Khởi động một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Mỹ-ASEAN

Tại ngày họp thứ 2 của Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ diễn ra trong 2 ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Nếu các bạn nhìn ra toàn thế giới, nhìn vào tất cả những thách thức mà chúng ta đang đối mặt, có thể thấy quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ là rất quan trọng để nắm bắt thời khắc chúng ta có thể thấy mình trong lịch sử. Chúng ta đang khởi động một kỷ nguyên mới - một kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ - ASEAN”.

Đây là lần đầu tiên các lãnh đạo hiệp hội 10 nước Đông Nam Á nhóm họp tại Thủ đô Washington và là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên với lãnh đạo Mỹ trên đất Mỹ trong 6 năm qua. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hy vọng nỗ lực này sẽ cho thấy Mỹ vẫn tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặt tầm nhìn về một khu vực tự do, rộng mở, ổn định, thịnh vượng, bền bỉ và an ninh. Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng nhấn mạnh, Mỹ và ASEAN chia sẻ tầm nhìn về khu vực, đồng thời cam kết hai bên sẽ cùng nhau đề phòng trước các mối đe dọa đối với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Trong bài phát biểu nhấn mạnh Đông Nam Á vẫn là một trong những ưu tiên của Mỹ, bà Kamala Harris đã tái khẳng định Mỹ chia sẻ tầm nhìn chung của ASEAN về “trật tự thượng tôn pháp luật trên biển, trong đó có quyền tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế” tại khu vực.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo khẳng định, Mỹ sẽ cùng các đối tác Đông Nam Á tìm cách tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19. “Chúng tôi hy vọng có thể cùng ASEAN tăng cường chuỗi cưng ứng toàn cầu. Đây là lĩnh vực chúng tôi muốn tập trung chú ý sau đại dịch COVID-19. Chúng tôi mong muốn hợp tác với ASEAN nhằm xây dựng khả năng đàn hồi mạnh mẽ hơn , an ninh hơn cho chuỗi cung ứng”, Bộ trưởng Gina Raimondo nói.

Khởi động một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Mỹ-ASEAN -0
Việc thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa ASEAN và Mỹ sẽ mang về lợi ích cho cả hai bên.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp giữa lãnh đạo các nước thành viên ASEAN và những người đứng đầu các doanh nghiệp Mỹ tại Thủ đô Washington, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chanocha hoan nghênh sự đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế ASEAN của các doanh nghiệp Mỹ trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh 3 khía cạnh mà ASEAN và Mỹ cần tăng cường hợp tác, bao gồm: “tái kết nối, tái xây dựng và tái cân bằng”.

Theo ông, khu vực tư nhân của Mỹ có thể đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kết nối chuỗi cung ứng thông qua việc mở rộng cơ sở sản xuất trong khu vực, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mới mà ASEAN có tiềm năng và nguồn lực. Trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, các bên liên quan cần tập trung phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ đổi mới để thúc đẩy sự phát triển của các nền kinh tế, đặc biệt là phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực – một động lực kinh tế quan trọng hướng tới mục tiêu tăng trưởng 1.000 tỷ USD cho GDP của ASEAN vào năm 2030.

Thủ tướng Prayut Chanocha kêu gọi doanh nghiệp Mỹ tham gia phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực ASEAN như mạng lưới internet, công nghệ đám mây trong sản xuất, trung tâm dữ liệu, cung cấp nội dung, phát triển và ươm tạo các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số. Mục tiêu trước mắt của tất cả các lĩnh vực hiện nay là phục hồi xã hội và đời sống của con người. Điều cốt yếu hiện nay là duy trì “cân bằng” giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Khu vực tư nhân Mỹ có tiềm năng lớn để mở rộng đầu tư và chuyển giao kiến thức và công nghệ trong ngành công nghiệp carbon thấp và năng lượng sạch cho khu vực ASEAN.

Chia sẻ quan điểm này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng kêu gọi Mỹ tham gia vào các nỗ lực nhằm xây dựng hòa bình, ổn định và hợp tác toàn diện tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh, Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN-Mỹ là động lực phù hợp để tăng cường quan hệ đối tác ASEAN-Mỹ trong tương lai và hoan nghênh việc hai bên nhất trí về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Theo nhà lãnh đạo Indonesia, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là trạng thái cao nhất của quan hệ đối tác và rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn như hiện nay. Ông cho rằng, quan hệ ASEAN-Mỹ sẽ tiếp tục góp phần củng cố các giá trị của chủ nghĩa đa phương, xây dựng hòa bình và ổn định khu vực, là động lực của khu vực thịnh vượng.

Trước đó, tại bữa trưa giữa Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và các thành viên Quốc hội Mỹ cùng 10 nhà lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhấn mạnh, kể từ năm 2019, ASEAN đã nhất trí Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đảm bảo tiếp tục duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực này. ASEAN đã được hưởng hòa bình và ổn định trong hơn 5 thập niên. Các nước ASEAN cũng đang nỗ lực xây dựng một cấu trúc khu vực ưu tiên hợp tác. Do đó, Tổng thống Joko Widodo kêu gọi Mỹ trở thành đối tác chiến lược của ASEAN, cùng tham gia vào các nỗ lực xây dựng hòa bình, ổn định và hợp tác toàn diện cùng có lợi ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về phía giới chuyên gia, ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, Giáo sư Gordon Flake, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Perth Mỹ - Châu Á thuộc Đại học Tây Australia nhận định rằng, việc tổ chức được cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Mỹ sau một thời gian gián đoạn cho thấy mọi việc đang dần quay trở lại bình thường. Ông cho rằng, “Mỹ cần cần có sự hợp tác tích cực hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư với ASEAN”.

Nhấn mạnh việc thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa ASEAN và Mỹ sẽ mang về lợi ích cho cả hai bên, Giáo sư Gordor Flake nhận định, “ASEAN muốn Mỹ đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tin tưởng rằng Mỹ có nhiều lợi thế trong việc này”. Theo giáo sư Flake, “ASEAN sẽ được hưởng lợi khi hoan nghênh và khuyến khích Mỹ tham gia tích vực hơn trong các vấn đề khu vực. Bởi sự tham gia tích cực của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang đến cho các nước sự lựa chọn”.

Khi được hỏi về vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, giáo sư Gordon Flake đánh giá, “không có điều gì có thể thắc mắc về việc Việt Nam là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Australia. Và lý do dẫn đến việc này đó là vai trò lãnh đạo mà Việt Nam đã thể hiện trong ASEAN”.

Ông nhấn mạnh: “Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong những thập niên qua, kể từ khi gia nhập ASEAN. Việt Nam đã thể hiện vai trò dẫn dắt trong ASEAN và cả trong khu vực Đông Nam Á. Một trong những lý do dẫn đến việc này đó là vị trí địa lý của Việt Nam đồng thời Việt Nam cũng một đất nước có nhiều hoài bão. Những thành tựu về kinh tế cũng góp phần đã tạo nên vai trò quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên chỉ với con người và thành tựu kinh tế thì không tạo nên sự khác biệt. Việt Nam luôn sẵn sàng đảm nhiệm các vai trò khó khăn trong ASEAN khiến cho các quốc gia khác nhận ra rằng, một trong những cách thức quan trọng để tương tác với ASEAN là cùng làm việc với Việt Nam”.

https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/khoi-dong-mot-ky-nguyen-moi-trong-quan-he-my-asean-i653725/

Khổng Hà / cand.com.vn