Nghe tin em bị bắt, ruột Diệu Linh nóng như lửa đốt. Quân đang học lớp 11 mà bị bắt như thế thì không biết chuyện học hành ra sao.
Nghe lời em trai, Diệu Linh đến quán Mây Hồng và chọn một chỗ ngồi dựa lưng vào tường. Quân và ba người bạn nữa ... |
Năm học lớp 10, Diệu Linh chuyển sang học ở Trường Tô Vĩnh Diện. Trong những năm học cấp trung học phổ thông, Diệu Linh ... |
Quân gật gù, rồi nói:
- Thế thì đơn giản thôi. Chị viết cho anh ấy một lá thư. Em sẽ cầm đến cho.
- Em bảo chị viết thế nào bây giờ?
Quân lạnh lùng:
- Chị viết thư nói cho anh ấy là nghe tin anh ấy tự tử vì chị mà không chết. Chị khuyên anh ấy cứ nằm trong bệnh viện chữa trị cho khỏe. Bao giờ khỏe mạnh, được ra viện thì chị lại giúp anh ấy tự tử lần nữa. Và lần này thì anh ta cứ việc treo dây thừng lên quạt trần, chui đầu vào dây thòng lọng và chị sẽ đạp ghế hộ.
Diệu Linh rùng mình:
- Sao em bảo chị viết cái gì mà lạ thế?
Quân cười khẩy:
- Chị ạ, cái loại đàn ông ấy thì nên chết đi. Sống làm gì cho chật đất. Đồ hèn. Em nói thật với chị nhé, thằng ấy mà là em trai em thì chờ nó khỏe rồi đánh cho một trận.
Diệu Linh bật cười trước câu nói của Quân:
- Nhưng chị cứ thấy tội tội.
Quân nói chắc chắn:
- Là thằng đàn ông, phải lấy sự nghiệp làm đầu, phải có ý chí, phải biết lo cho tương lai. Không thể chấp nhận được thứ đàn ông vì mê một cô gái, chưa được cô ta đáp lại mà tìm đến cái chết. Thật là đồ hèn. Mà chị đuổi anh ta đi vì hai lý do ấy thì quá xứng đáng. Oan ức gì. Cái thứ đàn ông gì mà lạ vậy. Sống bằng tiền bạc của người ta, người ta nuôi cho ăn học thành tài, rồi mua nhà, mua ôtô cho để đi phè phỡn, bây giờ lại phụ bạc người ta. Lại còn dối cha, dối mẹ vì gái nữa. Loại ấy chị bỏ là hoàn toàn đúng. Không việc gì chị phải ân hận cả.
Diệu Linh vội vàng ngăn:
- Thôi, thôi. Chị xin em. Đừng làm ầm ĩ lên. Chị sẽ nghe em. Nhưng dù gì cũng nên đến thăm người ta một chút. Chị sẽ tránh mặt. Đến thì lại chuyện này, chuyện khác. Chị mua túi quà, em mang đến thăm và nói là chị bận học nên không đến được.
Quân gật đầu.
Diệu Linh đi mua túi quà gồm hoa quả và 2 hộp sữa cho Quân mang đến.
***
Quân vào bệnh viện thăm Hồng Phương.
Lúc này Hồng Phương đã khỏe, nhưng gia đình vẫn muốn Phương nằm ở bệnh viện để truyền thêm máu. Phương cắt động mạch chủ nên mất nhiều máu, người vẫn còn yếu.
Khi Quân đến, Phương đang nằm trên giường, bên cạnh có hai người con gái và một người con trai.
Quân nói:
- Em chào anh ạ.
Hồng Phương nhìn Quân bằng ánh mắt nảy lửa:
- Cậu gặp tôi à?
Quân nói bình tĩnh:
- Anh ạ, chị em bận học nên chưa đến thăm anh được. Chị em có nhờ em đến thăm anh và chúc anh sớm khỏe.
Mấy người bạn của Hồng Phương nhìn Quân ngơ ngác.
Hồng Phương cười nhạt:
- Sao hôm nay chị em lại tử tế thế. Chị em đã làm cho trái tim anh tan nát, bây giờ lại còn giả nhân giả nghĩa đến đây tặng quà thế này nữa. Chắc là chị em bây giờ lại có thằng khác rồi chứ gì?
Nghe Hồng Phương nói thế, Quân nóng mắt.
