Từ khi ngành Dầu khí Việt Nam ra đời đến nay, khoa học công nghệ (KHCN) luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành. Dầu khí cũng là ngành kinh tế luôn đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến, hiện đại vào mọi lĩnh vực hoạt động.
Trải qua hơn 30 năm kể từ ngày khai thác tấn dầu đầu tiên đến nay, ngành Dầu khí đã khai thác được trên 500 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó có trên 380 triệu tấn dầu và gần 150 tỉ m3 khí.
Hoạt động khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ
Những năm gần đây Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nộp ngân sách Nhà nước trung bình hằng năm chiếm khoảng 11-13% tổng thu ngân sách, có năm lên đến 22-25%. Riêng dầu thô đóng góp 5-6% tổng thu ngân sách Nhà nước; đóng góp khoảng 11% GDP, năm cao nhất tới 20-22% GDP.
PVN đã xây dựng được chuỗi giá trị hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu, tàng trữ, phân phối và các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác từ dầu khí, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điển hình là hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành công nghiệp khí hiện đại với 4 hệ thống đường ống dẫn khí: Rạng Đông - Bạch Hổ, Nam Côn Sơn 1, Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn1) và PM3 - Cà Mau. 4 hệ thống này đang được vận hành an toàn và hiệu quả, mỗi năm cung cấp 9-11 tỉ m3 khí khô, 500-600 triệu m3 LPG cho phát triển công nghiệp và tiêu dùng trong nước.
Tổng công suất các nhà máy điện do PVN đầu tư là 7.800MW, chiếm khoảng 15% tổng sản lượng điện quốc gia.
Hiện nay PVN có 2 nhà máy đạm, hằng năm cung cấp ra thị trường trên 15 triệu tấn phân bón, đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu phân bón trong nước, góp phần chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ khi đi vào hoạt động đến nay trung bình hàng năm sản xuất khoảng 6,5 triệu tấn xăng dầu, đáp ứng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Ngoài ra, ngành Dầu khí đã xây dựng và phát triển một hệ thống cơ sở căn cứ dịch vụ kỹ thuật, bến cảng… tạo nên một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế.
Để đạt được những thành tựu đó, ngành Dầu khí đã đi tắt đón đầu trong ứng dụng KHCN. Ngay từ những ngày đầu hình thành, ngành Dầu khí đã đưa vào ứng dụng các công nghệ hiện đại nhất thời điểm đó như: Khảo sát địa chấn 2D, 3D, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây… trong nhiều lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Bên cạnh đó, ngành Dầu khí luôn luôn học hỏi, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong các nhà máy chế biến đạm, lọc dầu, xử lý khí…
Đặc biệt, việc khai thác được tấn dầu đầu tiên từ tầng đá móng Bạch Hổ năm 1988 đã gây tiếng vang lớn trong giới khoa học địa chất dầu khí thế giới, qua đó, các nhà khoa học dầu khí đã xây dựng một hệ thống phương pháp luận đầy đủ, khoa học để nghiên cứu thân dầu trong đá móng từ giai đoạn thăm dò, thẩm lượng, thiết kế khai thác, công nghệ khoan và khai thác mỏ.
Đây là đóng góp rất đáng kể cho khoa học dầu khí thế giới cũng như đánh dấu thành tựu nổi bật về KHCN, mở ra một chặng đường phát triển mới cho PVN với việc xác định ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao sức cạnh tranh...
Hoạt động KHCN tại PVN được triển khai ở tất cả khâu thượng nguồn - trung nguồn - hạ nguồn, các lĩnh vực kinh tế, quản lý, an toàn và môi trường dầu khí. Bên cạnh việc xây dựng tiềm lực mạnh về KHCN, đầu tư ứng dụng trang thiết bị hiện đại, chương trình nghiên cứu KHCN của PVN gồm các hướng nghiên cứu dài hạn, mang tính định hướng làm cơ sở triển khai thực hiện kế hoạch cho từng năm, phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển của PVN.
PVN luôn khuyến khích, yêu cầu các doanh nghiệp thành viên nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp, triển khai ứng dụng những công nghệ hiện đại nhất vào mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đến nay, PVN và các doanh nghiệp thành viên bước đầu đã triển khai ứng dụng KHCN rất hiệu quả. Các doanh nghiệp dầu khí đã chủ động triển khai nhiều giải pháp về KHCN phù hợp với đặc điểm tình hình của doanh nghiệp, tiêu biểu như Vietsovpetro, PVEP, BSR…
Đặc biệt, PVN và các doanh nghiệp thành viên đang triển khai hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về dầu khí, thống nhất định dạng các tài liệu, tiến tới sử dụng, truy xuất tài liệu để ứng dụng vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.
Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất tiếp tục được nhân rộng và phát triển tại các doanh nghiệp trong PVN. Trong năm 2018, chỉ tính riêng 7 doanh nghiệp thuộc PVN (PVEP, BSR, VSP, VPI, PV GAS, PVCFC và PVFCCo) đã có 441 sáng kiến cấp cơ sở được doanh nghiệp công nhận trong tổng số 575 giải pháp đăng ký; số sáng kiến cấp cơ sở đã được áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp là 239, số tiền làm lợi hơn 1.620 tỉ đồng.
Những thành tựu mà ngành Dầu khí đạt được đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong các nước xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới, qua đó giúp nâng cao khả năng hợp tác quốc tế, trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý, điều hành. Từ những người học việc, đến nay các chuyên gia, kỹ sư ngành Dầu khí Việt Nam đã tự điều hành, làm chủ các dự án có quy mô lớn, đạt nhiều thành tựu tại các dự án điều kiện địa chất, kỹ thuật phức tạp. Thành công tại Dự án Biển Đông 01 đã là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định sức mạnh nội lực của ngành Dầu khí Việt Nam.
Những nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, kỹ sư, nhà khoa học ngành Dầu khí đã được ghi nhận và được Đảng, Nhà nước trao tặng 3 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 1 Giải thưởng Nhà nước về KHCN. Cùng với đó là rất nhiều công trình nghiên cứu, làm lợi cho PVN, đóng góp cho nền kinh tế đất nước hàng trăm triệu USD, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, chủ quyền quốc gia trên biển.
Trong giai đoạn tới, PVN luôn xác định KHCN có vai trò là nền tảng, tạo những đột phá trong chiến lược phát triển, hướng tới xây dựng chuỗi công nghiệp dầu khí đồng bộ, hiện đại, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí.
3 CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ KHCN:
- Công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”.
- Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” .
- Công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”.
1 CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TRAO GIẢI THƯỞNG NHÀ NƯỚC VỀ KHCN:
- Công trình “Chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng nước sâu trên 100m nước với điều kiện ở Việt Nam”.
Hiền Anh
Các mã dầu khí tăng mạnh đóng góp nhiều điểm nhất cho chỉ số
Sau khi mất đà tăng vào phiên sáng ngày 14/5, trong phiên chiều qua, chỉ số VN-Index đã phục hồi tăng điểm và chốt phiên ... |
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn gửi Thư chúc mừng ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 6 (18/5/2014 – 18/5/2019), Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV ... |
"Ngành Dầu khí đã thực hiện được di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh"
Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản sau chuyến thăm và làm việc với các ... |
Hội thảo “Tổng quan về lĩnh vực thượng nguồn dầu khí”
Ngày 11/5/2019, tại thành phố Vũng Tàu, Công ty TNHH IWOK (IWOK CENTER) phối hợp với các chuyên gia đầu ngành Dầu khí tổ chức ... |