Sau khi chọn được diễn viên chính, việc chọn những diễn viên phụ có vẻ đơn giản hơn. Chỉ trong khoảng 10 ngày, ông Cường và đoàn làm phim đã dựng xong được bộ máy và đi chọn bối cảnh. Ông cùng quay phim và diễn viên chính Phương Minh, đôi khi có cả Diệu Linh đi tìm bối cảnh quay.
Ông Cường đã phải nhờ một công ty truyền thông ở phía nam giới thiệu các gương mặt diễn viên miền Nam, trong đó có ... |
Diệu Linh quay lại thì thấy một người đàn ông tầm tuổi khoảng 50, dắt theo một cô gái khá xinh đẹp. Diệu Linh nhìn ... |
Ông Cường lắc đầu:
- Tại sao lại có người nghĩ như vậy nhỉ? Hư đốn đâu phải do làm văn hóa nghệ thuật. Tất nhiên là những người làm văn hóa, nghệ thuật đa phần đều rất lãng mạn, thích đổi mới, ưa sự sáng tạo và có cá tính mạnh mẽ. Có thế thì mới làm được nghệ thuật. Nếu theo nghệ thuật mà không có cá tính, không có bản lĩnh, không có đam mê, không biết hy sinh thì không làm được. Mà đã như vậy thì cuộc sống riêng tư dễ bị trắc trở vì họ thường đề cao cái tôi của mình, ít để ý đến người khác. Khi anh coi cái tôi của anh lớn hơn thiên hạ thì sinh chuyện thôi. Đó là điều dễ hiểu.
Ông Cường ngừng một lát rồi nói tiếp:
- Có điều này chú phải nói trước với cháu.
Phương Minh nói:
- Dạ, chú cứ nói.
- Chú là người rất nghiêm khắc trong nghề nghiệp. Vì thế, khi đóng phim chú rất mong cháu phải thể hiện tính chuyên nghiệp. Đoàn làm phim có đông người và có những diễn viên đã thành danh, cũng có những diễn viên mới vào nghề như cháu. Mỗi người một cá tính, mỗi người một cách nghĩ, cách làm nên không tránh khỏi những sự động chạm, nhất là khi cháu là diễn viên chính. Cho nên, cháu phải luôn bình tĩnh. Từ giờ phút này, cháu hãy nghĩ cháu là cô hoa hậu đấy, còn mọi chuyện khác thì cháu hãy quên đi. Nếu như có bất kỳ điều gì không hay, có những lời đàm tiếu, thị phi đến với cháu thì hãy nói cho chú biết. Hoặc nếu không thì cháu có thể nói với chị Diệu Linh. Chị ấy là người tinh tế, sâu sắc, từng trải và đã chịu quá nhiều đau khổ nên chị ấy sẽ giúp được cháu.
***
Sau khi chọn được diễn viên chính, việc chọn những diễn viên phụ có vẻ đơn giản hơn. Chỉ trong khoảng 10 ngày, ông Cường và đoàn làm phim đã dựng xong được bộ máy và đi chọn bối cảnh. Ông cùng quay phim và diễn viên chính Phương Minh, đôi khi có cả Diệu Linh đi tìm bối cảnh quay.
Vào một ngày đầu tháng, đoàn làm phim bắt đầu bước vào giai đoạn tổ chức sản xuất. Tại một nhà hàng giản dị, nhưng cũng sang trọng, đoàn làm phim gồm khoảng 50 người trong đó có cá diễn viên chính.
Ông Cường đứng lên, trịnh trọng nói:
- Thưa tất cả các bạn, hôm nay chúng ta bắt đầu làm lễ bấm máy bộ phim “Hồng nhan đa truân”. Đây là bộ phim tôi trực tiếp viết kịch bản và làm đạo diễn. Tôi đã giao kịch bản và bản phân cảnh cho mọi người rồi. Ai chưa nhận được kịch bản thì cho tôi biết.
Tất cả mọi người lặng im.
Ông Cường lướt nhìn một lượt diễn viên với ánh mắt đe nẹt, chứ không phải là ánh mắt vui vẻ, động viên.
Ông hỏi:
- Tôi xin hỏi trong các diễn viên ở đây, những ai đã đọc kịch bản phim này?
Ngập ngừng một lát, có Phương Minh, Diễm My và ba người nữa giơ tay. Còn những diễn viên khác, mà chủ yếu là diễn viên nữ thì ngồi im.
