- Thủ tướng: Quyết liệt khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân với trách nhiệm cao nhất
- Quảng Ninh xem xét trách nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh liên quan vụ Việt Á
“Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai”, vì thế vài tháng nay em chẳng làm gì cả” - cán bộ ở một huyện đã nói với tôi như vậy. Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức đang kìm hãm sự phát triển xã hội.
Tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành Y tế. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Chính phủ đã nắm được qua các báo cáo, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí và đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời.
Các ý kiến tại cuộc họp đã phân tích kỹ các nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở một số nơi. Trong đó, có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thuốc, giá đầu vào nguyên liệu tăng cao trên thế giới. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, bệnh nhân đến khám và điều trị nửa đầu năm 2022 tăng 20-30%, ảnh hưởng đến xác định nhu cầu và kế hoạch mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư của các bệnh viện.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó, "nhiều cán bộ sợ, không dám chịu trách nhiệm". Việc đấu thầu tập trung còn chậm; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát thực tế; gia hạn các loại thuốc chậm.
Không chỉ trong lĩnh vực y tế, mà ở nhiều lĩnh vực khác, tình trạng cán bộ, công chức sợ sai, không dám chịu trách nhiệm đang tồn tại, cản trở sự phát triển của xã hội. Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc quý II-2022, nhưng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 6 tháng đầu năm mới đạt 27,75% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước đạt 29,06% (cùng kỳ năm 2021 đạt 31,75%); vốn nước ngoài đạt 8,61% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,37%). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ đội ngũ cán bộ, công chức. Báo cáo của Bộ Tài chính và các tổ công tác của Chính phủ cho biết, các cấp, các ngành và người đứng đầu một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của các dự án đã và đang triển khai.
Một trong những đột phá quan trọng mà văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa ra là cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám”. Đó là những người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”. Cần phải hiểu rằng “dám làm” không có nghĩa là làm liều, càng không phải là vi phạm pháp luật. Cán bộ, đảng viên phải là con người của hành động, “miệng nói, tay làm”. Dám chịu trách nhiệm thể hiện bản lĩnh, tinh thần vững vàng của người “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to, gió cả”, không lùi bước và luôn sẵn sàng đón nhận cả thành công và chưa thành công, thậm chí đối mặt với những rủi ro ngoài ý muốn. Dám chịu trách nhiệm bao gồm hai yếu tố: Một là, nhận nhiệm vụ và nhận trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, đồng thời nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, không tránh né, đùn đẩy. Hai là, dám chịu trách nhiệm nhận lỗi và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu đến với mình khi không hoàn thành nhiệm vụ.
Dù đường lối của Đảng đã khuyến khích, bảo vệ cán bộ “6 dám”, nhưng trên thực tế, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm vẫn đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức. Để khắc phục tình trạng này, rất cần một hành lang pháp lý đầy đủ khuyến khích và bảo vệ phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là có quy định cụ thể để giải tỏa cho được tâm lý sợ làm sai với quy định hiện hành, sợ bị xử lý trách nhiệm, mặc dù rất cố gắng giải quyết khó khăn, thách thức với một động cơ trong sáng - vì lợi ích của dân, của nước, không vì danh, lợi cá nhân ở không ít cán bộ, đảng viên đang giữ những trọng trách. Quy định này sẽ vừa kịp thời khuyến khích, vừa bảo vệ cán bộ, đảng viên “6 dám” vừa mở lối cho những vấn đề không còn phù hợp, những tồn đọng kéo dài, những vấn đề mới chưa được quy chế hiện hành bảo đảm, khó khăn trong cách giải quyết, phức tạp... mà sự nghiệp phát triển đất nước đang đặt ra.
Quy định về cơ chế bảo vệ những người có hành động “6 dám” phải bao quát các mặt, các lĩnh vực với những mức độ khác nhau, đủ mạnh, là chỗ dựa, là niềm tin, đồng thời cũng là sự khuyến khích lớn lao của Đảng, Nhà nước, nhân dân để họ quyết tâm giải quyết những nút thắt, rào cản, bế tắc, lỗi thời, những vấn đề mới chưa định hình cơ chế, nhạy cảm, tồn đọng lâu ngày... đang kìm hãm sự phát triển. Đồng thời, quy định đó cũng đưa ra được cơ chế xử lý, kỷ luật nghiêm khắc đối với những hành vi lợi dụng sự khuyến khích, bảo vệ những điều “dám” hữu dụng để tiến hành những điều “dám” chỉ vì lợi ích cá nhân, phe nhóm hoặc thiếu tính thực tế, hoang tưởng, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước, tài sản của nhân dân. Quy định phải cụ thể, càng cụ thể thì càng làm chỗ dựa tin cậy cho những hành vi “dám” diễn ra mạnh mẽ; đồng thời, làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá một cách khách quan, chính xác kết quả của những hành vi “dám” trong thực tế.
Trở lại với hai vấn đề “nóng” là giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trên cơ sở đó chủ động, tích cực xử lý, ban hành các văn bản theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, chỉ rõ các nội dung vướng mắc, nằm ở đâu, ai giải quyết. Bộ Y tế rà soát, cùng các cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung tại Trung ương và địa phương, nếu có vướng mắc thì tham khảo ý kiến các bộ, ngành, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, trên tinh thần công khai, minh bạch, chống tiêu cực. Các bộ, ngành liên quan phải phối hợp với Bộ Y tế xem xét, bổ sung các văn bản, quy định liên quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, như quy định về đấu thầu, giá cả…, hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để người thực hiện yên tâm, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm và xử lý nghiêm người trục lợi; vận dụng hết công cụ quản lý giá để phục vụ mua sắm, đấu thầu và chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Với việc giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đã yêu cầu người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý. Đồng thời, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trực tiếp xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án được giao quản lý đang triển khai nhưng bị dừng lại do vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý (bao gồm các kiến nghị, nếu có).
Từ thực tế xử lý hai vấn đề “nóng” trên đây, chúng ta sẽ có kinh nghiệm và bài học để khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/1035357/khac-phuc-tam-ly-so-sai-so-trach-nhiem