Sự dễ dãi trong buôn bán thực phẩm mở đường cho những hành vi vô lương tâm, không ít kẻ bất lương chỉ vì đồng tiền bất chấp đạo đức, chế biến món ăn kém chất lượng.
Hôm qua, tôi đi ngang một con phố nhỏ gần nhà. Trên vỉa hè, một chiếc xe đẩy chất đầy thịt heo quay vàng ươm, mùi thơm nức mũi. Người bán niềm nở mời chào, khách ghé mua tấp nập. Nhìn cảnh ấy, tôi chợt tự hỏi: Liệu miếng thịt quay hấp dẫn kia có thực sự an toàn? Hay là từ con heo chết nào đó được tẩm ướp rồi biến thành sản phẩm ngon mắt thế kia?
Ở nước ta, việc buôn bán thực phẩm quá dễ dãi đến khó tin. Chỉ cần một chiếc xe đẩy, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người bán thực phẩm. Từ sáng sớm đến đêm khuya, những gánh hàng rong, điểm bán đồ ăn tạm bợ mọc lên như nấm. Không cần giấy phép, không cần kiểm định, người bán rong thoải mái bán đủ loại thức ăn sống, chín, người mua cũng vô tư tiêu thụ.
Hình ảnh những chiếc xe máy chở gia cầm, gia súc đã giết mổ phơi khắp phố phường vô cùng quen thuộc, khó mà biết nguồn gốc thực phẩm ra sao, bảo quản thế nào Chỉ cần món ăn trông ngon mắt, mùi thơm quyến rũ là đủ để thu hút khách hàng.

Ngày 21/1, Công an TP Huế phát hiện 1,8 tấn thịt quá hạn sử dụng nhiều năm, mốc meo, đổi màu và bốc mùi... tại một kho hàng.
Sự dễ dãi ấy của người tiêu dùng đã mở đường cho những hành vi vô lương tâm. Không ít kẻ bất lương chỉ vì đồng tiền mà bất chấp đạo đức, thu mua heo chết, gà chết để chế biến thành món ăn hấp dẫn. Heo quay vàng giòn bày trên xe đẩy có thể là xác heo bệnh được mua với giá rẻ. Đĩa gà kho gừng thơm lừng ở quán cơm bình dân có khi là gà chết được “hô biến” để đánh lừa thực khách.
Đáng sợ hơn, những món ăn vặt đầy màu sắc bày bán trước cổng trường như xiên thịt, kẹo, xúc xích... lại thường là thực phẩm bẩn, chứa hóa chất độc hại. Theo thống kê, trong 11 tháng của năm 2024, cả nước ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.796 người mắc và 21 người tử vong.
Sự dễ dãi còn thể hiện ở cách chúng ta xử lý những kẻ đầu độc cộng đồng. Số vụ khởi tố hình sự liên quan đến thực phẩm bẩn còn quá ít ỏi so với mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Năm 2024, Bộ Công an phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm với 8.978 người vi phạm, nhưng chỉ khởi tố 62 vụ án và 97 bị can.
Phần lớn trường hợp chỉ bị phạt hành chính, mức phạt vài triệu đồng chẳng đủ sức răn đe, khiến cho những kẻ bất lương tiếp tục đầu độc đồng loại.
Lẽ ra từ rất lâu rồi, chúng ta phải hành động quyết liệt, thực chất hơn trong việc chống thực phẩm bẩn. Tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm là điều cấp thiết, nhưng chưa đủ. Cần nâng cao chế tài xử phạt, tăng cường khởi tố hình sự đối với những kẻ cố tình sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn.
Xã hội văn minh không thể chấp nhận cảnh người ta vô tư đầu độc đồng bào mình chỉ để kiếm vài đồng lời. Hơn nữa, mỗi người dân cũng cần ý thức hơn khi lựa chọn thực phẩm. Bạn có bao giờ tự hỏi: “Món ăn này đến từ đâu?” hay chỉ đơn giản chọn vì nó rẻ và tiện?
Sức khỏe là tài sản quý giá nhất, nhưng nó đang ngày ngày bị đầu độc bởi sự dễ dãi trong cách chúng ta hành xử với việc buôn bán, tiêu thụ thực phẩm. Nếu không thay đổi, những vụ ngộ độc thương tâm sẽ không chỉ là con số trên báo, mà có thể là nỗi đau của bất kỳ ai.
Đừng để sự vô tư hôm nay phải trả giá bằng sức khỏe của ngày mai. Chúng ta xứng đáng được ăn những bữa ăn an toàn, và đó là trách nhiệm của cả cộng đồng.
https://vtcnews.vn/khong-noi-dau-buon-ban-thuc-pham-de-dai-nhu-o-ta-ar937170.html