Khách hàng Địa ốc Alibaba lao đao khi biết tin "trùm" lừa đảo Nguyễn Thái Luyện bị bắt

Sau khi biết tin Nguyễn Thái Luyện cùng em trai là Nguyễn Thái Lĩnh bị bắt, nhiều khách hàng mua đất nền của công ty này trở nên lao đao, lo lắng.

Liên quan đến việc Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba; trụ sở tại đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP.HCM) cùng em trai là Nguyễn Thái Linh - Giám đốc công ty bị bắt, ngày 19/9, nhiều khách hàng mua dự án đất nền của công ty này bày tỏ sự hoang mang, lo lắng.

Ông T., (ngụ Quận 12, TP.HCM) cho biết, hiện ông đang rất lo lắng, không biết phải làm gì khi tất cả tài sản đã dồn hết để mua đất nền của Công ty Địa ốc Alibaba.

Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba vừa bị bắt. 

"Sau khi nghe quảng cáo và mời gọi từ nhân viên của Địa ốc Alibaba, tôi đã gom hết số tiền dành dụm được để mua 3 nền đất của công ty này tại dự án Tân Thành Center City 1 (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với giá 6 triệu đồng/m2.

Đến tháng 7 vừa rồi, khi hay tin nhân viên công ty này làm toạn, xúc phạm và cản trở đoàn cưỡng chế, tôi đã đến trụ sở công ty để xin rút lại tiền thì được hứa nửa năm nữa sẽ trả lại. Thế nhưng, chưa kịp nhận lại tiền thì tôi hay tin lãnh đạo công ty bị bắt, tôi đến hỏi nhưng họ vẫn nói không sao, không ai bị bắt cả.

Hiện tôi đang rất lo lắng, nếu như công ty này lừa đảo thật và lãnh đạo bị bắt hết, thì tiền của tôi biết đòi ai?", ông T. nói.

Cùng cảnh ngộ, anh V. (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết, bản thân cũng đang hoang mang, không biết thực hư vụ việc như thế nào vì báo chí đăng tải thông tin lãnh đạo Công ty Địa ốc Alibaba bị bắt, còn nhân viên công ty này vẫn một mực phủ nhận.

"Tôi cũng mua 2 nền đất tại dự án Tân Thành Center City 1, hợp đồng ghi là khoảng giữa tháng 8/2019 sẽ được thanh lý hợp đồng và nhận 28% lãi. Thế nhưng, khi đến công ty thì doanh nghiệp này nói rằng đang khó khăn và phải giải quyết một số vấn đề pháp lý, do đó họ hẹn tôi một tháng sau mới trả lại hết.

Nhưng mà bây giờ lãnh đạo công ty đều bị bắt rồi, tôi không biết có nhận lại được tiền nữa hay không, rất mong cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc giúp dân", anh V. thông tin.

Trên trang Facebook của VTC News, nhiều khách hàng của Địa ốc Alibaba cũng cho biết họ đang như "ngồi trên đống lửa".

"4 nền đất của tôi giờ phải làm sao đây; cũng do mình nhẹ dạ cả tin, ham lợi nhuận nhiều; thật sự sốt ruột khi tất cả của cải đang ở công ty này, mong công an vào cuộc giúp đỡ...", đó là một trong những bình luận của các khách hàng Aliaba trên trang Facebook của VTC News.

Sáng 26/8, sau nhiều lần đến trụ sở Địa ốc Alibaba để đòi lại tiền nhưng không được giải quyết, các khách hàng từng bỏ tiền mua đất của công ty này đã căng băng rôn trước cổng công ty quyết đòi bằng được số vốn đã đầu tư.

Ông T., (quê Đồng Tháp), một người mua đất của Địa ốc Alibab cho biết, năm 2017, ông đầu tư vào dự án Alibaba Long Phước 5 với mục đích là định cư. Tuy nhiên, sau hai năm, đến nay Alibaba không làm đúng hợp đồng đã ký. Địa ốc Alibaba bàn giao đất cho ông T. là đất nông nghiệp chứ không phải đất thổ cư có dự án như cam kết.

Theo ông T., dự án được quảng cáo rất hoành tráng nhưng khi nhận đất ông thất vọng nặng nề vì đó chỉ là một bãi đất nông nghiệp trống không. Công ty chỉ cắm bốn cọc đá xung quanh đất rồi cho biết đó là đất của ông.

“Bản thân tôi đã đóng 330 triệu đồng (95% hợp đồng) nhưng họ không làm đúng cam kết nên tôi lên đòi lại tiền nhưng công ty đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giải quyết”, ông T. nói.

Tương tự, ông Q. (ngụ Đồng Nai) cũng có mặt tại trụ sở Địa ốc Alibaba ngày 26/8 để đòi quyền lợi. Ông Q. đã mua 4 lô đất ở dự án Tân Thành Center City 5 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

"Theo hợp đồng, Địa ốc Alibaba cam kết lợi nhuận sau 6 tháng, nghĩa là đến thời hạn ấy họ sẽ phải mua lại nền đất trên với lãi suất thỏa thuận. Thế nhưng đến nay đã là 13 tháng phía công ty chưa thực hiện cam kết, còn dự án thì bị cơ quan chức năng cưỡng chế, trả lại hiện trạng ban đầu.

Tôi đang rất bế tắc, không biết phải làm gì, tôi đã liên lạc, gửi văn bản, gọi số hotline nhưng đến lịch hẹn, họ vẫn né tránh, không cho người có thẩm quyền giải quyết sự việc", ông Q. cho biết.

Gần 100 nhân viên Địa ốc Alibaba dùng gạch, đá đập phá xe cuốc, xe cẩu của đoàn cưỡng chế tại xã Tóc Tiên (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo tìm hiểu của PV VTC News, hầu hết các thông tin quảng cáo dự án trên website của Địa ốc Alibaba đều cho biết đây là đất có thổ cư, đầy đủ tiện ích, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, khi đi thực tế thì chỉ là bãi đất trống.

Khi khách yêu cầu xem cơ sở pháp lý, nhân viên bán hàng cho biết công ty đang phân tách và lên thổ cư từng nền. Họ còn cam kết sau 6 tháng, cơ sở hạ tầng sẽ hoàn thiện và sau 12 tháng sẽ có sổ đỏ cho khách đứng tên từng lô.

Đến 6 tháng sau, khi khách hàng yêu cầu Alibaba bàn giao đất nền có cơ sở hạ tầng thì công ty nói chưa xong và tiếp tục hứa hẹn. Cho đến khi giao đất tình trạng vẫn không thay đổi.

Ở một diễn biến khác, cơ quan chức năng đã áp giải Nguyễn Thái Luyện và em trai là Nguyễn Thái Lĩnh cùng hàng trăm thùng tài liệu về trụ sở công an để làm việc. Công an TP.HCM đề nghị người dân là khách hàng ký hợp đồng mua nền đất, các bị hại bị Công ty Alibaba thu tiền, chiếm đoạt tài sản liên hệ Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (địa chỉ số 674 đường 3 Tháng 2, Phường 14, Quận 10, TPHCM) và công an 24 quận, huyện để cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra.

Công an TP.HCM cũng chỉ đạo Công an phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) và  Công an quận Bình Thạnh lập tổ công tác tiếp nhận đơn tố cáo, trình báo của người dân đối với công ty này, sau đó chuyển lên cấp trên. 

Công an sử dụng 5 xe tải chở tài liệu từ Công ty địa ốc Alibaba
Chân dung trùm lừa đảo địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện
Vẽ đất bán nền, dự án "ma" của công ty địa ốc Alibaba tỏa khắp miền Nam
/ vtc.vn