Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe; là nền tảng cho sự khoẻ mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân.
Tuy nhiên, vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần cho trẻ hiện vẫn chưa được quan tâm một cách đầy đủ. Thông thường, cha mẹ thường chỉ “sốt sắng” khi trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe thể chất như sốt, ho hay biểu hiện bệnh nào đó nhưng khi con có các bất ổn về tâm lý thì việc đưa con đi khám sàng lọc, tìm phương pháp điều trị can thiệp thường chậm trễ hơn.
Theo các chuyên gia, bên cạnh “khoảng trống” từ gia đình thì sự phối hợp giữa các ngành trong việc cung cấp các dịch vụ, nguồn nhân lực về chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần cho trẻ nói chung, trẻ vị thành niên nói riêng còn nhiều hạn chế.
8-29% trẻ vị thành niên gặp các vấn đề về sức khoẻ tâm thần
Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2021 của UNICEF cho thấy, trên toàn cầu, cứ 7 thanh thiếu niên từ 10 - 19 tuổi thì có một người được chẩn đoán sống chung với chứng rối loạn tâm thần, những trường hợp nghiêm trọng còn dẫn tới tự tử. Báo cáo cũng chỉ ra các yếu tố bảo vệ như môi trường học đường an toàn, mối quan hệ bạn bè tích cực và sự kết nối với cha mẹ, tất cả đều có thể giúp tăng cường sức khỏe tâm thần tốt.
Bà Lesley Miller-Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý đang phổ biến và ngày càng gia tăng ở thanh thiếu niên. Con số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, có từ 8-29% trẻ vị thành niên gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung. Trường học là một trong những môi trường tâm lý xã hội quan trọng nhất của thanh thiếu niên. Nơi đó có cả các yếu tố nguy cơ về sức khỏe tâm thần, các yếu tố bảo vệ và cơ hội để nâng cao, hỗ trợ sức khỏe tâm thần.
Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng, môi trường học đường, áp lực học tập, bắt nạt và các yếu tố gây căng thẳng xã hội khác tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của học sinh vị thành niên ở Việt Nam. Trong khi đó, các dịch vụ sức khỏe tâm thần tại trường học lại đóng vai trò là thành tố quan trọng hỗ trợ sức khỏe tâm thần của học sinh vị thành niên và giải quyết các yếu tố nguy cơ liên quan đến sức khỏe tâm thần ở trường học. Số liệu từ Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho thấy, có đến 14% số trẻ ở quãng 10 - 19 tuổi có dấu hiệu rối loạn tâm lý. Trong đó tình trạng tự tử ở trẻ em đứng thứ 4 trong số những nguyên nhân dẫn tới tử vong.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học giáo dục, ĐHQG Hà Nội, kết quả khảo sát của WHO ở 130 quốc gia trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát cho thấy, tỉ lệ tự tử cao nhất ở thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi; tình trạng trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần tăng gấp 3-5 lần so với bình thường.
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, dịch COVID-19 không phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong trường học. Nhưng khi đại dịch tràn qua trường học, “sức khỏe” của trường học được phơi bày với những vấn đề cần giải quyết ngay, không thể trì hoãn. Thực tế cho thấy, bối cảnh thế giới đa cực và các mục tiêu phát triển giáo dục trong thời đại khoa học công nghệ 4.0, yêu cầu những kỹ năng thế kỷ XXI đối với người lao động đã đặt ra thử thách đổi mới đối với giáo dục.
Các nhà tuyển dụng chú trọng đến trí tuệ cảm xúc của người lao động đã tác động ngược lại đến việc bổ sung mục tiêu về trí tuệ cảm xúc và phương pháp dạy-học trong nhà trường. Điều này, một mặt giúp cho giáo dục phát triển để đáp ứng yêu cầu đời sống kinh tế - xã hội song mặt khác, nó cũng vô hình tạo ra những áp lực đến sức khỏe tâm thần của học sinh và giáo viên trong trường học.
Cần sự phối hợp liên ngành để cung cấp các dịch vụ có chất lượng
Bà Lesley Miller-Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội thuộc thẩm quyền của một số Bộ như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội.
Tuy nhiên, mỗi đơn vị lại có mô hình quản lý khác nhau dẫn đến thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng cũng như nguồn nhân lực cần thiết cho việc chăm sóc, điều trị các bệnh lý về tâm lý - xã hội nói chung, các bệnh liên quan đến sức khoẻ tâm thần ở trẻ em nói riêng.
Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Amie Pollack đến từ Hoa Kỳ cũng đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất với các cơ quan hữu trách của Việt Nam cũng như UNICEF để thúc đẩy sức khỏe tâm thần của học sinh ở lứa tuổi vị thành niên.
Đối với ngành Giáo dục, cần thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh; loại bỏ việc sử dụng kỷ luật thể chất trong trường học; thúc đẩy sự tham gia và kết nối cả học sinh với trường học, giảm áp lực học tập; thầy cô cần dạy cho học sinh các kỹ năng cần thiết cho sức khỏe tâm thần tích cực và sự phát triển toàn diện.
Với ngành Y tế, cần xây dựng nguồn nhân lực; đào tạo nhân viên y tế trường học những kiến thức cơ bản về sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên; xây dựng cơ chế hợp tác giữa Sở Y tế và Sở GD&ĐT. Với UNICEF, cần lồng ghép các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên vào các chương trình liên quan của mình; xây dựng bộ công cụ sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên cho các nhóm liên quan để hỗ trợ trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ vị thành niên là một trong những ưu tiên của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 1660 về chăm sóc sức khỏe học đường, trong đó, có đề cập đến vấn đề sức khỏe tâm thần của đối tượng trẻ vị thành niên.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đang dự thảo chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của chương trình là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe tâm thần cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên y tế trường học, cán bộ tư vấn tâm lý trong các nhà trường.