- Thành phố Hồ Chí Minh: Đột phá từ giải phóng mặt bằng
- Lo mặt bằng “đóng băng” làm tắc kết nối giao thông vành đai
Ứng Hòa là huyện nông nghiệp nằm ở phía Nam Thủ đô, với 28 xã, 1 thị trấn. Những năm gần đây, để giúp cho huyện phát triển, thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án về hạ tầng. Dù có nhiều cố gắng trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án, song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vì thế Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HU về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.
Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa triển khai nghị quyết số 07/NQ-HU về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Ứng Hòa giai đoạn năm 2022-2025.
Nỗ lực hoàn thành GPMB 12 dự án
Từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện Ứng Hòa triển khai 48 dự án đầu tư thực hiện thu hồi đất. Xác định công tác GPMB khó khăn, phức tạp bởi tác động đến lợi ích trực tiếp của người dân, năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn huyện Ứng Hòa giai đoạn 2019-2020 và những năm tiếp theo. Ngay sau khi có nghị quyết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về đất đai, đặc biệt là công tác GPMB trên địa bàn. Vì thế, từ năm 2019 đến nay, trong số 48 dự án đầu tư thực hiện thu hồi đất, huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo, hoàn thành xong GPMB 12 dự án.
Hiện nay, huyện đang thực hiện 36 dự án với tổng diện tích phải thu hồi là 169,64ha (đã thu hồi 56,35ha đạt 33,2%). Trong đó, thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất 14 dự án, diện tích 16,77ha (đã thực hiện xong 11,15ha, đạt 66,5%); công tác thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất với 24 dự án, diện tích thu hồi là 152,87ha (đã thu hồi là 45,21ha, đạt 29,6%). Huyện đã thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất là 632,1 tỷ đồng, vượt 252,1 tỷ đồng so với chỉ tiêu kế hoạch giao. Những kết quả đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành xây dựng nông thôn mới của 28 xã và các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới.
Lãnh đạo huyện Ứng Hòa tiếp xúc, đối thoại với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn các xã Hòa Phú, Hòa Nam, Hòa Xá và Vạn Thái tháng 8-2022.
Nhiều giải pháp cho giai đoạn 2022-2025
Với mục tiêu thực hiện có hiệu quả, đồng bộ, tạo sự đồng thuận của nhân dân thực hiện công tác GPMB, huyện phấn đấu hoàn thành cơ bản các dự án theo kế hoạch, tập trung vào các dự án chuyển tiếp phải hoàn thành năm 2022 và các dự án trọng điểm về giao thông, cụm công nghiệp, trường học, cơ sở y tế. Từ đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa xác định 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho công tác này trong Nghị quyết số 07/NQ-HU.
Đó là tăng cường sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, phát huy vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đặc biệt, huyện tổ chức đối thoại chuyên đề giữa Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về công tác GPMB; thành lập 7 tổ công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện.
Để sâu sát cơ sở, người đứng đầu cấp ủy của huyện thường xuyên dự sinh hoạt tại các chi bộ có dự án trọng điểm của huyện để nắm bắt và giải quyết những vấn đề tồn tại, hạn chế tại cơ sở trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Ứng Hòa cũng giao UBND huyện chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm, tập trung các dự án chuyển tiếp, các dự án được bố trí vốn năm 2022; có danh mục các dự án phải thực hiện GPMB năm 2022, giai đoạn 2023-2025, chỉ rõ thời gian hoàn thành công tác GPMB đối với từng dự án. Trong đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện việc phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm quản lý địa bàn cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện công tác GPMB trên địa bàn huyện; rà soát các quy trình, thủ tục về GPMB để tham mưu UBND huyện kiến nghị thành phố điều chỉnh, bổ sung, có cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án gặp khó khăn, nhất là về giá đền bù, xác định nguồn gốc đất…
Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn tiếp thu các ý kiến người dân địa bàn các xã Hòa Phú, Hòa Nam, Hòa Xá và Vạn Thái phản ánh tại hội nghị đối thoại.
Theo Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền, muốn thực hiện tốt công tác này, vai trò tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về đất đai, quản lý đô thị, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất quan trọng. Vì thế, Ban Thường vụ Huyện ủy đã yêu cầu người đứng đầu, cán bộ, đảng viên, báo cáo viên, đoàn viên, hội viên… phải gương mẫu, đi đầu, có trách nhiệm, tự giác là hạt nhân tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các dự án có diện tích đất bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời định hướng thông tin các dự án, các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để nhân dân thực hiện.
“Huyện cũng xác định việc thực hiện công tác GPMB là một tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực lãnh đạo, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, cơ quan và cán bộ thực hiện, trước hết là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Công khai số điện thoại của các đồng chí lãnh đạo chính quyền để kịp thời tiếp nhận những kiến nghị, phản ánh của người dân trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn”, đồng chí Bùi Thị Thu Hiền nhấn mạnh.
Đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Để đảm bảo tiến độ GPMB theo kế hoạch, cũng như kế hoạch giải ngân thành phố giao, mới đây, huyện Ứng Hòa đã kiến nghị, đề xuất với thành phố một số giải pháp.
Trong đó, huyện đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính sớm xác định hệ số điều chỉnh, giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ, giá thu tiền sử dụng đất tái định cư và trình UBND thành phố phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất. Đồng thời, đề nghị thành phố sớm chấp thuận địa điểm bố trí tái định cư làm căn cứ tổ chức thực hiện 3 dự án: Nâng cấp tỉnh lộ 428; đường Cần Thơ - Xuân Quang; đường 429C.
Công trình đường 428 đoạn qua thị trấn Vân Đình đã giải phóng mặt bằng, đang thi công.
Ngoài ra, huyện Ứng Hòa cũng đề nghị thành phố chấp thuận địa điểm bố trí tái định cư đối với 5 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư thuộc dự án đường 429C, 16 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư thuộc dự án đường Cần Thơ - Xuân Quang đề xuất địa điểm bố trí tái định cư tại khu đất ở mới thị trấn Vân Đình. Đối với 14 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư thuộc dự án đường Cần Thơ - Xuân Quang và 5 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư thuộc dự án đường 428 (giai đoạn 2), huyện đề xuất địa điểm bố trí tái định cư tại dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu B, thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm.
Đối với dự án đường 428 (giai đoạn 1), thành phố đã có văn bản chấp thuận địa điểm bố trí tái định cư nhưng chưa phê duyệt giá đất cụ thể và giá thu tiền sử dụng đất tái định cư, nên triển khai gặp khó khăn. Vì thế, huyện Ứng Hòa cũng kiến nghị thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND thành phố sớm phê duyệt giá đất cụ thể và giá thu tiền sử dụng đất tái định cư làm căn cứ xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Để đảm bảo cho các chủ đầu tư có kinh phí thực hiện dự án và không để nợ xây dựng cơ bản, huyện Ứng Hòa đề xuất UBND thành phố quan tâm tạo điều kiện cho các huyện khó khăn có cơ chế đặc thù năm 2022 và những năm tiếp theo được thành phố hỗ trợ ngược lại 30% tỷ lệ điều tiết từ nguồn đấu giá đất cho huyện để huyện phân bổ cho các dự án đầu tư công.
Về việc hỗ trợ kinh phí các dự án thành phố hỗ trợ có mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Ứng Hòa là huyện có nguồn thu chủ yếu từ hoạt động nông nghiệp nên thu chưa đáp ứng đủ nhiệm vụ chi, nhiều công trình vượt quá khả năng cân đối ngân sách của huyện, không đáp ứng đủ phần đối ứng của huyện. Huyện kiến nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ đặc thù cho huyện toàn bộ chi phí của các dự án thành phố hỗ trợ có mục tiêu thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa để huyện phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và về đích nông thôn mới theo đúng tiến độ đã đề ra.
Đồng thời, huyện kiến nghị thành phố chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công trục đường kinh tế phía Nam thành phố Hà Nội (17km đi qua huyện Ứng Hòa); xem xét, chỉ đạo việc xây dựng các dự án cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn huyện (tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch trên địa bàn từ các nhà máy cấp nước sạch tập trung mới đạt tỷ lệ 34%); sớm chấp thuận cho Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam thực hiện dự án cấp nước sạch cho các xã huyện Ứng Hòa.
Hy vọng với những giải pháp quyết liệt trên, giai đoạn 2022-2025, cùng sự quan tâm, giúp đỡ của thành phố…, huyện Ứng Hòa hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện GPMB cho các dự án, đưa huyện phát triển xứng tầm với trục phía Nam thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.