Hồng nhan đa truân (Kỳ 14)

Năm học lớp 10, Diệu Linh chuyển sang học ở Trường Tô Vĩnh Diện. Trong những năm học cấp trung học phổ thông, Diệu Linh luôn luôn là niềm tự hào của bố mẹ, cô học giỏi gần như tất cả các môn, biết chơi nhiều loại nhạc cụ, lại giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, Diệu Linh luôn nổi bật là một hoa khôi của trường.

hong nhan da truan ky 14

Hồng nhan đa truân (Kỳ 13)

Sau khi chọn được diễn viên chính, việc chọn những diễn viên phụ có vẻ đơn giản hơn. Chỉ trong khoảng 10 ngày, ông Cường ...

hong nhan da truan ky 14

Hồng nhan đa truân (Kỳ 12)

Ông Cường đã phải nhờ một công ty truyền thông ở phía nam giới thiệu các gương mặt diễn viên miền Nam, trong đó có ...

Sau này khi lớn lên, Diệu Linh hỏi mẹ:

- Con thấy mẹ hát chèo cũng hay, sao mẹ không hát?

Mẹ Linh mỉm cười:

- Bao nhiêu cái lãng mạn thì bố lấy hết rồi. Mẹ không cần. Ở nhà, chỉ một người lãng mạn là đủ. Chứ hai người lãng mạn thì có mà nhịn đói.

Trong thời gian đi học, hầu như năm nào Diệu Linh cũng đứng đầu lớp. Đối với Diệu Linh, việc được xếp thứ ba, thứ tư đã là một kết quả rất kém. Những năm lớp 9, lớp 10 cũng vậy. Các bạn cùng lớp người thì học giỏi môn Toán, kém môn Văn, có những người giỏi Văn thì kém Toán, nhưng Diệu Linh thì học đều các môn. Nhưng nổi trội hơn cả là môn Văn và Lịch sử. Cũng vì giỏi tiếng Pháp, lại luôn là học sinh nổi trội nên từ lớp 10, Diệu Linh đã có một biệt danh là Linh “Jolie”. Trong tiếng Pháp, “jolie” có nghĩa là duyên dáng, xinh đẹp. Bản thân Diệu Linh cũng tự cảm thấy mình xứng đáng với biệt danh đó.

***

Năm học lớp 10, Diệu Linh chuyển sang học ở Trường Tô Vĩnh Diện. Trong những năm học cấp trung học phổ thông, Diệu Linh luôn luôn là niềm tự hào của bố mẹ, cô học giỏi gần như tất cả các môn, biết chơi nhiều loại nhạc cụ, lại giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, Diệu Linh luôn nổi bật là một hoa khôi của trường. Trong các cuộc thi học sinh thanh lịch của trường, của quận, cô luôn là người đạt giải cao nhất. Tuy nhiên, cô luôn phải giấu bố đi thi, bởi lẽ ông Tường không thích con gái tham gia những cuộc thi ấy.

Ngay từ năm học lớp 11, Diệu Linh đã biết trong trường có rất nhiều bạn thầm yêu trộm nhớ nhau. Nam, nữ trong lớp yêu nhau, nữ sinh lớp dưới yêu nam sinh lớp trên, rồi có cả các bạn nữ sinh cặp kè với những người giàu có ngoài xã hội, thậm chí là với cả những người đã có gia đình. Riêng với Diệu Linh, cô rất vô tư chẳng hề nghĩ đến chuyện này, mặc dù tuần nào cô cũng nhận được những bức thư tỏ tình của các nam sinh trong trường Phương Lan hoặc các trường khác.

Trong số các bạn nữ thân với Diệu Linh thì có Phương Lan rất lấy làm lạ về sự vô tư của Linh.

Một lần Lan hỏi:

- Này, tớ thấy cậu có nhiều bạn trai có tình cảm với cậu thế mà sao cậu không để ý đến ai?

Diệu Linh:

- Tớ cũng biết vậy, nhưng chẳng hiểu tại sao tớ chẳng nghĩ đến chuyện yêu đương. Cậu thấy đấy, bạn trai ở lớp thì tớ coi thằng nào cũng như thằng nào.

Phương Lan ngẫm nghĩ một lát, rồi nói:

- Cũng có người hỏi tớ đấy. Họ còn nghi là cậu “tám vía”.

Diệu Linh bật cười:

- Sẽ có lúc tớ yêu, nhưng mà tớ sợ. Tớ mà đã yêu thì chắc là say lắm.

