Hồng nhan đa truân (Kỳ 5)

Sáng thứ Hai, ông Cường đạp xe đến Trường mẫu giáo tư thục Lá Xanh. Trường nằm trong một khu đô thị cao cấp và khá đẹp.

hong nhan da truan ky 5

Hồng nhan đa truân (Kỳ 4)

Ông Cường ngồi thừ ra với tâm trạng chán nản. Bỗng dưng ông nghĩ không hiểu điều gì đang xảy ra với nền điện ảnh ...

hong nhan da truan ky 5

Hồng nhan đa truân (Kỳ 3)

Diệu Linh rửa bát xong thì lặng lẽ vào phòng, cầm cuốn “Hồng nhan đa truân” lên. Cô lần giở lại lướt lướt, rồi lại ...

hong nhan da truan ky 5

Hồng nhan đa truân (Kỳ 2)

Ông Cường về đến nhà thì Bình đã làm cơm xong. Thằng cháu ngoại mới hơn ba tuổi, lăn xả vào lòng ông. Nó cầm ...

Thấy thái độ ấy, ông Cường ngạc nhiên không hiểu mình đã nói điều gì làm phật lòng khiến bé Hương có thái độ lạ lùng như vậy.

Ông hỏi Nhân:

- Sao cháu? Có thể giúp chú gặp được tác giả không?

Nhân bảo Hương:

- Cháu chạy ra bà bán nước, bảo bà ấy lấy cho cô hai cốc trà.

Nhân quay lại hỏi ông Cường:

- Chú uống trà đá hay trà nóng?

Ông Cường:

- Cho chú ly trà nóng.

Bé Hương lon ton chạy đi.

Nhân vội vàng nói:

- Con bé ấy rất khó chịu khi có người đàn ông nào muốn đến gặp mẹ nó. Nó không thích đâu. Khi chị ấy in cuốn tự truyện này, cũng có những người đàn ông mà chẳng hiểu có đọc hay không, nhưng cứ gọi điện đến và đặt vấn đề này, vấn đề khác nên chị ấy rất khó chịu mỗi khi có ai đó đặt vấn đề được gặp.

Ông Cường nghĩ một lát, rồi nói:

- Cháu cầm card visit của chú đưa cho tác giả và nói rằng đạo diễn Huy Cường đọc cuốn tự truyện này của chị thấy hoàn toàn có thể chuyển được thành kịch bản phim truyền hình dài tập nên muốn đến đặt vấn đề với tác giả về bản quyền. Cháu làm ơn nói với cô ấy rằng, nếu được thì cô ấy có thể gọi điện cho chú bất cứ lúc nào chú sẽ đến gặp.

Nhân nhìn tấm card visit của ông, rồi nói với vẻ băn khoăn:

- Cháu nghĩ rằng, nếu như chờ chị ấy trả lời thì sẽ khó đấy. Lâu lắm rồi chị ấy không gặp bất cứ ai. Thậm chí cả phụ huynh học sinh. Chỗ chị ấy dạy là Trường mầm non tư thục Lá Xanh trong khu đô thị mới Yên Bình. Theo cháu, chú cứ đến thẳng đấy gặp chị ấy. Chứ bây giờ cháu có đưa card visit của chú cho chị ấy thì chị ấy cũng chẳng gặp.

Ông Cường hỏi:

- Cháu cũng làm việc ở đấy à?

Nhân gật đầu:

- Vâng. Cháu với chị ấy và mấy người bạn nữa mở trường mẫu giáo tư thục. Bận thì bận thật, nhưng cái chính là chị ấy không muốn gặp ai. Thậm chí, bạn gái mà chị ấy cũng ngại không gặp. Đặc biệt là cánh nhà báo. Có rất nhiều nhà báo tốt muốn đến để tìm hiểu kinh nghiệm dạy và học, nuôi trẻ ở trường chúng cháu, nhưng không một ai đến mà được chị ấy tiếp. Chúng cháu mà có nói gì về trường thì cũng chỉ là nói vụng. Chị ấy không cho phép nói bất cứ điều gì.

hong nhan da truan ky 5

Ông Cường nói:

- À, chú hiểu rồi. Như vậy là cánh cửa lòng của cô ấy đã khép lại với thế gian này. Nhưng khép làm sao được nhỉ? Kể cả khi đi tu, người ta cũng chẳng khép lại được, huống hồ lại còn đang làm việc.

