Hồng nhan đa truân (kỳ 7)

Khoảng mười ngày sau, ông in ra một bộ khoảng 5 tập phim rồi mang đến cho Diệu Linh.

hồng nhan đa truân

hong nhan da truan ky 7

Hồng nhan đa truân (Kỳ 6)

Ông Cường trở về nhà. Đầu tiên là dọn dẹp bàn làm việc, bày biện lại sách vở cho thật ngăn nắp rồi lau chùi ...

hong nhan da truan ky 7

Hồng nhan đa truân (Kỳ 5)

Sáng thứ Hai, ông Cường đạp xe đến Trường mẫu giáo tư thục Lá Xanh. Trường nằm trong một khu đô thị cao cấp và ...

hong nhan da truan ky 7

Hồng nhan đa truân (Kỳ 4)

Ông Cường ngồi thừ ra với tâm trạng chán nản. Bỗng dưng ông nghĩ không hiểu điều gì đang xảy ra với nền điện ảnh ...

Ông Cường giật mình khi thấy cô đeo băng tang ở ngực.

Ông Cường hỏi:

- Xin lỗi cháu, nhà có ai vừa mất đấy à?

Diệu Linh trả lời:

- Dạ, bố cháu mới mất ít hôm.

Ông Cường áy náy:

- Chú không được biết. Cho chú chia buồn với cháu và gia đình.

Diệu Linh nói bình thản:

- Dạ, cháu cảm ơn chú.

Cô nhìn tập bản thảo của ông và hỏi:

- Chú đã viết được nhiều thế này rồi cơ à?

Ông Cường bảo:

- Cũng chưa được nhiều lắm. Tuy nhiên, hôm nay chú đến đây là để gửi cháu xem trước cho cháu mấy tập. Cháu xem giúp cho chú. Thú thực là chú rất muốn làm bộ phim này, nhưng chú không muốn để bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến cháu, làm xáo trộn cuộc sống của cháu.

Diệu Linh mỉm cười:

- Cháu hiểu ý chú. Nhưng thế này chú ạ, cháu đề nghị chú đừng viết là dựa theo tự truyện cùng tên. Chú lấy tư liệu, lấy cuộc đời của nhân vật trong này và dựng thành phim thế nào thì tùy chú, cháu chỉ xin chú đừng động đến tên cháu và cũng đừng động đến cuốn tự truyện này.

Cô cầm tập kịch bản của ông Cường, lật lật xem mấy trang, rồi trả lại ông:

- Cháu xin lỗi chú. Cháu đọc kịch bản toàn thấy gạch đầu dòng với nội cảnh, ngoại cảnh, cháu thấy cứ như đọc bức điện tín ấy, cháu chẳng hiểu gì cả.

Ông Cường giật mình:

- Ừ. Chú sơ suất quá. Đúng là nếu viết kịch bản kiểu này thì những người đọc không quen sẽ hơi khó hiểu.

Rồi ông băn khoăn:

- Chẳng lẽ cháu không cố đọc giúp chú được hay sao?

Diệu Linh lắc đầu:

- Thưa chú, chú thông cảm cho cháu. Cháu không muốn nhắc lại bất cứ điều gì. Chú thích cuốn sách này, đó cũng là một niềm vui đối với cháu rồi. Chú sử dụng nó làm kịch bản phim như thế nào là tùy chú. Cháu chỉ xin chú đừng để cho mọi người gọi đến tên cháu một lần nữa.

Ông Cường thở dài:

- Thôi được rồi. Nếu cháu đã có ý như vậy thì chú cũng không còn gì để nói thêm. Nhưng chú có một đề nghị thế này. Nói thật là chú rất thích số phận cuộc đời của nhân vật này, nhưng để làm phim thì phải có sự hiểu biết, phải có thực tế. Mà đối với chú, thực tế về thế giới của những người đẹp thì chú không biết gì - như chú đã từng nói với cháu. Cho nên, nếu như bộ phim này có đi vào được sản xuất thì chú xin cháu giúp chú hai việc.

Nói xong, ông nín lặng nhìn phản ứng của Diệu Linh.

Cô khẽ gật đầu:

- Chú cứ nói đi. Cháu đang nghe đây.

Ông Cường nói:

- Thứ nhất là, cháu chọn giúp chú diễn viên, đặc biệt là diễn viên chính. Thứ hai là, những cảnh quay như cuộc thi hoa hậu, biểu diễn văn nghệ… thì cháu làm cố vấn giúp chú.

