- Israel tuyên bố đánh chặn hơn 200 tên lửa và UAV của Iran
- Phương Tây phản ứng sau khi Iran phóng tên lửa và UAV vào Israel
- Hé lộ năng lực quân sự của Iran trước diễn biến đối đầu với Israel
Israel từ lâu đã triển khai hệ thống lưới phòng không dày đặc chống lại UAV, tên lửa và các cuộc không kích.
Theo AP, hệ thống lưới phòng không này sẽ phải đối mặt với thử thách nghiêm trọng khi Iran đêm 13/4 phóng tới 300 máy bay không người lái và tên lửa tấn công trả đũa vụ Israel không kích tòa Đại sứ quán Iran tại Syria khiến 2 tướng lĩnh cấp cao quân đội Iran thiệt mạng.
Hệ thống Arrow
Hệ thống phòng không Arrow do Mỹ thiết kế để đánh chặn các loại tên lửa tầm xa ngoài không gian, bao gồm cả các loại tên lửa đạn đạo mà Iran tuyên bố đã phóng đi trong đêm 13/4. Israel hiện sở hữu hệ thống Arrow 3 hiện đại nhất do tập đoàn Boeing của Mỹ và Tập đoàn Công nghiệp Vũ trụ Israel (IAI) cùng phát triển.
Hệ thống phòng không Arrow (Ảnh: UPI)
Arrow 3 được đánh giá có vai trò then chốt trong hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng của Israel bên cạnh hệ thống phòng thủ chủ động David's Sling, Vòm Sắt và được Không quân Israel sử dụng lần đầu năm 2017.
Tên lửa trang bị cho hệ thống Arrow 3 là loại tên lửa siêu thanh có thể bảo vệ cho một khu vực vô cùng rộng lớn với bán kính tối đa lên đến 2.400km bao gồm những cơ sở chiến thuật hoặc các khu đông dân cư. Arrow 3 có thể tiêu diệt được các mối đe dọa từ xa, bao gồm cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt ở độ cao lên đến 100km.
Hệ thống radar trang bị cho Arrow 3 bao gồm radar cảnh báo sớm và kiểm soát tấn công Super Green Pine của Elta – một công ty con trực thuộc IAI – giúp phát hiện, theo dõi và đánh chặn cùng lúc nhiều mục tiêu.
Hệ thống điều khiển trung tâm Citron Tree trên Arrow 3 cho phép quản lý, liên lạc, phân tích dữ liệu, đánh giá nguy cơ, ước lượng điểm phóng tên lửa và dự đoán độ chính xác khi nhắm đến mục tiêu cả ở chế độ tự động và chế độ điều khiển bằng tay. Ngoài ra, Arrow 3 còn được trang bị hệ thống kiểm soát bắn trung tâm Hazelnut Tree với cơ chế bảo đảm an toàn tránh cho tên lửa vô tình bị kích hoạt nhầm.
David's Sling
David's Sling là hệ thống phòng không được Israel cùng phát triển với Mỹ để đánh chặn các tên lửa tầm trung được Israel sử dụng lần đầu vào năm 2018 để đánh chặn 2 tên lửa đạn đạo tầm gần OTR-21 Tochka của Syria.
Tên lửa từ hệ thống David's Sling rời mục tiêu (Ảnh: Wiki)
Hệ thống David's Sling có thể đánh chặn các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo của đối phương từ khoảng cách 40-300km ở độ cao 15km nhờ được trang bị tên lửa nhiên liệu rắn 2 giai đoạn Stunner có tốc độ bay cực nhanh là Mach 7.5 (gần 9.000km/h) để dễ dàng tránh né các loại vũ khí đánh chặn của đối phương và lao thẳng vào tiêu diệt mục tiêu.
Không giống như tên lửa đánh chặn Tamir trang bị cho Vòm Sắt, Stunner không mang đầu đạn mà hủy diệt mục tiêu bằng cách lao thẳng. Để đảm bảo khả năng đánh trúng mục tiêu, Stunner được trang bị cảm biến hồng ngoại hình ảnh quang - điện và radar tìm kiếm mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết. Khi gần tiếp cận mục tiêu, Stunner còn nhận dữ liệu từ radar mặt đất để điều chỉnh đường bay cho phù hợp.
Ngoài ra, David's Sling còn được trang bị hệ thống radar đa nhiệm điện tử theo pha dẫn đường chủ động (AESA) có thể vừa giám sát vừa kiểm soát phóng tên lửa. Ở chế độ giám sát, ELM-2084 có thể theo dõi tối đa 1.100 mục tiêu ở khoảng cách 474km. Ở chế độ kiểm soát phóng tên lửa, ELM-2084 có thể theo dõi 200 mục tiêu mỗi phút ở khoảng cách 100km và dẫn đường cho tên lửa Stunner cho đến khi nó phát hiện mục tiêu.
Patriot
Đây là hệ thống tên lửa do Mỹ chế tạo lâu đời nhất trong số các hệ thống phòng không của Israel được sản xuất để đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu của đối phương.
Hệ thống Patriot (Ảnh: TWZ)
Patriot được Israel đưa vào sử dụng lần đầu trong cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 để đánh chặn tên lửa Scud phóng đi từ Iraq. Patriot có tầm hoạt động khoảng 70km và có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao trên 24km.
Hệ thống Patriot mới nhất PAC-3 hiện nay được tăng cường hiệu quả đánh chặn các loại tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo nhờ sử dụng công nghệ truy tìm – tiêu diệt (hit-to-kill) trên radar theo dõi theo pha điện tử AN/MPQ-53 có nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện, theo dõi, xác định, dẫn đường tên lửa tiêu diệt mục tiêu (ECCM). AN/MPQ-53 có tầm hoạt động khoảng 100km và có thể theo dõi 100 mục tiêu, dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt 9 mục tiêu đối phương một lúc.
Iron Dome (Vòm sắt)
Iron Dome là hệ thống phòng không trứ danh của Israel chuyên tiêu diệt các loại tên lửa tầm ngắn. Kể từ khi được kích hoạt gần 13 năm qua, Iron Dome đã giúp đánh chặn hàng nghìn tên lửa do phiến quân Hamas và Hezbollah phóng về phía nhà nước Do Thái. Israel từng tự hào tuyên bố khả năng đánh chặn thành công của Iron Dome lên đến hơn 90%.
Hệ thống Iron Dome kích hoạt tiêu diệt mục tiêu trong đêm ở Israel (Ảnh: Reuters)
Mỗi hệ thống Iron Dome được trang bị ít nhất 10 bệ phóng tên lửa di động thông minh với khoảng 20 tên lửa đánh chặn Tamir trên mỗi bệ phóng đảm bảo khả năng đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách từ 3,2-70km. Tên lửa Tamir sử dụng dữ liệu kết nối từ sở chỉ huy và radar tích hợp để chủ động tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu.
Iron Dome được phát triển từ năm 2007 và bắt đầu sử dụng năm 2011, chỉ riêng trong tháng 11/2012 trong cuộc xung đột với Hamas, giới chức Israel cho biết hệ thống Vòm Sắt đã đánh chặn tới 85% trong tổng số 400 quả tên lửa do nhóm phiến quân này phóng vào khu đông dân cư ở Dải Gaza.
Con số này là rất đáng kể nếu biết rằng trong cuộc chiến với Lebanon năm 2006 khi Iron Dome chưa được triển khai, Hezbollah đã phóng gần 4.000 quả tên lửa về phía Israel và hơn 900 quả rơi vào khu đông dân cư khiến 44 người thiệt mạng. Đây chính là lý do Israel gọi Vòm Sắt là vũ khí "thay đổi cục diện" cứu mạng người dân.
Iron Beam
Iron Beam là hệ thống phòng không đánh chặn mục tiêu sử dụng công nghệ laser hiện đại. Israel cũng cọi đây là hệ thống "thay đổi cục diện" chiến tranh bởi chi phí vận hành nó được dự đoán sẽ rẻ hơn nhiều lần so với những loại vũ khí hiện tại. Đáng tiếc Iron Beam mới ở trạng thái thử nghiệm chứ chưa được đưa vào biên chế quân đội Israel.
Tia laser phát đi từ hệ thống Iron Beam trong chương trình thử nghiệm vũ khí của Israel (Ảnh: Getty Images)
Một trong những ưu điểm đáng kể nhất của Iron Beam là chi phí đánh chặn thấp, khả năng bắn hạ mục tiêu không giới hạn, ít tiêu tốn nhân lực và tránh được nguy cơ mảnh vỡ của mục tiêu đánh chặn rơi xuống các khu vực mà hệ thống này bảo vệ.
Iron Beam được thiết kế để tiêu diệt các loại tên lửa, đạn pháo và bom thông thường với tầm hoạt động khoảng 7km giúp đánh chặn hoàn toàn các loại vũ khí lọt qua được hệ thống Iron Dome. Iron Beam cũng được cho là có khả năng tiêu diệt các loại máy bay không người lái và là sự bổ sung hoàn hảo cho hệ thống phòng không đa tầng của Israel bên cạnh Arrow, David's Sling và Iron Dome.