Khó khăn khiến hải quân Anh dè dặt đối đầu với Iran

Hải quân Anh thiếu khí tài, lại không có sự hỗ trợ từ đồng minh để tăng khả năng kiểm soát eo biển Hormuz khi nổ ra chiến sự. 

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hôm 29/7 công bố bản ghi âm liên lạc vô tuyến cho thấy xuồng tuần tra Iran dằn mặt tàu hộ vệ tên lửa HMS Montrose trong lúc bắt tàu dầu Stena Impero treo cờ Anh trên eo biển Hormuz hôm 19/7.

"Tàu chiến Anh số hiệu F236, đây là xuồng tuần tra của hải quân Sepah. Yêu cầu các anh không can thiệp vào vấn đề này", sĩ quan đặc nhiệm hải quân IRGC phát thông điệp cảnh báo. Đáp lại, chiến hạm Anh khẳng định họ đang di chuyển trên vùng biển quốc tế cùng một tàu thương mại. "Đừng đặt tính mạng của các anh vào vòng nguy hiểm", xuồng tuần tra Iran hồi đáp.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trước đó cũng cho rằng Anh nên tự bảo vệ các tàu hàng của mình. Giới chuyên gia đánh giá đây là những dấu hiệu cho thấy London sẽ gặp nhiều khó khăn nếu xảy ra đối đầu hải quân trực diện với Tehran ở Vùng Vịnh.

Hải quân Anh đã nhiều lần cắt giảm quy mô lực lượng kể từ sau Chiến tranh Lạnh và chỉ còn biên chế 80 tàu chiến các loại. Cả hải quân Mỹ và Anh đều tập trung vào số ít vũ khí hiện đại để thay thế số lượng lớn khí tài lạc hậu, đồng thời dựa vào đồng minh và đối tác để bù đắp hạn chế.

Tuy nhiên, việc Tehran bắt tàu dầu mà không gặp sự cản trở từ hải quân Anh, thậm chí xuồng vũ trang Iran còn phát thông điệp dằn mặt qua sóng vô tuyến cho thấy khoảng trống trong năng lực tác chiến trên biển của London hiện nay.

"Khoảng 88.000 tỷ USD tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu đang phụ thuộc vào các phương tiện vận tải đường biển, vốn chỉ được bảo vệ bởi chưa đến 1.000 tàu hải quân", Jerry Hendrix, cựu đại tá hải quân Mỹ, nhận xét.

kho khan khien hai quan anh de dat doi dau voi iran
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (trái) và khu trục hạm HMS Dragon chạy thử hồi năm 2017. Ảnh: Royal Navy.

Anh giảm quy mô hải quân để tập trung nguồn lực vào năng lực tác chiến công nghệ cao, nhưng giải pháp này đặt cược rất nhiều vào quan hệ giữa London và Washington. "Chiến lược của Anh là tham gia hỗ trợ liên minh do Mỹ dẫn đầu trong các chiến dịch quân sự lớn, dù đó là chống lại một siêu cường hay quốc gia nhỏ yếu", học giả Bryan Clark từ Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (CSBA) của Mỹ nhận định.

Việc phát triển hải quân thu nhỏ dựa trên ý tưởng dựa dẫm vào Mỹ giúp London tập trung đầu tư cho hai nhóm tác chiến tàu sân bay và các tàu ngầm hạt nhân răn đe, nhưng tổng thể quy mô hạm đội vẫn rất nhỏ. Điều này khiến Anh không có đủ năng lực tác chiến độc lập khi cần bảo vệ lợi ích quốc gia.

Chiến lược này chỉ hiệu quả khi Mỹ sẵn sàng triển khai lực lượng bảo vệ lợi ích của Anh. Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng chính sách "nước Mỹ trên hết" và yêu cầu các đồng minh tăng ngân sách quốc phòng để chia sẻ gánh nặng tài chính. Do đó, không phải lúc nào Washington cũng sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của London.

Hồi tháng 6, tướng không quân Mỹ Paul Selva thừa nhận việc đối phó mối đe dọa nhằm vào tàu hàng đi qua eo biển Hormuz không phải trách nhiệm của riêng Mỹ. Washington đã nhiều lần cung cấp thông tin tình báo cho đồng minh nhưng khẳng định chỉ hộ tống tàu Mỹ qua khu vực này.

Trong khi đó, quy mô lực lượng nhỏ khiến hải quân Anh không thể xoay xở để bảo vệ được hết tàu hàng của mình đi qua eo biển Hormuz.

"Chúng ta có nhiều tàu di chuyển trên đại dương mỗi ngày, nhưng không thể hộ tống từng chiếc. Nếu muốn tiếp tục đóng vai trò trên trường quốc tế, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng, đặc biệt là hải quân bởi lực lượng này quá nhỏ để bảo vệ lợi ích của Anh trên toàn cầu", Tobias Ellwood, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Anh, thừa nhận.

kho khan khien hai quan anh de dat doi dau voi iran
Vị trí eo biển Hormuz. Đồ họa: NYTimes.

Các nỗ lực của Anh nhằm thành lập liên minh hải quân châu Âu để bảo vệ tàu hàng ở Vùng Vịnh cũng không nhận được sự ủng hộ. Đức và Pháp đều từ chối triển khai khí tài do lo ngại căng thẳng leo thang, cũng như ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực đàm phán kiểm soát chương trình hạt nhân Iran.

Anh có tham vọng sở hữu hạm đội gồm hai siêu tàu sân bay lớp Queen Elizabeth, 6 khu trục hạm lớp Type 45, 8 khinh hạm Type 26, 5 khinh hạm giá rẻ Type 31, 7 tàu ngầm tấn công lớp Astute, 24 tàu tuần tra, 12 tàu quét mìn, 5 tàu tấn công đổ bộ, 9 tàu hậu cần và 6 phi đội trực thăng cùng 48 tiêm kích tàng hình. Tuy nhiên, phần lớn kế hoạch này vẫn nằm trên giấy tờ.

Cố vấn An ninh Quốc gia Anh Mark Sedwill năm ngoái tiết lộ hải quân Anh nhiều khả năng không có đủ tàu để hộ tống hai siêu tàu sân bay và sẽ phải trông cậy đồng minh bảo vệ chúng trong chiến đấu.

"Việc chật vật duy trì hai chiến hạm ở vịnh Ba Tư và không có sự hỗ trợ của đồng minh trong tình hình khủng hoảng hiện nay cho thấy hạm đội Anh đang bị kéo căng quá mức. Họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu Iran tiếp tục bắt tàu thương mại trên eo biển Hormuz", chuyên gia quân sự David Axe nhấn mạnh.

Duy Sơn (Theo Defense News)

kho khan khien hai quan anh de dat doi dau voi iran Pháp nói không cần xin phép Trump để đàm phán với Iran
kho khan khien hai quan anh de dat doi dau voi iran Trump: Tổng thống Pháp đang gửi tín hiệu lẫn lộn đến Iran
kho khan khien hai quan anh de dat doi dau voi iran Iran bị tố 'đội lốt' chiến hạm Mỹ để bắt tàu dầu
kho khan khien hai quan anh de dat doi dau voi iran Trung Quốc qua mặt Mỹ, nhập ồ ạt dầu thô Iran
kho khan khien hai quan anh de dat doi dau voi iran Lý do các cường quốc ngại đưa chiến hạm hộ tống tàu dầu gần Iran
/ vnexpress.net