Ông Cường thở dài, nói:
- Các bạn thấy không? Cứ bảo tại sao phim ảnh Việt Nam càng ngày càng thiếu chiều sâu. Đó một phần là do diễn viên diễn xuất rất vô cảm. Tâm hồn, suy nghĩ, tư tưởng, tình cảm không để trong con tim, khối óc, mà để ở đầu lưỡi. Đây là bộ phim tâm lý xã hội, không phải là một bộ phim thị trường, tức là không phải phim làm theo thị hiếu của những người có chữ nhưng không có văn hóa. Tôi đã gửi kịch bản đến tay từng người, vậy mà các anh chị không đọc. Ngày mai, ngày kia khi quay, các anh chị lại quen như những bộ phim khác: một người nói, một người đứng đằng sau nhắc. Các anh chị chỉ đọc kịch bản trước khi vào diễn 15-20 phút, đúng không nào?
Tất cả mọi người im lặng.
Thấy căng thẳng, bà Thanh vội vàng đứng lên nói:
- Thôi, anh Cường. Các em, các cháu rất mong được đóng phim này. Nhưng đọc kịch bản như anh yêu cầu thì chắc là các cháu chưa chú tâm lắm. Anh để cho các cháu vài hôm, khi nào vào vai nào thì sẽ kiểm tra sau.
Ông Cường thở dài, rồi nói một cách dứt khoát:
- Điều này tôi đã nói với các bạn ngay khi đặt bút ký hợp đồng, nhưng hóa ra các bạn không coi tôi ra gì, không coi trọng nhiệm vụ của người diễn viên. Thế nên dừng bấm máy vào ngày mai. Tôi sẽ hủy hợp đồng của tất cả những người chưa đọc kịch bản.
Nói xong, ông Cường bỏ ra ngoài.
Mọi người chưng hửng nhìn nhau.
Ông Cường đi ra ngoài cửa, rồi quay phắt lại:
- Chị Thanh làm danh sách tất cả những người chưa đọc kịch bản cho tôi và cắt hợp đồng. Ngày mai chúng ta tuyển lại diễn viên mới.
Phương Minh chạy ra nói:
- Chú ạ, cháu xin chú bớt giận. Có lẽ các anh chị ấy chưa quen với cách làm của chú. Chú cho các anh chị ấy vài ba ngày để đọc kỹ kịch bản.
Cách nói nhẹ nhàng của Phương Minh như gáo nước dội vào đống lửa đang cháy trong con người ông.
Ông quay vào, ngồi thừ ra một lúc, rồi nói:
- Nếu những ai thấy rằng làm bộ phim này như các bộ phim trước mà các anh chị đã đóng, vừa diễn xuất vừa có người nhắc thì tốt nhất là nên thôi ngay từ bây giờ. Trước khi quay, tôi sẽ cho thư ký trường quay đến kiểm tra từng người xem đã thuộc lời chưa. Chỉ hai lần là tôi sẽ cho thôi, không làm nữa.
Các diễn viên nhìn nhau, không biết nói gì.
Nói xong, ông Cường bỏ về luôn.
Một diễn viên nói:
- Sao lần này bác ấy căng thẳng thế nhỉ?
Bà Thanh nói:
- Các anh chị lâu nay chỉ xem phim của ông Cường chứ chưa biết ông ấy làm phim như thế nào. Nếu các anh chị muốn học nghề nghiệp cho nghiêm túc thì tốt nhất là nên đọc kỹ lại kịch bản. Đừng để đến lúc ra hiện trường đóng phim bị ông ấy đuổi về thì không ra gì đâu.
Một nữ diễn viên đứng phắt dậy và nói:
- Làm gì mà ông ấy khiếp thế. Cứ làm như làm phim đi dự Oscar không bằng ấy. Phim này chẳng qua cũng chỉ là phim thị trường cao cấp. Ông ấy làm đạo diễn mà cứ như cha, như mẹ người ta ấy. Thôi, tôi không đóng nữa đâu.
Bà Thanh nói bình thản:
- Rất cảm ơn chị đã có những lời thẳng thắn. Đề nghị phó chủ nhiệm làm thanh lý hợp đồng ngay cho tôi. Còn ai thấy khó khăn quá thì nói luôn.
Lại một diễn viên nam đứng lên nói:
- Tôi cũng thôi. Không đóng nữa. Gớm, tiền cát-xê có hơn chục triệu mà chưa gì đã bắt nẹt thế này, thế khác. Bà làm ơn nói với ông Cường là cái thời đại của các ông ấy xưa lắm rồi, không ai làm phim như thế.
