Tuy tỏ ra hài lòng với kết quả thanh tra Hãng phim truyện Việt Nam vừa được công bố, nhưng NBK Trịnh Thanh Nhã, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng thời gian sắp tới mới đáng lo.
Cơ sở vật chất Hãng phim truyện Việt Nam tiếp tục xuống cấp trong khi chờ kết luận.
Câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam từng gây xôn xao dư luận. Cách đây đúng 1 năm, các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu lên Hội điện ảnh, các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại quá trình thanh tra Hãng.
Nhiều cuộc đối thoại đã diễn ra giữa lãnh đạo mới của Hãng phim và các nghệ sĩ nhưng chưa có kết quả. Cũng trong thời gian Hãng phim truyện Việt Nam cổ phần hóa, không có bất cứ bộ phim nào được sản xuất, câu chuyện liên quan đến Hãng phim gần 60 tuổi này chỉ là những cuộc đấu tố, cãi vã giữa các nghệ sĩ làm việc ở Hãng và lãnh đạo mới từ Công ty vận tải Thủy Vivaso.
Sáng 20/9/2017. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bất ngờ đến thị sát Hãng phim truyện Việt Nam để nắm tình hình sau khi hàng loạt nghệ sĩ lên tiếng về hiện trạng của Hãng. Ngày 13/10, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn công bố quyết định thanh tra VFS, từ năm 2014 - giai đoạn khởi đầu tiến trình cổ phần hóa - đến khi thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hãng Phim truyện Việt Nam hồi tháng 6/2017.
Theo kế hoạch đoàn Thanh tra sẽ làm việc trong 30 ngày và báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 1/12. Tuy nhiên, cho tới tận ngày 20/9/2018, kết quả thanh tra toàn diện Hãng phim truyện Việt Nam mới được công bố chính thức.
Thời điểm cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam chỉ được định giá O đồng.
Kết luận thanh tra chỉ rõ nhiều hạn chế, khuyết điểm liên quan việc quản lý sử dụng đất đai, quản lý tài sản và xác định giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam trong quá trình cổ phần hóa. Cụ thể, Hãng đã cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội và góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng tại số 6 Thái Văn Lung, TP.HCM là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.
Việc xác định giá trị thương hiệu Hãng cũng như chọn chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cũng có sai sót. Trong khi đó, nhà đầu tư chiến lược là là Tổng Công ty Vận tải Thủy Vivaso chưa xây dựng đầy đủ phương án hỗ trợ kinh doanh như trong cam kết.
Sau khi chỉ ra hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTTDL thực hiện thủ tục cho Vivaso xin rút vốn trước thời hạn cũng như làm việc với nhà đầu tư mới đáp ứng đầy đủ các điều kiện để chuyển giao Hãng phim truyện Việt Nam theo quy định. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị thành lập hội đồng xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam do trước đó bị định giá bằng 0. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các đơn vị, cá nhân liên quan.
Lo lắng cho tương lai của Hãng phim 60 tuổi
Ngay sau khi có kết quả thanh tra, các nghệ sĩ của Hãng đã có những phản ứng khác nhau. NSND Minh Châu chia sẻ với VietNamNet: "Hãng phim truyện Việt Nam là mảnh đất có quá nhiều kỷ niệm với anh em nghệ sĩ, nó như ngôi nhà thứ 2 của chúng tôi.
Nghệ sĩ chúng tôi cũng không nghĩ nhiều tới việc quy trình cổ phần như thế nào, chúng tôi chỉ cảm thấy nhà đầu tư chiến lược trong vụ này là không phù hợp để tiếp nối những bộ phim mà các đàn anh đàn chị nghệ sĩ của chúng tôi đã làm. Thực sự khi định giá hãng phim với giá 0 đồng, tôi rất đau. Nhưng giờ với những công bố của Thanh tra Chính phủ như thế này, chúng tôi vui mừng khôn xiết, như tìm lại được ngôi nhà hương hoả của mình đã bị mất".
NSND Minh Châu.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, một trong những người tích cực nhất trong cuộc vận động để tiến hành thanh tra lại Hãng phim truyện Việt Nam suốt 1 năm qua tâm sự rằng bà cảm thấy rất vui.
"Trong kết luận thanh tra có nói đến khả năng thu hồi đất số 4 Thụy Khuê. Chúng tôi hiểu là các đời giám đốc gần đây ngoài việc điều hành kém dẫn đến sự suy thoái toàn diện của Hãng, thì họ còn có một lỗi nữa là thờ ơ với quyền sử dụng bất động sản hợp pháp của một đơn vị 60 năm tọa lạc tại một địa chỉ duy nhất.
Địa chỉ số 4 Thụy Khuê không chỉ là một bất động sản. Nó là cái nôi đầu tiên của cả giới điện ảnh sau cách mạng. Với chúng tôi nó là một ngôi đền, dù cũ kỹ nhưng chỉ nên bảo tồn, trùng tu chứ không thể phá bỏ. Vậy là trong niềm vui với kết quả minh bạch hoá một hiện thực của Hãng, chúng tôi sẽ còn nhiều việc phải làm ở phía trước", NBK Trịnh Thanh Nhã nói.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ mục tiêu đấu tranh để công ty vận tải thủy Vivaso thoái lưu khỏi Hãng phim truyện Việt Nam đã đạt được và kết quả thanh tra vừa công bố ít nhiều mang đến niềm vui cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên "tương lai của Hãng sẽ ra sao, hoạt động như thế nào mới là trọng tâm hướng tới. Chắc chắn còn nhiều mối lo ở phía trước".
NSND Thanh Vân chia sẻ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam đến nay đã kéo dài đến năm thứ 4 và làm hãng phim kiệt quệ cả về vật chất, tinh thần và con người, biến Hãng phim thành cái xác rỗng. Do vậy việc Hãng sẽ đứng dậy như thế nào trong thời gian tới để đáp ứng kỳ vọng của giới nghệ sĩ cũng như công chúng mới là điều đáng quan tâm nhất.
Q.An - T.Lê
CPH Hãng phim truyện Việt Nam: Sai phạm chọn nhà đầu tư chiến lược
Chiều tối qua (20.9), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo kết luận thanh tra “Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt ... |
Hãng phim truyện Việt Nam cho thuê nhà đất trái thẩm quyền
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ VH, TT&DL xác định giá trị thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam để ... |
Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam mong sớm có kết quả thanh tra
Tập thể nghệ sĩ cho biết hãng hoạt động trì trệ, không có dự án mới, xảy ra nhiều mâu thuẫn trong hơn sáu tháng ... |
Nghệ sĩ và đại gia ở hãng phim: \'Cuộc chiến\' không hồi kết năm 2017
Hàng chục cuộc họp lớn nhỏ với không ít nước mắt và cãi vã. Câu chuyện ở Hãng phim truyện Việt Nam năm 2017 được ... |