Bún mắng chảo chửi tồn tại bởi vì vẫn có nhiều người ủng hộ, vẫn sẵn sàng ngồi ăn dù có nguy cơ nghe chửi bên tai.
Mặc dù không phải người Hà Nội nhưng tôi đã có thời gian dài sống và làm việc tại thành phố này. Điều mà tôi yêu nhất ở nơi đây là văn hóa ẩm thực đa dạng và không kém phần tinh tế. Mỗi khi có bạn phương xa tới chơi, tôi đều hào hứng mời họ tới những quán ăn ngon mà tôi tâm đắc.
Nếu có ai hỏi quán bún chửi ở đâu, có ngon không thì tôi lại cất công giải thích rằng thật ra tôi có nghe kể về quán đó nhưng chưa đến ăn bao giờ và cũng không có ý định đi thử. Quán bún chửi nổi tiếng vì "tiếng xấu đồn xa" chứ không hề đại diện cho văn hóa phục vụ tại Hà Nội.
Vì bán bún dọc mùng này mà nhiều người ngậm đắng nuốt cay. Ảnh: 2sao |
Đối với tôi, ăn uống là một lạc thú trong cuộc sống. Khi ăn cũng là lúc con người ta được hưởng thụ nên tâm trạng luôn phải thoải mái, vui vẻ. Dù ăn ở nhà hàng năm sao nhưng trong lòng khó chịu thì tôi không thể nuốt được chứ đừng nói tới cảm nhận vị ngon.
Tôi cứ tưởng tất cả mọi người đều nghĩ như mình nhưng thực ra không phải vậy. Theo tôi được biết, quán bún chửi tai tiếng kia đã tồn tại cả chục năm trời và không ít lần lên báo.
Còn nhớ lần đầu tiên bị phản ánh trên phương tiện truyền thông, tôi chắc mẩm quán bún này sắp phải đóng cửa tới nơi. Nhưng thực tế là cửa hàng ngày càng phát triển và đông khách. Quán đã chuyển sang địa điểm mới khang trang, rộng rãi hơn. Chính bà chủ cũng tiết lộ rằng từ khi lên sóng truyền hình CNN của Mỹ thì lượng khách kéo tới càng nhiều.
Đến lúc này thì tôi đành phải chấp nhận sự thật, quán bún chửi tồn tại vì sự ủng hộ của khách hàng chứ không hề bị tẩy chay như tôi từng nghĩ.
Có thể bà chủ quán cũng biết những lời chê trách mà người ta nói về mình nhưng khách tới ngày càng đông thì cần gì phải thay đổi? Nhất là thương hiệu "bún chửi" lại đang giúp bà khấm khá, ăn nên làm ra.
Vậy những thực khách đến quán, tại sao họ lại ủng hộ?
Đầu tiên đó là thỏa mãn sự tò mò. Muốn tới ăn một lần cho biết. Muốn nhìn thử xem bà chủ quán có ghê gớm như những video chia sẻ trên mạng xã hội hay không.
Thứ hai, đó là sự dễ dãi.
Tôi có một cô bạn thân, khách quen của quán bún này. Theo lời cô ấy kể, chất lượng đồ ăn ở mức khá nhưng chưa đến nỗi quá đặc biệt so với mức giá 50 nghìn đồng/bát. Lần đầu tiên tới quán cũng hơi lóng ngóng nên thái độ bà chủ có khó chịu thật. Bây giờ thì ổn rồi, cứ làm theo quy trình thì chẳng ai nói gì cả. Cô ấy cứ muốn rủ tôi đi ăn và lấy danh dự đảm bảo tôi sẽ không bị mắng câu nào nhưng tôi từ chối.
Thực ra, không phải tôi sợ bị mắng chửi mà là muốn tỏ thái độ phản đối trước cung cách phục vụ bán hàng như vậy. Chính sự dễ dãi của thực khách đã góp phần dung túng cho thứ văn hóa ngược đời này tồn tại phát triển.
Cô bạn tôi nói là không để ý nhiều đến như vậy, chỉ cần cô ấy không phải nạn nhân chứ còn bà chủ quán có chửi ai thì cũng không quan tâm. Tôi có đùa lại rằng nếu có một ngày xui xẻo bị chửi thì ráng chịu, đừng có kể cho tôi, tôi còn mắng cho ấy.
Quan điểm của chị Thu Ngọc, một nhân viên văn phòng làm việc tại Hà Nội. Nếu là bạn, bạn có sẵn sàng đi ăn thử hoặc chấp nhận ngồi ăn trong sự khó chịu thậm chí mua bực vào người như vậy? Theo bạn, Hà Nội có nên cấm những quán ăn không văn minh như thế này?
Bún chửi Ngô Sĩ Liên lại bị "lên thớt" vì bảo khách "Ra nhà nghỉ mà ăn bún"
Nghe danh quán bún chửi "lừng lẫy" Hà thành đã lâu, dù cố gắng tránh đi rồi nhưng bởi tò mò nên 2 người bạn ... |
Ra đường ăn "bún mắng, cháo chửi", đến trường ăn bí thối, rau ôi
Clip ghi lại cảnh phụ huynh học sinh trường Tiểu học Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bắt quả tang xe chở thực phẩm ... |