Phương Lan gí tay vào trán Diệu Linh nói:

- Vô duyên. Chưa yêu bao giờ mà đã dám nói rằng yêu là say đắm. Tớ nói thật, tớ đã yêu rồi và cũng đã thất vọng rồi. Đối với tớ bây giờ, tớ chẳng nghĩ gì đến chuyện yêu đương nữa.

Diệu Linh ngạc nhiên nhìn Phương Lan hỏi:

- Cậu đã yêu rồi?

Phương Lan:

- Thật ra là tớ yêu từ năm lớp 10 cơ. Hồi ấy tớ yêu một anh học lớp 12. Nhưng khi anh ấy vào đại học thì anh ấy đi yêu người khác. Anh ấy nói tớ trẻ con quá, chẳng được cái gì mà chỉ mất thì giờ.

Diệu Linh ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao lại nói yêu cậu thì mất thì giờ?

Phương Lan cười buồn nói:

- Đầu tiên thì thân nhau, rồi yêu - một tình yêu học trò. Nhưng anh ấy cứ muốn chiếm đoạt tớ. Tớ chạy trốn. Thế thôi.

***

Vào lớp 12, Diệu Linh vẫn đi học, vẫn sống cuộc sống vô tư. Bạn trai đến nhà Diệu Linh ngồi chơi, nói chuyện hàng giờ rất thoải mái. Ông Tường biết rõ những ai có ý định đến với Diệu Linh, còn Quân thì gần như không rời Diệu Linh trong tất cả các cuộc vui.

Diệu Linh nhớ mãi một lần đi dự sinh nhật một người bạn, Quân đòi đi cùng.

Diệu Linh nói với Quân:

- Ở lớp chị mọi người nói chị có cậu em làm vệ sĩ ghê quá. Bạn trai nào nhìn thấy em cũng thấy sợ.

Quân nói:

- Em cũng không hiểu sao, nhưng em chỉ sợ chị gặp điều gì không hay.

Diệu Linh hỏi Quân:

- Sao em cứ nghĩ như thế? Chị cũng thấy lạ. Em luôn có những suy nghĩ rất già dặn.

***

Đến giữa năm học lớp 12 đã có một chuyện xảy ra.

Vào buổi sinh hoạt ngoại khóa do chi đoàn lớp tổ chức, chi đoàn mời một nhà thơ trẻ đến nói chuyện. Đó là nhà thơ trẻ Lê Hồng Phương

Diệu Linh không thích thơ, nên không quan tâm lắm đến các nhà thơ. Diệu Linh chỉ thuộc nhiều thơ Tố Hữu. Ngoài ra, cô đặc biệt thích tác phẩm “Chinh phụ ngâm khúc” của bà Đoàn Thị Điểm.

Nhà thơ trẻ Lê Hồng Phương đến nói chuyện về tình yêu trong thơ, về những tình cảm trong thơ xưa và thơ hiện đại, rồi đọc thơ ứng khẩu theo yêu cầu của nữ sinh. Diệu Linh ngồi nghe và chỉ nghĩ anh này nói giỏi thật. Anh ta nói trơn tru, không vấp váp và có trí nhớ tuyệt vời. Thỉnh thoảng, Diệu Linh thấy Phương nhìn trộm mình. Buổi gặp gỡ kết thúc, nhưng chẳng để lại ấn tượng gì với cô cả

hong nhan da truan ky 14

Sau buổi nói chuyện, Phương Lan hỏi Diệu Linh:

- Cậu thấy nhà thơ này thế nào?

Diệu Linh trả lời:

- Tớ không thích thơ lắm nên cũng thấy bình thường.

Phương Lan nói:

- Tớ nghe bố tớ nói là trong giới văn học trẻ hiện nay, Lê Hồng Phương đang là một nhà thơ rất được chú ý. Thơ của anh ấy có phong cách rất lạ.

Diệu Linh hỏi:

- Phong cách lạ là thế nào?

Phương Lan nói:

- Tớ cũng không hiểu gì về thơ, chỉ thấy bố tớ nói thế.

***

Hai ngày sau, khi tan học, Diệu Linh ra lấy xe đạp để về nhà thì thấy trên yên xe có đặt một bông hoa hồng. Đoán là có anh chàng nào đó tinh nghịch để hoa lên yên xe của mình, Diệu Linh cầm bông hoa lên ngắm nghía, rồi bỏ vào thùng rác.

Ngày hôm sau, lại có một bông hoa trên yên xe như thế.

Diệu Linh nhìn quanh có anh chàng nào đang quanh quẩn ở bãi gửi xe để xem chủ nhân của bông hoa này là ai và lần này, Diệu Linh không vứt bông hoa đi mà mang về nhà.

