Ít nhất 54 người thiệt mạng trong biểu tình ở Myanmar

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar ngừng các cuộc đàn áp với những người biểu tình ôn hòa.

Theo bà Bachelet, hơn 1.700 người bị quân đội Myanmar bắt giữ một cách tùy tiện và các vụ bắt giữ tiếp tục gia tăng.

Trích dẫn các số liệu mà Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc có được, bà Bachelet cho biết ít nhất 54 người thiệt mạng kể từ khi đảo chính nổ ra hôm 1/2 và con số thực tế có thể còn cao hơn.

"Quân đội Myanmar phải dừng việc giết chóc và bỏ tù người biểu tình”, bà kêu gọi, lên án việc quân đội Myanmar sử dụng đạn thật để chống lại những người biểu tình ôn hòa.

Theo Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, các binh sỹ và cảnh sát được cho là đang tiến hành khám nhà và giam giữ một số người. Nhiều gia đình không được cung cấp thông tin về người thân bị bắt giữ của họ.

Ít nhất 54 người thiệt mạng trong biểu tình ở Myanmar - 1
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet. (Ảnh: Reuters)

Bà Bachelet kêu gọi quan chức Myanmar, những người tham gia phong trào bất tuân dân sự ủng hộ nỗ lực buộc các lãnh đạo quân đội phải chịu trách nhiệm về hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng thông qua các cuộc điều tra và tố tụng của Liên hợp quốc tại Tòa án hình sự quốc tế (ICC).

Hàng trăm nghìn người đổ xuống đường biểu tình sau khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền dân sự và trực tiếp chấp chính vào đầu tháng 2.

Các nước phương Tây bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu đã thực hiện hoặc đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhằm vào lực lượng quân sự Myanmar.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine, Phó Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win khẳng định quân đội nước này sẵn sàng chịu các lệnh trừng phạt và cô lập sau cuộc đảo chính ngày 1/2.

"Chúng tôi đã quen với các biện pháp trừng phạt và vẫn sống sót. Chúng tôi chỉ cần vài người bạn", ông Soe Win cho biết.

Theo bà Burgener, quân đội Myanmar đang muốn điều tra các thành viên của NLD, sau đó cấm đảng này và tổ chức một cuộc bầu cử mới để lên nắm quyền.

"Có lẽ quân đội Myanmar rất bất ngờ trước làn sóng biểu tình chống đảo chính. Ngày nay, chúng ta có những người trẻ sống trong tự do. Họ không muốn quay trở lại chế độ không dân chủ và bị cô lập", bà Burgener bình luận.

SONG HY (Nguồn: Reuters)

Không muốn làm theo lệnh quân đội, cảnh sát Myanmar vượt biên sang Ấn Độ Không muốn làm theo lệnh quân đội, cảnh sát Myanmar vượt biên sang Ấn Độ
Gần 40 người chết trong ‘ngày chết chóc nhất’ sau đảo chính ở Myanmar Gần 40 người chết trong ‘ngày chết chóc nhất’ sau đảo chính ở Myanmar

/ vtc.vn