Huy chương Vàng SEA Games và chuyện từ chức

Nếu U23 Thái Lan không giành Huy chương Vàng tại SEA Games 32, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmoung phải từ chức.

Hôm 10/10, Tướng Prawit Wongsuwan – Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan đã chủ trì cuộc họp với ban điều hành.

Theo đó, ông nhấn mạnh, đội U23 Thái Lan phải giành được Huy chương Vàng tại SEA Games 32, theo Siam Sport dẫn lời, nếu không Chủ tịch FAT Somyot Poompanmoung phải từ chức. Đây được xem là áp lực rất lớn dành cho Chủ tịch FAT cũng như Ban huấn luyện U23 Thái Lan.

Trước thông tin này, ông Somyot Poompanmoung đã nói trên Siam Sport: “Tôi đã đọc được thông tin này rồi. Tôi cảm thấy được khích lệ và sẵn sàng thực hiện nghiêm túc mọi hướng dẫn. Những gì ông Prawit Wongsuwan (Chủ tịch NOC) nói không phải áp lực mà là sự khích lệ, động viên. Tôi nghĩ đó là một sự may mắn. Tôi xin cảm ơn Prawit vì những lời khuyên. Tôi sẵn sàng nghe những góp ý và coi đấy là kim chỉ nam. Prawit là người mà tôi luôn tôn trọng và cảm thấy may mắn khi nhận được bất cứ lời khuyên nào từ ông ấy”.

Huy chương Vàng SEA Games và chuyện từ chức -0
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) sẵn sàng từ chức. Ảnh: FAT

Bóng đá nam Thái Lan giàu thành tích nhất ở các kỳ SEA Games với 16 lần giành Huy chương Vàng. Tuy nhiên, vị thế của người Thái trong những năm gần đây đang bị mất đi khi hai kỳ liên tiếp, bóng đá nam Thái Lan bị Việt Nam vượt mặt. Tại SEA Games 2019, Thái Lan bị loại từ vòng bảng. Mới nhất, tại SEA Games 2021, Thái Lan thua Việt Nam trong trận chung kết.

Đó là những kết quả khiến cho bóng đá Thái Lan bị chạm tới lòng kiêu hãnh khi vẫn được xếp ở vị trí số 1 của bong đá Đông Nam Á. Câu chuyện từ chức vốn dĩ chỉ dành cho huấn luyện viên trưởng sau mỗi giải đấu mà các đội tuyển thất bại, nhưng nay đã được tuyên bố trước cho Chủ tịch liên đoàn trước thềm một giải đấu. Đó là áp lực không nhỏ cho người đứng đầu bóng đá Thái Lan. Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến những giai đoạn được cho là “bóng đêm” của bóng đá Việt Nam.

Những lãnh đạo VFF từng đứng trước những sức ép lớn từ dư luận qua mỗi kỳ SEA Games thất bại. Đó là câu chuyện buồn tại SEA Games 2005 gắn với Đại án Bacolod. Hàng loạt lãnh đạo VFF đứng trước sự chỉ trích lớn từ dư luận về trách nhiệm người đứng đầu.

Hay đó là câu chuyện sau thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 2011 trên đất Indonesia, sức ép từ dư luận lớn đến mức Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn xin từ chức. Sau đó, tại cuộc họp Ban Chấp hành VFF, đã thống nhất bác bỏ đơn xin từ chức của ông Trần Quốc Tuấn. Ban Chấp hành VFF cũng biểu quyết sa thải huấn luyện viên Falko Goetz.

VFF cho rằng ông là người phải chịu trách nhiệm về thất bại của U23 Việt Nam tại SEA Games 2011. Câu chuyện từ chức thêm một lần nữa diễn ra với huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc ở kỳ SEA Games sau đó trên đất Myanmar. U23 Việt Nam bị loại từ vòng đấu bảng và ông Phúc lại là người phải chịu trách nhiệm chính. Đó là thất bại khiến cho VFF cũng nhận được nhiều sự chỉ trích từ dư luận. Cơn khủng hoảng danh hiệu của bóng đá Việt Nam nối dài.

Đến SEA Games 2017, U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng cũng bị loại ngay từ vòng bảng. Ông Thắng thậm chí đã tuyên bố từ chức ngay trong phòng họp báo sau trận đấu cuối cùng trước U22 Thái Lan. Sau khi U22 Việt Nam về nước, một cuộc họp mổ xẻ thất bại đã được Hội đồng HLVQG tổ chức.

Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Sỹ Hiển sau đó đã thẳng thắn công bố trước báo chí về sự non nớt, lúng túng của huấn luyện viên Hữu Thắng. U22 Việt Nam thời điểm đó được xem là “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam nhưng đã gây thất vọng lớn. Thậm chí, trước đó bầu Đức còn tuyên bố, với thế hệ này, nếu không vô địch thì khó có nhiều cơ hội như thế. Nhìn lại những câu chuyện từ chức của bóng đá Việt Nam sau thất bại ở các kỳ SEA Games, mới chỉ thấy xuất hiện lãnh đạo VFF ở kỳ 2011. Còn lại, trách nhiệm đa phần thuộc về các huấn luyện viên. Câu chuyện của bóng đá Thái Lan về việc giao chỉ tiêu kèm theo một mệnh lệnh cũng đặt ra một vấn đề quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Thất bại của một đội bóng có thể là nhất thời, nhưng thất bại của nền bóng đá trong một thời gian dài lại là câu chuyện của thuợng tầng.

Từ câu chuyện của bóng đá Thái Lan, đó có thể là tấm gương phản chiếu cho Việt Nam.

Ấn định ngày bốc thăm World Cup nữ 2023

Theo nguyên tắc bốc thăm do FIFA công bố, 32 đội lọt vào vòng chung kết (gồm 29 đội vào thẳng và 3 đội từ vòng play-off liên lục địa) được chia thành 4 nhóm hạt giống, mỗi nhóm 8 đội. Việc chia nhóm hạt giống được quyết định bởi thứ hạng của các đội trên bảng xếp hạng bóng đá nữ FIFA trước thời điểm diễn ra lễ bốc thăm.

2 đội chủ nhà gồm New Zealand và Australia mặc định nằm ở nhóm hạt giống số 1 cùng 6 đội đứng đầu.

Nhóm số 2 gồm các đội thứ hạng từ 7 đến 14; 8 đội tiếp theo ở nhóm số 2 và 5 đội đứng cuối nằm ở nhóm số 4 cùng 3 đội vượt qua vòng play-off liên lục địa (3 đội bóng này được xác định bằng loạt trận diễn ra vào các ngày 17 và 23/1/2023). Việc bốc thăm sẽ diễn ra lần lượt từng nhóm 8 đội. New Zealand được ấn định ở vị trí hạt giống số 1 bảng A, còn Australia là hạt giống số 1 bảng B. Tương ứng với việc bốc thăm tên đội là vị trí 1 của mỗi bảng còn lại. Tiếp theo là các nhóm hạt giống số 2, 3 và 4.

Ngoại trừ châu Âu, các liên đoàn châu lục hoặc khu vực tại vòng loại chỉ có một đại diện tại mỗi bảng. Docó 11 (hoặc 12) đội tham dự vòng chung kết, châu Âu sẽ có tối đa 2 đội tại mỗi bảng, điều này dẫn tới việc có 3 hoặc 4 bảng đấu có 2 đội châu Âu, phụ thuộc vào kết quả vòng play-off liên châu lục.

FIFA World Cup nữ 2023 là lần đầu tiên bóng đá nữ Việt Nam giành quyền tham dự và thầy trò HLV Mai Đức Chung là một trong sáu đại diện của châu Á tại ngày hội bóng đá nữ lớn nhất hành tinh, cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và đồng chủ nhà Australia. Châu Phi có 4 suất tham dự gồm Maroc, Nigeria, Nam Phi và Zambia. Khu vực Concacaf có Canada, Costa Rica, Jamaica và Mỹ. Nam Mỹ có 3 suất tham dự dành cho Argentina, Brazil và Colombia. Châu Đại Dương chỉ có 1 đại diện là New Zealand, đội bong này cũng là một trong hai đồng chủ nhà của giải đấu.

Châu Âu có nhiều đại diện tham dự nhất, 9 đội bóng đã chắc chắn góp mặt là Đan Mạnh, Anh, Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha, Thụy Sỹ. Hai đội tiếp theo sẽ được xác định sau loạt play-off diễn ra vào ngày 11/10. Ngoài ra, châu lục này có thể thêm một đại diện nữa với suất play-off liên lục địa.

Tại vòng play-off liên lục địa, ba đội sẽ được xác định sau loạt trận ngày 23/1/2023 để xác định đủ 32 đội tuyển nữ tham dự giải đấu.

https://cand.com.vn/the-thao/huy-chuong-vang-sea-games-va-chuyen-tu-chuc-i670616/

Hưng Hà / cand.com.vn