Hồng nhan đa truân (Kỳ 12)

Ông Cường đã phải nhờ một công ty truyền thông ở phía nam giới thiệu các gương mặt diễn viên miền Nam, trong đó có cả những diễn viên đã thành danh và những người chưa bao giờ đóng phim. Sau khi xem những đoạn video và ảnh được gửi ra, ông Cường vẫn chưa hài lòng người nào.

hong nhan da truan ky 12

Hồng nhan đa truân (Kỳ 10)

Tối hôm đó, ông Cường vừa ăn cơm xong thì có tiếng chuông cửa. Một cô gái cao ráo, có nét mặt khả ái, ăn ...

hong nhan da truan ky 12

Hồng nhan đa truân (Kỳ 9)

Chiều hôm đó, Trương cùng hai cán bộ nữa mang hợp đồng đến tận nhà ông Cường. Việc ký hợp đồng được diễn ra nghiêm ...

Chỉ trong một thời gian ngắn, ông Cường và phó đạo diễn Hữu Tùng đã chọn được tương đối đủ các vai diễn trong phim. Thậm chí, có những vị trí đã có đến hai, ba người có thể đảm nhiệm được. Nhưng riêng vai chính là hoa hậu Diệu Linh thì ông Cường, ông Tùng và cả Diệu Linh vẫn chưa tìm được ai vừa ý.

Một hôm, ông Cường phàn nàn với Phó đạo diễn Hữu Tùng:

- Mình làm phim bao nhiêu năm mà chưa thấy vai nào khó như thế này.

Hữu Tùng nói:

- Thôi anh ạ, cứ tương đối thôi. Cầu toàn quá thì biết đến bao giờ mới có được như mong muốn.

Ông Cường nói như nói với chính mình:

- Không được. Cả bộ phim nói về cuộc đời của một con người mà nhân vật chính lại không đạt được như trong kịch bản thì làm để làm gì.

Ông Cường đã phải nhờ một công ty truyền thông ở phía nam giới thiệu các gương mặt diễn viên miền Nam, trong đó có cả những diễn viên đã thành danh và những người chưa bao giờ đóng phim. Sau khi xem những đoạn video và ảnh được gửi ra, ông Cường vẫn chưa hài lòng người nào.

***

Một hôm, Trường Lá Xanh tuyển thêm học sinh.

Mới 7 giờ sáng mà đã có 30 cháu được đưa đến trường để đăng ký. Mặc dù học phí ở Trường Lá Xanh không hề rẻ, nhưng do trường khá nổi tiếng nên số lượng các cháu đến đăng ký rất đông.

Nghe anh bảo vệ gọi điện báo là mọi người đến đông quá, Diệu Linh hoảng.

Cô vội vàng nói với anh bảo vệ:

- Anh mở ngay cổng trường, mời tất cả phụ huynh vào trong hội trường. Nếu thiếu ghế thì anh mời phụ huynh ngồi tạm ghế của các cháu.

Sau đó, cô hớt hải phóng xe đến.

Thực ra việc nhận học sinh không có gì phức tạp, nhưng do đông quá, số chỗ ở trường chỉ có hạn nên Diệu Linh phải đặt ra những mức ưu tiên. Diệu Linh không có quan niệm mở trường để thu tiền của những người giàu có, mặc dù trong trường có không ít cháu là con những đại gia danh tiếng. Chính vì vậy Diệu Linh phải đọc hồ sơ của từng cháu.

Khi Diệu Linh tới, cô vội vàng nói với mọi người:

- Xin lỗi các bác, các anh chị, trong giấy hẹn là 8 giờ nhưng không ngờ các bác, các anh chị đến sớm quá. Anh em bảo vệ không kịp mở cửa. Xin mọi người thông cảm.

Một bà đứng tuổi, dắt theo đứa cháu khoảng 5 tuổi nói:

- Không sao, cô giáo ạ. Cô cứ nhận được cho chúng tôi là vui rồi.

Những người đến đã được sắp xếp hồ sơ theo thứ tự từ hôm trước nên Diệu Linh cùng Nhân gọi từng người đến để đọc hồ sơ.

