- Hezbollah dội mưa UAV trả đũa vụ Israel hạ sát thủ lĩnh Hamas
- Israel tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah
Iran và các đồng minh đang cân nhắc cách trả đũa đối với 2 vụ ám sát được cho là do Israel thực hiện ở Beirut và Tehran hồi cuối tháng 7 mà không gây ra chiến tranh toàn diện. Nhưng, lựa chọn nào lúc này cũng rất khó khăn.
Thế kẹt của Iran và Hezbollah
Một cuộc không kích của Israel hôm 30/7 đã giết chết Fuad Shukr - chỉ huy cấp cao của Hezbollah tại ngoại ô Beirut (Lebanon). Một ngày sau, nhà lãnh đạo chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh đã bị ám sát bằng một vụ nổ tinh vi ngay trong phòng của ông khi đang đến thăm Tehran để dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian - một cuộc tấn công mà Iran đổ lỗi cho Israel dù Tel Aviv vẫn chưa công khai thừa nhận.
Cả Iran và Hezbollah đều xem 2 vụ sát hại kể trên là những sự bẽ bàng rất lớn. Cái chết của Haniyeh ở Tehran đặc biệt đáng xấu hổ với Iran bởi nó cho thấy sự bất lực của nước này trong việc bảo vệ những người bạn có giá trị. “Bạn không thể để thủ đô của mình dễ bị tấn công như vậy”, Joseph Bahout - Giám đốc Viện Chính sách công và Quan hệ quốc tế Issam Fares tại Đại học Mỹ ở Beirut (Lebanon), cho biết. “Iran sẽ phải trả lời”.
Với Hezbollah, việc trả thù Israel sau cái chết của Fuad Shukr cũng là yêu cầu mang tính nguyên tắc. “Hai cuộc tấn công (của Israel) đã phá vỡ các quy tắc giao tranh và vượt qua ranh giới đỏ. Không một quốc gia nào trên thế giới chấp nhận các cuộc tấn công này”, Ali Fadlallah, nhà khoa học chính trị người Lebanon, nhận định.
Rõ ràng là Iran và Hezbollah đều buộc phải đáp trả Israel. Nhưng, đáp trả bằng cách nào để hậu quả sau đó là tối thiểu, hay nói cách khác, để vẫn có thể kiểm soát được tình hình? Đó là câu hỏi rất khó.
Lúc này, Iran không đủ khả năng gây chiến với Israel, bởi điều này có thể sẽ khiến Mỹ nhập cuộc. Chính quyền tân Tổng thống Masoud Pezeshkian đang phải đối mặt với việc cải thiện quan hệ với phương Tây nhằm dỡ bỏ dần các lệnh cấm vận, qua đó cứu vãn nền kinh tế Iran. Một cuộc chiến tranh lúc này sẽ phá hỏng mục tiêu đó.
Chiến tranh cũng có thể gây ra tổn thất ngoại giao khu vực cho Tehran, phá hỏng nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng Arab trong những năm gần đây. Trong khi đó, người dân Iran vẫn còn những ký ức đau thương về cuộc cuộc chiến kéo dài 8 năm với Iraq vào những năm 1980, với những hệ quả tàn phá cả một thế hệ. Ký ức đó có thể xem là nguyên nhân khiến trong nhiều thập kỷ qua, Tehran lựa chọn việc quấy rối các đối thủ của mình trong khu vực thông qua một mạng lưới dân quân nước ngoài, thay vì đối đầu trực tiếp.
Hezbollah, lực lượng chính trị - vũ trang người Lebanon được Tehran hậu thuẫn, cũng có nhiều thứ để mất hơn nếu leo thang những xung đột lẻ tẻ xuyên biên giới kéo dài 10 tháng qua với Israel thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Dù có kho tên lửa hùng hậu đủ sức tung ra đòn trừng phạt Israel nghiêm khắc, nhưng các nhà lãnh đạo Hezbollah không thể không cân nhắc hậu quả sau khi chứng kiến Israel phá hủy phần lớn Dải Gaza và tiêu diệt các thủ lĩnh Hamas - điều mà Israel đã thề sẽ “sao chép” tới Lebanon nếu bị Hezbollah tấn công.