Diệu Linh suy nghĩ một lát, rồi nói:

- Dạ, nếu thế thì được. Nhưng bối cảnh mà cháu viết trong cuốn này là cách đây cả chục năm rồi. Bây giờ tất cả mọi thứ đều đã thay đổi. Cách thi hoa hậu ngày nay cũng đã thay đổi khác xa so với ngày xưa. Văn hóa của những người đẹp bây giờ cũng khác rất nhiều.

Ông Cường gật đầu nói:

- Cháu nói rất chính xác. Chú muốn bộ phim này nói về câu chuyện của chục năm trước, chứ không phải là bây giờ. Chính vì thế chú rất cần cháu giúp chú.

Diệu Linh gật đầu:

- Dạ, vâng. Khi nào cần thì chú gọi cháu.

***

Bẵng đi một thời gian dài, ông Cường không liên lạc gì với Linh nữa. Ông cắm đầu cắm cổ chuyển thể cuốn tự truyện thành kịch bản. Để tránh những phiền phức sau này và những lời đàm tiếu, thị phi của thiên hạ, ông đổi tên nhân vật, thậm chí còn thay đổi cả một số cá tính hoặc những điều trong tự truyện nhân vật đã phải gánh chịu để làm sao khi chiếu lên phim, người ta cảm thấy đó là cuộc đời của cô hoa hậu Vũ Thị Diệu Linh nhưng lại không phải là của Vũ Thị Diệu Linh.

Ông viết xong kịch bản bộ phim dài 35 tập. Sau khi viết xong, ông mời Lê Bách - Tổng giám đốc một công ty truyền thông lớn, một công ty đã làm nhiều phim truyền hình đến nhà.

Lê Bách là một người đàn ông to béo. Dù tuổi mới gần năm mươi, nhưng nom anh ta có vẻ già trước tuổi và vô cùng lọc lõi.

Bách nhìn tập kịch bản của ông rồi nhăn mặt:

- Trời ạ, tại sao chú lại lấy cái tên đặc sệt Tàu thế này?

Ông Cường:

- Tôi cũng đã nghĩ rất nhiều, nhưng chưa biết đặt tên gì. Anh cứ xem đi, thấy tên gì hay hơn, phù hợp hơn thì anh nêu ra giúp tôi.

Lê Bách gật gù:

- Ôi, đạo diễn hàng đầu Việt Nam tự tay viết kịch bản thì chắc chắn là ngon rồi. Chú để cháu đầu tư bộ phim này. Cháu đứng ra tổ chức sản xuất. Coi như chú bán kịch bản cho cháu và cháu mời chú làm đạo diễn luôn.

Ông Cường gật đầu:

- Được rồi. Nhưng anh cứ cầm kịch bản về đọc trước đi. Rồi chúng ta sẽ bàn bạc thêm. Anh biết tính tôi đấy. Tôi là người cẩn thận trong nghề nghiệp.

Lê Bách nhăn mặt:

- Vâng, chú chẳng phải nói thì tụi hậu sinh chúng cháu cũng biết chú là người như thế nào. Nhưng mà cháu phải nói trước với chú, mặc dù chú là đạo diễn gạo cội bậc nhất ở Việt Nam này nhưng tiền cho đạo diễn cũng không thể vượt quá được khung hiện nay đâu.

Ông Cường mỉm cười buồn bã:

- Thì anh cứ về đọc kịch bản đi đã. Biết đâu khi đọc kịch bản xong anh lại thấy người khác làm đạo diễn phù hợp hơn thì sao?

Bách xua tay:

- Không, không. Kịch bản của chú đã viết thì chú phải làm đạo diễn. Như thế sẽ tốt hơn. Thôi được rồi, cháu về đọc kịch bản. Có gì cháu sẽ trao đổi trực tiếp lại với chú.

hong nhan da truan ky 7

Ba ngày sau, ông Cường đang ngồi đọc lại kịch bản ở nhà thì có tiếng chuông điện thoại di động.

Ông bấm nghe, đầu dây đằng kia một giọng khá kẻ cả:

- Alô, bác Cường đấy ạ?

Ông Cường nói:

- Dạ vâng, tôi Cường nghe đây.

- Vâng, chào bác. Cháu là trợ lý của anh Bách. Anh Bách đã đọc kỹ kịch bản của bác, có một số việc anh Bách giao cho chúng cháu đến trao đổi với bác. Bác có thể sắp xếp thời gian được không ạ?

Ông Cường nói:

- Được. Mời anh tới đây. Bất cứ lúc nào cũng được.

Tiếng anh trợ lý:

- Dạ, vâng. Thế thì một tiếng nữa chúng cháu đến gặp bác.

Khoảng một tiếng đồng hồ sau có tiếng chuông gọi cửa.

Ông Cường ra mở cửa và thấy một anh thanh niên đi cùng một cô gái cao có lẽ tới mét bảy, ăn mặc hết sức thời trang, nếu như không nói rằng nhìn rất nghịch mắt.

Anh ta giới thiệu:

- Cháu chào chú. Cháu là Phúc, trợ lý của anh Bách. Còn đây là Thùy Dung, cũng là trợ lý.

Ông Cường mỉm cười:

- Công việc của các anh chị bây giờ nhiều quá nên phải có đến hai, ba trợ lý thế này. Mời anh chị vào nhà.

Rồi vừa đi, ông vừa nói:

- Ngày xưa tôi làm đạo diễn, có những thời điểm làm đến hai phim một lúc, nhưng cũng chỉ có thư ký đạo diễn hoặc trợ lý đạo diễn. Mỗi phim chỉ có một người.

Ông Cường tự tay pha nước mời hai người, rồi nói:

- Nào, các bạn có ý kiến gì?

Cô trợ lý Thùy Dung nói:

- Dạ, thưa bác. Anh Bách đã đọc qua kịch bản, nhưng cũng chưa có thời gian đọc hết vì bác biết đấy, anh ấy đi nước ngoài liên tục, công việc quá bận rộn. Anh ấy giao cho chúng cháu đọc và có ý kiến.

Nghe nói thế, ông Cường cảm thấy hơi thất vọng.

Ông khẽ thở dài:

- Các cháu đọc thấy thế nào?

Thùy Dung nhìn Phúc ngần ngừ.

Phúc mạnh dạn:

- Thế này, bác ạ, kịch bản của bác rất hay, rất sâu sắc. Chúng cháu đọc thấy bố cục rất mạch lạc, dễ hiểu. Nhưng ở trong này vẫn mang tư duy của các bác làm phim thời trước. Tính hấp dẫn, sinh động không cao. Tiết tấu phim chậm. Chúng cháu muốn đề nghị bác xem và sửa lại. Tiện đây chúng cháu cũng đã có một số gợi ý để bác bổ sung vào cảnh trong phim.

Nghe anh ta nói với giọng kẻ cả, ông Cường khó chịu:

- Anh định sửa thêm gì thì nói tôi nghe nào?

Phúc cầm giấy ra đọc:

- Việc này thì chúng cháu cũng đã trao đổi với anh Bách và anh ấy đã đồng ý. Chúng cháu đề nghị bác sửa như thế này. Thứ nhất, phim nói về một cô hoa hậu rất lãng mạn, yêu đương cũng rất nồng nàn, cũng đầy sóng gió cuộc đời, nhưng trong kịch bản lại không có một cảnh nóng nào. Chúng cháu đề nghị là cứ mỗi lần nhân vật chính yêu là phải có ít nhất khoảng 3 cảnh nóng. Như vậy, ở trong bộ phim này, nhân vật chính đã yêu đến 6 người thì cũng có phải có đến 18 cảnh nóng. Tất nhiên là phải bố trí những cảnh nóng đó cho hợp lý. Ví dụ, chỗ thì nóng trên Sapa, chỗ thì nóng ở Tam Đảo, chỗ thì lại nóng ở Hạ Long, chỗ thì nóng ở Nha Trang. Chẳng hạn như thế. Bên cạnh đó là những cảnh cuộc thi nữa. Ví dụ như đoạn các người đẹp biểu diễn bikini ở ngoài bãi biển thì phải có hình ảnh bắt mắt…

Ông Cường hờ hững:

- Được rồi. Anh cứ nói tiếp đi.

- Cháu cũng đề nghị thêm với bác là các trường đoạn như: người chồng thứ ba bị giết, thì đoạn anh ta bị giết như thế nào thì phải kéo dài thêm một chút. Trong kịch bản bác viết vắn tắt quá, người ta không thấy được sự tàn ác của các đối tượng. Hay ví dụ như đoạn em trai cô hoa hậu giết người tình của chị mình thì phải kéo dài thêm.