Trong số những người đang ngồi đợi trong hội trường, đột nhiên Diệu Linh bắt gặp một ánh mắt vừa là lạ, lại vừa quen quen.

Diệu Linh liếc nhìn, thấy đó là một cô gái còn rất trẻ, bế một đứa trẻ khoảng gần hai tuổi. Trong lúc quay đi và gọi người tiếp theo, không hiểu sao Diệu Linh thấy bâng khuâng, rất khó tả. Trong lúc đợi người tiếp theo cầm hồ sơ lên, Diệu Linh quay lại nhìn cô gái một lần nữa và giật mình nhận ra cô gái có nét rất giống mình, đặc biệt là ánh mắt. Đó là một cô gái người mảnh khảnh, cao khoảng một mét bảy mươi, gương mặt thanh tú và ánh mắt vừa nghiêm, vừa phảng phất nét buồn. Điều đặc biệt là trên gương mặt đó không hề có chút son phấn nào.

Sau mấy người nữa thì cũng đến lượt cô gái.

Thấy cô gái dắt cháu bé, Diệu Linh hỏi:

- Đây là con em à?

Cô gái lắc đầu và cười:

- Đây là cháu em. Bố mẹ cháu đi học nước ngoài, để cháu lại cho ông bà nuôi. Em xin chị giúp em cho cháu được vào học ở đây.

Diệu Linh đọc lướt qua tờ đơn, cô ký vào và nói:

- Chị đồng ý.

Cô gái mừng quá:

- Em cảm ơn chị. Sáng nay không biết lúc đi ra cửa em bước chân phải hay chân trái mà gặp may thế.

Diệu Linh bật cười:

- Tin làm gì những điều đó em. Nếu em không vội về thì ở lại đợi chị một lát, chị muốn hỏi chuyện em thêm.

Cô gái khẽ “vâng” rồi dắt cháu ra vườn cây chơi.

Việc tuyển sinh đã xong.

Có một số cháu không được nhận nên phụ huynh vẫn nán lại nài nỉ.

Diệu Linh nói với mọi người:

- Em rất hiểu hoàn cảnh các bác. Nhưng các bác phải thông cảm cho em. Trường em chật chội quá. Nếu thêm 5-7 cháu nữa thì em vẫn có thể sắp xếp được. Nhưng nếu nơi ăn, chỗ nghỉ của các cháu, việc chăm sóc các cháu không đến nơi đến chốn thì lại là có lỗi với các bác. Thế nên xin các bác, các anh chị thông cảm cho em. Em hứa là các hồ sơ này em sẽ vẫn giữ ở đây, nếu có thể thu xếp được thì em sẽ gọi.

hong nhan da truan ky 12

Mọi người ra về, Diệu Linh ra ngoài vẫy cô gái trẻ và đứa bé vào.

Diệu Linh rót nước cho cô gái và nói:

- Cháu bé xinh quá. Chắc mẹ cháu đẹp lắm.

Cô gái cười:

- Chị dâu em cũng bình thường, nhưng anh em thì rất đẹp trai.

Diệu Linh hỏi cô gái:

- Xin lỗi em, xem hồ sơ thì chị chỉ biết tên bố mẹ cháu thôi. Thế em tên là gì?

Cô gái nói:

- Dạ, thưa chị. Em là Phương Minh ạ.

Diệu Linh hỏi tiếp:

- Em đang học gì?

Phương Minh trả lời:

- Em đang học Học viện Báo chí và Tuyên truyền ạ.

Diệu Linh cười:

- Chị là Diệu Linh, em là Phương Minh. Ồ, cùng phần “inh” cả. Hay thật đấy. Chị ngày trước cũng học báo chí, em cũng học báo chí. Không biết chị em mình có mối liên hệ gì không?

Phương Minh thốt lên:

- Biết đâu kiếp trước em với chị lại là chị em một nhà.

Nghe cô gái nói thế, Diệu Linh giật mình:

- Sao em còn ít tuổi thế này mà đã nói đến chuyện kiếp trước?

Phương Minh cúi đầu khẽ cười:

- Có lần em nghe bác ruột em là Hòa thượng nói kiếp trước em có một người chị rất đẹp.