Lúc ấy, Diệu Linh không biết rằng có một người đi xe máy lẽo đẽo theo sau cô, đó là Lê Hồng Phương.

Ngày thứ ba, ngày thứ tư, ngày thứ năm vẫn như vậy.

Diệu Linh không nén nổi tò mò, ra hỏi bác bảo vệ:

- Bác ơi, bác có biết ai đặt bông hoa hồng lên xe cháu không?

Bác bảo vệ mỉm cười tinh quái:

- Bác không biết. Chắc là có đứa nào mê cháu nên đặt hoa lên xe cháu thôi.

Diệu Linh nói:

- Lạ thật. Ai vào trường trong giờ học thì bác phải biết chứ?

Bác bảo vệ lắc đầu:

- Có thể có lúc bác sơ suất. Có phải lúc nào bác cũng ngồi đây canh đâu.

Diệu Linh biết là bác bảo vệ nói dối nhưng không muốn vặn hỏi gì thêm.

Sáng thứ hai, Diệu Linh trốn hai tiết học, cô nấp ở trên tầng 3 và nhìn qua lỗ tò vò xem ai là người đã mang hoa đến. Đến cuối tiết thứ 4 thì Diệu Linh thấy có một người đi xe máy đến và bác bảo vệ chạy ra mở cổng. Diệu Linh nhận ngay ra Lê Hồng Phương.

Trên đường đi về, bỗng nhiên cô nhận ra Phương đang đi xe máy đằng sau xe mình, cô dừng xe lại.

Phương không kịp dừng lại nên đi ngang Diệu Linh.

Diệu Linh gọi:

- Anh Phương.

Phương dừng xe lại.

Diệu Linh nói:

- Từ nay đề nghị anh đừng đặt bông hồng lên xe em.

Mặt Phương thuỗn ra. Phương nói ấp úng:

- Anh chỉ đặt bông hoa lên, chứ có làm gì đâu.

Diệu Linh nghiêm mặt nói:

- Em không thích như thế. Anh không biết là bạn bè ở lớp đàm tiếu về chuyện này thế nào đâu.

Phương nói:

- Nếu đúng như thế thì anh xin lỗi em. Từ nay anh sẽ không đặt hoa lên xe em nữa. Anh chỉ muốn được nói chuyện với em.

Diệu Linh cố giữ vẻ lạnh lùng:

- Em đang bận học. Sắp thi tốt nghiệp, rồi lại chuẩn bị thi đại học nữa, nên em càng không có thời gian.

Phương năn nỉ:

- Anh biết em đang bận học, nhưng nếu em cho phép thì thỉnh thoảng anh được đến nhà thăm em.

Diệu Linh lắc đầu:

- Không. Anh đừng đến. Bố em cấm con trai đến nhà. Mấy bạn cùng lớp em đến mà bố em còn khó chịu.

Chợt nhớ đến Quân, Diệu Linh nói:

- Em trai em đã tuyên bố rằng, em chưa vào đại học thì bất kỳ người con trai nào đến nhà là nó đuổi.

Phương bật cười:

- Khiếp. Chưa gì mà em đã dọa anh ghê thế. Anh gửi tặng em cuốn sổ này. Đây là những bài thơ anh làm từ buổi nói chuyện về thơ ở trường và được nhìn thấy em. Em nhận nhé. Nếu em không thích thì em đốt đi cũng được.

Diệu Linh cầm cuốn sổ Phương đưa, bỏ vào cặp, rồi về nhà.

Về đến nhà, cô vào phòng mở cuốn sổ ra đọc và thấy anh ta bộc bạch trong đó rằng cô là nguồn cảm hứng cho anh ta làm thơ, rồi từ hôm gặp cô ở trường, không phút giây nào anh ta không nghĩ đến Diệu Linh. Anh làm những bài thơ về ánh mắt, dáng đi, nụ cười của Diệu Linh. Đọc những bài thơ ấy, Diệu Linh thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc khó tả.

Mấy hôm sau, Phương đến tận cổng trường đón Diệu Linh. Bạn bè Diệu Linh trông thấy thế thì chỉ trỏ nhau và cười.

Diệu Linh tìm cách tránh Phương nhưng không được. Phương nài nỉ Diệu Linh đi uống nước với anh ta.

Phương đưa Diệu Linh đến một quán cà phê nằm trong một phố cổ. Đó là một quán cà phê yên tĩnh, sang trọng và đầy chất văn hóa phương Tây. Khi ngồi uống cà phê, Phương nói rất ít. Thỉnh thoảng Phương đọc một câu thơ hoặc ca ngợi Diệu Linh và giãi bày rằng yêu Diệu Linh ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Sau buổi gặp hôm ấy, Phương nói rằng, chỉ mong Diệu Linh thường xuyên để cho Phương được nói chuyện. Nghĩ đơn giản là nói chuyện thì có gì khó khăn lắm đâu, Diệu Linh đồng ý.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, những lời nói của Phương có làm Diệu Linh siêu lòng. Một ngày nọ, Diệu Linh thấy rằng mình cũng nhớ Phương. Tuy nhiên, có một điều rất lạ là trong lòng cô luôn có nhiều cảm xúc trái ngược về Phương. Cô không hiểu và cũng không thích thơ nên không khâm phục tài làm thơ của Phương. Nhưng tình cảm của Phương khiến cô không thể dửng dưng. Cô thầm nghĩ, được một người tài giỏi và danh tiếng như Phương yêu là ước mơ của mọi cô gái.

Phương Lan biết chuyện thì khuyên:

- Cậu hãy cẩn thận đấy. Sắp thi rồi. Bây giờ mà bập vào yêu thì không khéo trượt đấy.

Bỗng dưng Diệu Linh nhìn Phương Lan với ánh mắt khó chịu và có cảm giác rằng Lan ghen tức vì Diệu Linh đã được Phương để ý.

Diệu Linh nói:

- Nói thật với cậu nhé, việc học lớp 12 với tớ chẳng là gì. Thi tốt nghiệp cũng chẳng là gì. Thi đại học cũng chẳng là gì. Tớ biết có nhiều người con gái đang lăn lóc đến với anh ấy. Tớ thì không cần phải lăn lóc, anh ấy tự đến với tớ.

Nghe giọng Diệu Linh, Phương Lan khẽ thở dài, rồi quay đi.

Chỉ sau vài lần gặp nhau, Hồng Phương đã si mê Diệu Linh thật sự.

Trước tình yêu của Phương, Diệu Linh hoảng sợ và thực sự không muốn đi quá xa trong chuyện này. Bởi lẽ, Diệu Linh còn nghĩ đến chuyện phải học, phải thi tốt nghiệp xong, rồi thi đại học. Đối với Diệu Linh, việc thi tốt nghiệp thì quá đơn giản vì cô gần như giỏi tất cả các môn. Còn thi đại học thì Diệu Linh như đứng trước ngã ba đường. Bố mẹ muốn Diệu Linh thi vào Đại học Bách Khoa, học tin học hay một ngành tự nhiên nào đó; bạn bè thì khuyên Diệu Linh đi học xã hội - mà có một nghề mà Diệu Linh thấy thích thú hơn cả là nghề làm báo. Ước mơ được trở thành phóng viên đến với Diệu Linh từ lâu, từ năm lớp 9 Diệu Linh đã tập tọe viết. Tất nhiên, đó chẳng thể gọi là những bài báo, mà chỉ là những bài văn ngắn ghi lại cảm xúc của mình vào ngày lễ, tết, vào lúc đông về, xuân đến, về tình cảm đối với gia đình. Chính vì lo học như vậy nên Diệu Linh luôn giữ khoảng cách với Phương và chưa bao giờ nhận lời yêu Phương, dù Phương yêu Diệu Linh với một tình yêu mãnh liệt.

Phương có thể ngồi hàng giờ dưới trời mưa để chờ Diệu Linh học xong bài, dù lúc đó là mười một, mười hai giờ đêm lúc đó Diệu Linh mở cửa ra, Phương được nhìn thấy Diệu Linh, cầm bàn tay Diệu Linh rồi về luôn. Ngày nào không được nói chuyện với Diệu Linh thì Phương không thể làm việc gì. Có lần, Phương đưa Diệu Linh ra bãi cỏ ven bờ sông Hồng và đứng đọc thơ cho Diệu Linh nghe cả tiếng đồng hồ.

Trước sự si mê của Phương, Diệu Linh đã phải giao hẹn một ngày chỉ được nhắn cùng lắm hai tin, để Diệu Linh còn học hành.

Phương nài nỉ:

- Em cho anh nhắn bốn tin đi. Sáng, trưa, chiều, rồi tối trước khi đi ngủ.

