Lý do các cường quốc ngại đưa chiến hạm hộ tống tàu dầu gần Iran

Chi phí lớn cùng sự bất tiện khiến hải quân các nước không mặn mà với việc triển khai lực lượng hộ tống tàu hàng ở eo biển Hormuz.

 

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hồi đầu tuần thông báo bắt một tàu dầu nước ngoài trên vịnh Ba Tư cùng 7 thành viên thủy thủ đoàn vào ngày 31/7. Đây là vụ bắt tàu thương mại thứ ba do Iran tiến hành chỉ trong một tháng qua ở Vùng Vịnh, sau khi Tehran bắt tàu hàng MT Riah treo cờ Panama hôm 13/7 và tàu dầu Stena Impero treo cờ Anh hôm 19/7.

Trong các vụ bắt tàu, IRGC đều sử dụng xuồng vũ trang tốc độ cao chở theo lực lượng nhỏ, có thể dễ dàng vây quanh những tàu hàng lớn có tốc độ chậm hơn rất nhiều. Đây là vũ khí rất hiệu quả, chỉ có thể đối phó bằng cách thành lập các đoàn tàu hàng có chiến hạm hộ tống, thay vì để tàu thương mại đi lẻ từng chiếc.

Ngay sau vụ bắt tàu Stena Impero, Anh đã đề xuất tổ chức lực lượng bảo vệ hàng hải với trung tâm là các chiến hạm châu Âu, nhưng không được Đức và Pháp ủng hộ. Việc lập đoàn hộ tống từng chứng minh hiệu quả trong thực tế, tuy nhiên hải quân các nước và công ty vận hành tàu thương mại đều không mặn mà với ý tưởng này.

Đoàn tàu hàng được chiến hạm Mỹ hộ tống qua Đại Tây Dương trong Thế chiến II. Ảnh: US Navy.

Theo bình luận viên Chris Harmer, ngành công nghiệp vận tải biển hiện nay có tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động rất cao. Chủ tàu thường muốn rút ngắn tối đa quá trình xoay vòng ở cảng. Thời gian vào cảng, bốc dỡ hàng và rời đi càng nhanh thì doanh thu càng lớn, trong khi tàu nằm cảng chờ lập đoàn hộ tống sẽ tạo gánh nặng chi phí rất lớn cho chủ tàu.

"Các lực lượng hải quân hiện đại thậm chí còn ghét giải pháp hộ tống hơn chủ tàu bởi chi phí triển khai và tiêu tốn nhân lực quá cao, không tương xứng với mối đe dọa", Harmer nhận định.

Để làm nhiệm vụ hộ tống, hải quân Mỹ thường sử dụng tuần dương hạm lớp Ticonderoga và tàu khu trục lớp Arleigh Burke, kết hợp với tàu tuần tra lớp Cyclone và các chiến hạm nhỏ hơn. Mỗi chiếc trong số này đều có uy lực lớn, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại.

Một tàu khu trục lớp Arleigh Burke với đầy đủ thủy thủ đoàn có giá hơn 2 tỷ USD. Trong khi đó, cướp biển Somali thường chỉ có những tàu cá với chi phí không quá 10.000 USD. Một biên đội xuồng vũ trang Iran có giá trị vượt xa tàu cá Somali, nhưng vẫn khó lòng sánh được với tàu khu trục Mỹ.

Tàu khu trục Mỹ di chuyển cùng các tàu hàng trên Vùng Vịnh năm 2016. Ảnh: US Navy.

Việc triển khai tàu tuần tra lớp Cyclone đối phó xuồng vũ trang Iran là phương án tiết kiệm chi phí, nhưng chúng cần tiếp liệu và bảo đảm hậu cần liên tục vì dự trữ hành trình ngắn, khiến mức độ phức tạp của nhiệm vụ tăng lên.

Từ góc độ vận hành, việc triển khai biên đội chiến hạm hùng hậu để hộ tống các tàu thương mại là nhiệm vụ không thích hợp, cần được ưu tiên cân nhắc hơn cả vấn đề tài chính.

Các tàu mặt nước của Mỹ tại Trung Đông hiện nay có nhiệm vụ chủ yếu là hộ tống tàu sân bay, tạo lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo bảo vệ lực lượng Mỹ và đồng minh trong khu vực. Nếu bị điều động hộ tống tàu dầu, chúng sẽ tạo lỗ hổng lớn trong năng lực phòng thủ của hải quân Mỹ.

Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng phương án lập đội tàu hàng có chiến hạm hộ tống sẽ được thực hiện nếu các vụ bắt tàu tiếp tục xảy ra. "Điều này có thể diễn ra trong tương lai gần, do căng thẳng giữa Anh, Mỹ với Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, dù hải quân các nước và chủ tàu đều không mong muốn", Harmer đánh giá.

Duy Sơn (Theo Drive)

Tổng thống Iran cảnh báo về 'mẹ của mọi cuộc chiến'
Tổng thống Iran: An ninh đổi an ninh, hòa bình đổi hòa bình
Tổng thống Rouhani: Bảo vệ Eo biển Hormuz là việc của Iran
Iran bắt thêm tàu chở dầu: “Thùng thuốc súng” vùng Vịnh sắp phát nổ?
Iran tuyên bố bắt tàu chở dầu buôn lậu của nước ngoài ở vùng Vịnh

/ vnexpress.net