm nhiều khí đốt”.

Nguy cơ với châu Á?

Trong tháng 8, theo công ty S&P Global Platts, giá JKM (Japan Korea Marker – chỉ số phản ánh giá trị tại thị trường giao ngay của LNG, được vận chuyển đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), tăng lên mức cao nhất 69 USD/1 triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh). Đến thời điểm hiện tại, giá LNG giao ngay đã tạm hạ nhiệt.

Khi giá LNG tăng, Trung Quốc, nhà nhập khẩu lớn nhất mặt hàng này, cắt giảm lượng mua và thay vào đó tăng cường sử dụng khí đốt tự nhiên cũng như than nội địa, tăng nhập khẩu khí đốt qua đường ống. Nhu cầu ở Trung Quốc giảm một phần do COVID-19 và nền kinh tế chững lại.

Massimo Di Odoardo, chuyên gia nghiên cứu về khí đốt và LNG tại Wood Mackenzie, cho biết: “Nhu cầu LNG ở Trung Quốc sẽ tăng lên trong suốt mùa đông, nhưng nước này vẫn được cung cấp đầy đủ theo hợp đồng và chưa phải mua LNG giao ngay, trừ khi mùa đông đặc biệt lạnh”.

Và nhìn chung, các kho dự trữ LNG khác của châu Á cũng tương đối mạnh. Tính đến tháng 6, dự trữ LNG ở Nhật Bản và Hàn Quốc cao hơn 8% so với mức trung bình 5 năm. Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc cho biết công ty khí đốt tự nhiên nhà nước Korea Gas sẽ có 90% công suất dự trữ LNG vào tháng 11. Trong khi đó, theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, dự trữ LNG của các công ty sản xuất điện lớn nhất nước này ở mức 2,5 triệu tấn tính đến ngày 16/10, cao hơn mức trung bình 5 năm là 1,8 triệu tấn.

Các nhà phân tích cho rằng các nước nhập khẩu khí đốt này có thể chưa rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung ngay lập tức, nhưng một mùa đông khắc nghiệt bất ngờ có thể khiến mọi thứ thay đổi.

Nội các Nhật Bản trong tháng này thông qua những thay đổi đối luật cho phép Jogmec mua khí đốt khi các công ty tư nhân không thể đảm bảo nguồn cung. Tại Hàn Quốc, chính phủ tháng trước tổ chức cuộc họp với các công ty khí đốt để thảo luận về nguồn cung cho mùa đông năm nay. Trong cuộc họp, Korea Gas cho biết không thấy có vấn đề gì với việc nhập khẩu LNG. Tuy nhiên, công ty đã có kế hoạch đảm bảo nguồn cung bổ sung cho mùa này và theo dõi cẩn thận thị trường quốc tế.

Qatar, nhà xuất khẩu LNG lớn thứ hai thế giới vào năm 2021, đảm bảo sẽ đáp ứng tất cả các hợp đồng cho khách hàng châu Á, bất chấp nhu cầu từ châu Âu tăng lên. Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida al-Kaabi nói với Nikkei Asia vào ngày 18/10: “Qatar hoàn toàn cam kết tôn trọng các hợp đồng của mình, chúng tôi sẽ không lấy hàng từ người mua châu Á và chuyển hướng sang châu Âu”.

Khủng hoảng khí đốt sớm lan sang châu Á? - 3

Lượng nhập khẩu LNG của châu Âu (bao gồm EU và Anh), Nhật và Trung Quốc, từ tháng 1/2021 - 9/2022. Đơn vị tính: Triệu tấn. 

An ninh năng lượng "bấp bênh"

Bất chấp nỗ lực cắt giảm nhu cầu của các nước và sự xuất hiện của các nguồn cung mới, các nhà phân tích cho rằng an ninh năng lượng đối với nhiều nước vẫn còn khá bấp bênh. 

Ông Odoardo ở Wood Mackenzie cho biết: “Châu Âu có thể chỉ dự trữ được từ 80% đến 85% lượng khí đốt vào cuối tháng 10/2023. Tuy nhiên, nếu mùa đông này lạnh hơn mức trung bình và xuất khẩu của Nga sang EU bị cắt giảm hơn nữa, kể cả khi nhập khẩu tối đa LNG, châu Âu có thể chỉ có từ 60% đến 70% lượng khí trong kho. Trong hoàn cảnh đó, các biện pháp cắt giảm nhu cầu sẽ là không thể tránh khỏi".

Ngoài những rủi ro liên quan đến Nga, một số yếu tố năm nay đã khiến nguồn cung khí đốt bị gián đoạn bất ngờ, bao gồm hỏa hoạn tại nhà máy LNG Freeport ở bang Texas, Mỹ, đình công tại cơ sở LNG của Shell ở Australia và tuyên bố bất khả kháng của nhà sản xuất khí đốt Petronas Malaysia sau khi đường ống bị rò rỉ.

Đối với Nhật Bản, rủi ro liên quan đến nguồn cung cấp khí đốt từ dự án Sakhalin-2 ở Nga, khi đối tác vận hành là Shell từ bỏ dự án này. Nhật Bản nhập khẩu khoảng 9% LNG từ dự án.

Hashimoto tại IEEJ cho biết: “Ngay cả khi chúng ta vượt qua mùa đông sắp tới mà không gặp bất cứ vấn đề gì, thách thức thực sự là làm thế nào vượt qua mùa đông tiếp theo. Chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm nhu cầu".

https://vtc.vn/khung-hoang-khi-dot-som-lan-sang-chau-a-ar709255.html

PHƯƠNG ANH / VTC News