Nhân:

- Chú đọc thì thấy đấy. Cuộc đời chị ấy bị bầm dập quá nhiều. Mà thực ra cuốn tự truyện này theo cháu mới chỉ phản ánh không được một nửa. Nhiều chuyện còn khủng khiếp hơn.

Bé Hương mang hai ly trà ra, một ly đưa cho chị Nhân, một ly đặt trước mặt ông:

- Cháu mời ông uống nước ạ.

Nghe con bé nói bằng giọng thiếu thiện cảm, ông Cường thấy thương thương.

Ông uống một ngụm trà, rồi nhặt lấy hai cuốn sách và nói:

- Cho ông mua hai cuốn này nhé. Hôm nay ông sẽ trả đúng tiền. Vì nếu ông không lấy tiền phát hành phí, thì lại bị mẹ cháu khó chịu.

Ông rút tiền ra, đưa cho con bé:

- Hy vọng, ông cháu mình sẽ lại có dịp nói chuyện với nhau.

Lúc này bé Hương đã vui vẻ hơn:

- Nhưng mà hôm nay ông cháu mình đã nói được chuyện gì đâu.

***

Diệu Linh đang ở nhà nấu cơm chiều thì Nhân đưa bé Hương về.

Hương chạy vào hớn hở khoe với mẹ:

- Mẹ ơi, hôm nay con bán được hai cuốn sách nữa đấy.

Linh bế con lên âu yếm:

- Con của mẹ giỏi quá nhỉ. Thế ai mua sách của mẹ?

Hương hồ hởi:

- Lại ông hôm nọ mẹ ạ. Lần này ông mua hai cuốn.

Linh nhăn mặt. Cô thấy hơi khó hiểu:

- Tại sao ông ấy lại mua hai cuốn nữa?

Bé Hương liến thoắng:

- Ông bảo sách của mẹ đọc hay lắm. Ông ấy mua tặng cho bạn ông ấy. Nhưng hôm nay ông ấy mua là có trừ phát hành phí đấy.

Linh mỉm cười nhìn con gái:

- Ừ. Thế thì tốt. Thế là còn bao nhiêu cuốn mẹ gửi cô Nhân nữa nhỉ?

Bé Hương nhẩm tính, rồi nói:

- Hình như còn 15 cuốn.

Linh nói:

- Thôi, để mẹ nói với cô Nhân không bán nữa. Để đấy, biết đâu sau này con lớn lên, con có thể mang cho bạn con cũng được chứ sao?

Bé Hương nhìn mẹ:

- Khi con lớn lên thì mẹ già rồi nhỉ? Lúc ấy có ai gọi mẹ là “hoa hậu” nữa không nhỉ?

Diệu Linh bật cười trước cách nghĩ ngộ nghĩnh của con gái.

Cô nói:

- Bây giờ người ta vẫn gọi mẹ là hoa hậu. Sau này mẹ có già nữa thì người ta vẫn gọi mẹ là hoa hậu, nhưng đằng trước sẽ có thêm một từ. Đó là “cựu hoa hậu” con à.

Bé Hương không hiểu từ “cựu”, nhìn mẹ và hỏi lại:

- “Cựu” là gì hả mẹ?

- À, cựu hoa hậu tức là người này đã từng là hoa hậu. Hay là hoa hậu cũ, hoa hậu ngày xưa.

Vừa lúc ấy có điện thoại của Nhân.