Quân đặt túi quà xuống và nói:
- Anh Phương ạ, tôi không hiểu tại sao một người biết chữ như anh mà lại ăn nói… - Quân ngập ngừng - nói như thế nào nhỉ, biết dùng ngôn từ như thế nào nhỉ? Sao lại có lối ăn nói vô học như thế? Chuyện anh và chị tôi yêu nhau không thành là chuyện của hai người. Còn tôi đến đây là chị tôi nhờ tôi đến thăm. Anh đã nói thế thì tôi cũng nói luôn. Chị tôi không muốn nhìn thấy mặt anh nên mới bảo tôi đến đấy.
Hồng Phương ức nghẹn cổ, gào lên:
- Thằng chó, thằng chó…
Lập tức người bạn to cao của Hồng Phương đứng dậy, chỉ vào mặt Quân và nói:
- Thằng chọi con. Mày bước ra khỏi đây ngay, không tao đập mày chết bây giờ.
Quân nhìn anh ta từ đầu đến chân và thủng thẳng:
- Tao không nói chuyện với mày. Tao nói chuyện với thằng nhà thơ dở người này. Mày thích gây sự hoặc thích gì thì lát nữa ra cổng bệnh viện, tao chờ mày ngoài đó.
Gã thanh niên hùng hổ:
- Được. Tao với mày đi ra ngoài kia.
Quân lừ lừ đi ra ngoài.
Hồng Phương nhìn theo cười nhạt và đinh ninh rằng Quân sẽ bị bạn mình cho một trận đòn nhớ đời.
Ra đến ngoài sân, Quân bình tĩnh đứng lại và bảo mấy người xung quanh:
- Các bác làm chứng cho cháu nhé. Thằng này định gây sự đánh cháu.
Mấy người nhìn Quân ngơ ngác.
Quân đứng im chờ. Gã thanh niên kia hùng hổ xông vào đấm Quân hai quả Quân đều nhanh nhẹn né được.
Quân lại bảo những người bên cạnh:
- Các bác làm chứng là nó đánh cháu trước nhé.
Gã kia sôi máu, xông vào lần nữa thì lần này bị Quân đánh lại. Chỉ bằng hai cú đấm, một cú đá thì gã đã nằm gục xuống, máu mồm, máu mũi chảy ra.
Quân túm cổ gã dựng dậy và nói:
- Thế nào? Có thích đánh nhau nữa thôi? Bây giờ thế này nhé, tao sẽ đánh cho mày vào nằm viện cùng với thằng Phương mà chăm sóc nhau.
Nói xong Quân chân đấm, tay đá gã một hồi nữa.
Đúng lúc đó, bảo vệ bệnh viện ập vào.
Gã kia bị đánh một trận tơi bời, gãy một dẻ xương sườn. Đúng là gã phải vào bệnh viện nằm luôn. Quân bị bảo vệ đưa tới trụ sở công an phường.
Nghe tin em bị bắt, ruột Diệu Linh nóng như lửa đốt. Quân đang học lớp 11 mà bị bắt như thế thì không biết chuyện học hành ra sao.
Diệu Linh nói chuyện với bố.
Sau khi Diệu Linh kể xong câu chuyện, ông Tường nói dửng dưng như không:
- Cứ để cho công an bắt, nhốt, xử tù cho nó nhớ. Mới tí tuổi, ngựa non háu đá. Học được mấy bài võ vớ vẩn mà đã mang đi khoe khoang.
Bà Thường nhìn ông Tường ngạc nhiên:
- Ông nói hay nhỉ? Phải ra xem công an bắt nó như thế nào? Thằng bé còn đang đi học, bị bắt, nhốt như thế thì mất một năm còn gì.
Ông Tường vẫn lạnh lùng:
- Có sao đâu? Đúp một năm học thì đã là cái gì? Đúp một năm học mà nên người thì còn tốt hơn đấy. Mình đừng can thiệp vào. Cứ kệ nó.
Không đành lòng, Diệu Linh và mẹ chạy ra công an phường. Diệu Linh thấy em ngồi ở đó, hai tay bị khóa. Rất may là anh Trưởng Công an phường biết bà Thường, vì nhiều lần bà đến nói chuyện với cán bộ phường về bảo vệ môi trường.
Trông thấy bà Thường, anh Trưởng Công an phường nói:
- Em chào chị. Mời chị vào đây.
Hai mẹ con Diệu Linh theo anh ta vào trong phòng.
Anh nói:
- Chắc chị đến vì chuyện thằng cháu phải không?
Bà Thường nói:
- Dạ, vâng ạ. Không biết cháu đánh nhau ở ngoài bệnh viện như thế nào? Tôi muốn đến hỏi xem nặng hay nhẹ.
Anh Trưởng Công an phường bước ra ngoài gọi:
- Bảo cậu Trung lên đây.
Một lát sau, một anh cảnh sát đeo cấp hàm Thượng úy, tên là Trung vào.
Anh Trưởng Công an phường nói:
- Cậu lấy lời khai của thằng Quân và mấy đối tượng kia như thế nào?
Thượng úy Trung nói:
- Báo cáo anh, chúng em cũng đã gặp các nhân chứng trong bệnh viện, hỏi kỹ Quân và lấy lời khai của đối tượng đánh Quân. Sự thể cũng đơn giản thôi. Thấy Quân nói bạn mình không ra gì, anh chàng kia sĩ diện vì muốn bênh bạn nên gây sự đánh Quân. Anh ta xông vào đánh Quân trước. Có những người làm chứng đây ạ. Họ đều đã xác nhận cả. Chỉ có điều là Quân hơi nặng tay. Khi anh ta gục xuống rồi mà vẫn đánh. Anh ta bị gãy một xương sườn.
Anh Trưởng Công an phường nói:
- Thằng kia như thế nào mà Quân lại đánh được như thế?
Thượng úy Trung nói:
- Thằng Quân đã đi thi karate ở quận và thành phố bao nhiêu lần rồi, anh lạ gì nữa. Nó đã có lần biểu diễn võ thuật ở phường và nói sau này lớn lên sẽ làm công an để đi bắt cướp.
Anh Trưởng Công an phường “à” lên rồi nói:
- Nếu nó không bị thương tích gì nặng thì mọi việc đơn giản thôi. Phạt hành chính, cảnh cáo rồi cho về. Nhưng bây giờ nó đánh người ta gãy xương sườn, người ta gục xuống rồi mà vẫn xông vào đánh tiếp thì lại là chuyện khác. Em xin phép chị để em báo cáo việc này lên quận, xin ý kiến chỉ đạo của quận như thế nào. Việc này em không tự quyết được.
Nghe đến thế, bà Thường sụt sùi khóc:
- Các anh ơi, liệu cháu có phải đi tù không?
Anh Trưởng Công an phường an ủi:
- Không đến mức đi tù, nhưng sẽ phải xử lý hình sự một chút. Dù sao nó cũng còn quá trẻ. Thôi, chị cứ yên tâm về đi. Tối nay đành phải để nó ngồi ở phường với chúng em. Nếu không thì em phải đưa lên nhà tạm giam của quận.
Vừa lúc ấy, có một sĩ quan cấp hàm Thượng tá bước vào.
Trưởng Công an phường vội vàng đứng dậy:
- Dạ, báo cáo Thủ trưởng, chúng em đang có việc cần xử lý. Thủ trưởng ngồi chơi, em xử lý xong việc này sẽ ra ạ.
Anh Phó Công an quận nói:
- Cậu cứ làm đi. Tớ tưởng cậu rỗi nên không báo qua trực ban mà lên thẳng đây.
Bỗng anh Phó Công an quận nhìn Diệu Linh chòng chọc và nói:
- Trông cháu này quen quá nhỉ? Cháu có phải là hoa khôi của trường Tô Vĩnh Diện không?
Diệu Linh gật đầu:
- Dạ, thưa chú. Cháu là Linh.
Ông bảo:
- À, chú biết rồi. Chú có xem cuộc thi ấy. Cháu trả lời thông minh lắm. Cháu vào đây có việc gì? Thế còn người này?
Ông chỉ vào bà Thường.
Diệu Linh trả lời:
- Thưa chú, đây là mẹ cháu.
Anh Phó Công an quận nói đon đả:
- Hai mẹ con có việc gì mà lại đến gặp Trưởng phường thế này?
Anh Trưởng Công an phường:
- Dạ, báo cáo anh. Diệu Linh có cậu em trai tên là Quân. Quân vào bệnh viện thăm người ốm. Do xích mích trong đấy với một thanh niên khác, là bạn của người ốm kia. Mà chắc là người ốm đấy anh có biết. Đó là cậu nhà thơ Hồng Phương vừa cắt mạch máu tự tử.
Anh Phó Công an quận nói:
- Ừ, biết rồi.
- Lời qua tiếng lại thế nào mà cậu kia xông vào đánh Quân. Không ngờ Quân giỏi võ nên đánh lại cho. Nó đánh đòn nặng quá nên thằng kia bị gãy xương sườn, bây giờ cũng lại đang nằm ở viện đấy.
Anh Phó Công an quận bật cười:
- Chuyện hay thật đấy. Nhưng mà ai đánh trước?
Thượng úy Trung nói:
- Báo cáo thủ trưởng, chúng em đã lấy lời khai nhân chứng thì cậu kia cậy to khỏe, cao lớn hơn nên xông vào đánh cậu Quân trước. Nhưng đánh không được, lại bị cậu Quân đánh lại. Khi anh ta gục xuống rồi, cậu Quân lại xông vào đánh thêm nên anh ta bị gãy xương sườn.
Anh Phó Công an quận nói:
- Như thế thì cũng thể tất được. Thôi, bây giờ trước mắt bảo cậu Quân làm bản cam kết không tái phạm, cho gia đình bảo lãnh về nhà giáo dục. Gia đình cũng nên có trách nhiệm với thằng kia một chút, bồi dưỡng cho họ ít tiền. Không đến mức phải làm ầm ĩ lên chuyện này. Dù sao cháu Quân cũng còn trẻ.
Rồi ông quay sang Diệu Linh hỏi:
- Chú xử lý thế được không?
Diệu Linh mừng quá, chỉ biết cúi đầu và nói:
- Dạ, cháu xin cảm ơn chú.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau, Quân được thả về.
Nhưng ánh mắt của ông Thượng tá công an nhìn mình cứ ám ảnh Diệu Linh mãi. Lúc ấy Diệu Linh đã ý thức được một điều, rằng mình là một cô gái đẹp và sắc đẹp có thể làm xiêu lòng người.
***
Từ sau lần đó, Diệu Linh có sự thay đổi, cô ý thức được một cách rõ ràng rằng mình là một người đẹp, là một người khiến đàn ông thèm muốn, phụ nữ thì ghen tức. Những ý nghĩ đó lúc đầu đến với cô rất mơ hồ và cũng chỉ khiến cô hãnh diện hơn một chút. Trước kia, rất nhiều người nói cô xinh đẹp, thông minh, giỏi giang, rồi bạn bè gọi cô bằng cái tên Linh “jolie”, cô vẫn không thấy có gì thay đổi. Nhưng bây giờ, ai gọi cô là Linh, không kèm theo biệt danh thì cô đã thấy không vui. Diệu Linh thích mọi người gọi là Linh “jolie”. Thậm chí bạn bè cùng lớp chỉ gọi cô bằng cái tên “jolie”.
Khi cô bắt đầu có những suy nghĩ như vậy thì năm học kết thúc. Diệu Linh đỗ tốt nghiệp loại giỏi và khi đi thi đại học, cùng lúc Diệu Linh đỗ 2 trường: Khoa Báo chí của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và khoa Tổng hợp Văn.
Diệu Linh nhớ mãi hôm thi tốt nghiệp lớp 12 xong, trong bữa cơm, ông Tường nhìn Diệu Linh bằng ánh mắt dò hỏi và nói:
- Kết quả thi của con thế nào?
Diệu Linh trả lời tự tin:
- Con chắc chắn là đỗ loại giỏi.
Bà Thường nói:
- Thi tốt nghiệp phổ thông trung học mà đạt loại giỏi thì cũng bình thường. Mẹ thấy cách thi bây giờ biến con người ta thành cái máy. Thi Văn mà cũng trắc nghiệm như các môn khoa học. Cách thi bây giờ bóp chết sự sáng tạo của học sinh, biến học sinh thành những con vẹt.
Diệu Linh nhăn mặt:
- Sao mẹ cứ lấy thời của mẹ ra để so sánh với bây giờ? Mỗi thời một khác. Bây giờ chỉ cần biết là chắc chắn con thi đỗ và con chuẩn bị thi đại học.
Ông Tường mỉm cười:
- Nếu con không được loại giỏi thì sao?
Diệu Linh nói:
- Con tin chắc rằng con sẽ đạt loại giỏi. Con đã xem đáp án rồi. Bố cứ yên tâm. Con gái bố có biệt danh là “jolie” cơ mà.
Ông Tường nói:
- Con ơi, con chớ tự hào với cái danh hão ấy. Con mở từ điển ra tra xem “jolie” là thế nào? Bố không thích con có cái biệt danh ấy. Tất nhiên biệt danh ấy không xấu. Nó chỉ thể hiện rằng con được bạn bè yêu quý. Nhưng nếu chỉ yêu quý suông không thì chưa đủ đâu. Bây giờ là lúc con cần có ý chí, bản lĩnh để bước vào đời.
Nghe cách nói của bố mẹ, Diệu Linh tự dưng khó chịu:
- Tại sao lúc nào bố mẹ cũng coi con như là một đứa trẻ mới lớp 5, lớp 6 thế? Lúc nào cũng bảo ban, lúc nào cũng bắt con đi theo một khuôn mẫu, lề lối cũ. Xã hội bây giờ thay đổi rồi. Bố mẹ thấy đấy, bây giờ là thời buổi kinh tế thị trường. Đồng tiền có tiếng nói quyết định tất thảy, quyết định cả tư cách con người, phong tục tập quán, đạo đức, cả về lối sống. Con hỏi bố mẹ là bây giờ có cái gì không phải tiền? Hôm trước, con thấy mẹ đi vào bệnh viện thăm người ốm, thấy người ta như thế, mẹ cũng giúi tiền cho bác sĩ để mong được khám nhanh hơn. Thằng Quân nhà mình vẫn phải nộp tiền học thêm, dù thằng Quân học có kém đâu. Những quan niệm sống của bố mẹ ngày xưa đã có những điều lạc hậu rồi.
Ông Tường đặt mạnh bát cơm xuống bàn:
- Bao giờ con rời khỏi gia đình này, nếu nói giọng ấy thì còn có thể tha thứ được. Còn ở trong nhà này, bố không cho phép con nói giọng đấy.
Bỗng nhiên Diệu Linh không còn giữ được bình tĩnh:
- Vậy thì bố mẹ muốn con nói giọng gì? Chẳng lẽ bây giờ con từng này tuổi rồi mà cái gì cũng gọi dạ, bảo vâng. Tất nhiên là gọi dạ, bảo vâng là tốt, nhưng không có nghĩa rằng không có dân chủ, không để cho con được tự do suy nghĩ, tự do bàn luận.
Ông Tường quắc mắt nhìn Diệu Linh bằng ánh mắt mà cô chưa bao giờ thấy.
Ánh mắt của ông nhìn Diệu Linh đe nẹt làm Diệu Linh tự dưng thấy sợ hãi.
Ông nói:
- Giỏi lắm. Bây giờ mới học hết lớp 12, chưa đi học đại học, chưa nghề nghiệp mà đã có giọng ấy rồi. Hay thật. Con tôi định đòi quyền dân chủ ở trong gia đình này à? Muốn dân chủ thì sau này con đi làm, con ứng cử làm đại biểu Quốc hội, ra nghị trường mà cãi nhau, mà trình bày quan điểm. Còn trong nhà này thì chỉ có một quan điểm. Đó là cha mẹ nói, con cái phải nghe lời. Bố mẹ không làm gì sai. Bố mẹ là người được xã hội kính trọng thì có nghĩa rằng bố mẹ đủ tư cách để các con phải gọi là bố, là mẹ. Bố khuyên con từ nay nên ăn nói cho cẩn thận. Bố nhắc lại, thích dân chủ, thích bày tỏ ý kiến thì vào Quốc hội mà bày tỏ, còn ở nhà không có chuyện ấy. Có vậy thôi.
Bà Thường nói:
- Trời ạ, sao tự dưng bố nó lại gắn chuyện con trẻ vào chuyện chính trị, chính em thế. Nó mới có 17 tuổi đầu. Nó nói thế thì kệ nó.
Ông Tường buông bát cơm, đứng dậy và nói:
- Bé không vin thì cả gãy cành. Cậy có mấy cái danh hoa khôi mà đã bắt đầu giở giọng. Cứ cẩn thận đấy.
(Xem tiếp kỳ sau)