Hy vọng giảm nghèo từ nghiên cứu giành Nobel kinh tế

Nghiên cứu đã giúp hàng triệu trẻ em hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ đào tạo trong trường học, đồng thời vận động các chính phủ tăng chi cho thuốc dự phòng bệnh. 

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển hôm qua (14/10) công bố giải Nobel Kinh tế 2019 thuộc về 3 nhà khoa học Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer. Họ được giải với nghiên cứu về cách tiếp cận thực nghiệm trong việc giảm nghèo toàn cầu. "Nói ngắn gọn, nghiên cứu năm nay bàn về việc chia vấn đề thành các phần nhỏ hơn, dễ kiểm soát hơn để tìm ra đáp án đáng tin cậy hơn", thông báo cho biết.

Michael Kremer nhận được tin tức về giải thưởng lúc sáng sớm qua Skype. Ban đầu, ông còn tưởng đây là một trò đùa. Duflo cũng rất ngạc nhiên khi biết mình được giải, vì Nobel kinh tế thường vinh danh các nhà khoa học lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm hơn. Bà năm nay 47 tuổi, là người trẻ nhất và là phụ nữ thứ 2 từng nhận giải thưởng này.

Khi được hỏi về ý nghĩa của việc một phụ nữ được vinh danh, Duflo cho biết: "Bằng việc chứng minh phụ nữ cũng có thể thành công và được ghi nhận, tôi hy vọng mình sẽ truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác tiếp tục làm việc và đàn ông sẽ tôn trọng họ vì họ xứng đáng". Duflo và Banerjee là vợ chồng. Cả hai cùng làm việc tại Học viện Công nghệ Massachusetts.

Hai vợ chồng Abhijit Banerjee (phải) và Esther Duflo. Ảnh: Reuters

Duflo đã đi tới nhiều nước đang phát triển để kiểm nghiệm các phương pháp giảm nghèo tốt nhất. Bà nổi tiếng trong giới chuyên gia kinh tế sau khi giành giải thưởng John Bates Clark Medal năm 2010 - vinh danh các nhà kinh tế Mỹ dưới 40 tuổi "có đóng góp quan trọng cho kiến thức kinh tế".

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết 3 nhà khoa học đã chứng minh cần có các cách tiếp cận mới trong việc giảm nghèo, dựa trên các thử nghiệm thực tiễn, hơn là các định kiến hoặc phương pháp cũ đã thất bại. Ví dụ, "một trong các kết quả của nghiên cứu, là hơn 5 triệu trẻ em Ấn Độ đã hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ đào tạo trong trường học". Họ cũng khuyến khích chính phủ trên toàn thế giới tăng chi cho các loại dược phẩm phòng ngừa bệnh.

Khi toàn cầu còn 700 triệu người sống trong tình trạng nghèo cùng cực và nhiều trẻ em phải rời trường học khi chưa nhận được giáo dục cơ bản, điều quan trọng là nghiên cứu đã tìm ra nguyên nhân gây ra sự nghèo đói, để rút ra kết luận về nguyên nhân - hệ quả và thực hiện các chính sách có chi phí vừa phải.

Duflo cho biết nghiên cứu của họ sẽ đảm bảo "cuộc chiến chống lại đói nghèo dựa trên các bằng chứng khoa học". "Người nghèo thường được cho là ngu ngốc, tuyệt vọng, lười biếng. Nhưng chúng tôi không cố tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Điều chúng tôi làm là bóc tách vấn đề ra từng phần một, để hiểu rõ nguyên nhân cho từng vấn đề cụ thể. Để xem cái gì có tác dụng, cái gì không và tại sao", bà nói.

Cả 3 là những người đi tiên phong trong phương pháp "thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng" (RCT) trong kinh tế. Đây là biện pháp đã được dùng phổ biến trong y học. Những người tham gia sẽ được chia làm 2 nhóm, để nghiên cứu sự khác biệt khi một nhóm được áp dụng trị liệu thật, còn nhóm kia dùng giả dược. 

Với kinh tế, các thử nghiệm thực tế đã chỉ ra cung cấp miễn phí sách giáo khoa và bữa ăn ở trường chỉ có tác dụng rất nhỏ. Trong khi đó, hỗ trợ tập trung vào nhóm học sinh yếu có hiệu quả lớn về trình độ giáo dục tổng thể. Ông Arvind Kejriwal - lãnh đạo chính quyền New Delhi (Ấn Độ) cho biết phương pháp của Banerjee đã cải tổ hoạt động giáo dục tại các trường công ở đây.

Banerjee cho biết họ chỉ là 3 trong khoảng 400 chuyên gia toàn cầu đang tìm hiểu về nguyên nhân nghèo đói. Ông kỳ vọng nghiên cứu của họ sẽ mở ra nhiều cánh cửa hơn cho lĩnh vực này.

Michael Kremer trong một sự kiện về nghiên cứu giảm nghèo. Ảnh: World Tech

Phần lớn kết quả thử nghiệm của cả ba được giám sát bởi vợ Kremer - Rachel Glennerster. Bà là giám đốc trung tâm nghiên cứu hoạt động giảm nghèo Abdul Latif Jameel Poverty Action Lab.

Năm 2016, Kremer và Glennerster từng ra mắt cuốn sách có tên "Strong Medicine: Creating Incentives for Pharmaceutical Research on Neglected Diseases" (Tạo động lực cho các nghiên cứu dược phẩm về những căn bệnh hay bị bỏ quên". Trong đó, họ cho rằng vắc xin sẽ phổ biến hơn tại các nước nghèo nếu doanh thu được đảm bảo bởi các tổ chức hỗ trợ vốn.  

Hà Thu (theo AP, Guardian)

 

Bình Định đón 2 nhà khoa học đoạt giải Nobel đến dự hội thảo
Vì sao người Mỹ thống trị Nobel kinh tế?
Giải Nobel Kinh tế 2017 trị giá 9 triệu bảng Anh thuộc về giáo sư người Mỹ
/ vnexpress.net