Khóc ròng vì mua vàng giá đỉnh

Sáng nay, ngồi ở quầy vải tại chợ Bà Chiểu (TP HCM) xem giá vàng giảm từ đỉnh 49,7 triệu hôm qua, chị Nhàn chợt nhớ chuyện 9 năm trước. 

Khi đó, cuối tháng 8/2011, giá vàng trong nước liên tục tăng, lần đầu tiên trong lịch sử lên 49 triệu đồng. Giữa cơn sốt ấy, như nhiều người, chị Nhàn, một tiểu thương bán vải ở chợ Bà Chiểu, đã chẳng ngần ngại mang hết một tỷ đồng vừa bán đất và dốc thêm cả 500 triệu tiền tiết kiệm mua hơn 30 lượng.

Nào ngờ, khi vừa mua xong, giá quay đầu giảm. Vài ngày sau, chị đọc báo thì hiểu các chuyên gia gọi mốc 49 triệu ấy là "giá đỉnh". Chị đứng ngồi không yên, chỉ trong vòng nửa tháng, giá đã xuống sát 47 triệu đồng. Mỗi ngày nhìn giá vàng sụt giảm vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mà chị xót hết cả ruột. Để cắt lỗ, chị đành bán ra với mức thấp hơn 2 triệu đồng mỗi lượng so với lúc mua. "Đợt đầu tư 30 cây vàng đó bị lỗ trên 60 triệu đồng. Cũng vì chuyện này mà bị chồng giận cả tháng trời", chị kể.

khoc rong vi mua vang gia dinh
Người dân mua vàng tại tiệm trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh) ngày 3/2. Ảnh: Quỳnh Trần.

Không riêng chị Nhàn, anh Hồng Nhân, nhân viên IT ở khu công nghệ Quang Trung cũng đã đắm chìm trong cơn sốt vàng năm 2011. Lúc giá thế giới lập kỷ lục 1.917 USD mỗi ounce, giá trong nước lên 49 triệu, anh tin vào một số dự báo cho rằng giá kim loại quý này sẽ vượt xa 2.000 USD một ounce.

Anh nhớ lại, ban đầu chỉ có 500 triệu rút ra từ sổ tiết kiệm để mua hơn 10 cây vàng. Sau đó thấy giá lên 49 triệu đồng, anh đã đi vay mượn thêm của người thân 300 triệu đồng nữa để mua tiếp 6 cây vàng.

Thế nhưng, chỉ một ngày sau, giá vàng quốc tế rớt gần 100 USD một ounce, trong nước cũng giảm trên dưới một triệu đồng mỗi lượng. Sau một tháng, mỗi cây vàng của anh Nhân đã bốc hơi gần 4 triệu đồng khi giá về sát 45 triệu đồng. "Quá sợ hãi, tôi đã bán hết 16 cây vàng và chấp nhận lỗ tổng cộng 54 triệu đồng. Phần buồn vì bị thua lỗ, phần vợ cứ cằn nhằn khiến tôi bị stress một thời gian", anh ngậm ngùi nhớ lại.

Thời điểm đó, giá vàng quốc tế biến động rất mạnh. Chỉ trong hai phiên giao dịch ngày 22-23/9/2011, giá đã lao dốc đến gần 150 USD mỗi ounce, được xem là đợt giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2006.

Mức "đỉnh" 49 triệu năm 2011 vừa bị phá vỡ hôm qua (24/2). Chỉ trong vài tiếng giao dịch, giá vàng tăng hơn 2 triệu đồng. Tới sáng nay, giá đã quay đầu giảm, tuột mốc 48 triệu đồng, nhưng còn quá sớm để nhận định mức 49,7 chiều qua đã là "đỉnh" hay chưa.

Do đó, ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Công ty vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, kênh này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp. "Thời điểm này có thể thích hợp cho họ mua vào. Còn những người đầu tư nhỏ lẻ sẽ rất rủi ro vì giá vàng thời gian tới còn rất phức tạp", ông Hải nói.

Trong trường hợp tâm lý đám đông kích hoạt cầu mua vào, giá vàng có thể tăng nhưng đồng nghĩa đây sẽ là những rủi ro cho người đầu tư không có kinh nghiệm. Theo các chuyên gia, quả "bong bóng" giá vàng có thể "xì hơi" bất cứ lúc nào khi có sự can thiệp từ nhà điều hành trong nước và những tác động từ thị trường quốc tế. Đặc biệt, nếu thế giới sớm có vaccine phòng chống dịch nCoV, giá vàng thế giới cũng lao dốc.

Bên cạnh đó, trong lúc giá biến động mạnh như hiện nay, thường các doanh nghiệp trong nước sẽ để biên độ mua - bán rất rộng, như trong chiều 24/2 có nơi giãn tới 2 triệu đồng. Đây là động thái nhằm hạn chế rủi ro cho bản thân doanh nghiệp nhưng đẩy rủi ro về phía người mua.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín, Trường Đại học Ngân hàng TP HCM cũng cho rằng, trong bối cảnh giá vàng tăng sốc như hiện nay, nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư lớn lẫn người dân đều cần cẩn trọng. Vì trong thực tế, giai đoạn 2011-2012, giá vàng đã lên đỉnh 1.900 USD mỗi ounce nhưng sau đó tụt xuống liên tục khiến nhiều nhà đầu tư vàng trong nước thua lỗ, thậm chí phá sản, đặc biệt là những người vay tiền của người thân, ngân hàng để đầu tư.

Đầu tư vàng, theo ông Tín, phù hợp với các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có nguồn lực, kinh nghiệm, đủ chiến lược để trụ được khi giá lên, xuống. Trong danh mục của họ có nhiều sản phẩm, hàng hóa khác nhau để san sẻ rủi ro, thậm chí chờ 6 tháng đến một năm trong chiến lược kinh doanh. Còn nhà đầu tư nhỏ lẻ, khi giá lên xuống 1-2 triệu đồng đã dễ bị khủng khoảng tinh thần muốn mua bán ngay nên thường nắm phần thua thiệt.

Không như mấy năm trước, hôm nay, chị Nhàn chỉ ngồi ở sạp vải và mở điện thoại xem giá vàng. Giá đi xuống hay lên sẽ không khiến chị mất ăn mất ngủ nữa. "Nó tăng vùn vụt nhưng xuống cũng rất nhanh. Đây không phải kênh phù hợp với những người "yếu tim" như tôi", chị Nhàn nói.

khoc rong vi mua vang gia dinh Khóc ròng vì mua vàng giá đỉnh

Sáng nay, ngồi ở quầy vải tại chợ Bà Chiểu (TP HCM) xem giá vàng giảm từ đỉnh 49,7 triệu hôm qua, chị Nhàn chợt ...

Thanh Lê

/ vnexpress.net