Iran và Mỹ đã có cuộc hội đàm về vấn đề hạt nhân tại Oman và nhất trí sẽ họp lại vào tuần tới.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi đăng trên kênh Telegram của mình rằng phái đoàn của ông đã có cuộc gặp ngắn với người đồng cấp Hoa Kỳ, dẫn đầu là đặc phái viên Trung Đông của ông Trump - Steve Witkoff, sau khi họ rời khỏi cuộc đàm phán gián tiếp do Oman làm trung gian.
"Sau khi kết thúc hơn hai tiếng rưỡi đàm phán gián tiếp, người đứng đầu phái đoàn Iran và Hoa Kỳ đã phát biểu trong vài phút trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Oman khi họ rời khỏi cuộc đàm phán", ông Araqchi cho biết.
Ông cho biết các cuộc đàm phán - lần đầu tiên giữa Iran và chính quyền Trump - bao gồm cả nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2017 diễn ra trong "bầu không khí tích cực và hiệu quả".
"Cả hai bên nhất trí tiếp tục đàm phán vào tuần tới", ông Araqchi viết, nhưng không nêu chi tiết về địa điểm và ngày tháng. Hiện Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận gì về các cuộc đàm phán.
Iran - Mỹ kết thúc đàm phán về hạt nhân, đồng ý nối lại trong tuần tới. (Ảnh: Reuters)
Đài truyền hình nhà nước Iran cho biết đặc phái viên Trung Đông của Hoa Kỳ Steve Witkoff và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi "đã có cuộc nói chuyện ngắn trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Oman" vào cuối cuộc hội đàm, đánh dấu sự tương tác trực tiếp giữa hai quốc gia đã trải qua nhiều thập kỷ căng thẳng.
Nhấn mạnh đến sự rạn nứt sâu sắc giữa Mỹ và Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baghaei trước đó phát biểu trên X rằng, mỗi phái đoàn có phòng riêng và sẽ trao đổi thông tin thông qua bộ trưởng ngoại giao Oman.
"Trọng tâm hiện tại của các cuộc đàm phán sẽ là giảm căng thẳng khu vực, trao đổi tù nhân và các thỏa thuận hạn chế nhằm nới lỏng lệnh trừng phạt (đối với Iran) để đổi lấy việc kiểm soát chương trình hạt nhân của Iran", một nguồn tin Oman nói với Reuters.
Ông Baghaei phủ nhận thông tin này nhưng không nêu rõ thông tin nào là sai. Oman từ lâu đã đóng vai trò trung gian giữa các cường quốc phương Tây và Iran, làm trung gian cho việc thả một số công dân nước ngoài và công dân mang hai quốc tịch bị Cộng hòa Hồi giáo giam giữ.
Tehran tiếp cận các cuộc đàm phán thận trọng, hoài nghi về khả năng đạt được thỏa thuận và nghi ngờ với Tổng thống Trump, người nhiều lần đe dọa sẽ ném bom Iran nếu nước này không dừng chương trình làm giàu uranium - chương trình mà phương Tây coi là con đường có thể dẫn đến vũ khí hạt nhân.
Trong khi mỗi bên đều nói về cơ hội đạt được một số tiến triển, họ vẫn còn cách xa nhau trong cuộc tranh chấp đã kéo dài hơn hai thập kỷ. Iran từ lâu phủ nhận việc tìm kiếm khả năng vũ khí hạt nhân, nhưng các nước phương Tây và Israel tin rằng nước này đang âm thầm cố gắng phát triển các phương tiện để chế tạo bom nguyên tử.
Cuộc trao đổi hôm thứ Bảy (12/4) có vẻ mang tính gián tiếp, như Iran mong muốn, thay vì trực tiếp như ông Trump yêu cầu.
"Đây là sự khởi đầu. Vì vậy, ở giai đoạn này, việc hai bên trình bày với nhau những lập trường cơ bản của mình thông qua bên trung gian Oman là điều bình thường", ông Baghaei cho biết thêm.
Những dấu hiệu tiến triển có thể giúp làm dịu căng thẳng trong khu vực đang bùng nổ kể từ năm 2023 với các cuộc chiến ở Gaza và Lebanon, tên lửa bắn giữa Iran và Israel, các cuộc tấn công của Houthi vào tàu vận chuyển trên Biển Đỏ và việc lật đổ chính phủ ở Syria.
https://vtcnews.vn/iran-my-ket-thuc-dam-phan-ve-hat-nhan-dong-y-noi-lai-trong-tuan-toi-ar937327.html