Hồng Kông (Trung Quốc) thông qua Luật An ninh quốc gia mới

Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đã thông qua Luật An ninh quốc gia mới mà theo các giới chức đặc khu hành chính này sẽ cho phép đưa ra những chế tài pháp luật nghiêm khắc hơn với nhiều tội danh nhằm giúp ổn định và phát triển kinh tế.

Nhằm duy trì sự ổn định của Hồng Kông

Các nhà lập pháp Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 19-3 đã thông qua Luật An ninh quốc gia mới với việc thêm nhiều tội danh so với Luật An ninh quốc gia đầu tiên của đặc khu hành chính này được ban hành vào tháng 6-2020. Luật An ninh quốc gia mới sẽ có hiệu lực chỉ 4 ngày sau khi được thông qua, tức ngày 23-3 tới. Luật An ninh quốc gia mới của các nhà lập pháp Đặc khu hành chính Hồng Kông cũng được thông qua với tốc độ được cho là “rất nhanh”, chỉ trong thời gian 11 ngày kể từ khi công bố dự thảo. Dự luật An ninh quốc gia mới vừa được công bố ngày 8-3 vừa qua. Luật An ninh quốc gia mới của Đặc khu hành chính Hồng Kông quy định 39 tội danh được chia thành 5 nhóm bao gồm tội phản quốc, nổi loạn, kích động nổi loạn, trộm cắp bí mật nhà nước và gián điệp. Đáng chú ý, luật mới này cũng áp dụng một số điều với người Hồng Kông ở nước ngoài.

Các nhà lập pháp Hồng Kông (Trung Quốc) thông qua Luật An ninh quốc gia mới ngày 19-3-2024

Các nhà lập pháp Hồng Kông (Trung Quốc) thông qua Luật An ninh quốc gia mới ngày 19-3-2024

Tờ “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” (South China Morning Post) xuất bản tại Hồng Kông, có 4 tội danh phản quốc, nổi loạn, kích động nổi loạn và cấu kết với thế lực bên ngoài để phá hoại cơ sở hạ tầng công cộng có thể phải chịu mức án cao nhất tại đặc khu hành chính này là tù chung thân. Luật An ninh quốc gia mới cũng nhằm tới các hành vi phạm tội như “can thiệp từ bên ngoài” và đánh cắp bí mật Nhà nước.

Phát biểu sau khi cơ quan lập pháp thông qua Luật An ninh quốc gia mới, Đặc khu trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lý Gia Siêu nhấn mạnh, luật mới sẽ cho phép chính quyền đặc khu “ngăn chặn và chấm dứt hiệu quả các hoạt động gián điệp, âm mưu và cạm bẫy của các đơn vị tình báo cũng như sự xâm nhập và gây thiệt hại của các thế lực thù địch”. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng, khi luật mới có hiệu lực, chính quyền Đặc khu hành chính Hồng Kông có thể tập trung vào việc phát triển kinh tế.

Theo giới chức Đặc khu hành chính Hồng Kông, Luật An ninh quốc gia mới là để bổ sung cho Luật An ninh quốc gia được ban hành gần 4 năm trước tại đặc khu này. Trước đó, các nhà lập pháp Đặc khu hành chính Hồng Kông vào tháng 6-2020 cũng đã thông qua luật mang tên “Luật Bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hồng Kông” gồm tổng cộng có 66 điều, chia làm 6 chương. Luật này gồm các nội dung như: chức năng và cơ cấu bảo vệ an ninh quốc gia của Đặc khu hành chính Hồng Kông, hành vi phạm tội và xử phạt, thẩm quyền xét xử vụ án, trình tự áp dụng pháp luật, cơ cấu bảo vệ an ninh quốc gia của Trung ương đóng tại Đặc khu hành chính Hồng Kông và các điều khoản bổ sung.

Đặc khu trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông khi đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga khẳng định, Luật Bảo vệ an ninh quốc gia là nhằm “khôi phục và duy trì sự ổn định cho đặc khu”. Luật đưa ra nhiều biện pháp để thực hiện điều này, trong đó bao gồm việc cho phép lực lượng cảnh sát kiểm soát những địa điểm có liên quan mà không cần lệnh trong một số trường hợp đặc biệt; đóng băng, hạn chế, tịch thu và sung công quỹ các tài sản liên quan đến tội phạm gây nguy hại cho an ninh quốc gia; loại bỏ các thông tin mạng xã hội và Internet gây nguy hại cho an ninh quốc gia...

Ổn định để phát triển kinh tế

Cũng như dự án luật cách đây gần 4 năm, các quốc gia phương Tây, nhất là Anh - nước đô hộ Hồng Kông trước đây - đã lên tiếng chỉ trích đạo luật Luật An ninh quốc gia mới. Ngoại trưởng Anh David Cameron ngay ngày 19-3 đã bày tỏ quan ngại về Luật An ninh quốc gia mới vừa được cơ quan lập pháp của đặc khu này thông qua.

Ngoại trưởng David Cameron cho rằng, luật mới sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới danh tiếng của Hồng Kông với tư cách là một thành phố quốc tế được hình thành dựa trên “tinh thần tôn trọng pháp quyền, tính độc lập của các thể chế, mức độ tự chủ cao, bảo vệ các quyền và sự tự do”, đồng thời gia tăng văn hóa tự kiểm duyệt, làm xói mòn các quyền tự do ngôn luận, hội họp và truyền thông của đặc khu này. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Anh cho rằng, Luật An ninh quốc gia mới “làm suy yếu việc Hồng Kông thực hiện các nghĩa vụ quốc tế ràng buộc, bao gồm Tuyên bố chung Trung - Anh và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị”.

Cơ quan tư vấn cho Quốc hội Mỹ về Trung Quốc trước đó đã công bố bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken để phản đối Luật An ninh quốc gia mới của Hồng Kông. Cơ quan này kêu gọi Chính phủ Mỹ “thực hiện các bước bổ sung để bảo vệ công dân và doanh nghiệp Mỹ”.

Phía Trung Quốc cũng ngay lập tức lên tiếng phản bác những chỉ trích cho rằng “can thiệp vào vấn đề Hồng Kông” cũng như “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh ngày 20-3 ra tuyên bố yêu cầu, Anh ngừng đưa ra “những cáo buộc vô căn cứ” về Luật An ninh quốc gia mới được thông qua tại Hồng Kông; đồng thời khẳng định, các công việc của Hồng Kông “hoàn toàn là các công việc nội bộ của Trung Quốc” và “phía Anh không đủ tư cách đưa ra những phát ngôn vô trách nhiệm như vậy”.

Trung Quốc đáp trả những chỉ trích từ phía Mỹ. Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ khi lên án rằng, đó là “hành động thao túng, can thiệp vào vấn đề Hồng Kông”, đồng thời yêu cầu Mỹ ngừng các động thái như vậy “ngay lập tức”.

Việc Đặc khu hành chính Hồng Kông thông qua 2 đạo luật liên quan tới an ninh được cho xuất phát từ tình hình đặc khu này từ khi được Trung Quốc trao trả cho Trung Quốc gần 37 năm trước. Theo thỏa thuận để Anh trao trả Hồng Kông từ 1-7-1997, Đặc khu hành chính Hồng Kông thực hiện phương châm “Một quốc gia, hai chế độ”. Theo đó, trong vòng 50 năm kể từ khi trở về với Trung Quốc, Hồng Kông thực hiện chế độ tự trị mức độ cao, được hưởng quyền quản lý hành chính, quyền lập pháp, quyền tư pháp độc lập và quyền phán quyết cuối cùng… Ngoại trừ quốc phòng và ngoại giao, tất cả mọi lĩnh vực khác của đặc khu đều độc lập với chính quyền Trung ương.

Tuy nhiên, trên thực tế tại Hồng Kông xuất hiện những vấn đề an ninh trật tự, bát ổn… Trong đó, các cuộc biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ kéo dài suốt nửa năm 2019 làm đình trệ mọi hoạt động của thành phố là trung tâm tài chính lớn của khu vực, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Trung Quốc coi tình trạng bất ổn ở Hồng Kông là mối đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia nhưng không thể trực tiếp can thiệp. Vì thế, hai đạo luật về an ninh tại Hồng Kông vừa giúp đặc khu hành chính này ổn định để tập trung vào kinh tế, vừa không vi phạm các cam kết “Một quốc gia, hai chế độ”.

https://www.anninhthudo.vn/hong-kong-trung-quoc-thong-qua-luat-an-ninh-quoc-gia-moi-post570601.antd

HOÀNG TUẤN / ANTD