Hưởng phụ cấp, hàng trăm giáo viên Lâm Đồng trở thành con nợ

Hàng trăm giáo viên vùng khó khăn tỉnh Lâm Đồng được hưởng phụ cấp thu hút trong nhiều năm nhưng đột nhiên cơ quan chức năng cho rằng quyết định trước đó chi sai, phải truy thu.

Hàng trăm giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, đang rất bất an bởi bị Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện truy thu tiền phụ cấp thu hút đã chi bao năm qua.

Vụ việc khởi nguồn từ tháng 6/1998, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 1448/QĐ-UB lấy ngân sách của tỉnh chi phụ cấp thu hút bằng 40% lương cho cán bộ, giáo viên, viên chức ngành giáo dục ở các xã vùng sâu, vùng xa và khó khăn trên địa bàn.

Đến năm 2006, Chính phủ ra Nghị định 61/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo đó, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian hưởng phụ cấp thu hút không quá 5 năm.

huong phu cap hang tram giao vien lam dong tro thanh con no

Nhiều giáo viên lâm cảnh khốn đốn bức xúc khi bỗng dưng thành con nợ. (Ảnh: Người Lao Động)

Dựa trên Nghị định này, năm 2008, tỉnh Lâm Đồng có văn bản 2886 chỉ đạo mỗi giáo viên, cán bộ giáo dục chỉ được hưởng phụ cấp đứng lớp 60 tháng, với mức hưởng cao nhất là 70% mức lương.

Đến tháng 9/2015, UBND huyện Bảo Lâm cho rằng nhiều trường học từ bậc mầm non đến THCS chi sai phụ cấp thu hút do vượt thời gian được hưởng phụ cấp 5 năm theo quy định.

Các giáo viên ở đây phản ứng vì cho rằng thời gian được hưởng phụ cấp phải được tính từ năm 2006 vì lúc đó mới có Nghị định 61 quy định cụ thể thời gian được hưởng phụ cấp là 5 năm.

Thế nhưng, UBND huyện Bảo Lâm lại cộng dồn cả thời gian mà giáo viên, cán bộ giáo dục công tác ở vùng khó khăn được hưởng theo Quyết định 1448 của UBND tỉnh Lâm Đồng, tức từ năm 1998, dẫn đến việc dôi dư thời gian hưởng phụ cấp của giáo viên và phải bị truy thu.

Theo thống kê của UBND huyện Bảo Lâm, tổng số tiền truy thu ở 23 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện lên đến trên 4,2 tỷ đồng.

Cô Lâm Thị Thắm, giáo viên trường Mầm non Lộc Nam, bức xúc: "Tôi dạy từ năm 1999 đến nay. Giờ, số tiền bị truy thu của tôi lên đến 151 triệu đồng thì biết lấy đâu mà trả, còn gì để sống".

Cô Đàm Thị Thành, giáo viên trường Tiểu học Lộc Nam, cũng cho biết mình dạy 31 năm và bị truy thu 106 triệu đồng.

"Bây giờ mà trừ lương thì lấy gì chúng tôi chi tiêu để tiếp tục đứng trên bục giảng", cô Thành lo lắng.

Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động, ông Lê Đức, trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Lâm, cho rằng việc truy thu tiền phụ cấp của các giáo viên trong huyện là do có văn bản chỉ đạo của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng, các cấp ở huyện và xã phải tuân theo.

Đang chờ UBND tỉnh xem xét

Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết sáng 27/3, UBND tỉnh đã có cuộc họp với Sở Tài chính, Sở Nội vụ, lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm để xem xét việc truy thu tiền phụ cấp đối với giáo viên.

"Vì phản ánh của giáo viên nên tạm thời không truy thu, đang chờ UBND tỉnh Lâm Đồng họp các bên, xem xét xử lý. Chủ trương của UBND huyện Bảo Lâm phải bảo đảm không để người lao động lâm vào tình trạng quá khó khăn, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ", ông Kiên nói.

huong phu cap hang tram giao vien lam dong tro thanh con no GIÁO VIÊN HỢP ĐỒNG, PHẬp PHỒNG CHỖ DẠY (*): Đằng nào cũng chịu thiệt

Vụ việc ký hợp đồng lao động tràn lan dẫn đến dôi dư 578 giáo viên ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk là bài ...

huong phu cap hang tram giao vien lam dong tro thanh con no Bán đề thi công chức giả, hai giáo viên Lâm Đồng bị bắt

Hai giáo viên ở Lâm Đồng làm giả đề thi công chức rồi rao bán với giá 40 triệu đồng/bộ.

/ https://vtc.vn