Ông Cường nói luôn:

- À, thế là các anh muốn tôi thêm những chi tiết “tình, tội” vào đây nữa chứ gì? Thế còn “tiền” thì đưa vào đâu?

Cả hai người vẫn chưa hiểu ý mỉa mai của ông Cường.

Phúc nói:

- Dạ, tiền thì… Với một bộ phim như thế này, yếu tố tiền phải xuyên suốt từ đầu đến cuối. Yếu tố tiền được thể hiện bằng đồ trang sức, bằng mỹ phẩm, bằng xe hơi xịn, nhà cửa, quần áo, giày dép… Tất nhiên là bác cứ viết thoải mái, cứ cho cô ta đeo những đồ trang sức đắt nhất thế giới cũng được. Chúng cháu sẽ tìm những nhà tài trợ. Chúng cháu sẽ đưa sẵn một list những cửa hàng thời trang, một số cửa hàng trang sức mà nếu bác đưa vào trong kịch bản thì họ sẽ giúp chúng cháu khâu quảng cáo và bớt được kinh phí cho chúng cháu. Bác thấy đấy, làm phim bây giờ rất tốn kém. Không biết các bác được Nhà nước đầu tư cho làm phim thế nào? Có lẽ các bác chẳng phải tính vì làm phim đã có tiền Nhà nước. Tiền Nhà nước thì vẽ ra bao nhiêu chẳng được.

Nghe anh ta nói thế, ông Cường thấy khó chịu. Mỗi khi ông khó chịu thì vết sẹo trên thái dương ông bắt đầu giật giật. Nhưng cả hai người kia đều không biết đặc tính của đó của ông, nên Phúc vừa ngừng lời thì Dung đã chen vào nói thao thao bất tuyệt:

- Cháu thấy tâm lý nhân vật mà bác viết đơn giản quá. Đặc biệt là trong những chuyện yêu đương. Hình như tình yêu, cách nói này là từ thời bao cấp. Thanh niên bây giờ không yêu nhau lãng mạn kiểu này đâu bác ạ. Quen nhau hôm trước, hôm sau là có khi lên giường ngay. Phim bây giờ tốc độ phải cao. Kịch bản như thế này thì chậm quá, rề rà, xem sốt ruột.

Ông Cường gật gù:

- Các bạn còn yêu cầu gì nữa không?

Hai người nhìn nhau, rồi Phúc rụt rè:

- Dạ, chúng cháu chỉ có một số ý kiến thế thôi.

Ông Cường cầm lại tập kịch bản, rồi nói:

- Nghe anh chị nói vậy thì các anh chị chuyển lời cho anh Bách là tôi không thể hợp tác với các anh chị được. Làm phim theo các yêu cầu của anh chị thì chỉ làm bẩn màn hình thôi. Thôi, xin lỗi anh chị. Bây giờ tôi có việc phải đi.

Hai người chưng hửng nhìn nhau.

Biết ông đã phật ý, nhưng Phúc vẫn nói với giọng khệnh khạng:

- Dạ, vâng. Điều này thì tùy bác thôi. Chúng cháu làm phim bây giờ thì quan trọng nhất là phải tìm cách nào bán được ra tiền. Chúng cháu không làm phim phục vụ các mục đích chính trị và văn hóa mà phục vụ giải trí đơn thuần. Chúng cháu chỉ cần phim có đông người xem, còn ai xem thì không quan trọng.

Ông Cường xua tay:

- Vâng, vâng. Tôi hiểu ý các anh rồi. Các anh cứ tìm kịch bản khác phù hợp. Còn kịch bản này thì tôi sẽ tính theo cách riêng của tôi.

Hai người về rồi, ông Cường nhìn theo họ đi và nghiến răng trèo trẹo.

Ông vừa đi lại trong nhà vừa lẩm bẩm: Đúng là một lũ lưu manh trong làng điện ảnh, lũ mất dạy. Để điện ảnh nước nhà cho bọn này làm thì còn gì nữa. Thảo nào, mỗi năm cứ đến kỳ thi chọn giải nọ, giải kia là y như rằng bị chửi. Nào là “bó đũa chọn cột cờ”, nào là “vơ bèo vạt tép”.