Diệu Linh:

- Bé Hương vừa khoe hôm nay ông đạo diễn ấy đến mua thêm hai cuốn nữa.

Nhân:

- Vâng. Ông ấy mua hai cuốn. Ông ấy nói rằng sách đọc hay lắm. Ông ấy mua để tặng bạn. Nhưng ông ấy muốn gặp chị đấy.

Diệu Linh nhăn mặt:

- Sao? Gặp chị có việc gì?

- À, ông ấy nói với em là ông ấy muốn gặp chị để bàn về việc ông muốn sử dụng chất liệu cuốn tự truyện của chị để chuyển thể thành kịch bản phim. Ông ấy đưa cho em card visit đây này.

Diệu Linh hỏi Nhân:

- Thế em bảo sao?

- Dạ, em nói rằng chị bây giờ không muốn gặp ai. Nhưng theo em, chị cũng nên gặp ông ấy.

Diệu Linh phẩy tay:

- Thôi, gặp làm gì. Chị viết quyển sách này cũng như một thứ ghi chép lại. Chứ còn cuộc đời chị, báo chí nó đã bới móc chán rồi, giờ lại lôi lên phim ảnh làm gì. Hay ho gì đâu.

Nhân kiên nhẫn:

- Theo em, chị nên gặp, em thấy ông ấy cũng là người tử tế.

Diệu Linh cười nhạt:

- Ừ, đàn ông thì thằng nào lúc đầu chẳng tử tế. Chị có thấy thằng đàn ông nào ngay từ đầu đã tỏ ra lưu manh đâu. Nhưng mà thôi, quên chuyện ấy đi. Này, ngày mai em đến nhà chị, giúp chị mấy việc nhé. Bởi vì chị không có tài dọn dẹp nhà cửa như em.

Nhân nói:

- Ôi, chuyện dọn nhà thì chị cứ để đấy cho em. Em biết chị bây giờ chỉ dành thời gian vào tu thiền.

Linh nói:

- Không. Mai chị về nhà thăm bố. Hai ngày rồi chị chưa về. Nghe cậu Quân nói là mấy hôm nay ông có khá hơn. Chị muốn về ở với ông một ngày.

- Chị có cho bé Hương về không?

- Có chứ. Bé Hương phải về chứ. Mai chị giao nhà cho em. Em giúp chị dọn dẹp nhà cửa nhé.

Nói xong, Diệu Linh chào Nhân rồi tắt máy.

Diệu Linh giục con gái:

- Nào con. Chuẩn bị đi tắm đi, rồi ăn cơm.

Bé Hương nhìn mẹ:

- Vâng. Đi tắm, rồi ăn cơm. Ăn cơm xong rồi học bài. Học bài xong rồi tập đàn. Tập đàn xong rồi lên bóp đầu cho mẹ. Con nhớ những công việc này lắm rồi.

Diệu Linh bật cười và nói:

- Không. Tối nay con không phải bóp đầu cho mẹ.

Hương nhìn mẹ ngạc nhiên:

- Mẹ hết đau đầu rồi ạ?

- Ừ. Mẹ hết đau rồi. Hôm qua, hôm kia mẹ đau là vì trời chuyển mùa, có gió lạnh về.

***

Sáng thứ Hai, ông Cường đạp xe đến Trường mẫu giáo tư thục Lá Xanh. Trường nằm trong một khu đô thị cao cấp và khá đẹp.

Diệu Linh đang dạy các cháu học xướng âm.

Ông Cường đứng lặng lẽ ở ngoài nhìn Diệu Linh, rồi nói với người bảo vệ:

- Lát nữa, khi các cháu nghỉ, tôi nhờ anh vào nói với cô Diệu Linh là có đạo diễn Huy Cường muốn gặp.

Khi ông đang đứng nói chuyện với người bảo vệ thì Nhân đã đi ra và nhìn thấy ông.

