Biết tin Mao Ngạn Anh, con trai trưởng của Chủ tịch Mao Trạch Đông nhập đội quân tình nguyện sang chiến đấu ở Triều Tiên, CIA đã vạch kế hoạch bắt cóc.
CIA hy vọng nếu bắt được Mao Ngạn Anh, về chính trị sẽ đánh một đòn cân não vào tâm lý Chủ tịch Mao Trạch Đông, làm nản quyết tâm chiến lược, khiến ông dao động. Mưu đồ thâm độc của CIA không thành, họ quay sang thực hiện phương án 2: Dội bom na-pan (bom lửa) xuống Tổng bộ Quân chí nguyện Trung Quốc, muốn Mao Ngạn Anh bị chôn vùi trong biển lửa. Bài “Cuộc mưu sát con trai Mao Trạch Đông của CIA trong chiến tranh Triều Tiên” đăng trên tờ Tham khảo lịch sử thế giới đã làm cho dư luận thế giới bất bình, căm phẫn mưu đồ thâm độc của CIA.
Mao Ngạn Anh là con trai trưởng của Mao Trạch Đông và Dương Khai Tuệ. Năm 1936, lúc đó Mao Ngạn Anh mới 5 tuổi, tổ chức Đảng ở Thượng Hải đã bí mật đưa anh và một số “hạt giống đỏ” sang Liên Xô học tập. Năm 1943 tốt nghiệp Học viện Quân sự Phrun-de trở thành Hồng quân Liên Xô, đầu đội mũ sắt, ngực đeo máy thông tin đi chiến đấu chống phát xít Đức ở các mặt trận Ba Lan, Tiệp Khắc và một số nước Đông Âu. Kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, Mao Ngạn Anh từ Mát-xcơ-va về nước. Trước ngày về nước, Đại nguyên soái Xta-lin đã gặp gỡ Mao Ngạn Anh và tặng anh 1 khẩu súng lục làm phần thưởng vì những công lao tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.
Mao Ngạn Anh.
Về nước làm việc chưa được bao lâu thì chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Mao Ngạn Anh đã xin bố mình là Chủ tịch Mao Trạch Đông cho phép tham gia quân tình nguyện chiến đấu ở Triều Tiên. Lúc này, Mao Ngạn Anh kết hôn với Lâm Tư Tề vừa qua tuần trăng mật. Thời kỳ này, Tổng Tư lệnh Bành Đức Hoài từ mặt trận Triều Tiên về Bắc Kinh báo cáo tình hình với Trung ương Đảng. Mao Trạch Đông liền gửi Mao Ngạn Anh cho Tổng Tư lệnh Bành Đức Hoài đưa sang Triều Tiên để thử thách trong lửa đạn chiến trường. Vậy là Mao Ngạn Anh được giao làm nhiệm vụ phiên dịch tiếng Nga, thư ký cơ yếu và một phần công tác quân báo ở Tổng bộ Quân tình nguyện của Trung Quốc ở Triều Tiên.
Biết được tin này, CIA đã chỉ đạo Tướng Mắc-ca-thu, Tư lệnh quân Mỹ cũng là trùm điệp viên của Oa-sinh-tơn ở Triều Tiên vạch kế hoạch tổ chức bắt cóc Mao Ngạn Anh và tiêu diệt Bành Đức Hoài. Trùm điệp viên CIA Mắc-ca-thu tuyên bố: Bắt cóc Mao Ngạn Anh, con trai Mao Trạch Đông là yêu cầu chính trị, còn tiêu diệt Bành Đức Hoài là yêu cầu chiến lược.
Đây là một kế hoạch thâm hiểm và cay độc của CIA. Cục tình báo Trung ương Mỹ cho rằng, nếu bắt được Mao Ngạn Anh, về chính trị sẽ là đòn đánh mạnh vào tâm lý Mao Trạch Đông, làm nản quyết tâm chiến lược, khiến ông có thể bị dao động. Còn việc tiêu diệt Bành Đức Hoài sẽ khiến cho Quân chí nguyện Trung Quốc tạm thời rơi vào tình trạng “rồng không đầu”, làm rối việc bố trí lực lượng chiến lược đã định, khiến toàn quân tổn thương sinh khí, khó có thể tổ chức lại hành động chiến dịch có hiệu quả.
Mặc dù kế hoạch của trùm tình báo Mắc-ca-thu được vạch ra tuyệt mật, nhưng các bức điện mật của CIA đã bị Tình báo Liên Xô (KGB) thu được và giải mã. Từ đó, giới tình báo Xô Viết đã biết, Mỹ sắp tới sẽ đưa máy bay đến oanh tạc Tổng bộ Quân tình nguyện Trung Quốc. Tình báo Xô Viết đã điện báo khẩn cấp cho Nhiếp Vĩnh Trăn, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc, thông báo tình hình trên, đồng thời nhắc nhở phía Trung Quốc đề cao cảnh giác, sẵn sàng chuẩn bị đối phó.
Chủ tịch Mao Trạch Đông, sau khi đọc xong bức điện mật của Tình báo Xô Viết gửi liền chỉ thị miệng: “Điện báo ngay cho Bành Đức Hoài, yêu cầu Tướng quân chuyển vị trí của Bộ Tư lệnh”. Vẫn không yên tâm, chiều hôm sau, Chủ tịch Mao Trạch Đông còn tự tay viết một bức điện mật và được phát đi với hình thức mật khẩu. Nhưng đáng tiếc là Tổng bộ Quân chí nguyện vừa bố trí xong kế hoạch mở chiến dịch, các công việc cho trận đánh lớn rất bề bộn và khẩn trương. Tuy Tổng Tư lệnh Bành Đức Hoài nhận được cùng một lúc 2 bức điện tuyệt mật của Nhiếp Vĩnh Trăn và Mao Trạch Đông, nhưng không thể kịp di chuyển địa điểm của Tổng bộ và điều không may đã xảy ra.
Cũng chính vào buổi chiều Mao Trạch Đông điện báo cho Bành Đức Hoài thì trùm tình báo CIA, Tướng Mắc-ca-thu đã ra lệnh cho Đội gián điệp biệt kích do Thượng úy Lay-thơ-lin cầm đầu bí mật đột nhập Tổng hành dinh Quân chí nguyện Trung Quốc.
Đêm đó, Mao Ngạn Anh súng đạn nai nịt trên người đầy đủ, từ trong căn nhà gần phòng tác chiến Tổng bộ Quân chí nguyện đi ra. Cùng đi với Mao Ngạn Anh có Tiểu Lý, cảnh vệ của Tổng Tư lệnh Bành. Trong gió đông rét thấu xương, hai người đi kiểm tra các vọng gác trên núi Nam. Sau đó, họ đến vọng gác của Trương Quốc Tường, Tiểu đội trưởng cảnh vệ. Vọng gác này đặt ở khe núi cạnh một căn hầm. Mao Ngạn Anh đứng trước cửa hầm quan sát xung quanh, rồi cả hai đi vào một lối rẽ. Bỗng, từ trong bóng đêm, lại bị địa hình che khuất, 8 tên lính gián điệp biệt kích Mỹ và mấy tên đặc công Nam Triều Tiên bất ngờ xông ra, dùng súng và lực lượng đông áp sát đội tuần tra. Lay-thơ-lin đã chiếu đèn pin vào mặt Mao Ngạn Anh, đối chiếu với ảnh để nhận diện, đồng thời ra lệnh cho một Trung úy cùng 3 đặc công Nam Triều Tiên ở lại giữ người này, còn hắn dẫn 2 tên biệt kích khác tiếp tục chạy theo hướng đến Tổng bộ Quân chí nguyện Trung Quốc với ý đồ tập kích bất ngờ Bành Đức Hoài.
Nhận thấy tình hình nguy cấp, Trương Quốc Tường đột nhiên lao đến đứng chắn trước người Mao Ngạn Anh, rút lựu đạn ra, rồi quay lại nói to: Ngạn Anh, Tiểu Lý chạy mau! Rồi Trương Quốc Tường xông thẳng đến trước mặt kẻ địch, giật chốt cho lựu đạn nổ, 4 tên biệt kích không kịp trở tay đã chết tại chỗ và Trương Quốc Tường cũng đã hy sinh anh dũng.
Vì lo lắng cho sự an toàn của Tổng bộ Quân chí nguyện và Tổng Tư lệnh Bành Đức Hoàn, Mao Ngạn Anh và Tiểu Lý chạy gấp về hướng động Đại Du. Khoảng gần 12 giờ đêm, khi đến gần một cánh rừng cách Tổng bộ không xa, hai người lại chạm phải nhóm gián điệp biệt kích do Thượng úy Lay-thơ-lin dẫn đầu do bị thất bại trong trận tập kích nên phải rút chạy. Mao Ngạn Anh và Tiểu Lý đã phải chiến đấu một trận quyết liệt với nhóm gián điệp biệt kích Mỹ và Nam Triều Tiên. Tiểu Lý bị thương nặng trong trận chiến đấu này. Lay-thơ-lin và đồng bọn tìm mọi kế kiên quyết bắt sống Mao Ngạn Anh. Nhưng Ngạn Anh vừa đánh, vừa rút. Lúc này, nghe tiếng súng nổ, một tốp quân chí nguyện đã kịp thời đến tiếp ứng, diệt 2 tên, bắt sống toàn bộ toán gián điệp biệt kích. Tiểu Lý được đồng đội nhanh chóng đưa đi bệnh viện dã chiến cứu chữa, còn Mao Ngạn Anh chỉ bị thương nhẹ và đã trở về tới Tổng bộ, nhưng không ngờ một tai họa mới lại ập đến với anh.
Sau khi biết kế hoạch “bắt cóc Mao Ngạn Anh, tiêu diệt Bành Đức Hoài” không thành công, còn mất luôn toán biệt kích được huấn luyện công phu, trùm CIA, tướng Mắc-ca-thu lập tức ra lệnh thực hiện phương án 2, cho máy bay ném bom na-pan xuống Tổng bộ Quân chí nguyện, biến động Đại Du thành biển lửa, muốn Bành Đức Hoài và Mao Ngạn Anh phải chôn vùi trong biển lửa đó!
Khoảng 3 giờ chiều, ngày 25/11/1950, 4 chiếc máy bay Mỹ đã lồng lộn lao đến trút mưa bom na-pan xuống động Đại Du. Cả khu Tổng bộ Quân chí nguyện bị cháy ngùn ngụt, khói lửa cuồn cuộn bốc lên không trung.
Người chỉ huy Đoàn cảnh vệ Tổng cục Quân chí nguyện đã ra lệnh cho mọi người bất chấp nguy hiểm lao vào các căn nhà đang bốc cháy để cứu lấy người và các văn kiện, tài liệu, bản đồ…
Khi máy bay Mỹ bất ngờ đến oanh tạc, Mao Ngạn Anh và Cao Thụy Hân đang vào sổ các bức điện mật ở bên trong. Quả nhiên điều bất hạnh đã xảy ra, thi thể Mao Ngạn Anh và Cao Thụy Hân được các chiến sĩ đào bới từ trong đống lửa đã cháy thành than. Tổng Tư lệnh Bành Đức Hoài đã lặng người đi và rơi nước mắt trước thi thể của các liệt sĩ.
Khi nhận được tin con mình hy sinh, Chủ tịch Mao Trạch Đông vô cùng đau buồn, nhưng ông cố kìm nén đau thương. Mao Trạch Đông sợ tin Mao Ngạn Anh hy sinh sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng mọi người, nên đã dặn đi dặn lại Giang Thanh: “Sự việc này không cần nói ngay mà để chậm một thời gian”. Cuối cùng, Chủ tịch Mao Trạch Đông nói: “Chiến tranh cách mạng thường phải trả giá. Mao Ngạn Anh cũng là một chiến sĩ bình thường, vì sự nghiệp Quốc tế Vô sản, Mao Ngạn Anh đã hy sinh tuổi trẻ, làm tròn nhiệm vụ của một đảng viên cộng sản”.
Mao Trạch Đông (trái) và vợ chồng Mao Ngạn Anh.
Được Mao Trạch Đông đồng ý, thi thể của Mao Ngạn Anh được an táng tại đất Triều Tiên. Trong nghĩa trang liệt sĩ của quân tình nguyện Trung Quốc ở quận Cối Thương, đường Bình An, Triều Tiên, một ngôi mộ như bao ngôi mộ bình thường khác được dựng lên. Trước mộ đặt một tấm bia đá hoa cương cao chừng 1 mét, trên tấm bia khắc hàng chữ: Mộ liệt sĩ Mao Ngạn Anh.
Mọi người đã dùng câu thơ: “Xuất quân, tin thắng trận chưa về, người đã khuất” để khái quát cuộc đời 28 tuổi xuân ngắn ngủi mà sáng ngời của Mao Ngạn Anh.
Mao Ngạn Anh không may hy sinh, khiến Lưu Tư Tề đau đớn như đứt từng khúc ruột, không chỉ làm trời đất quay cuồng mà còn đảo lộn cuộc sống của chị. Một thời gian dài buồn rầu trầm uất, để thay đổi không khí, Mao Trạch Đông bố trí cho Tư Tề đi Mát-xcơ-va học. Mùa thu 1961, chị về nước được phân công làm phiên dịch tiếng Nga ở Ban chỉ huy Công binh Quân giải phóng Trung Quốc. Mao Trạch Đông rất quan tâm đến đời sống của Lưu Tư Tề, nhiều lần khuyên chị tái giá. Được sự quan tâm của Mao Trạch Đông, Lưu Tư Tề kết hôn với Dương Mậu Chi, giáo viên giảng dạy máy bay cường kích của Học viện Không quân.
Về sau, qua phong ba bão táp của cuộc “đại cách mạng văn hóa”, Lưu Tư Tề được phân công vào làm việc tại Học viện Khoa học Quân sự cho đến ngày nghỉ hưu.
Vì sao Tưởng Giới Thạch 3 lần tìm cách phá mộ tổ Mao Trạch Đông?
Sau 3 lần tay chân của Tưởng Giới Thạch tìm cách phá hoại mộ tổ của Mao Trạch Đông, Quốc Dân Đảng liên tiếp thất ... |
Kim Jong Un sẽ mặc suit hiện đại hay trang phục phong cách Mao Trạch Đông khi đến Việt Nam?
Trong hầu hết sự kiện ngoại giao, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thường xuất hiện với trang phục theo phong cách Mao ... |