Thành ở trong phòng thấy bố lẩm bẩm thì đẩy xe lăn ra và nói:

- Bố ơi, thời cuộc bây giờ là thế. Bố bực tức làm gì? Theo con, nếu như bố có mục đích là viết để kiếm tiền thì bố cứ viết chiều theo ý họ và đừng lấy tên bố nữa. Thế là xong. Còn nếu bố làm phim để lưu danh thiên cổ thì phải có người tài trợ, có người đứng ra đỡ đầu cho bố. Chứ còn không thì không thể làm nổi phim tử tế vào thời buổi này đâu bố ạ.

Ông Cường nín lặng. Ông thừ người ra suy nghĩ một lát, rồi gọi điện cho Giám đốc một đài truyền hình.

Không biết người đầu dây bên kia nói gì, tiếng ông Cường:

- Thôi được rồi. Nếu như các anh không có kinh phí làm phim, kinh tế khó khăn, không có quảng cáo thì tôi chọn người khác vậy.

Ông lại thở dài, quay sang nói với Thành:

- Kênh truyền hình này cũng từ chối. Nó bảo không có tiền.

Ông Cường lại nhấc máy điện thoại, gọi cho một người nữa là giám đốc một công ty truyền thông và cũng tham gia sản xuất phim truyện.

Ông nói:

- Chào cô Lê Phương. Lâu lắm không gặp cô. Dạo này công việc của cô thế nào?

Giọng của người đầu dây đằng kia rất trẻ trung:

- Ôi, em chào anh. Hôm nay đạo diễn gọi điện cho em thế này chắc là mang cho em miếng cơm manh áo gì đây?

Ông Cường nói:

- Trời ạ, tôi đâu dám. Tôi lo cho tôi cũng đã khó khăn rồi. Làm sao mà hy vọng mang được miếng cơm, manh áo cho ai. Bây giờ thế này nhé. Tôi có kịch bản một bộ phim dài khoảng hơn 30 tập. Tôi muốn cô xem. Nếu được thì chúng ta cùng bàn đầu tư sản xuất phim này được không?

Tiếng của Lê Phương mừng rỡ:

- Vâng, chúng em cũng đang khan kịch bản lắm. Nếu ông anh có kịch bản hay, mà kịch bản của ông anh chắc chắn là hay rồi, lại có tên tuổi của ông anh làm đạo diễn nữa thì còn gì để nói. Em sẽ đến anh ngay. Anh chờ em nửa tiếng nữa nhé.

Ông Cường vui hẳn lên:

- Vâng, mời cô đến.

Nửa tiếng sau, một chiếc xe Toyata màu trắng đỗ trước cửa. Từ trên xe, một phụ nữ ngoài bốn mươi õng ẹo bước xuống.

Ông Cường ra đón Lê Phương.

Nhìn thấy cô, ông nói:

- Dễ phải đến ba, bốn năm rồi tôi không gặp cô, không ngờ cô vẫn xuân sắc.

Lê Phương giọng đùa cợt, nhưng hơi đáo để:

- Ông anh mỉa mai em đấy phải không? Thà rằng ông anh cứ nói với em rằng trông em bây giờ như con gà mái già thì có khi em thấy còn được lời thật thà.

Ông Cường cười xòa:

- Trời ạ. Ai lại nói về phụ nữ như thế. Mời cô vào đây.

Lê Phương vào nhà.

Ông Cường tự tay rót nước mời Lê Phương:

- Tôi tình cờ mua được cuốn sách, cuốn này gần như là tự truyện của một cô từng là hoa hậu cấp quốc gia. Tôi đọc thấy thích và đã chuyển thể thành kịch bản. Tôi muốn giao kịch bản này cho cô. Tất nhiên, với điều kiện là tôi phải là đạo diễn phim này. Bởi vì đây là một kịch bản mà tôi rất tâm huyết.

Lê Phương hồ hởi:

- Chuyện bác đạo diễn thì có gì còn phải bàn. Chỉ có điều là công ty chúng em nhỏ nhoi, không biết có đủ tiền để trả cho đạo diễn hay không thôi.

Ông Cường nói:

- Việc tiền nong ta bàn sau. Còn bây giờ, cô cầm kịch bản này về đọc đi. Mấy hôm nữa lại đây chúng ta bàn tiếp.

Lê Phương hỏi:

- Bác vừa nói kịch bản này là từ cuốn tự truyện của hoa hậu. Tên cô ta là gì ạ?

- À, đây là tự truyện của một hoa hậu cách đây mười mấy năm rồi. Cô ta tên là Diệu Linh. Tất nhiên là trong kịch bản thì không đề tên như thế.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới