Không phải Trung Quốc, đây mới là đối thủ đang ‘tranh giành’ LNG với châu Âu: Là nhà nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, LNG Mỹ, Qatar ngày càng đắt hàng

Nhà nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung LNG, trở thành một trong những đối thủ cạnh tranh khí đốt với EU.

Theo Oilprice, JERA - Tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới tại Nhật Bản đang có kế hoạch tăng cường mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để đa dạng hóa danh mục cung ứng, một giám đốc điều hành của công ty chia sẻ vào ngày 25/1.

Quốc gia này đang tìm cách tăng cường an ninh năng lượng với các nguồn cung cấp đa dạng. Điều này sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa châu Âu với Nhật Bản, đồng thời với nhà nhập khẩu lớn thứ 3 thế giới là Hàn Quốc. 

Để tham gia vào cuộc đua này, ba công ty vận tải lớn của Nhật Bản sẽ cùng nhau tăng số lượng tàu vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lên hơn 40% vào năm 2030 với tổng số tiền đầu tư hơn 1.000 tỷ yen (khoảng 6,3 tỷ USD).

Không giống châu Âu và Mỹ, những nơi có đường ống kết nối bằng đường bộ tới các nước sản xuất, Nhật Bản có truyền thống vận chuyển LNG bằng đường biển. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Năng lượng Anh, nhập khẩu LNG của Nhật Bản năm 2023 lên tới 90,3 tỷ m3 và là nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ tìm mọi cách áp dụng thuế quan nếu châu Âu không tăng cường mua dầu và khí đốt của Mỹ.

Về phần mình, Hàn Quốc cũng đang tìm cách nhập khẩu thêm dầu thô và LNG từ Mỹ để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng và giảm thặng dư thương mại với Mỹ, Bộ trưởng Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun cho biết vào tuần trước.

Hàn Quốc đang xem xét nhập khẩu nhiều năng lượng hơn từ Mỹ để có khả năng ngăn chặn thuế quan mà Tổng thống Trump đã hứa áp dụng đối với các đối tác thương mại.

Tại Nhật Bản, JERA cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp LNG để phụ thuộc vào các nhà xuất khẩu từ khu vực Châu Á Thái Bình Dương như Úc, Indonesia và Malaysia. JERA hiện mua gần một nửa tổng lượng LNG từ các nhà xuất khẩu này.

“Kế hoạch của tôi là tái cân bằng và làm cho danh mục cung cấp LNG của chúng tôi đa dạng hơn”, người đứng đầu bộ phận LNG của JERA, Ryosuke Tsugaruchia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Tsugaru cho biết, công ty  và người mua LNG muốn tăng cường đầu tư vào các dự án xuất khẩu LNG của Mỹ theo hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, giám đốc điều hành nói thêm rằng JERA sẽ giám sát các chính sách của Mỹ để đảm bảo tính bền vững lâu dài của chúng.

Ngoài việc bổ sung thêm LNG của Mỹ, công ty Nhật Bản còn đang xem xét Qatar, nhà xuất khẩu LNG lớn thứ hai thế giới sau Mỹ để có thêm nguồn cung. Ông Tsugaru cho biết thêm: “Tôi hy vọng sẽ tiếp tục và phát triển mối quan hệ đối tác LNG lâu dài với Doha”.

https://markettimes.vn/khong-phai-trung-quoc-day-moi-la-doi-thu-dang-tranh-gianh-lng-voi-chau-au-la-nha-nhap-khau-dung-thu-2-the-gioi-lng-my-qatar-ngay-cang-dat-hang-75624.html

Như Quỳnh / Markettimes.vn