Nhân đon đả:

- Cháu chào chú ạ. Chú đến gặp chị Diệu Linh phải không ạ?

Ông Cường khẽ gật đầu và nói:

- Cháu nói với cô ấy cho chú gặp một lát.

Nhân vào ghé tai nói với Diệu Linh.

Diệu Linh im lặng, rồi quay ra tiếp tục dạy xướng âm.

Một lát, Diệu Linh gọi một cô giáo khác đến và nói:

- Em dạy tiếp các cháu hộ chị. Chị ra có khách một chút.

Diệu Linh ra ngoài và nhìn thấy ông Cường. Cô hơi sững lại, tự nhiên cô thấy hoảng sợ. Cô cũng đã nghe nói ông là một người đàn ông xấu xí, đã thấy những bức ảnh của ông. Nhưng cô không ngờ ông lại xấu như vậy. Đặc biệt là trên khuôn mặt nhăn nhúm, đau khổ vừa có những vết bỏng của bom napan ngày xưa, rồi lại vết sẹo chạy chéo từ trên trán xuống đến tận chân mày.

Cố giữ vẻ bình thản, cô nói:

- Cháu chào chú ạ. Chú gặp cháu phải không ạ?

Ông Cường khẽ gật đầu và nói:

- Vâng. Tôi muốn gặp cô. Cô có thể cho tôi gặp khoảng 15-20 phút được không?

Diệu Linh nhìn ông chăm chăm, rồi nói:

- Có việc gì thế chú? Vì cháu đang giờ dạy nên chú có thể nói ngắn gọn được không?

Rồi Diệu Linh mời ông vào phòng khách của trường.

Cô vừa rót nước cho ông vừa nói:

- Thưa chú, cháu nghe chú đây ạ.

Ông Cường đặt cuốn tự truyện lên bàn và nói:

- Chú đã đọc cuốn tự truyện này của cháu. Thú thật là cũng lâu rồi chú mới đọc một cuốn sách mà lại thích như vậy. Ở đây chú không bàn về chuyện văn chương, chữ nghĩa, nhưng đọc cuốn này, điều khiến chú phải suy nghĩ là tính chân thực của nó. Chính vì vậy mà chú đến đây gặp cháu để xin phép cháu cho chú chuyển thể cuốn tự truyện này thành kịch bản phim truyền hình dài tập.

Diệu Linh mỉm cười nhã nhặn:

- Dạ, cháu cảm ơn chú. Liệu chú có quá khen không ạ?

Ánh mắt của Diệu Linh làm ông Cường tự dưng cảm thấy bối rối, bởi với ông Diệu Linh quá đẹp và có ánh mắt quá lạ lùng. Ánh mắt vừa sắc sảo, thông minh, vừa đôn hậu và có cả nét u buồn. Làm đạo diễn, ông vốn quen nhìn thẳng vào mắt mọi người và ra những mệnh lệnh bắt các diễn viên phải thực hiện theo. Nhưng lần này, trước ánh mắt nhìn như xoáy của Linh, ông cảm thấy lúng túng.

Ông nói:

- Chú làm đạo diễn bao nhiêu phim, cháu biết rồi đấy. Mà không biết cháu đã xem phim nào của chú chưa nhỉ?

Diệu Linh gật đầu và nói:

- Có thể cháu chưa được xem hết. Nhưng những phim có tính chất kinh điển của chú thì cháu đã xem.

Ông Cường nói:

- Chú nói với cháu là với tư cách của một đạo diễn khi đọc một câu chuyện hay và có thể chuyển thể thành kịch bản phim. Nếu cháu đồng ý thì cho chú được chuyển thể cuốn tự truyện của cháu thành kịch bản. Chú sẽ trả tiền bản quyền cho cháu theo đúng các quy định của Nhà nước.

Diệu Linh băn khoăn:

- Chú cho cháu suy nghĩ thêm một chút.

