Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án sân bay quốc tế Long Thành là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ 030 triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn.
Sáng nay, 5/1/2020, tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và UBND tỉnh Đồng Nai đã long trọng tổ chức Lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – Dự án thành phần 3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, dự án sẽ xây dựng Cảng HKQT Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là Cảng HKQT quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành ấn nút khởi công dự án |
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Dự án có diện tích 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200ha.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ 030 triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn.
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành |
Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư một đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Khi hoàn thành giai đoạn 1, Cảng HKQT Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Sân bay Long Thành sẽ được kết nối giao thông đồng bộ với khu vực |
Về giao thông kết nối, Cảng HKQT Long Thành được kết nối với tuyến giao thông số 1 kết nối Cảng với quốc lộ 51, quy mô 6 làn xe;
Tuyến số 2 kết nối Cảng với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây, quy mô 4 làn xe và các nút giao.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 109.111,742 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.
Theo ông Lại Xuân Thanh, dự án thành phần 3- giai đoạn 1 sẽ triển khai một số hạng mục như san lấp mặt bằng, xử lý bom mìn... Dự kiến, sẽ giải ngân 6.000 tỷ đồng trong năm 2021.
Bên cạnh đó, ACV cam kết tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn; bảo đảm chất lượng công trình; tiến độ dự án; không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ khởi công dự án, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước, thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh.
Năm 2019, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt trên 116 triệu hành khách, tăng 12% so với năm 2018.
Trong khi đó, Thủ tướng cho rằng, theo dự báo, năm 2025 nhu cầu hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt hơn 65 triệu hành khách, năm 2030 đạt khoảng 85 triệu hành khách.
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang bị quá tải về hoạt động khai thác do điều kiện hạn chế về cơ sở hạ tầng, không lưu vùng tiếp cận cảng hàng không thường xuyên bị tắc nghẽn, ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm không khí có nguy cơ vượt ngưỡng môi trường cho phép.
Việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường hàng không, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng an ninh.
“Cảng HKQT Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế, khắc phục tình trạng quá tải tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường khả năng bảo đảm quốc phòng an ninh”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Bởi vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các Chủ đầu tư triển khai các dự án thành phần theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Hơn 20 năm quy hoạch phát triển sân bay Long Thành
Sân bay Long Thành nằm trong quy hoạch phát triển và lập dự án đầu tư từ năm 1997, tuy nhiên, hơn 20 năm sau ... |