Không nên quan niệm nếu trẻ mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ không cần tiêm

Đến ngày 19/4, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa phương dẫn đầu về số trẻ đã tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục phân bổ hơn 1 triệu liều vaccine về các địa phương. Công tác tiêm chủng ở các địa phương diễn ra an toàn.

Vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến chiều 18/4, Thủ đô có hơn 25.000 trẻ, chủ yếu là học sinh lớp 6 đã được tiêm vaccine COVID-19. Từ ngày 19/4, Hà Nội triển khai tiêm vaccine cho học sinh lớp 4 và 5 (SN 2011 và 2012). Tại Trường Tiểu học Thịnh Hào, quận Đống Đa, nhiều học sinh lớp 4 và lớp 5 đã tiêm vaccine mũi 1 đầu tiên.

Theo chị Phạm Thanh Phương (Tây Hồ), có con học lớp 6, chị khá băn khoăn nhưng vào phút chót vẫn cho con tiêm. “Trong lớp cũng có nhiều bạn không tiêm nên tôi cũng đắn đo, cân nhắc, sau thấy lợi ích tiêm vaccine nhiều hơn nên tôi quyết định cho con tiêm”, chị Phương nói. Còn anh Bùi Văn Mạnh, ở quận Bắc Từ Liêm thì cho hay, con anh đã mắc COVID-19 nên gia đình quyết định không cho tiêm. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều phụ huynh sau khi được tuyên truyền về tác dụng của vaccine từ không đồng ý đã đồng ý cho con tiêm.

CDC_QN-1650503379796
Tiêm chủng cho trẻ em an toàn đặt lên hàng đầu.

Qua rà soát, Hà Nội có hơn 1 triệu trẻ ở lứa tuổi tiêm chủng. Thống kê năm học 2021-2022, Hà Nội có hơn 157.000 trẻ là học sinh mẫu giáo sinh từ 1/1/2016 đến 1/4/2017; hơn 743.000 học sinh tiểu học (sinh năm 2015-2011), hơn 102.600 trẻ là học sinh lớp 6 sinh từ 1/4 đến 31/12/2010. Ngoài ra, còn hơn 6.600 trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi, không đi học nhưng sống trên địa bàn thành phố.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ ở lứa tuổi này tiêm vaccine, Sở Y tế Hà Nội đã huy động tất cả các bệnh viện hạng I, hạng II, bệnh viện tuyến TP để tham gia trực tại các điểm tiêm. Đồng thời, Hà Nội cũng tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực Nhi khoa, hồi sức cấp cứu để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng. Đến chiều 18/4, Thủ đô chưa ghi nhận trường hợp phản ứng bất lợi sau tiêm chủng.

Bắt đầu tiêm chủng cho học sinh lớp 6 từ ngày 16/4, TP Hồ Chí Minh là địa phương có số trẻ tiêm mũi 1 cao nhất cả nước. Bắt đầu từ ngày 18/4, TP tiêm chủng cho tất cả các lứa tuổi theo hình thức cuốn chiếu. Tính đến chiều 18/4, TP đã tiêm cho khoảng 53.000 trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi và chưa ghi nhận trường hợp nào phản ứng hay tai biến sau tiêm.

Cùng với Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đến nay đã có hàng chục tỉnh triển khai tiêm chủng cho trẻ em ở lứa tuổi này như: Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Bạc Liêu, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Bình Dương, Cao Bằng… An toàn tiêm chủng được các địa phương đặt lên hàng đầu.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đơn vị đã có quyết định phân bổ vaccine phòng COVID-1 đợt 143 gồm 1.382.400 liều vaccine Moderna do Chính phủ Australia tài trợ cho CDC các tỉnh, thành phố trong cả nước để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó TP Hồ Chí Minh được phân bổ 193.800 liều, tiếp đến là Hà Nội 104.000 liều. Cộng với lần phân bổ trước, tổng số Viện đã phân bổ cho các địa phương hơn 2,3 triệu liều tiêm cho trẻ em ở lứa tuổi này.

