UBND xã Phú Xuân tiến hành huy động gần 9 tỉ đồng để trả tiền xây dựng các công trình trên địa bàn nhằm được công nhận xã nông thôn mới.
Học sinh cũng nộp tiền
Người dân xã Phú Xuân (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) vừa phản ánh việc UBND xã Phú Xuân thu gần 9 tỉ đồng huy động nguồn vốn đối ứng xây dựng 11 công trình, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn.
Theo tìm hiểu, để "về đích nông thôn mới", xã Phú Xuân được UBND huyện Krông Năng cho xây dựng nhiều hạng mục tại các trường học trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 27,6 tỉ đồng, và xã phải có gần 9 tỉ đồng vốn đối ứng.
Để giải quyết khó khăn, lãnh đạo xã Phú Xuân có biên bản thống nhất 4 bên đưa ra giải pháp huy động toàn dân đóng góp để có vốn đối ứng.
Phương án thu của UBND xã Phú Xuân đưa ra là, huy động đóng góp của người dân trong thời gian 3 năm (từ 2019-2022) để đối ứng lại khoản tiền xã đã chi.
Cụ thể, các gia đình có con em theo học từ bậc Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn xã đóng 500.000 đồng/em; gia đình có 2 con trở lên thu thêm 250.000 đồng. Gia đình không có con đi học và đi học ngoài địa bàn xã phải đóng 150.000 đồng/hộ.
Riêng các hộ cận nghèo được giảm 50% và các trường hợp được miễn như hộ nghèo, gia đình chính sách, người già hết tuổi lao động.
UBND xã Phú Xuân yêu cầu các trường học trên địa bàn tiến hành thu hộ đối với các học sinh. Riêng các hộ dân trên địa bàn không có con em đi học thì Ban tự quản thôn sẽ trực tiếp đi thu.
Trước chủ trương từ xã Phú Xuân, nhiều người dân bức xúc cho rằng do xã chạy theo thành tích để đạt tiêu chí giáo dục và được công nhận xã nông thôn mới, dẫn đến việc nợ tiền xây dựng rồi phải huy động dân trả lại.
Trường mầm non ở xã Phú Xuân xây dựng 4 tỉ đồng, trong đó vốn đối ứng của xã là 1,6 tỉ đồng. Ảnh: LX |
Chị T., phụ huynh có con vào lớp 1, rất bức xúc vì xã giao các khoản thu này về trường học nên chị buộc phải đóng. Chị T. cho biết mình có hai con đang học nên phải đóng 750.000 đồng/năm.
"Do năm nay con út tôi vào lớp 1, tôi buộc phải đóng khi mua hồ sơ, chứ tôi chưa đóng cho cháu thứ 2. Mức thu quá cao và như ép buộc khiến phụ huynh rất bức xúc"- chị T. nói.
Chính quyền xã Phú Xuân nói gì?
Ông Trần Duy Hoan - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân giải thích, ban đầu xã dự định lấy từ nguồn bán đấu giá một số lô đất để trả gần 9 tỉ đồng vốn đối ứng.
"Tuy nhiên do không bán được đất, không có tiền trả nợ nên xã mới có chủ trương vận động nhân dân đóng góp" - ông Hoan nói và cho biết, hiện xã đang cho rà soát, xây dựng lại phương án vận động theo hướng dẫn này.
Liên quan đến chuyện thu tiền xây công trình nông thôn mới ở xã Phú Xuân, ngày 26.10, UBND huyện Krông Năng cho biết đã yêu cầu xã báo cáo về nội dung, quy trình, mức thu xã hội hóa để đối ứng cho các công trình giáo dục trên địa bàn.
Trước thông tin UBND xã Phú Xuân huy động đóng góp từ nhân dân và học sinh để trả nợ các công trình nông thôn mới, Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các phòng chuyên môn kiểm tra.
"Nếu kiểm tra phát hiện việc huy động không đúng, Sở sẽ có ý kiến để nhắc nhở, chấn chỉnh” - một lãnh đạo Sở GDĐT thông tin.
Vì sao học sinh thường nói tục, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực? |
Gã đàn ông lẻn vào trường tiểu học lừa lấy 16 dây chuyền của học sinh |
Thay đổi “bất ngờ” khi cho học sinh THCS ở Lào Cai nghỉ thứ 7 |