Anh phó đạo diễn Hữu Tùng quắc mắt nhìn cậu diễn viên:
- Này anh kia, với cách ăn nói của anh thì tốt nhất là nên bước ra khỏi đây. Các anh phải biết rằng khi đã vào đóng phim thì yêu cầu của đạo diễn là tối thượng, còn ai không chấp nhận, không có ý thức tuân lệnh thì đừng có bén mảng vào trường quay nữa.
***
Sau lần ấy, buổi quay phim đã dự định phải hoãn lại một tuần để ông Cường bổ sung thêm một số diễn viên. Tuy nhiên, lần này các diễn viên đã biết sợ và đã đọc kịch bản rất kỹ lưỡng.
***
Phương Minh đọc kịch bản và bản phân cảnh xong thì bỗng thấy có một cảm giác rất kỳ lạ. Hình như giữa cô và nhân vật này có một sợi dây liên hệ nào đó.
***
Cảnh đầu tiên được khởi quay là tại nhà ông Vũ Mạnh Tường - bố của Diệu Linh.
Diệu Linh tập đánh đàn bầu.
Ông Vũ Mạnh Tường, bố của Diệu Linh thì ngồi đọc sách.
Bà Hường, mẹ của Diệu Linh đang gọt khoai tây.
Cả kíp làm phim chuẩn bị khẩn trương.
Nhân viên đạo cụ đi kiểm tra bối cảnh trong nhà.
Quay phim Minh Đức kiểm tra ánh sáng.
Phương Minh thử lại dây đàn bầu trong khi nhân viên hóa trang đang trang điểm lại cho cô. Phương Minh tỏ ra rất thoải mái, tự tin.
Diễn viên đóng vai Vũ Mạnh Quân đang ngồi kiểm tra cây côn nhị khúc.
Ông Cường ngồi một góc, tay cầm kịch bản.
Diệu Linh ngồi cạnh ông, hồi hộp ra mặt.
Phó đạo diễn Hữu Tùng đang trao đổi với diễn viên đóng vai ông Tường.
Nhìn đồng hồ thấy đã 9 giờ, ông Cường vẫy anh thư ký trường quay lại:
- Kiểm tra lần cuối đi.
- Vâng ạ.
Rồi anh thư ký trường quay nói như gào:
- Đạo cụ, bối cảnh xong chưa?
Anh nhân viên đạo cụ đang sờ cây đàn treo trên tường vội hét:
- Xong!
Thư ký trường quay:
- Quay phim?
- Xong - Minh Đức hét.
- Nào… chuẩn bị… Cảnh 20. Đúp một… Tất cả vào vị trí…!
Ông Cường đứng dậy, đưa ánh mắt gườm gườm nhìn mọi người rồi nói chậm chạp:
- Nào… chuẩn bị.
- Máy… bắt đầu.
Diệu linh liếc nhìn đồng hồ. Lúc ấy là 9 giờ 5 phút.
***
Diệu Linh sinh ra trong một gia đình tri thức. Bố Diệu Linh - ông Vũ Mạnh Tường là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian. Ông là người đã có công lớn trong việc giữ gìn và bảo tồn ca trù. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân tộc. Có lẽ đối với ông, sự say mê duy nhất của cả cuộc đời là chìm đắm vào những làn điệu dân ca và âm thanh của những cây đàn dân tộc. Không chỉ là một nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, ông còn là một nhà phê bình, lý luận âm nhạc khá có tên tuổi, một nhà thư pháp chữ Hán, từng dịch cả thơ chữ Pháp. Mẹ Diệu Linh - bà Thường thì lại khác hẳn. Bà là một cán bộ nghiên cứu môi trường. Sau này lớn lên, đôi khi Diệu Linh cũng tự hỏi tại sao bà Thường lại có thể sống được với ông Tường một cách yên bình suốt bao nhiêu năm như vậy? Diệu Linh chưa bao giờ thấy ông bà to tiếng với nhau. Mặc dù đã có những lúc, rất nhiều diễn viên trẻ đẹp đến nhờ ông Tường dạy hát chèo, hát ca trù nhưng chưa bao giờ Diệu Linh thấy mẹ tỏ ý khó chịu.
Ông nội Diệu Linh là một thầy giáo dạy văn rất am hiểu chữ Hán. Khi Diệu Linh sinh ra, chính ông nội là người đã lập lá số tử vi cho Diệu Linh. Lá số tử vi đó như thế nào, mãi sau này khi Diệu Linh đã bị cuộc sống bầm dập quá mức, bà Thường mới cho cô xem lá số và lời giải của ông. Ông lập lá số tử vi của Diệu Linh và đã nói rằng đời cô vô cùng cực khổ, cho đến năm 35 tuổi thì mọi sự mới yên bình trở lại. Trong đó, ông có dặn rằng nếu như ông mất trước khi Diệu Linh lấy chồng thì phải đưa quyển này ra để Diệu Linh xem và tốt nhất là Diệu Linh chỉ nên lấy chồng sau năm 29 tuổi.
Diệu Linh có một người em trai tên là Vũ Mạnh Quân. Quân kém Diệu Linh 3 tuổi. Ngay từ bé Quân đã tỏ ra là một đứa trẻ có bản lĩnh và đặc biệt là rất bảo vệ chị. Hai chị em Diệu Linh gắn bó với nhau vô cùng. Thậm chí trong bữa cơm, nếu như vắng một người thì có cảm giác rằng bữa cơm hôm ấy bớt vui đi rất nhiều. Tuy kém Diệu Linh 3 tuổi, nhưng vào năm lên 12 tuổi là Quân đã luôn nghĩ phải bảo vệ Diệu Linh. Tất cả những bạn bè Diệu Linh khi đến nhà đều bị Quân nhìn với ánh mắt dò xét. Trừ các bạn gái, còn các bạn trai khi đến nhà Diệu Linh thì không ai có thể vui vẻ được khi thấy Quân luôn luôn có thái độ cảnh giác như vậy.
Diệu Linh được học nhạc từ bé. Đầu tiên là học đàn violon. Không hiểu sao, dù có được học nhưng tiếng đàn violon cứ xa lạ với Diệu Linh. Diệu Linh hầu như không có chút hứng thú nào trong việc học đàn vilon.
Năm 7 tuổi, có một người bạn của ông Tường mang một cây đàn bầu đến nhà và đánh cho ông nghe một bài mà ông mới sáng tác. Ông tên là Tuấn và vì chơi đàn bầu nên được gọi là Tuấn “bầu”. Lúc ấy đang ở nhà trong, Diệu Linh nghe tiếng đàn bầu ở bên ngoài và tự dưng thấy mình rất hợp với tiếng đàn bầu.
Diệu Linh mon men ra ngoài ngồi nghe.
Sau khi đàn xong, ông Tuấn “bầu” hỏi:
- Anh thấy bản nhạc thế nào?
Ông Tường nói:
- Được đấy. Lâu lắm rồi tôi mới được nghe một bản nhạc cho đàn bầu như thế này. Nhưng mà cậu phải sửa thêm.
Rồi ông chỉ cho người bạn sửa chỗ nọ, chỗ kia mà Diệu Linh nghe không hiểu.
Diệu Linh mon men ra cây đàn bầu và rụt rè nói:
- Bác ơi, cho cháu đánh thử nhé.
Ông Tuấn “bầu” cười:
- Cháu biết chơi rồi à?
Ông Tường đỡ lời:
- Không. Nó chưa biết gì về đàn bầu. Tôi đang cho nó học violon, nhưng tiếng đàn vô hồn lắm.
- Anh ạ, nếu như tiếng đàn vô hồn thì đừng cho cháu học violon nữa. Đàn violon là loại đàn quý tộc. Hay anh thử cho cháu học nhạc cụ dân tộc xem sao. Như cây đàn bầu chẳng hạn.
Ông Tường lắc đầu:
- Con gái không nên chơi đàn bầu. Cậu không nghe câu “Đàn bầu ai gảy thì nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Đã không muốn cho con gái nghe đàn bầu, mà giờ lại còn bảo để con gái chơi đàn bầu nữa thì không nên.
Ông Tuấn “bầu” bật cười:
- Trời ạ. Sao ông anh tôi lại quan niệm lạ thế? Nó thích học cái gì thì anh cho nó học cái đấy. Nó biết thêm cũng tốt. Nếu có điều kiện thì có thể cho nó học piano hoặc flute. Đừng cho nó học đàn organ thôi.
Ông Tường nói:
- Đúng. Đàn organ thì không thể cho học được. Nhưng mà thôi, tùy nó.
Diệu Linh mon men vào cây đàn bầu và hỏi người bạn của bố:
- Đánh thế nào hả bác?
Ông chỉ cho Diệu Linh cách cầm que gảy, cách dùng tay chặn dây như thế nào và các nốt. Không hiểu tại sao chỉ nghe một lần như thế mà chỉ sau vài nốt nhạc, Diệu Linh đã đánh được ngay.
Ông Tường ngồi nghe cũng thấy ngạc nhiên:
- Lạ nhỉ? Chẳng lẽ nó có duyên với cây đàn bầu đến thế sao?
Ông Tuấn “bầu” vui ra mặt:
- Anh thấy không, con bé này hoàn toàn hợp với cây đàn bầu. Thôi, anh giao nó cho em. Em sẽ dạy dỗ nó.
Ông Tường nói:
- Không được. Tôi không muốn cho con theo nghiệp nhạc. Tôi chỉ muốn nó học để biết thôi. Tôi muốn nó theo nghề của mẹ làm một nhà khoa học. Như thế cuộc sống sau này sẽ yên tĩnh.
Ông Tuấn “bầu” nói:
- Anh suy nghĩ cũ kỹ quá. Kệ chúng nó. Bây giờ thời buổi khác rồi. Anh cứ kệ chúng nó. Cháu nó phát triển được gì thì cứ để cho nó phát triển.
Rồi ông quay sang nói với Diệu Linh:
- Cháu ạ, bố cháu cũng là một người rất am hiểu về đàn bầu đấy. Cháu nói bố dạy cho. Còn khi nào học nâng cao thì đến bác.
Trước lời nói của người bạn, ông Tường cũng không tiện gạt đi.
Ông chỉ ậm ừ:
- Được rồi. Từ nay không học violon nữa. Bố cho con chơi đàn bầu.
***
Một hôm, sau khi Diệu Linh học đàn bầu được mấy ngày ông Tuấn dẫn đến nhà Diệu Linh một bạn gái tên là Phương Lan. Phương Lan bằng tuổi Diệu Linh và cũng đang học đánh đàn bầu, nhưng điều lạ là bằng tuổi nhau nhưng Phương Lan lại luôn có vẻ chín chắn, nghiêm túc và sống lặng lẽ hơn Diệu Linh rất nhiều. Cùng học với nhau nhưng Phương Lan luôn được thầy khen là có tiếng đàn đằm thắm hơn tiếng đàn của Diệu Linh. Tiếng đàn của Diệu Linh trong sáng, nhưng đôi khi lại có những chỗ không hợp lý, thậm chí phá cách.
Có một lần, ông Tuấn nói với Diệu Linh:
- Bác nghe tiếng đàn thì biết sau này mày là đứa sẽ khổ. Con Lan mới là đứa sướng.
Năm ấy mới tám tuổi nên Diệu Linh chẳng nghĩ gì đến chuyện ấy. Nhưng sau này càng ngẫm, Diệu Linh càng thấy sao mà các ông tinh tế đến thế.
Được sống trong môi trường gia giáo, nghiêm khắc nên từ bé Diệu Linh học rất giỏi. Hầu như Diệu Linh không bao giờ đi học thêm. Bố mẹ Diệu Linh không bao giờ phải nghe lời nào không tốt về con gái. Không những học giỏi, Diệu Linh còn là một học sinh ngoan, được thầy yêu, bạn mến. Trong phong trào văn nghệ của nhà trường, Diệu Linh luôn được gọi biểu diễn đàn bầu và hát.
Khi Diệu Linh học lớp 6, ông Tường chuyển Diệu Linh vào học trường chuyên tiếng Pháp. Năm học lớp 9, tiếng Pháp của Diệu Linh đã rất khá. Ở nhà, ông Tường dạy Diệu Linh bằng cách hai bố con nói chuyện bằng tiếng Pháp. Diệu Linh cũng nói chuyện bằng tiếng Pháp với mẹ, nhưng bà Thường không thích. Bà là một nhà khoa học, suốt ngày vùi đầu vào nghiên cứu và đi thực tế. Bà làm được khá nhiều công trình nói về tác động của môi trường đối với sức khỏe con người, hậu họa của môi trường Việt Nam cho hàng chục năm sau này. Bà chính là người đầu tiên kêu gọi có những biện pháp phòng chống ngay nạn nước biển dâng. Bà cho rằng sẽ là một thảm họa đối với Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng Bắc Bộ nếu như mực nước biển dâng thêm 50cm nữa. Là một nhà khoa học, nhưng ở trong một góc khuất của bà cũng có chỗ dành cho sự lãng mạn, nhưng rất kín đáo. Thi thoảng lắm Diệu Linh mới thấy mẹ ngân nga một làn điệu chèo hoặc những lúc ông Tường thổi sáo thì bà ngồi lắng nghe.
(Xem tiếp kỳ sau)