Sau một thời lầm lỡ, vợ chồng ông Lường Văn Tiếng và bà Lò Thị Phương (bản Sài Lương, xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã vứt bỏ quá khứ lỗi lầm, làm lại cuộc đời. Ít ai nghĩ rằng sau đó vợ chồng ông đã trở thành tấm gương vượt khó, làm kinh tế giỏi.
Một thời lầm lỡ
Ngôi nhà sàn của vợ chồng ông Tiếng nằm gần Tỉnh lộ 110, nhưng để gặp được vợ chồng ông phải vào khu trang trại cách đó gần cây số đường, bởi ông dành hết thời gian ở đó làm kinh tế. Ông Tiếng kể: Sau thời gian phục viên trong quân ngũ trở về, năm 1986 hai vợ chồng ông nên duyên với một đám cưới rộn rã nơi xóm nghèo Sài Lương.
Nụ cười hạnh phúc của vợ chồng ông Tiếng khi đã trở thành nông dân sản xuất giỏi. Ảnh: Hoàng Thương
"Tại mình nôn nóng, lập trường không vững, không biết cách làm ăn, đất nương, đất rẫy rộng mà để gia đình nghèo đói là lỗi do chính mình. Ước mong lớn nhất là làm lại cuộc đời đã thôi thúc hai vợ chồng tôi cố gắng từng ngày, cải tạo tốt để sớm mãn hạn hoàn lương trở về quê hương làm lại từ đầu...". Ông Lường Văn Tiếng |
Thế rồi 4 đứa con của vợ chồng lần lượt ra đời. Ngược với niềm vui đó là áp lực cơm áo gạo tiền ngày càng đè nặng lên đôi vai hai vợ chồng, khi các con đến tuổi ăn học, chi phí lo cho sinh hoạt gia đình tăng lên khiến cuộc sống ngày một khó khăn, bế tắc.
“Làm gì cũng không nên, trồng cây ngô, cây sắn năm được mùa năm mất mùa, khó khăn nối tiếp khó khăn. Ý nghĩ về cách làm giàu nhanh chóng để có cuộc sống tốt đẹp đã khiến hai vợ chồng tôi nghĩ liều, làm liều, buôn bán trái phép chất ma túy. Lúc đầu chỉ nghĩ mua đi bán lại để kiếm chút tiền trang trải cuộc sống, nhưng dần dà càng làm càng lún sâu, giàu đâu chả thấy chỉ thấy nghèo nàn, bà con làng xóm nghi kỵ mất tình làng nghĩa xóm”- ông Tiếng nhớ lại.
Điều gì phải đến rồi cũng đến khi cả hai vợ chồng ông sa vào vòng lao lý, với bản án 2 năm tù giam, để lại những đứa con ở nhà phải tự bươn trải. Ngồi sau song sắt hối lỗi về việc làm sai trái của mình, hai vợ chồng ông chợt tỉnh giấc, hối hận.
Thành công sau lầm lỡ
Năm 2012, sau cải tạo trở về đoàn tụ cùng với gia đình, trong niềm vui của người thân, bạn bè, bà con lối xóm. Tuy nhiên ánh mắt nghi kỵ, lời đàm tiếu vẫn đây đó bên tai. Được sự thăm hỏi, động viên của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể càng thúc giục vợ chồng ông quyết tâm làm lại từ đầu để lấy lại niềm tin của mọi người.
Từ hai bàn tay trắng vợ chồng ông quyết trí làm lại từ đầu. Trên mảnh đất rộng gần 1ha của gia đình trước đây, vợ chồng cải tạo làm trang trại, sẵn có nguồn nước là điều kiện thuận lợi, chỗ đất thấp vợ chồng ông trồng lúa để lấy ngắn nuôi dài, còn khu vực đất cao san làm mặt bằng, quây lưới để nuôi vịt.
“Kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi được cán bộ quản giáo hướng dẫn, chỉ dạy trong thời gian ở trại, bao nhiêu kinh nghiệm tích lũy được vợ chồng ông áp dụng vào thực tế, từ cách cho ăn, phòng dịch bệnh đều thuộc như lòng bàn tay. Chỉ sau một thời gian đàn vịt đã phát triển lên đến hàng nghìn con, có thời điểm lên đến 1.500 con vịt. Cứ ngỡ thành công đã mỉm cười, thế nhưng đầu ra bập bõm, thất thường, không ổn định, chủ yếu bán cho lái buôn địa phương, còn lại phục vụ sinh hoạt gia đình”- ông Tiếng cho hay.
Sau 4 năm nuôi vịt kinh tế gia đình vẫn không ổn định. Năm 2016, vợ chồng ông quyết định bỏ vịt sang trồng rau màu. Nào là rau cải bắp, su hào, súp lơ, cà chua… mùa nào thức đấy, chăm sóc đúng kỹ thuật nên cả 4 mùa vườn rau lúc nào cũng tươi xanh. Điệp khúc được mùa mất giá liên tiếp xảy đến, thưa vắng thương lái, người mua nhỏ giọt. Năm 2015, được Nhà nước hỗ trợ cấp 1 con bò giống sinh sản, vay thêm vốn Ngân hàng CSXH 30 triệu đồng mua thêm 2 con bò. Từ những lứa bò đầu tiên, đến nay gia đình ông đã có 5 con bò. Đồng thời, vợ chồng ông Tiếng cải tạo lại cái ao nuôi cá với diện tích hơn 1.200m2...
Nhận thấy trồng rau không còn phù hợp, năm 2018, vợ chồng ông kết nối được với một số công ty trồng bí đao, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và hỗ trợ giống, kỹ thuật chăm sóc, vợ chồng ông chỉ việc bỏ công chăm bón. Vụ đầu tiên trúng lớn, bao nhiêu bí làm ra được công ty bao tiêu sạch, lãi hơn trăm triệu đồng, sau vụ bí vừa giả được nợ vừa có tiền dư. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm vợ chồng ông lời hơn 200 triệu đồng.
Ông Lèo Văn Thoan - Phó Chủ tịch UBND Chiềng Chăn, nhận xét: Thời gian hoàn lương trở về địa phương, vợ chồng ông Tiếng luôn chấp hành rất tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định nơi ở. Siêng năng, chịu khó vươn lên trong lao động sản xuất. Trở thành tấm gương điển hình trong tái hòa nhập cộng đồng và phát triển kinh tế. Ông còn được chính quyền địa phương ghi nhận, bình chọn là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
“Thủ phủ” vải thiều Bắc Giang thắng lớn, giá cao nhất 60 năm qua Mặc dù bị mất mùa, sản lượng giảm gần một nửa so với năm 2018, song năm nay nông dân trồng vải thiều ở Bắc ... |
Điều gì biến Ninh Thuận thành nơi sản xuất tôm giống đỉnh cao? Với hơn 600 cơ sở sản xuất tôm giống trên tổng số 1.200 trại nuôi trồng thủy sản, hàng năm cung ứng cho thị trường ... |