Hợp tác Mekong, dè chừng \"ông lớn\"

Với việc Tổ chức Lan Thương Mekong do Trung Quốc thành lập thông qua "Kế hoạch hành động 2018-2022", viễn cảnh về môi trường hợp tác giữa các nước trong Tiểu vùng Mekong sẽ vô cùng phức tạp

Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 tại Hà Nội (diễn ra từ ngày 29 đến 31-3), đặc biệt là đề ra sáng kiến của Việt Nam về đối thoại cộng đồng doanh nghiệp Mekong là động lực tăng trưởng kinh tế vùng. Vấn đề là cần xây dựng cơ chế hợp tác thế nào giữa các quốc gia để khu vực này phát triển bền vững, thịnh vượng như kỳ vọng của GMS6.

LMC do Trung Quốc bày ra

Mekong là con sông quốc tế nên mọi hành động khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân thủ theo nguyên tắc quản lý lưu vực sông, luật pháp quốc tế, chia sẻ, bảo vệ quyền lợi chung của tất cả các nước ven sông.

hop tac mekong de chung ong lon

Bảo vệ nguồn nước cho Tiểu vùng Mekong là vấn đề lớn mà Việt Nam và các quốc gia trong GMS tuân thủ. Ảnh: NGỌC TRINH

Từ nhiều năm qua, Việt Nam luôn thể hiện vai trò trách nhiệm của mình, chủ động tích cực tham gia ngay từ đầu quá trình hình thành cơ chế hợp tác của cả 3 tổ chức về Mekong để hoạt động đi vào thực chất theo mục tiêu phát triển bền vững. Ba tổ chức đó là: Ủy hội sông Mekong (MRC), Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và Tổ chức Lan thương Mekong (LMC).

MRC được thành lập 1957 (1957-1975) dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) để điều chỉnh tài trợ và quản lý tài nguyên nước trong lưu vực sông. MRC có mục tiêu là thực hiện Hiệp định Mekong 1995: Phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan và mang tính chất tổ chức có vai trò tư vấn, giám sát và khoa học kỹ thuật. Theo hiệp định, MRC không trực tiếp đầu tư xây dựng, thay vào đó các quốc gia tự đầu tư và trông coi sao cho việc sử dụng nguồn nước là công bằng hợp lý, ngăn ngừa và ngừng các tác động có hại đến quyền lợi của các quốc gia ven sông. Chính phủ Việt Nam giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về hợp tác MRC.

Từ năm 1991, sau khi Ủy ban lâm thời sông Mekong (IMC) dừng hoạt động, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) muốn thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực Mekong và từ đó hình thành GMS. Do chức năng của ADB là đầu tư phát triển nên tính chất GMS phải là hoạt động đầu tư (kết cấu hạ tầng các ngành như hệ thống đường bộ xuyên Á, dịch vụ kinh tế như hải quan, ngân hàng...). GMS và MRC hoạt động không vướng chân lẫn nhau mà còn hỗ trợ cho nhau. ADB và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng không đầu tư các thủy điện dòng chính ở Lào. Chính phủ Việt Nam giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chính về hợp tác GMS.

Còn LMC là tổ chức do Trung Quốc bày ra, muốn thi thố sức mạnh của nước lớn. Với LMC, Trung Quốc coi mình là chủ tịch nghiễm nhiên còn 5 nước khác (Myanmar, Lào, Campuchia, Việt Nam và Thái Lan) phải là chủ tịch luân phiên. Tại các phiên họp của LMC, các quốc gia MRC đều tỏ rõ quan điểm về nội dung nước, cần hợp tác và dựa vào MRC. Đầu năm 2018, LMC đã xây dựng Kế hoạch hành động 5 năm 2018-2022 và đã được bộ trưởng ngoại giao các nước đồng ý nguyên tắc. Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chịu trách nhiệm hợp tác LMC.

Đáng chú ý là mới đây, Trung Quốc dự tính sẽ đầu tư 10 tỉ USD vào GMS (2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc tham gia GMS) và đã cam kết 300 triệu USD cho LMC. Quỹ đặc biệt của LMC đã được sử dụng từ năm 2016 cho 45 dự án thu hoạch sớm, thành lập các trung tâm hợp tác về môi trường, nguồn nước, nghiên cứu Mekong.

Chiến lược phát triển của Việt Nam

Chúng ta cần phân tích bối cảnh hình thành của "khung hành động của LMC" trên cơ sở Kế hoạch 5 năm 2018-2022 và các chiến lược được gói ghém trong đó dựa trên kinh nghiệm của MRC và GMS để có sáng kiến, hướng đi phù hợp.

Mục đích của LMC, như đã nói rõ trong "Kế hoạch hành động 2018-2022", đó là thiết lập một cơ chế hợp tác mới cho tiểu khu vực (the LMC is moving towards a new sub-regional cooperation mechanism) dựa trên một mô hình mới. Nói cách khác, LMC sẽ dùng kế hoạch 5 năm làm động lực xuyên qua các dự án (project-oriented) để đi dần đến một cơ chế hợp tác mới trên cơ sở có sự "hướng dẫn" của các chính phủ mà không bị sự ràng buộc của các cơ chế hiện hành như MRC, GMS.

Trong kế hoạch hành động Hà Nội 2018-2022 của GMS6, hai tổ chức MRC và GMS có mức độ hỗ tương cao trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với những công ước của LHQ trong lĩnh vực quản lý nguồn nước liên quốc gia và môi trường. Trong khi đó, kế hoạch 5 năm của LMC gắn một vai trò quan trọng cho lĩnh vực nguồn nước trong việc nhằm "thiết lập một cơ chế hợp tác mới cho tiểu khu vực" và do đó kế hoạch 5 năm của LMC sẽ thực hiện việc thiết kế hợp tác sử dụng nguồn nước, đối thoại chính sách nguồn nước ở cấp lãnh đạo, cũng như tổ chức thường xuyên "Diễn đàn hợp tác nguồn nước Lan Thương - Mekong". Do đó, với mục tiêu thiết lập một cơ chế hợp tác mới cho tiểu khu vực của LMC, viễn cảnh về môi trường hợp tác giữa các nước trong tiểu khu vực Mekong sẽ vô cùng phức tạp trong các năm tới, nhất là trong 5 lãnh vực ưu tiên của LMC (bao gồm cả nguồn nước).

Từ những điểm nhận xét nêu trên, việc hợp tác của Việt Nam với 3 tổ chức MRC, GMS và LMC cần có một chiến lược cụ thể trên cơ sở một số nguyên tắc cơ bản và mục tiêu rõ ràng vì sự phát triển bền vững trong khu vực.

Đối với Việt Nam, cả 3 tổ chức liên quan đến sông Mekong MRC, GMS, LMC tuy có sự phân công, chịu trách nhiệm chính của 3 bộ nhưng đều nằm chung trong chiến lược tổng hợp khai thác sử dụng nguồn nước sông Mekong và các dự án phát triển trong khu vực một cách hài hòa, bền vững.

Tô Văn Trường

hop tac mekong de chung ong lon Tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế mới cho VN và tiểu vùng Mekong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định nội lực cùng khả năng tận dụng đột phá, tiến bộ về khoa học công nghệ sẽ là ...

hop tac mekong de chung ong lon Thủ tướng với sáng kiến đối thoại cộng đồng doanh nhân Mekong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu trước quan chức và doanh nhân các nước trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác ...

/ https://nld.com.vn