Diệu Linh nói:

- Kiếp trước không biết là bao nhiêu năm rồi. Đời người có tiểu kiếp, trung kiếp và đại kiếp. Một kiếp là tám mươi mấy ngàn năm. Ôi… Em đang học đại học năm thứ mấy?

Phương Minh trả lời:

- Dạ, thưa chị. Em học năm thứ hai.

Diệu Linh hỏi:

- Em đã bao giờ tham gia biểu diễn, như thời trang, đóng phim hay biểu diễn văn nghệ chưa?

Phương Minh lúng túng:

- Em chưa đi đóng phim, mặc dù cũng có những người mời em. Em cũng chưa bao giờ đi biểu diễn thời trang cả. Cũng có người nói em làm người mẫu sẽ rất hợp. Nhưng nói thật là em không thích làm nghề ấy. Em chỉ thích làm nhà báo thôi.

Diệu Linh nói:

- Ừ. Nhà báo đang là nghề thời thượng mà.

Diệu Linh hỏi tiếp:

- Em có biết chơi nhạc cụ gì không?

Trong đầu Diệu Linh lúc ấy đã thoáng có suy nghĩ hình như ông trời cho mình cô gái này để đóng vai chính trong bộ phim “Hồng nhan đa truân”. Chính vì thế cô mới hỏi chuyện Phương Minh kỹ như vậy.

Phương Minh nói:

- Dạ, thưa chị, em có biết chút chút.

Diệu Linh hỏi:

- Em biết chơi nhạc cụ gì?

- Em biết đánh đàn bầu, đàn nguyệt ạ.

Nghe đến thế, Diệu Linh thở hắt ra như trút được một gánh nặng:

- Em đánh đàn nguyệt? Em học bao nhiêu năm rồi?

Phương Minh nói:

- Em học từ bé. Sau này em cũng thích nên thỉnh thoảng em lại đi đánh đàn nguyệt cho người ta hát chầu văn để lên đồng.

Diệu Linh nói:

- Đã đạt đến trình độ đánh đàn nguyệt để người ta hát chầu văn lên đồng thì giỏi rồi. Thế còn đàn bầu?

Phương Minh cười ý nhị:

- Năm lớp 10 em cũng đã một lần được giải biểu diễn nhạc cụ dân tộc của quận.

Diệu Linh hỏi:

- Trước khi đến đây em có biết gì về chị không?

Phương Minh nói:

- Dạ, em có biết ạ.

Diệu Linh hỏi tiếp:

- Em biết về chị như thế nào?

Phương Minh lúng túng một lát:

- Em biết là cuộc đời chị khổ lắm. Chị phải chịu nhiều tủi nhục. Những điều em biết chỉ là qua những bài báo viết về chị. Nhưng cũng có một người đã nói với em về chị rất tốt.

Diệu Linh hỏi:

- Ai nói về chị cho em biết?

Phương Minh trả lời:

- Người này chắc là chị biết. Đó là á hậu cùng thời với chị - chị Mộc Miên ạ.

Diệu Linh nói:

- À, chị Mộc Miên. Một người chị lớn của chị. Cuộc thi ấy chị là hoa hậu, chị Mộc Miên là á hậu 2. Chị Mộc Miên rất thương chị và giúp chị rất nhiều.

Phương Minh nói:

- Vâng ạ. Chị Mộc Miên rất biết về chị.

Diệu Linh mỉm cười:

- Thực ra chị và Mộc Miên mới xa nhau hơn năm nay. Trước đây chị Mộc Miên giúp chị nhiều lắm. Giá như chị biết nghe lời chị Mộc Miên thì cuộc đời chị không đến nỗi như thế này. Nhưng thôi, đó là chuyện khác. Chị Mộc Miên bây giờ đang ở Sài Gòn à?

Phương Minh nói:

- Dạ, vâng ạ. Chị ấy ở Sài Gòn, lấy chồng là sĩ quan công an. Gia đình hạnh phúc lắm.

Diệu Linh nói với Phương Minh:

- Em có biết đạo diễn Huy Cường không?

Phương Minh nói:

- Em không biết bác Huy Cường. Em mới chỉ nghe danh và xem phim của bác ấy thôi.