Lựa chọn nào cũng khó khăn
Theo các nhà phân tích về Trung Đông, Iran và Hezbollah nhiều khả năng sẽ cố gắng luồn lách giữa việc tấn công các mục tiêu có giá trị mà không gây ra quá nhiều thiệt hại đến mức làm bùng phát chiến tranh toàn diện.
"Cả Hezbollah lẫn Iran đều không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện ngay bây giờ", Ali Fadlallah, nhà khoa học chính trị người Lebanon có nhiều năm nghiên cứu về Hezbollah, cho biết. "Nhưng, đồng thời họ không muốn người Israel kết luận rằng việc họ không muốn tham chiến sẽ cho phép Tel Aviv vượt qua lằn ranh đỏ".
Các quan chức phương Tây vẫn nhận định Iran và Hezbollah sẽ phát động các cuộc tấn công vào Israel trong những ngày tới, nhưng hy vọng một tuần ngoại giao quốc tế sôi nổi và các đợt triển khai quân sự mới tới khu vực đã giúp trì hoãn và có thể làm giảm thiểu điều đó.
Tuần trước, Mỹ đã cảnh báo Iran rằng chính phủ mới được bầu và nền kinh tế của nước này có thể phải chịu đòn tàn phá nặng nề nếu Tehran tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Israel. Các nhà ngoại giao Arab đã chuyển những cảnh báo tương tự tới Iran và đã tìm cách thuyết phục nước này xuống thang.
Lầu Năm Góc cũng ra lệnh tăng cường các tàu khu trục có hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis và nhiều đơn vị phòng thủ tên lửa trên đất liền cùng một phi đội chiến đấu cơ hiện đại đến Trung Đông, giúp tăng cường cho lực lượng vốn đã hùng hậu gồm một nhóm tác chiến tàu sân bay và các tàu hỗ trợ đang có mặt ở thực địa.
Iran đã đối đầu trực tiếp với Israel một lần trong năm nay. Vào tháng 4, một cuộc không kích bị nghi ngờ của Israel vào tòa nhà lãnh sự quán Iran tại Damascus (Syria) khiến 16 người thiệt mạng, trong đó có 8 sĩ quan của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Iran đã đáp trả 2 tuần sau đó bằng cách phóng hơn 300 máy bay không người lái và tên lửa vào Israel, một màn phô trương sức mạnh chưa từng có và cũng là lần đầu tiên họ nhắm mục tiêu trực tiếp vào Israel.
Nhưng, Iran cũng đã gửi điện tín về cuộc tấn công này thông qua các kênh ngoại giao, cho phép Israel và liên minh do Mỹ dẫn đầu chuẩn bị đối phó và đánh chặn hầu hết các tên lửa cũng như máy bay không người lái đang bay tới. Kết quả đã ngăn chặn được sự leo thang đáng kể nhưng lại là một thất bại đối với Iran.
Lần này, Iran đang phải phản ứng trước một kiểu tấn công khác trong vụ thủ lĩnh Hamas bị ám sát tại Tehran. Họ gần như không thể đáp trả Israel theo cách y hệt đối thủ vì không có đủ thông tin tình báo hoặc phương tiện để tiến hành ám sát có chủ đích ở lãnh thổ đối phương giống như những gì Tehran cho rằng Israel đã thực hiện ở Tehran.
Một lựa chọn khả thi cho Iran là hành động như đã làm vào tháng 4, nhưng lúc này, điều đó khá mạo hiểm vì có nguy cơ dẫn đến sự trả đũa trực tiếp của Israel trên đất Iran. Một lựa chọn khác là dàn dựng một cuộc tấn công vào Israel thông qua các lực lượng dân quân đồng minh ở Lebanon, Yemen, Iraq và Syria - có thể trên nhiều mặt trận cùng một lúc, nhưng lựa chọn này sẽ làm tăng tính phức tạp của tình hình và sẽ khó kiểm soát hơn.
Các quan chức Arab cho biết Iran và các đồng minh đang phải đánh giá xem liệu Israel có sử dụng bất kỳ cuộc tấn công nào do Iran dàn dựng làm cái cớ để phản công mạnh mẽ hơn hay không - và Mỹ sẵn sàng đi xa đến đâu để hỗ trợ đồng minh của mình?
Israel đã khẳng định họ sẵn sàng đáp trả nhanh chóng bất kỳ cuộc tấn công nào và thậm chí sẽ ngăn chặn trước bằng những đòn phủ đầu nếu cần thiết. Bên cạnh đó, không ít người Israel, bao gồm cả nội các của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, thậm chí còn kêu gọi tiến hành ngay một chiến dịch quân sự ở Lebanon để đẩy Hezbollah ra khỏi biên giới và cho phép các gia đình Do Thái di tản trở về nhà của họ. Do đó, chỉ cần một cuộc tấn công nghiêm trọng của Hezbollah, Israel sẽ có cái cớ để phát động chiến dịch quân sự toàn diện nhằm vào Lebanon.
Ai cũng muốn tránh điều xấu nhất
Lần cuối cùng Hezbollah xảy ra chiến tranh với Israel là vào năm 2006. Khi đó, nhiều người dân Lebanon đã tập hợp xung quanh phong trào này và người Arab trên khắp Trung Đông thì hết lời ca ngợi Hezbollah là phong trào phi nhà nước đầu tiên thành công trong việc đối đầu với Israel.
Nhưng, điều đó sẽ không xảy ra bây giờ, tiến sĩ Sami Nader, Giám đốc Viện Khoa học chính trị tại Đại học Saint Joseph ở Beirut (Lebanon) cho biết. “Tình hình hoàn toàn khác so với năm 2006. Lebanon đã trải qua sự sụp đổ kinh tế, người dân mất tiền tiết kiệm trong ngân hàng, đồng tiền mất 98% giá trị, tỷ lệ thất nghiệp cao”, tiến sĩ Nader nói. “Người dân ở khu vực bầu cử của Hezbollah ở phía Nam đã mất nhà một lần. Họ không muốn mất nhà lần thứ hai. Thời điểm này không thích hợp để tiến hành chiến tranh với Israel”.
Cuối tuần qua, khi các hãng hàng không hủy chuyến bay và các đại sứ quán nước ngoài cảnh báo công dân của họ rời khỏi Lebanon, nỗi lo lắng về tương lai nhanh chóng lan rộng ra ngoài khu vực biên giới. Nhiều người dân thủ đô Beirut đã bắt đầu tính đến phương án đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và tài sản nếu xảy ra cuộc chiến toàn diện với Israel.
Nhưng, những phản ứng của Hezbollah hiện vẫn chỉ dừng ở biên giới, với những vụ phóng rocket vào một số doanh trại phía Tây Bắc Israel làm vài binh sĩ bị thương những ngày gần đây. Trong bài phát biểu mới nhất, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah cho biết lực lượng của ông chắc chắn sẽ trả đũa cho cái chết của Fuad Shukr, nhưng... vào một thời điểm thích hợp. "Chính phủ, quân đội, xã hội, khu định cư và những kẻ chiếm đóng đều đang phải nín thở chờ đợi", Nasrallah nói về Israel. Và, ông cho biết sự chờ đợi ấy cũng là "một phần của hình phạt".
Tại Tehran, dù nhiều tướng lĩnh cấp cao đang thúc giục tấn công Israel, giới lãnh đạo Iran cũng tiếp tục “nâng lên đặt xuống” các phương án. Cho đến đầu tuần này, tín hiệu gửi đi từ Tehran vẫn là những lời đe đọa, khi Ahmad Bakhshayesh Ardestani, thành viên Ủy ban An ninh Quốc gia của Quốc hội Iran, tuyên bố: "Cuộc không kích của Iran nhằm vào Israel sẽ được tiến hành bất ngờ và có thể diễn ra trong khoảng 3 đến 4 ngày”.
Ông Ardestani nói thêm, việc kéo dài thời gian quyết định phản ứng có lợi cho Iran vì sẽ khiến Israel "cảm thấy đêm nào cũng trong phải lo sợ và việc giữ Israel trong tình trạng bấp bênh là một phần của hoạt động trả thù”.
"Áp dụng chính sách kiên nhẫn và chờ đợi là một phần trong quá trình trả thù của Cộng hòa Hồi giáo", ông Ardestani nhấn mạnh.