Thiếu tướng Phùng Đình Thảo - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô nhiều đêm mất ngủ và sụt cân vì bài toán gần 1.000 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (trong đó có khoảng 500 thượng, đại tá) dôi dư khi Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính.
Cuối tháng 5/2008, Quốc hội thông qua nghị quyết 15 về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô.
Đến 30/7/2008, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ công bố Lệnh số 16 của Chủ tịch nước về việc tổ chức lại Quân khu Thủ đô, trên cơ sở sáp nhập của Quân khu Thủ đô với BCHQS TP Hà Nội và BCHQS tỉnh Hà Tây lại thành một và đổi tên là Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Thiếu tướng Phùng Đình Thảo - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Thời điểm đó, ông Phùng Đình Thảo đang là Đại tá - Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Thủ đô được bổ nhiệm là Thiếu tướng - Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Nhận nhiệm vụ mới, công việc đầu tiên ông cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô bắt tay ngay vào thực hiện đó là sắp xếp lại lực lượng. Khi đó có khoảng 1.000 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng (trong đó khoảng 500 thượng tá, đại tá) dôi dư.
Từng 2 lần chứng kiến việc sắp xếp lại quân ngũ với quy mô khác nhau, ông Phùng Đình Thảo cho hay, việc giải quyết lực lượng dôi dư sau khi thành lập Bộ Tư lệnh Thủ đô khiến ông cảm thấy rất khó khăn.
“Chứng kiến nhiều cuộc giảm quân số nên lần này tôi suy nghĩ rất nhiều. Nói thật, cứ nghĩ đến việc giải quyết quân số dôi dư khiến cả tuần tôi không ngủ được, sụt mất mấy cân”, Thiếu tướng Phùng Đình Thảo chia sẻ.
Chính từ những trăn trở đó, Tướng Thảo đã trao đổi kỹ lưỡng với lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô phải làm hết sức tỉ mỉ, cụ thể, công khai và trách nhiệm. Với những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì phải xin ý kiến của cấp trên trước khi đưa ra quyết định.
Sau khi bàn bạc, cân nhắc, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô đưa ra 4 hướng để giải quyết con số gần 1.000 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng dôi dư.
Cụ thể, hướng thứ nhất, những người đủ tuổi về hưu thì sắp xếp để nghỉ hưu; hướng thứ 2, với người được sắp xếp nghỉ theo Nghị định 21 (nghỉ hưu trước thời hạn); hướng thứ 3, đề nghị Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương điều đi đơn vị khác; hướng thứ 4, sắp xếp ở lại Bộ Tư lệnh Thủ đô.
Các đại biểu dự lễ công bố lệnh của Chủ tịch nước về việc tổ chức lại Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
Thiếu tướng Phùng Đình Thảo cho biết, việc sắp xếp như vậy khiến một số anh em tâm tư, gửi tin nhắn chia sẻ những khó khăn, vất vả mà họ gặp phải. Điều đó càng khiến ông suy nghĩ trong công tác cán bộ cần phải làm minh bạch, rõ ràng và cùng thảo luận với cấp trên, cấp dưới để giải quyết vấn đề.
“Quá trình sắp xếp lúc đó dù gian truân nhưng được sự giúp đỡ của lãnh đạo cấp trên và anh em trong Bộ Tư lệnh Thủ đô nên đến tháng 12/2008, mọi việc đã ổn định. Thời gian sau đó tôi cũng thảnh thơi vô cùng vì nhiệm vụ khó khăn nhất mình đã vượt qua”, ông Thảo nhớ lại.
Ông cũng chia sẻ thêm, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô thời điểm đó có tới 3 người cùng quê ở huyện Thạch Thất (ông Phùng Đình Thảo - Chính ủy, ông Đỗ Căn - Phó Chính ủy và ông Phí Quốc Tuấn - Tư lệnh) khiến nhiều người có suy nghĩ trong công tác cán bộ ở đây có tư tưởng cục bộ địa phương, không khách quan.
“Dù đây là sự trùng hợp khách quan, bởi các lãnh đạo ở Bộ Tư lệnh Thủ đô thời điểm ấy đều có thành tích trong chiến đấu và giữ trọng trách trong quân khu, nhưng khi phát hiện vấn đề, một mặt tôi đã báo cáo ngay cấp trên, mặt khác trao đổi với anh em phải thật gương mẫu trong công tác”, Tướng Thảo nói.
Ông cho biết đến cuối năm 2009, ông được cấp trên điều chuyển lên Tổng cục Chính trị công tác 6 năm thì nghỉ hưu.
“Gần 1.000 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp nghỉ hưu hoặc điều chuyển đơn vị khác, trong thời bình công việc như vậy khó khăn và rất phức tạp, nhưng 100% sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp đã nhận nhiệm vụ, đó là một thành công”, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Phí Quốc Tuấn nói.
10 năm hợp nhất: Hà Nội sắp xếp ‘ghế’ cán bộ như thế nào?
Sau hợp nhất, số lượng cán bộ công chức của Hà Nội lên đến hơn 100 ngàn người. Chất lượng trình độ cán bộ không ... |