Diệu Linh khẽ gật đầu:

- Bác Cường đang chọn diễn viên chính trong một bộ phim dựa theo cuốn tự truyện của chị. Đã tuyển rất nhiều người rồi nhưng chưa chọn được ai. Bác ấy có nhờ chị tìm người giúp cho bác ấy. Hôm nay, gặp em ở đây, chị có linh cảm rằng em sẽ là diễn viên đóng được vai đó.

Phương Minh giật mình:

- Không chị ơi, em làm sao đóng phim được. Người ta bảo lên sân khấu là mặt em cứ đần ra. Em chưa bao giờ đi biểu diễn văn nghệ mà được khen cả.

Diệu Linh nói:

- Việc ấy thì chị không nói trước được. Tất nhiên là còn tùy thuộc vào bác Cường. Nhưng chị sẽ giới thiệu em với bác ấy. Em cho chị số điện thoại. Chị sẽ liên hệ với em.

Phương Minh vẫn băn khoăn:

- Chị ơi, khó lắm. Chưa chắc em đã làm được đâu.

Diệu Linh bật cười:

- Tại sao chưa vào vai mà đã nghĩ rằng mình không làm được nhỉ? Em cứ nghe lời chị đi. Hôm nào bác Cường gọi thì em đến nhé. Bây giờ em cầm cuốn sách của chị về đọc. Em sẽ hình dung ra vai chính trong phim như thế nào.

Diệu Linh định đứng dậy mở tủ lấy cuốn sách ra cho Phương Minh thì Phương Minh đã nói:

- Thôi, chị ạ. Em đọc cuốn của chị rồi.

Diệu Linh ngạc nhiên:

- Sao? em đã đóng cuốn sách này? Em mua, hay ai cho em?

Phương Minh nói:

- Em ra hiệu sách, thấy có sách của chị nên mua về đọc.

Diệu Linh dịu dàng hỏi Phương Minh:

- Em thấy thế nào?

Phương Minh ngần ngừ một lát, rồi nói:

- Khó tả lắm. Nhưng em rất thương chị.

***

Ba ngày sau, Phương Minh được Diệu Linh gọi đến. Lần này có cả ông Cường, phó đạo diễn Hữu Tùng, bà Thanh và quay phim Hoàng Minh Đức.

Ông Cường nhìn Phương Minh, rồi rỉ tai nói với Diệu Linh:

- Con bé này lạ quá. Chú có linh cảm là nó hợp với vai hoa hậu.

Ông Cường nói với Phương Minh:

- Cháu có thể diễn một tiểu phẩm được không? Tiểu phẩm nào mà cháu thích.

Phương Minh lúng túng:

- Dạ, thưa bác, cháu không biết ạ.

Diệu Minh nói dịu dàng:

- Em đọc cuốn tự truyện rồi đúng không?

Phương Minh nói:

- Dạ, vâng ạ. Em đọc rồi.

- Em hãy nghĩ rằng em đang là nhân vật chính đi. Em thử diễn một đoạn ngắn thôi.

Phương Minh im lặng một lát, rồi gật đầu.

Cô ngồi xuống giữa nhà và khoanh chân theo thế bán kiết già, mắt nhắm lại, một tay đặt lên ngực, một tay cầm chiếc bút bi gõ xuống nền nhà như thể đang gõ mõ, miệng lẩm nhẩm.

Từ lúc Phương Minh ngồi, ông Cường bắt đầu liếc nhìn đồng hồ.

Ba phút, rồi năm phút trôi qua.

Rồi mười phút.

Cô ngồi như bất động bằng một vẻ nghiêm trang đến kỳ lạ.

Có cảm giác như nếu cứ để thế này thì cô có thể ngồi mãi được.

Ông Cường vỗ tay:

- Cảm ơn cháu. Cháu đã diễn xuất rất tuyệt vời.

Lúc này, Phương Minh như bừng tỉnh.

Cô đứng lên, lúng túng một lát rồi nói:

- Cháu có diễn gì đâu mà bác bảo cháu diễn giỏi?

Ông Cường nói:

- Riêng việc cháu ngồi được từng ấy phút thì đã là một diễn viên giỏi rồi. Bác đồng ý.

Ông quay sang hỏi Tùng:

- Phó đạo diễn có ý kiến gì khác không?

Hữu Tùng:

- Không biết sau này thế nào, nhưng em thấy đây là người thích hợp nhất cho vai diễn.

Phương Minh khép nép cảm ơn mọi người.

Ông Cường nói tiếp:

- Bây giờ bác đưa cho cháu cuốn kịch bản này. Cháu về nhà và đọc kỹ đi. Bác muốn từ nay cháu thường xuyên trao đổi với chị Diệu Linh để chị giúp đỡ cháu thêm.

***

Ông Cường rất ưng ý khi chọn được Phương Minh vào vai chính trong phim.

Ông gọi Phương Minh đến nhà để nói về kịch bản và cuốn tự truyện, ông nói với cô nhiều điều về kỳ vọng của ông đối với nhân vật chính trong bộ phim.

Phương Minh ngồi nghe ông nói với vẻ chăm chú.

Ông Cường:

- Thật ra, chú rất muốn bộ phim này sẽ là một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các cô gái có nhan sắc. Nhan sắc là thứ báu vật trời cho. Nhưng tất cả những điều đó chẳng là gì. Nhan sắc đó sẽ là tai họa nếu người con gái không có trí tuệ, không có ý chí và không biết làm chủ bản thân mình.

Phương Minh lắng nghe những lời của ông, rồi nói với vẻ băn khoăn:

- Chú ạ, cháu sợ cháu không hoàn thành được vai diễn này theo đúng ý chú.

Ông xua tay:

- Chú tin là cháu đóng được. Nhưng mà này, cháu đã nói chuyện đóng phim với bố cháu chưa?

Phương Minh lúng túng một lát, rồi nói:

- Dạ, cháu nói rồi.

- Thế ông bảo sao?

- Dạ, bố cháu không đồng ý. Bố cháu không muốn cho cháu đi vào con đường phim ảnh, nghệ thuật.

Ông Cường ngạc nhiên hỏi:

- Thế tại sao lại cho cháu học nhạc, học đàn từ bé?

- Cháu được đi học nhạc từ nhỏ là do ông nội cháu. Bố cháu rất sợ ông cháu nên ông cháu bảo gì bố cháu cũng phải nghe. Khi cháu lên 5 tuổi là đã được đi học nhạc rồi. Sau này cháu mới biết là bố cháu và ông rất mâu thuẫn về việc cháu đi học nhạc. Nhưng vì sợ ông nên bố cháu không dám ngăn cản. Hồi bé, cháu sống với ông bà nhiều hơn với bố mẹ.

Ông Cường ngạc nhiên:

- Thế à?

Phương Minh:

- Vâng. Hầu hết thời gian là bố mẹ cháu sống ở nước ngoài. Bây giờ thì bố mẹ cháu ở trong nước chỉ thi thoảng mới đi thôi, chứ ngày xưa thì đi suốt. Có khi 2 năm mới về một lần. Bố mẹ cháu làm trong ngành ngoại giao mà.

Ông Cường:

- Chú hiểu rồi. Thế ông nội cháu còn không?

Phương Minh:

- Dạ, ông cháu mất rồi. Chính vì thế nên bây giờ bố mẹ cháu không muốn cho cháu làm gì dính dáng đến nghệ thuật. Bố cháu bảo học xong đại học thì sẽ xin cho cháu vào làm ở một sứ quán. Bố cháu muốn cháu làm ở sứ quán nước ngoài, vì người nước ngoài làm ăn nghiêm túc, đứng đắn, lương bổng cao, chế độ bảo đảm, chứ làm ở các cơ quan trong nước thì chẳng ra gì cả.

Ông Cường bật cười:

- Ai lại nghĩ thế. Nhưng mà thôi, nếu bố cháu không cho đóng phim thì để chú đến nói với bố cháu cho.

Phương Minh nói:

- Trong con mắt của bố cháu hầu hết những người làm văn học nghệ thuật đều là những người hư hỏng. Thế nên tốt nhất là chú đừng nói gì cả. Khi biết cháu đi đóng phim, bố cháu chỉ lo cháu có được một chút danh, được xuất hiện trên màn ảnh rồi lại hư đốn thôi.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới