Julian Assange gây chấn động vì WikiLeaks công bố lượng lớn tài liệu mật của Mỹ năm 2010 và có thể ngồi tù 5 năm nếu bị dẫn độ.
Julian Assange trên ban công sứ quán Ecuador ở London tháng 5/2017. Ảnh: AFP. |
Công dân Australia Julian Assange, ông chủ WikiLeaks, ngày 11/4 bị bắt sau khi ẩn náu tại đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012.
Assange sáng lập WikiLeaks vào năm 2006 sau quãng thời gian học tập ở Đại học Melbourne. Trang này gây chấn động toàn cầu vào năm 2010 khi công bố 470.000 tài liệu về hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan.
Cụ thể, tháng 4/2010, WikiLeaks đăng video có hình ảnh bạo lực được quay tại Iraq. Tháng 7/2010, họ công bố kho lưu trữ 6 năm báo cáo chiến trường mật ở Afghanistan. Ba tháng sau, họ lại công bố các tài liệu mật về cuộc chiến ở Iraq.
Tháng 11/2010, Wikileaks hé lộ 250.000 bức điện ngoại giao bí mật của Mỹ.
Assange là nỗi đau đầu đối với chính quyền Obama. Trong khi đó, khi tranh cử tổng thống năm 2016, Trump liên tục bày tỏ vui mừng khi WikiLeaks công khai những email từ Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và chiến dịch của Hillary Clinton, mặc dù các quan chức Mỹ cho biết WikiLeaks thu được những email này từ tin tặc làm việc cho tình báo Nga.
Các nhà điều tra quân đội Mỹ nghi ngờ nguồn rò rỉ tài liệu quân sự là binh nhất Bradley Manning, hiện đã chuyển giới và lấy tên là Chelsea. Manning bị truy tố vào tháng 6/2010 và vào tháng 8/2013, cô bị kết án 35 năm tù vì chuyển thông tin cho WikiLeaks. Tổng thống Obama giảm án cho Manning vào cuối nhiệm kỳ thứ hai và cô được thả vào tháng 5/2017.
Bradley Manning (hiện lấy tên là Chelsea Manning tại Mỹ tháng 6/2018. Ảnh: AP. |
Tháng 8-9/2010, Assange bị điều tra về cáo buộc hiếp dâm và quấy rối từ hai phụ nữ Thụy Điển. Stockholm phát lệnh bắt ông vào tháng 11/2010, tuyên bố rằng Assange bị truy nã vì liên quan đến cáo buộc cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục và cưỡng ép bất hợp pháp. Assange bác bỏ cáo buộc.
Assange ra trình diện cảnh sát ở London vào tháng 12/2010 và bị giữ trong khi chờ phán quyết về yêu cầu dẫn độ của Thụy Điển. Ông sau đó được tại ngoại và gọi các cáo buộc của Thụy Điển là chiến dịch bôi nhọ mình. Assange sợ rằng Thụy Điển sẽ bàn giao mình cho Mỹ, nơi WikiLeaks đang bị điều tra.
Tháng 11/2011, tòa án ở Anh ra phán quyết rằng Assange có thể bị dẫn độ sang Thụy Điển. Các luật sư của ông kháng cáo với lập luận rằng ông sẽ không được xét xử công bằng nếu bị dẫn độ. Assange thất bại trong lần kháng cáo cuối cùng trước Tòa án Tối cao Anh tháng 6/2012.
Assange sau đó ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador ở London và được nước này cấp quy chế tị nạn chính trị vào tháng 8/2012. Dù được tự do, Assange bị giam lỏng trong đại sứ quán: Ecuador chỉ có thể bảo vệ ông chủ WikiLeaks khi ông ở trong sứ quán. Nếu Assange rời đi, ông sẽ ngay lập tức bị cảnh sát Anh bắt.
Một nhóm thuộc Liên Hợp Quốc ra tuyên bố vào tháng 1/2016 rằng Anh và Thụy Điển đã "bắt giữ tùy tiện Assange", yêu cầu họ khôi phục quyền tự do đi lại và bồi thường cho ông. Nhóm này cho rằng các công tố viên Thụy Điển chưa cho Assange xem các bằng chứng chống lại ông và không cho ông cơ hội phản hồi. Tuy nhiên, Anh và Thụy Điển đều không chấp nhận kết luận này và Assange vẫn ở trong đại sứ quán.
Với sự hỗ trợ của Ecuador, các công tố viên Thụy Điển tháng 11/2016 thẩm vấn Assange trong 4 giờ tại sứ quán ở London. Luật sư người Thụy Điển của Assange, Per E. Samuelson, không được tham dự. Trên đài Radio Swenden, luật sư bày tỏ nghi ngờ về tính hợp lệ của cuộc thẩm vấn.
Tháng 4/2017, Lenin Moreno được bầu làm tổng thống Ecuador, kế nhiệm lãnh đạo cánh tả Rafael Correa. Trong chiến dịch tranh cử, một số ứng viên đã thề sẽ "tống cổ" Assange khỏi đại sứ quán nếu họ giành chiến thắng. Moreno thì nói rằng ông sẽ để Assange ở lại. Tuy nhiên, tân Tổng thống có quan điểm gay gắt với Assange hơn người tiền nhiệm. Moreno gọi Assange là tin tặc và cảnh báo ông không nên can thiệp vào chính trị.
Tổng thống Ecuador Lenin Moreno trong cuộc họp báo tại Latacunga ngày 11/4. Ảnh: AFP. |
Thụy Điển tháng 5/2017 dừng cuộc điều tra Assange về cáo buộc cưỡng hiếp. Công tố viên trưởng Maryne Ny nói rằng điều này không có nghĩa là Assange được tuyên là vô tội. Bà giải thích việc rút cáo buộc là do nếu tiếp tục thủ tục tố tụng, Assange cần phải hầu tòa ở Thụy Điển và điều này khó có thể xảy ra.
Tuy nhiên, Assange vẫn đối mặt với lệnh bắt ở Anh vì đã vi phạm quy định tại ngoại của London năm 2012 khi không dự phiên tòa về việc dẫn độ sang Thụy Điển.
Cuối năm 2017, Ecuador cấp quyền công dân cho Assange và đầu năm 2018 yêu cầu Anh cho Assange được hưởng miễn trừ ngoại giao. Tuy nhiên, Anh vẫn giữa lập trường rằng Assange sẽ ngay lập tức bị bắt nếu rời khỏi sứ quán.
Ecuador tháng 3/2018 cắt các phương thức liên lạc của Assange với cáo buộc ông vi phạm cam kết không can thiệp vào vấn đề của các quốc gia khác. 7 tháng sau, sứ quán ra nội quy mới, cấm Assange đưa ra các tuyên bố mang tính chính trị, phải thường xuyên lau dọn phòng tắm và chăm sóc tốt hơn cho con mèo của mình. Ecuador cảnh báo nếu Assange vi phạm quy định, ông sẽ bị chấm dứt quy chế tị nạn.
Tháng 11/2018, các công tố viên Mỹ vô tình tiết lộ rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã chuẩn bị cáo trạng chống lại Assange.
Đầu tháng này, Tổng thống Ecuador Lenin Moreno nói rằng Assange đã "liên tục vi phạm" nội quy tại đại sứ quán. Một chuyên gia độc lập về nhân quyền lên kế hoạch gặp Assange tại sứ quán vào ngày 25/4 để đánh giá cáo buộc.
Tuy nhiên, cuộc hẹn chưa kịp xảy ra thì Assange đã bị cảnh sát Anh bắt vào ngày 11/4, sau khi Ecuador rút quy chế tị nạn với ông này. Ông Moreno khẳng định quyết định của Ecuador "mang tính chủ quyền" và nhấn mạnh Assange "liên tiếp vi phạm các quy tắc thường nhật và thông lệ quốc tế". Assange có thể ngồi tù ít nhất một năm với cáo buộc vi phạm quy tắc tại ngoại của Anh năm 2012.
Mỹ ngày 11/4 cáo buộc Assange xâm nhập vào máy tính của chính phủ, liên quan đến vụ rò rỉ thông tin mật của Mỹ năm 2010. Assange có nguy cơ đối mặt 5 năm tù nếu bị dẫn độ sang Mỹ.
Các nước phản ứng trái chiều về vụ bắt Assange. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cảm ơn Tổng thống Ecuador Lenin Moreno đã hợp tác và Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh "không ai đứng trên luật pháp". Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng Assange "sẽ không được đối xử đặc biệt".
Trong khi đó, Bolivia và Nga lên án vụ bắt người. Cựu nhà thầu Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, người bị Mỹ truy nã vì công bố tài liệu tuyệt mật về hoạt động do thám của NSA, gọi đây là "thời khắc đen tối cho tự do báo chí".
Mặc dù từng bày tỏ vui mừng khi WikiLeaks công bố tài liệu bất lợi cho Clinton năm 2016, Trump ngày 11/4 khẳng định không biết gì về WikiLeaks lẫn Julian Assange. "Đây là việc của Bộ trưởng Tư pháp Mỹ", ông nói.
Phương Vũ (Theo NYTimes/ AFP)
Các kịch bản với ông chủ WikiLeaks sau khi bị Anh bắt
Julian Assange có thể sớm được tự do, nhưng cũng có khả năng bị dẫn độ về Mỹ đối mặt với cáo trạng có mức ... |
Ecuador tốn hàng triệu USD để do thám, bảo vệ nhà sáng lập WikiLeaks
Các tài liệu cho thấy Ecuador đã chi tối thiểu 5 triệu USD cho các hoạt động do thám nhằm bảo vệ ông Julian Assange ... |
Sứ quán Ecuador muốn 'tống khứ' nhà sáng lập Wikileaks vì ở bẩn
Nhân viên Đại sứ quán Ecuador ở London ngày càng mệt mỏi về tình trạng thiếu vệ sinh của nhà sáng lập WikiLeaks. Ông được ... |
Ecuador và Assange: Bỏ thì thương, vương thì tội?
Ecuador đang tìm kiếm quốc gia thứ ba hoặc một cá nhân đóng vai trò trung gian trong việc chuyển Julian Assange, nhà sáng lập ... |