Là một học trò còn non nớt trên con đường tu tập, tôi luôn cảm thấy háo hức với việc ngồi thiền.
Háo hức theo kiểu đứa trẻ bắt đầu một trò chơi mới, tìm tòi, tò mò đến tận cùng. May mắn thay, tôi không bị cảm giác khó chịu, loay hoay của những ngày đầu tập ngồi yên một chỗ.
Ảnh minh họa |
Tôi còn nhớ như in cái ý niệm ban sơ khi bắt đầu ngồi xuống bồ đoàn để tập thiền, đó là một cảm giác kỳ lạ rằng, hình như rất nhiều kiếp mình đã biết việc này. Tôi ngồi bán-già 15 phút bình ổn và bây giờ có thể ngồi khoảng 45 phút. Đối với những người còn nhiều nợ đời cơm gạo như chúng tôi, thì giữ được thời khóa như vậy hàng ngày như vậy cũng tự thấy an ủi rồi.
Không gian nơi tôi thường tập thiền là căn phòng nhỏ xíu nằm phía sau bàn thờ Phật, nơi đó có một ô cửa sổ màu trắng, bên ngoài là bụi hoa trang đỏ với rất nhiều nắng và tiếng chim mỗi sớm mai. Tiếng chim, đó chính là âm thanh giúp tôi tĩnh tâm rất nhiều trong những ngày đầu. Nhưng, nhà tôi lại ở gần một cái chợ xép, nơi chứa đựng nhiều tạp âm đa dạng của đời sống.
Khi mắt khép lại, tai của tôi hoạt động mạnh hơn. Mọi âm thanh như ập đến lấn chiếm toàn bộ cảm xúc: tiếng chim ríu rít, tiếng xe máy, tiếng còi hụ, tiếng rao hàng bánh mì Sài Gòn 3 ngàn 1 ổ, tiếng mài dao mài kéo, tiếng cãi nhau do giành khách đi chợ, tiếng nhạc, tiếng alô điện thoại, thậm chí có khi là tiếng hát karaoke sớm mai (đôi khi tự hỏi ai mà siêng năng luyện karaoke để đạt 100 điểm vậy không biết)… Chính lúc khép mắt đó, tôi nhận ra là, cuộc sống quá bộn bề, quá bận rộn, quá dửng dưng, cho dù ta có ra sao thì tiếng còi xe vẫn cứ bóp inh ỏi. Tâm tôi cứ bị trôi giạt vào những âm thanh đó. Bỗng, tôi giật mình, tôi quay về hơi thở, tôi hít vào sâu rồi thở ra chậm và nhẹ. Chính ngay lúc tôi quay về với hơi thở đó, tôi không còn nghe rõ bất kỳ âm thanh nào nữa. Có chăng là tiếng chim trong trẻo ngay sau lưng chỗ tôi ngồi.
Được một lát, tôi lại thấy mình lang thang qua những câu chuyện. Đầu tiên là những tạp ảnh hiện lên, ảnh này chồng lên ảnh khác. Ảnh của hiện tại được ghép chung với ảnh của quá khứ. Những bức ảnh chạy lung tung trong đầu, có lúc êm ái như đi trên nền nhạc của Kevin Kern, lúc thì nhảy loạn xạ như Rock N Roll. Sau đó các bức ảnh tan biến, nhường chỗ cho một ảnh hiện khắc nghiệt: Chuyện làm tôi lo lắng, quan tâm, trăn trở, muốn giải quyết nhất ở hiện tại nhào ra như muốn nói hello, is it me you’re looking for? Nghĩa là, Ê, cậu đang kiếm tớ đấy à? Có ngày thì tôi lo là không kịp nộp bản kế hoạch công việc cho tổng giám đốc, hôm khác thì lo là không biết đối tác đã chuyển tiền chưa, nếu chưa chắc tiêu cái đơn hàng, ngày nọ thì lo không biết chiều nay đi dạy yoga cho học viên mới bị bệnh thoái hóa cột sống, không biết có sao không? Chuyện lo có trăm thứ, và cũng dửng dưng như các tạp âm chung quanh vậy. Ta có ra sao thì chuyện cứ đến. Thế là tâm trôi bồng bềnh trong những câu chuyện. Rồi giật mình, trở về niệm hơi thở, hít vào thở ra thật từ tốn, mấy câu chuyện kia tan đi theo gió.
Khi khép mắt ngồi thiền, tôi chợt nhận ra tâm mình còn vọng động. Nó dễ bị chi phối bởi tạp âm và tạp niệm. Tâm luôn có xu hướng trôi lăn giữa những lo toan. Nhưng tôi đồng thời cũng nhận ra rằng, một khi xác định ngồi xuống thực tập thiền định, là lúc ta muốn tu tập, muốn quay về. Nhận ra được là một cơ may, để còn biết đường mà đi đến đó. Và, chính hơi thở chứ không phải điều gì khác, là một cái mỏ neo vững chãi, giúp con thuyền tâm định lại bến bờ. Chỉ cần ngồi xuống, quan sát hơi thở, thực hành hơi thở, là đã có thiền, là đã có tu tập.
Khoảng thời gian nhắm mắt đó, tôi thấy đời người nằm trọn vẹn trong hơi thở.
Từ đó, tôi trở nên đơn giản hóa mọi việc. Tôi không còn để tâm nhiều đến ngoại cảnh như quần áo, trang sức, lời bình phẩm, những mối quan hệ… Tôi trở về ưu tiên chăm sóc cho sức khỏe của mình, thay đổi các chế độ sinh hoạt chưa đúng trước đây, siêng năng tập chạy bộ, ăn chay, ăn uống có chế độ phù hợp với cơ địa của mình, ngủ sớm dậy sớm, khi ngủ thì tắt điện thoại... Khi cơ thể khỏe mạnh thì hơi thở sẽ thanh trong, vào ra nhẹ nhàng. Khi thân bệnh, hơi thở trở nên nặng nhọc, tắc nghẽn. Bệnh rồi thì cũng khó mà ngồi cho yên, khó mà thở cho tốt. Nhớ có lần bị viêm xoang, ngồi thiền khó khăn vô cùng, do không thể thở được, tôi có cảm giác mọi thứ nghẽn lại, con đường tu tập sao mà gian nan. Khi trở về với con người sinh học, con người của sinh già bệnh chết để chăm sóc cho nó, tôi thấy hóa ra cái xác phàm này quan trọng vô cùng mà nhu cầu căn bản của nó cũng rất đơn giản. Chăm sóc con người đang hiện diện rất thực này là chuyện cần làm, không cần phải mộng tưởng tìm kiếm con người tâm linh ở đâu xa, mà đôi khi lạc hướng, đánh mất giây phút hiện tại.
“Đời người như gió qua”. Thế nên, hãy làm cơn gió mát lành trong khu vườn yên tĩnh mà lại rộn rã tiếng chim, mà nơi đó, cơ thể đang hòa quyện cùng hơi thở để tu tập và vui sống.
Tập luyện kiểu ngồi thiền cũng có những mặt tiêu cực
Theo The Daily Mail, nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực hành thiền định rất có lợi như làm giảm mức độ ... |
Ngồi thiền có bị vong nhập?
Tôi có nghe rằng, một số người ngồi thiền rồi không may bị vong nhập. Điều đó có đúng không? |
http://giacngo.vn/tuvantamlinh/songdao/2017/05/10/5BC4C9/