Kéo dài thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương là bất hợp lý

Tuyến metro số 2 không phải trường hợp duy nhất trong tổng thể đại dự án metro phải thay đổi tổng mức đầu tư do thay đổi thiết kế.

Tuyến metro số 1 đang lo trễ hẹn thì nay tuyến số 2 tiếp tục xin lùi thời gian hoàn thành ẢNH: AN HUY

Sau 7 năm chật vật, TP.HCM vừa có văn bản khẩn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ duyệt chủ trương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dự kiến lên 2,173 tỉ USD, tăng thêm 800 triệu USD. Đồng thời kéo dài thời gian hoàn thành dự án đến năm 2024.

Năm 2010, dự án tuyến metro số 2 được phê duyệt với tổng mức đầu tư dự toán là 1,374 tỉ USD.

Đội vốn do thay đổi thiết kế

Thực chất, việc đội vốn tuyến metro số 2 không phải đến bây giờ mới được thông báo. Từ đợt kiểm tra thực hiện dự án vào tháng 3.2015, các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã xác định lại tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 2 là 2,07 tỉ USD, tăng 51% so với tổng mức đầu tư đã được duyệt trước đó năm 2010.

Trong văn bản mới nhất trình Thủ tướng, UBND TP.HCM nêu rõ nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư là do thay đổi thiết kế cơ sở. Theo đó, thiết kế cơ sở đã được phê duyệt của dự án do đơn vị tư vấn trong nước là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng GTVT thực hiện vào năm 2010.

Trong quá trình triển khai, năm 2012, chủ đầu tư đã tuyển chọn tư vấn quốc tế là liên danh IC (đứng đầu là tư vấn Đức) thực hiện bước thiết kế tiếp theo (thiết kế FEED), với mục đích rà soát và triển khai thiết kế chi tiết. Tư vấn quốc tế phát hiện nhiều nội dung sai sót và chưa phù hợp dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế cơ sở (về mặt bằng nhà ga ngầm, bổ sung thiết kế, tăng khối lượng giao cắt giữa các tuyến metro số 2 với các tuyến metro số 1, số 3b, số 5 và số 6).

Bên cạnh đó, việc dự phòng trượt giá tới năm 2024, thay vì tính dự phòng tới năm 2016 như trong dự án được duyệt vào năm 2010, cũng khiến tổng mức đầu tư cần điều chỉnh. Việc thay đổi tỷ giá lãi vay, thay đổi cơ cấu vốn giữa các nhà tài trợ đã ảnh hưởng đến việc tính toán lãi vay trong thời gian xây dựng. UBND TP.HCM tính tỷ lệ dự phòng trượt giá áp dụng trong tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1,27%/năm cho phần ngoại tệ, và 4,22%/năm cho phần nội tệ, được tính toán theo chuỗi số liệu cập nhật hiện nay (năm 2017).

Đội vốn có hệ thống

Tuyến metro số 2 không phải trường hợp duy nhất trong tổng thể đại dự án metro phải thay đổi tổng mức đầu tư do thay đổi thiết kế. Trước đó, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng “lâm vào” tình trạng đội vốn đến 87%, từ 17.000 tỉ đồng lên 47.000 tỉ đồng. Nguyên nhân được đưa ra là do dự án được lên kế hoạch với sự tham gia chủ yếu của các công ty tư vấn trong nước còn thiếu kinh nghiệm nên tổng mức đầu tư tính toán không chính xác. Sau khi mời các tập đoàn tư vấn uy tín từ nước ngoài tham gia nghiên cứu mới có những nghiên cứu chính xác, đầy đủ hơn về kích thước nhà ga, hướng tuyến, công nghệ, toa tàu... nên lại phải điều chỉnh mức đầu tư.

Tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) cũng không ngoại lệ khi đăng ký danh mục dự án ODA chỉ ước khoảng 833 triệu euro. Tuy nhiên tổng mức đầu tư dự án đã cao hơn tới 87%, lên 1,563 tỉ euro sau khi dự án được giao cho phía tư vấn Tây Ban Nha làm lại thiết kế, tính toán kỹ lưỡng, thuê cả tư vấn thẩm tra của Hà Lan thẩm định.

Trước tình trạng trên, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên ĐH Fulbright, cho biết mọi người nghi ngờ nguyên nhân “do đội ngũ nghiên cứu thiếu kinh nghiệm, phải thay đổi thiết kế” nhưng thực tế đúng là như vậy. Cả 5 tuyến metro có tính toán sơ bộ, nghiên cứu thiết kế ban đầu một cách nhất quán, có hệ thống nên khi tuyến số 1 được đưa ra ước tính không phù hợp thì các tuyến khác cũng phải điều chỉnh theo. Ông nhìn nhận việc kéo dài, chậm trễ của tuyến metro số 2 nói riêng cũng như toàn tuyến nói chung sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Dân cư ngày càng đông đúc, giá đất đai tăng, chi phí xây dựng, lạm phát… sẽ khiến tổng chi phí có thể tiếp tục đội lên thêm nữa.

Vì thế theo ông Du, TP.HCM bây giờ muốn chắc chắn cần xem xét lại, đánh giá một cách tổng thể. Theo quy hoạch, TP thiết kế bao nhiêu ki lô mét đường metro, ước tính chi phí sơ bộ một cách tổng thể toàn hệ thống để đưa ra con số cụ thể. Như vậy sẽ đảm bảo “chắc ăn”, có xê dịch thì cũng chỉ ở mức độ vừa phải và khi đưa vào từng dự án thành phần thì tính thuyết phục cao hơn.

Cần sớm làm chủ công nghệ

Ông Huỳnh Thế Du lưu ý VN cần học hỏi cách làm metro của các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc. Họ chỉ dựa vào vốn vay, kỹ thuật từ nước ngoài trong một vài tuyến đầu, với các tuyến tiếp theo sẽ hoàn toàn do trong nước đảm nhận. Việc làm chủ công nghệ có thể kéo giảm chi phí rất nhiều. Ở VN hiện nay hầu hết các tuyến metro đều dựa hoàn toàn vào vốn vay, kỹ thuật nước ngoài, mỗi tuyến dựa vào một nước, không có cơ chế tự chủ, không có lan tỏa đầu tư nên thường xuyên xảy ra trục trặc và đa phần nguyên nhân đến từ phía VN. Lý giải vấn đề này, TS Huỳnh Thế Du cho rằng do nguồn lực dành cho 2 đô thị trọng yếu là TP.HCM và Hà Nội quá ít, khó có thể học hỏi, làm chủ công nghệ.

Cao tốc Bắc-Nam: Lo vốn lớn, phí cao

Cao tốc Bắc - Nam sẽ có nhiều trạm thu phí BOT, mức thu bình quân là 2.500 đồng/km, cao hơn mức thu bình quân ...

Vay Trung Quốc 7.000 tỷ làm cao tốc: Lãi suất cao

Trả lời kiến nghị của cử tri Cao Bằng đề nghị vay 300 triệu USD của Trung Quốc để đầu tư xây dựng tuyến đường ...

https://thanhnien.vn/kinh-doanh/keo-dai-thu-phi-cao-toc-tphcm-trung-luong-la-bat-hop-ly-899434.html

/ Hà Mai/Thanh niên