Ông Cường nói luôn:

- Có việc gì phải suy nghĩ nhỉ? Chẳng lẽ cháu thấy khó khăn lắm hay sao?

Diệu Linh lắc đầu:

- Không. Chú không hiểu ý cháu rồi. Thật ra cháu không muốn ai động đến quãng đời đã qua của mình nữa. Bây giờ lại đưa chuyện của cháu lên thành phim thì quả thật là cháu không muốn. Mặc dù chú có thể thay tên, đổi họ nhân vật chính nhưng người ta xem thì sẽ biết ngay là bộ phim này nói về ai. Người ta biết về cháu quá nhiều rồi.

Ông Cường gật đầu:

- Điều ấy chú biết, nhưng không sao. Tất cả mọi chuyện là quá khứ rồi. Điều chú quan tâm là số phận của một con người. Cháu đừng ngại. Chú hứa với cháu là sau khi viết xong kịch bản, chú sẽ đưa cho cháu xem lại. Tất nhiên, cháu phải thông cảm với chú một điều rằng: chú dựa theo tự truyện của cháu, nhưng không có nghĩa rằng chú chuyển hoàn toàn sang kịch bản mà không thay đổi, thêm bớt. Cháu hiểu ý chú nói chứ?

Diệu Linh gật đầu:

- Dạ, có nghĩa rằng chú có quyền hư cấu.

Ông Cường nói:

- Cháu nói rất chính xác.

Diệu Linh vui vẻ:

- Chú hư cấu thêm càng nhiều càng tốt. Chú hư cấu làm sao đó để người ta xem phim và thấy rằng chỗ này là nói về cháu, nhưng chỗ kia lại không phải. Như thế thì hay hơn.

Ông Cường định tranh luận điều gì đó, nhưng rồi ông thấy tốt nhất lúc này nên đồng tình với Linh để đạt được mục đích của mình là được chuyển thể thành kịch bản.

Ông nói:

- Được rồi, chú đồng ý với cháu. Chúng ta thỏa thuận miệng với nhau: cháu đồng ý cho chú chuyển thể cuốn này thành kịch bản. Chú hứa sẽ không tiết lộ điều này với bất kỳ ai. Trước khi kịch bản được làm thành phim, chú sẽ cho cháu xem. Nhưng trong quá trình viết kịch bản, chú đề nghị với cháu như thế này. Thú thật với cháu là chú không hiểu gì về giới người đẹp của các cháu. Chắc chắn là trong cuốn sách này cháu không nói hết được những phức tạp trong một cuộc thi hoa hậu, rồi thế giới người đẹp. Cho nên, nếu những chỗ nào chú cần viết cho đúng, cho kỹ, chú hỏi thì cháu tư vấn, góp ý giúp chú. Khi làm phim, chú sợ nhất là sự giả tạo. Làm một bộ phim xong, đến khi xem phim, khán giả lại nói ông ấy làm phim mà chẳng hiểu biết gì thì buồn lắm. Cháu đồng ý chứ?

Diệu Linh nghĩ một chút, rồi nói:

- Dạ, vâng.

Thấy Diệu Linh liếc nhìn đồng hồ, ông Cường hiểu ý.

Ông đứng dậy và nói:

- Chắc là đến giờ cháu phải vào dạy rồi. Thôi, chú về đây. Nhưng chú sẽ còn quay lại đây gặp cháu. Hy vọng cháu sẽ giúp đỡ chú trong việc chuyển thể cuốn này.

Diệu Linh cảm thấy áy náy khi ông phát hiện ra mình xem đồng hồ.

Cô vội vàng nói chữa:

- Không. Cháu thoải mái thời gian thôi. Nhưng có một điều như thế này, cháu đề nghị trước khi bắt tay vào viết kịch bản này, chú hãy dành thời gian đọc kỹ những bài báo đã viết về cháu để có thể hiểu hơn không chỉ về cháu, mà về cả những ngày tháng tối tăm đối với cháu. Nếu chú đọc, chú hãy thử đặt địa vị của chú liệu có chịu đựng nổi thế không?

Ông Cường cười và bảo:

- Người ta bảo “đa thư loạn mục” cháu ạ. Đọc lắm chỉ thêm loạn mắt rồi loạn cả tâm thôi, chẳng mang lại được cho mình cái gì. Tất cả những gì thuộc về quá khứ của cháu, chú không quan tâm và chú cũng không có bổn phận phải tìm hiểu. Điều chú quan tâm là với tác phẩm này, chú sẽ chuyển thành kịch bản như thế nào.

Rồi chợt ông nhìn như xoáy vào Diệu Linh. Cô cũng nhìn lại ông bằng ánh mắt nửa khiêu khích, nửa lạnh lùng.

Gặp ánh mắt ấy, dường như không chịu nổi, ông vội vàng quay đi.

Ông nói:

- Nếu kịch bản này được dựng thành phim, tất nhiên là chú sẽ làm đạo diễn phim này thì cháu có yêu cầu gì khác không?

Diệu Linh hỏi lại:

- Chú bảo yêu cầu gì khác là thế nào?

Ông Cường lúng túng nói:

- À, chú hỏi… Ví dụ như là tiền bản quyền chẳng hạn?

Diệu Linh hiểu ý ông:

- Điều đó chú không cần phải nghĩ. Với cháu thì có khi 1.000 đồng cũng là tốt, cũng đáng nhớ, nhưng có khi tiền tỉ cũng chẳng là gì cả.

Ông Cường gật gù:

- Thôi được rồi. Chú về đây. À, nếu có thể thì cháu cho chú xin số điện thoại được không?

Linh ngần ngừ, rồi nói:

- Xin lỗi chú. Cháu rất ít dùng điện thoại di động.

Ông Cường hiểu ý:

- Không sao. Vậy nếu như có việc cần cháu giúp đỡ, chú sẽ đến đây.

Nói rồi ông về luôn.

Linh nhìn theo ông và có một cảm giác lạ lạ dâng lên trong cô. Cách cư xử của ông làm cô hơi ngạc nhiên. Từ trước đến nay, những người đàn ông khi đến với cô, kể cả những người đã già, tuổi đã 70 nhưng vẫn nói những lời “có cánh”. Nào là cô xinh đẹp, cô quyến rũ, rồi thậm chí có những người hơn cả tuổi bố cô, khi nói chuyện với cô chỉ câu trước, câu sau là đang từ “bác, chú”, là buông những lời cợt nhả. Riêng ông Cường thì có lẽ ngoài công việc, ông không nghĩ điều gì khác.

Cô quay vào. Nhưng không hiểu làm sao, cô không thể nào dạy nổi ký xướng âm cho các cháu nữa.

Cô giáo đang dạy ký xướng âm hỏi:

- Hình như chị đang có điều gì suy nghĩ đúng không?

Diệu Linh gượng cười và nói:

- Ừ. Chị cứ ám ảnh bởi chuyện ông đạo diễn muốn chuyển thể cuốn tự của chị thành kịch bản phim truyền hình dài tập. Chị thì không muốn. Nhưng mà thấy mặt ông ấy như thế, cũng không nỡ từ chối.

Cô bạn nói luôn:

- Em liếc nhìn mặt ông ấy, chẳng biết tài năng thế nào nhưng nom sợ thật.

Diệu Linh nói:

- Chị cũng thấy sợ. Quả thật ai làm vợ ông ấy thì không biết phải chịu đựng thế nào với gương mặt gớm ghiếc ấy.

Nhưng rồi cô bạn lại cười khúc khích và nói:

- Em thấy nhiều gã đàn ông mặt mũi rõ là đẹp, sáng sủa, mà cũng chỉ như con gà trống thôi. Ngoài thì trông bóng bẩy, trong thì rỗng tuyếch

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới