Kẻ chế tạo bom trong vụ đánh bom hộp đêm làm rung chuyển đảo Bali (Indonesia) năm 2002 vừa lên tiếng xin lỗi gia đình các nạn nhân khi việc anh ta được trả tự do tạo ra làn sóng phẫn nộ ở Australia.
Umar Patek, một thành viên của nhóm Jemaah Islamiyah có liên hệ với tổ chức khủng bố al Qaeda, đã bị kết án 20 năm tù vào năm 2012 do chế tạo bom dẫn đến vụ tấn công khủng bố 2 hộp đêm ở Bali, cướp đi sinh mạng 202 người (trong đó có 88 người Australia và 38 người Indonesia). Lần đầu lên tiếng sau khi được tạm tha vào tuần trước, Patek nói: “Tôi xin lỗi các nạn nhân và gia đình của họ, bất kể họ ở quốc gia nào, sắc tộc nào, tôn giáo nào”. Trả lời cuộc phỏng vấn tại một trung tâm chống cực đoan hóa ở tỉnh Đông Java hôm 13-12, anh ta nói thêm: “Tôi xin lỗi người dân Australia, những người đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi vụ đánh bom ở Bali”. Patek cũng cho biết sẽ giúp Chính phủ Indonesia trong nỗ lực chống khủng bố, đồng thời “sẵn sàng trở thành đại sứ vì hòa bình”.
Kẻ tham gia vụ đánh bom Bali Umar Patek vừa được tạm tha hồi đầu tháng 12-2022 |
Sáng 7-12, Patek (55 tuổi) tên thật là Hisyam bin Alizein, được ra tù ở thành phố Surabaya, Đông Java và được chính quyền áp giải vì không có ai trong gia đình đến đón. Patek đã được giảm án tổng cộng 33 tháng. Gần đây nhất là ngày 17-8 anh ta đã được giảm thêm 5 tháng vào dịp Ngày Độc lập của Indonesia. Điều đó có nghĩa là anh ta đã hoàn thành điều kiện chấp hành 2/3 bản án hiện tại. Bộ Tư pháp Indonesia cho biết, Patek được yêu cầu tham gia vào một “chương trình giám sát” cho đến tháng 4-2030 và bất kỳ hành vi vi phạm nào có thể khiến anh ta bị thu hồi lệnh tạm tha. Patek bị bắt vào năm 2011 sau gần 1 thập kỷ trốn chạy với số tiền treo thưởng 1 triệu USD. Tòa án quận Tây Jakarta kết luận, Patek đóng vai trò quan trọng trong việc chế tạo một quả bom xe được kích nổ bên ngoài Câu lạc bộ Sari ở Kuta, ngay sau khi một quả bom nhỏ hơn được kích nổ bởi một kẻ đánh bom liều chết ở trong quán bar Paddy's gần đó.
Trong phiên tòa, Patek thừa nhận anh ta đã giúp chế tạo bom, nhưng nói rằng không biết chúng sẽ được sử dụng như thế nào. Anh ta thoát án tử hình sau khi hợp tác với cảnh sát và tuyên bố đã sai lầm khi tham gia vào các cuộc tấn công năm 2002. Trong một video được quay bên trong nhà tù Porong, anh ta nói: “Tôi không đến Indonesia để tham gia vụ đánh bom. Ngay khi phát hiện ra điều đó, tôi đã phản đối. Tôi hỏi những người khác rằng, kế hoạch tấn công vì lý do gì, nhưng không có lý do nào cả”.
Indonesia, quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, đã đi tiên phong trong chương trình chống cực đoan hóa cùng các cuộc truy quét phần tử cực đoan. Nhà chức trách Indonesia tin rằng, kẻ cực đoan bị kết án đã “có những thay đổi” sau khi trải qua một chương trình phi cực đoan hóa. Quan trọng nhất, người này đã cam kết trung thành với nước Cộng hòa Indonesia. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng, việc thả Patek và đồng bọn của anh ta là Ali Imron (người đang thụ án chung thân) có thể làm tăng tai tiếng của họ sau khi được thả. Việc Patek được trả tự do đã khiến người Australia tức giận. Phó Thủ tướng Richard Marles cho biết, ngày Patek ra tù là một “ngày khó khăn” đối với những người Australia bị mất người thân tại các vụ tấn công. Trong 21 quốc gia có công dân thiệt mạng tại vụ tấn công đẫm máu nhất lịch sử Indonesia thì Australia chiếm nhiều nhất. Paul Vanni, quan chức của đội bóng bầu dục Coogee Dolphins của Sydney (đội đã mất 6 thành viên trong vụ đánh bom ở Bali) đã bác bỏ lời xin lỗi. “Lời nói chẳng có ý nghĩa gì. Anh ta là một sát thủ” - ông Vanni nói.