 

Cha mẹ không nên lo lắng quá

Hiện nay, có nhiều phụ huynh quá lo lắng về những tác dụng phụ, mức độ an toàn của vaccine Moderna và Pfizer mà trì hoãn hoặc không cho con tiêm phòng. Theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, vaccine Moderna và Pfizer cho trẻ em sử dụng công nghệ mRNA hay ARN là công nghệ đã được phát triển nhiều năm trước đây nhằm tạo ra thuốc điều trị ung thư và các bệnh lý nguy hiểm khác. Thực tế, công nghệ này đã được sử dụng và chứng minh trên lâm sàng về tính an toàn và hiệu quả, chỉ gần đây áp dụng cho vaccine phòng COVID-19. Khi đưa vào sản xuất vaccine, cũng đã có khá nhiều câu hỏi liên quan đến tính an toàn của vaccine này, tuy nhiên với hàng trăm triệu liều vaccine sử dụng trên thế giới cũng như việc giám sát hậu bán hàng của các hãng dược, vaccine đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả hơn hẳn các công nghệ truyền thống trước đây. Vì vậy, không có gì đáng ngại khi vaccine được sử dụng để tiêm cho trẻ em.

Có phụ huynh cho rằng, trẻ em nếu mắc COVID-19 triệu chứng sẽ nhẹ nên không cần thiết phải tiêm vaccine. BS Thái cho rằng, điều này chưa thực sự đúng. Ông phân tích: Trong giai đoạn đầu chủng Delta lưu hành thì tỷ lệ trẻ em mắc thấp hơn so với người lớn, nhưng khi người lớn được tiêm chủng ở mức cao hơn thì số nhiễm, mắc bệnh ở trẻ nhỏ lại tăng cao hơn do chưa được bảo vệ từ vaccine. Khi chủng Omicron lưu hành, tỷ lệ trẻ mắc cao hơn so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, đa số là nhẹ, chủ yếu sốt cao và ho, trong khi các biến chứng nặng ít hơn so với người lớn, người cao tuổi và người có bệnh nền.

Hải Phòng và Quảng Ninh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi

Ngày 20/4, TP Hải Phòng bắt đầu tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, tổ chức thí điểm tại 3 trường THCS trước, với gần 500 học sinh khối 6. Theo đó, ngay sau khi vaccine được chuyển về, học sinh khối 6 của 3 trường THCS trên địa bàn TP Hải Phòng, gồm Trường THCS Lê Lợi (quận Hải An), Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân) và THCS Quang Trung (quận Ngô Quyền) bước vào đợt tiêm đầu tiên.

Trong đó, tại Trường THCS Lê Lợi (quận Hải An), tổng số học sinh khối 6 có 517 em nhưng số tiêm sáng nay chỉ có 86 em. Nguyên nhân ít học sinh tiêm do phần nhiều học sinh vừa khỏi COVID-19 chưa đủ 3 tháng, khám sàng lọc tại chỗ không đủ điều kiện hoặc cha mẹ không đồng ý tiêm. Tại Trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân) có hơn 300 học sinh lớp 6 nhưng chỉ có 146 học sinh đủ điều kiện tiêm. Tương tự, tại Trường THCS Quang Trung (quận Ngô Quyền) sáng nay cũng chỉ có 60 học sinh đủ điều kiện tiêm đợt 1.

Còn tại Quảng Ninh, đây là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong tổng số 119 học sinh lớp 6 đã được tiêm đợt đầu, một số ít trường hợp có phản ứng thông thường như sưng đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ, tiêu chảy nhẹ. Sau từ 1 -3 ngày, các triệu chứng trên đều hết và đến nay sức khỏe các em đều trở lại bình thường.

Tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng, từ ngày 20-23/4, 6 địa phương khác của Quảng Ninh là TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, TX Đông Triều, Quảng Yên sẽ tổ chức tiêm chủng đợt I. Đây là các đô thị có số lượng trẻ em lớn, nhiều hoạt động giao thương tập trung đông người và sẽ diễn ra các sự kiện lớn trong thời gian tới như SAE Games31, lễ hội Carnaval, lễ hội ẩm thực... Sau đó, các địa phương sẽ triển khai tiêm cuốn chiếu từ nhóm học sinh lớp 6 dần đến học sinh mầm non đủ 5 tuổi.

V. Huy

https://cand.com.vn/y-te/khong-nen-quan-niem-neu-tre-mac-covid-19-trieu-chung-nhe-khong-can-tiem-i650970/

Tr.Hằng / Công an nhân dân