Ngoài bờ biển Quy Nhơn, tỉnh Bình Định có dòng hải lưu nên nhận chìm không đúng vị trí sẽ gây hậu quả rất phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường và người dân
Ngày 2-11, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, cho biết vẫn chưa trình UBND tỉnh Bình Định cho phép nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải xuống biển Quy Nhơn từ phao số 0 trở ra, theo đề xuất của Cục Hàng hải Việt Nam. "Đây là vấn đề nhạy cảm nên chúng tôi đang làm trên tinh thần hết sức thận trọng. Việc nạo vét luồng lạch cho tàu ra vào cảng Quy Nhơn là rất cần thiết để phát triển kinh tế địa phương nhưng không vì thế mà làm bằng mọi giá để đánh đổi môi trường bị ô nhiễm" - ông Thành nói.
Nhiều người lo lắng việc nhận chìm bùn thải xuống biển Quy Nhơn sẽ làm mất cảnh quan nơi đây
Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch ở tỉnh Bình Định cũng bày tỏ lo ngại về dự án nhận chìm bùn thải nói trên tại vùng biển Quy Nhơn. Theo họ, việc nhận chìm 439.000 m3 bùn thải nạo vét duy tu luồng hàng hải xuống biển Quy Nhơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về môi trường cũng như phát triển kinh tế địa phương. Thứ nhất, ảnh hưởng đến hải sản tầng đáy và môi trường biển trong khu vực. Thứ hai, ảnh hưởng đến độ trong của những vùng biển lân cận.
"Độ trong của nước biển và vẻ đẹp của các bãi tắm ở Bình Định là tài nguyên vô giá được thiên nhiên ban tặng nên khi nước biển đục sẽ giảm đi rất nhiều giá trị cảnh quan. Ngoài ra, lớp bùn thải đó sẽ dần dần đẩy vào bờ và các vùng biển ven bờ bị đục theo. Tất cả những vấn đề này về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển ngành nghề du lịch, vốn được xem là kinh tế mũi nhọn ở địa phương" - ông Nguyễn Phạm Kiên Trung - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Miền Trung (trụ sở TP Quy Nhơn), Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định - nhìn nhận.
Trong khi đó, theo nhiều lão ngư ở địa phương, tầng đáy của vùng biển Quy Nhơn là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản quý hiếm như tôm hùm, các loài giáp xác và nhuyễn thể. Đây cũng là nơi cung cấp tôm hùm giống tự nhiên cho các tỉnh Nam Trung Bộ có nghề nuôi tôm hùm. "Ngoài ra, thảm cỏ biển, rạn san hô ở khu vực này cũng là nơi sinh sống của quần đàn thủy sinh. Bởi vậy, việc đổ bùn thải ra biển Quy Nhơn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các loài hải sản đang sinh tồn ở khu vực này cũng như đời sống của ngư dân địa phương" - lão ngư Phan Văn Sơn (72 tuổi, ngụ phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) nhận định.
Bên cạnh những ý kiến phản đối, nhiều cán bộ hưu trí tỉnh Bình Định cũng băn khoăn về dự án. Theo ông Tô Tử Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cách đây vài năm, chủ trương lấp 12 ha biển đoạn eo Mũi Tấn (TP Quy Nhơn) làm dự án du lịch đã để lại hậu quả nặng nề, làm đục nước biển Quy Nhơn. Vì vậy, việc nhận chìm bùn thải lần này cần được xem xét cẩn trọng và công khai cho người dân biết. Nếu người dân không đồng ý thì không nên triển khai.
Quảng Ngãi cho phép nhận chìm 62.000 m3 bùn, đất Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn cho phép Tổng Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Miền Bắc được nhận chìm 62.000 m3 chất thải từ hoạt động duy tu nạo vét luồng hàng hải Sa Kỳ xuống vùng biển xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Vật chất được phép nhận chìm gồm: cát, sạn sỏi, đá phong hóa, vỏ sò và bùn trầm tích. Thành phần được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Toàn bộ khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích 4,97 ha. |
Lo ngại về dự án nhận chìm bùn thải ra biển Quy Nhơn
Lo lắng trước đề xuất nhận chìm 439.000 m3 chất thải nạo vét duy tu luồng hàng hải xuống biển Quy Nhơn, nhiều doanh nghiệp ... |
Bất an với 439.000 m3 chất thải đổ xuống biển
Nhiều nhà khoa học lo ngại môi trường biển sẽ bị tác động xấu, ngành du lịch bị ảnh hưởng trước đề xuất đổ 439.000 ... |
http://nld.com.vn/thoi-su/khong-nhan-bun-thai-xuong-bien-bang-moi-gia-20171102214515163.htm