Thâm hụt quỹ lương hưu Trung Quốc sẽ vươn tới con số 600 tỉ nhân dân tệ trong năm nay và lên 890 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020
Thâm hụt quỹ lương hưu đang là thách thức lớn kế tiếp đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc giữa lúc họ tăng cường chiến dịch kéo dài nhiều năm qua nhằm ngăn núi nợ chất cao không làm nền kinh tế trật đường ray.
Nguy cơ tài khóa lớn nhất
Trang Bloomberg ngày 6-2 cho biết tình trạng già hóa dân số ở đất nước đông dân nhất thế giới đồng nghĩa với việc đóng góp của người lao động vào quỹ lương hưu không còn đủ để trang trải cho các khoản phúc lợi hưu trí. Chính phủ Trung Quốc buộc phải khỏa lấp khoảng trống nói trên ít nhất là từ năm 2014.
Chi tiêu hưu trí tăng 11,6%, lên 2.580 tỉ nhân dân tệ, tương đương 410 tỉ USD, trong năm 2016, khiến chính phủ đối mặt khoản thâm hụt 429,1 tỉ nhân dân tệ, theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Trung Quốc. Khoản thâm hụt sẽ tăng lên 600 tỉ nhân dân tệ trong năm nay và 890 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020 nếu không cải tổ hệ thống, theo chuyên gia nghiên cứu Wang Dehua tại Học viện Chiến lược Kinh tế quốc gia ở Bắc Kinh.
Năm ngoái, Công ty Enodo Economics (Anh), chuyên cố vấn về các vấn đề liên quan tới Trung Quốc, dự báo mức thâm hụt sẽ đạt 1.200 tỉ nhân dân tệ vào năm 2019. Bộ Tài chính Trung Quốc không công bố ước tính. "Nguy cơ tài khóa lớn nhất của Trung Quốc là rủi ro hưu trí. Có nhiều vấn đề lớn trong hệ thống hưu trí nếu nó chỉ có thể tiếp tục hoạt động bằng các khoản trợ cấp tài chính lớn" - ông Wang cảnh báo.
Thâm hụt quỹ lương hưu đã gia tăng áp lực lên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nỗ lực ngăn chặn nợ doanh nghiệp tăng tràn lan. Chính phủ Trung Quốc cần phải tự trang trải cho các khoản thâm hụt ngày càng nảy nở trong những năm tới. Lãnh đạo đại lục có thể đưa ra bản cập nhật về triển vọng lương hưu vào ngày 5-3 trong kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân nhân toàn quốc thường niên ở Bắc Kinh.
Trong khi nguồn thu của chính phủ Trung Quốc tăng 7,4% trong năm 2017, cũng là mức tăng đầu tiên kể từ năm 2011, thành tích này dường như khó đạt được lần nữa trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. Điều này sẽ hạn chế khả năng trang trải thâm hụt của Bắc Kinh, từ đó có thể khiến giới hoạch định chính sách phát hành thêm nợ để thu hẹp khoảng cách thu - chi.
Khoảng 1/4 dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi vào năm 2030 Ảnh: AP
Tụt hậu
Chủ tịch Công ty Tư vấn về quỹ lương hưu Stirling Finance Ltd. (Hồng Kông), ông Stuart Leckie, nhận định: "Trung Quốc thực sự đã bị bỏ lại phía sau trong vấn đề lương hưu". Cũng theo ông Leckie, dù Bắc Kinh có khả năng trả lương hưu nhưng đóng góp từ người lao động và các công ty có thể tăng rất mạnh hoặc các khoản trợ cấp bị cắt giảm.
Bài toán càng thêm khó khi dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Năm ngoái, Quốc Vụ viện nước này cho biết khoảng 25% dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi vào năm 2030, tăng từ mức 13,3% trong năm 2010. Trong khi đó, việc chấm dứt chính sách một con năm 2013 không đẩy tỉ lệ sinh tăng lên vì chi phí sinh hoạt cao khiến các gia đình e ngại có thêm thành viên. Năm 2017, Trung Quốc có 17,2 triệu trẻ em chào đời, thấp hơn con số 18,5 triệu trẻ trong năm 2016.
Tuy nhiên, xu hướng bất cân bằng nhân khẩu học và tuyển dụng có thể giúp ích cho nền kinh tế bởi nó giúp tái cân bằng hơn nữa chi tiêu tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế Diana Choyleva, thuộc Công ty Enodo, nhận định: "Dân số ngày càng già của Trung Quốc thường được phân tích trong bối cảnh tỉ lệ phụ thuộc tuổi già tăng và sức ép của nó lên tình hình tài chính công. Tuy vậy, sự tăng lên của tỉ lệ người về hưu - những người tiêu dùng nhưng không sản xuất - sẽ làm gia tăng cấu trúc của thị phần chi tiêu tiêu dùng trong GDP".
Ngay cả những lợi ích nêu trên cũng không thể khỏa lấp các dấu hiệu căng thẳng đã hiện hữu trong hệ thống lương hưu Trung Quốc và thâm hụt được đánh giá sẽ tăng nhanh chóng sau năm 2020 - theo ông Liu Shangxi, Giám đốc Học viện Khoa học Tài chính Trung Quốc. Trong khi đó, chuyên gia cấp cao Zhang Bin của Tổ chức Nghiên cứu China Finance 40 Forum tại Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc nên khuyến khích các cá nhân đầu tư thêm cho việc nghỉ hưu để giảm bớt gánh nặng lên chính phủ.
Mỹ - Trung tranh giành miếng bánh vũ khí ở Đông Nam Á
Thị trường vũ khí Đông Nam Á ngày càng "nóng", chủ yếu do tình hình Biển Đông, khiến Trung Quốc muốn cạnh tranh với Mỹ ... |
Trung Quốc thử hệ thống phòng thủ mạnh ngang THAAD
Theo Reuters, ngày 5/2, lực lượng phòng thủ tên lửa Trung Quốc đã thử thành công hệ thống tên lửa đánh chặn mạnh tương đương ... |