PGS-TS Trần Văn Tớp (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, hiện nay chất lượng đào tạo chính quy và tại chức vẫn khác xa nhau, nên rất khó thực hiện việc không phân biệt văn bằng.
Thí sinh phải vất vả vượt qua kỳ thi THPT Quốc gia để giành suất vào một trường đại học chính quy. Ảnh: Hải Nguyễn |
Tại Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, Luật Giáo dục đại học do Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng tổ chức, nhiều đại biểu đã đưa ra băn khoăn về quy định tại Điều 6 Dự thảo Luật Giáo dục Đại học, đặc biệt sẽ tiến tới không phân biệt bằng đại học chính quy hay tại chức.
PGS -TS Trần Văn Tớp (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) nêu ra một loạt những bất cập nếu áp dụng điều này.
“Giữa 2 loại hình đào tạo vẫn còn khoảng cách do cách thức tuyển sinh, quản lý đào tạo, quan niệm của xã hội và người sử dụng lao động, do thời gian tập trung cho việc học tập, quan niệm của cả người học và cơ sở đào tạo.
Trong khi hệ chính quy tuyển rất khắt khe, một số trường xét tuyển theo hồ sơ nhưng chỉ nhằm vào học sinh khá, giỏi. Trong khi đó, việc tuyển sinh hệ đào tạo tại chức dễ hơn.
Nếu hệ không tập trung tuyển sinh chặt chẽ và lấy điểm chuẩn đầu vào như đại học hệ tập trung thì khó, thậm chí không thể tuyển. Ngay cả khi xét tuyển được, khả năng tốt nghiệp của sinh viên hệ này cũng thấp do áp dụng thi cử, đánh giá như của hệ tập trung” - PGS-TS Trần Văn Tớp phân tích.
PGS –TS Trần Văn Tớp. Ảnh: Thanh Hùng |
Ngoài ra, ông cho rằng người học hệ không tập trung rất khó có đủ thời gian để đảm bảo học và tự học. Thời gian tập trung chỉ khoảng 5-6 tháng so với hệ chính quy là 10 tháng/1 năm.
Từ đó, theo PGS –TS Trần Văn Tớp, đề xuất nêu trong Luật sửa đổi khó khả thi ở thời điểm hiện tại, dù đây là điểm mới, cập nhật theo xu hướng trên thế giới.
Ông cho rằng nó chỉ có thể thực hiện khi mọi quy trình và chất lượng đào tạo phải giống nhau từ khâu tuyển sinh đầu vào, quản lý đào tạo, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, đến cách thức thi cử và đánh giá.
Một số đại biểu khác cũng có băn khoăn này.
Trước lo ngại của các đại biểu và dư luận về việc sẽ không phân biệt bằng chính quy và tại chức, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh: “Ghi hay không ghi hình thức đào tạo lên văn bằng thì Bộ GDĐT sẽ cân nhắc các ý kiến mà thầy cô, các chuyên gia góp ý. Đa phần các nước trên thế giới không ghi rõ bằng chính quy và bằng không tập trung, nhưng ở nước ta, xét thực tế vẫn còn nhiều lo ngại về chất lượng. Hiện nay trong dự thảo luật chưa quy định rõ, ghi thế nào thì sau này Bộ trưởng sẽ quyết định cụ thể”.
Bằng ĐH chính quy, tại chức: Không nên tầm thường hóa bằng cấp Việc “cắt bỏ” hệ đào tạo tại chức, chính quy trên các tấm bằng sẽ không thể xóa đi định kiến phổ biến về sự ... |
Những quy định của bộ GD và ĐT khiến xã hội “sôi sục” Đào tạo chính quy và tại chức được cấp chung một bằng, bỏ biên chế giáo viên, cộng điểm đại học cho mẹ Việt Nam ... |