Diệu Linh cũng đồng ý và thế là đều tăm tắp, Diệu Linh cứ ngồi vào chỗ trong lớp, chuẩn bị ăn cơm trưa, buổi chiều và trước khi Diệu Linh đi ngủ là có tin nhắn của Phương. Đáp lại tin nhắn của Phương, Diệu Linh trả lời bằng những tin nhắn ngắn gọn và cố gắng tỏ ra cho anh ta thấy rằng tình cảm của cô đối với Phương vẫn chỉ ở mức quý trọng.

Diệu Linh biết, Phương có nhiều cô gái vây quanh và đã yêu không phải ít. Có những lúc, trong lòng Diệu Linh còn có cả sự hiếu thắng, muốn lôi Phương về phía mình, để cho những cô gái đang si mê Phương phải chưng hửng...

Tuy nhiên, còn có một điều khiến Diệu Linh không gần gũi được hơn với Phương, đó là trong những lời Phương ca ngợi vẻ đẹp, ca ngợi tâm hồn của Diệu Linh, rồi trong những bài thơ Phương làm tặng, cô cảm thấy có điều gì đó không bình thường, không thật lòng.

Một lần, Diệu Linh nói với Phương Lan:

- Lan này, cậu có biết anh Phương có nhiều người yêu không?

Phương Lan nhún vai:

- Tớ không biết hết, nhưng ông anh họ tớ là phóng viên Báo Văn nghệ nói rằng, đàn ông như anh Phương thì gạt con gái đi không hết. Nhất là đám học sinh Trường viết văn Nguyễn Du, mà bây giờ người ta cứ gọi là trường “Nguyễn Văn Du” ấy.

Diệu Linh ngạc nhiên hỏi:

- Sao tớ nghe nói trường ấy giải thể rồi mà?

Lan nói:

- Ừ, trường ấy bỏ rồi. Nhưng khoa viết văn chuyển sang Trường đại học Văn hóa.

Diệu Linh bật cười:

- Hay nhỉ? Viết văn là thứ tự nhiên mà bây giờ lại có trường dạy.

Diệu Linh hỏi Lan:

- Anh ấy cứ suốt ngày quấn lấy tớ. Nói thật là tớ sợ lắm.

Phương Lan nói:

- Ừ, muốn yêu đương tử tế thì đừng yêu nhà thơ. Không an toàn đâu. Thôi, yêu thì cứ yêu để trải nghiệm. Yêu những anh chàng văn nghệ sĩ này cũng được bay bổng hơn là yêu những anh làm thợ.

Diệu Linh đấm vào vai Phương Lan:

- Biết thế nào được. Nhưng mà thôi, dẹp chuyện ấy đi. Cứ thi đại học xong đã.

Phương Lan hỏi:

- À, nghe nói cậu định đi học báo chí à?

Diệu Linh nói:

- Ừ. Tớ quyết định thi vào báo chí, đi làm nhà báo.

Phương Lan hỏi:

- Cậu thích thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền hay khoa Báo chí của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

- Tớ chưa biết. Nhưng hôm nọ tớ nói chuyện với một chú tổng biên tập, chú ấy bảo nếu muốn viết báo hay thì nên học ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhưng nếu muốn viết báo đúng, trở thành một nhà báo nghiêm ngắn, chững chạc thì phải vào Học viện Báo chí, mà tớ chẳng hiểu thế nào cả. Hai trường cùng là dạy làm báo cả tại sao lại dạy khác nhau? Tớ nghĩ, dù văn hay báo thì cái gì cũng phải hay chứ. Văn không hay thì ai đọc? Báo không hay thì ai xem? Bản nhạc không hay thì ai nghe? Đúng không nào?

Phương Lan nói với vẻ hiểu biết:

- Nghề báo khác đấy. Cậu đọc một số báo rồi xem trong đó có bao nhiêu bài báo hay, bao nhiêu bài báo cậu nhớ được? Người ta làm báo, theo tớ biết, là phải đúng, trung thực. Yếu tố hay đứng sau. Tất nhiên là không hay thì chẳng ai đọc. Nếu chỉ trung thực, chỉ đúng thì khô như ngói.

Cuối cùng, Diệu Linh tặc lưỡi:

- Thôi, tớ thi vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Phương Lan khuyên:

- Theo tớ, cậu nên thi hai trường. Cứ thi thêm Trường Tổng hợp Văn nữa. Nếu học Tổng hợp Văn, biết đâu sau này cậu lại trở thành một nhà văn, nhà thơ và có khi lại thành một nhà văn viết báo thì còn hay hơn. Tớ thấy ở Việt Nam, những người viết báo hay hầu hết là những nhà văn.

Nghe lời Phương Lan, Diệu Linh đăng ký thi vào khoa Báo chí của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới