Thế giới ghi nhận 80.088 ca nhiễm nCoV và 2.699 ca tử vong, riêng tại Trung Quốc đại lục là 77.659 ca nhiễm bệnh và 2.663 ca tử vong.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay thông báo nước này ghi nhận thêm 71 ca tử vong do nCoV, số liệu thấp nhất trong hai tuần qua, đưa tổng số người tử vong tại Trung Quốc đại lục lên 2.663. NHC cũng báo cáo thêm 508 ca nhiễm mới, trong đó 499 ca tại tâm dịch Hồ Bắc, nâng tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục lên 77.659.
Nhiều tỉnh Trung Quốc không có thêm ca nhiễm mới trong vài ngày qua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dịch bệnh tại Trung Quốc đã đạt đỉnh từ ngày 23/1 đến ngày 2/2 và số ca bệnh đã giảm dần.
Trong khi đó, số ca nhiễm nCoV tại Hàn Quốc và Italy đã tăng mạnh trong 24 giờ qua. Hàn Quốc hiện ghi nhận 833 ca nhiễm, trong khi Italy là 229, khiến hai nước trở thành ổ dịch lớn thứ hai và thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục và du thuyền Diamond Princess.
Thế giới hiện ghi nhận 80.808 ca nhiễm, 2.699 ca tử vong và 27.571 người đã được chữa khỏi. Mỹ có 53 trường hợp nhiễm nCoV trên toàn quốc, song Tổng thống Donald Trump khẳng định nước này đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
Nhân viên kiểm dịch phun khử trùng tại tòa nhà quốc hội Hàn Quốc hôm 24/2. Ảnh: AFP. |
Sự lây lan của Covid-19 không suy giảm khi Afghanistan, Bahrain, Iraq, Kuwait và Oman thông báo những trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên. Tại Iran, số người chết đã tăng lên 12, cao thứ hai trên toàn thế giới, sau Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, có những lo ngại rằng tình hình thực tế tồi tệ hơn công bố chính thức khi một nghị sĩ ở thành phố Qom nói rằng 50 người đã chết vì nCoV tại đây từ ngày 13/2. Chính phủ Iran bác bỏ thông tin, cam kết sẽ minh bạch số liệu. Giới chức báo cáo 64 trường hợp nhiễm bệnh ở Iran, đồng nghĩa với việc tỷ lệ tử vong rất cao.
WHO hôm qua cho biết dịch Covid-19 chưa phải đại dịch nhưng có khả năng trở thành đại dịch nếu các quốc gia không hợp tác để làm chậm sự lây lan. "Đây là một mối đe dọa chung. Chúng ta chỉ có thể cùng nhau đối mặt và cùng nhau vượt qua", tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu nói.
Một nhóm chuyên gia WHO vừa kết thúc nhiệm vụ tại Trung Quốc, báo cáo rằng dịch bệnh đã lên đỉnh điểm từ ngày 23/1 đến ngày 2/2 và số ca bệnh đã giảm dần, song sự gia tăng đột biến các ca nhiễm ở Hàn Quốc, Italy và Iran rất đáng lo ngại.
Ủy ban châu Âu đã chi 232 triệu euro (khoảng 252 triệu USD) để giúp ngăn chặn sự lây lan virus trên toàn cầu. Pháp, Đức và Thụy Điển cũng công bố các khoản đóng góp cho nỗ lực này.
Nhóm chuyên gia y tế của WHO và Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh châu Âu đã đến Italy, ổ dịch lớn nhất châu Âu. Nhóm nghiên cứu sẽ hỗ trợ chính quyền Italy tìm hiểu tình hình với trọng tâm là hạn chế lây truyền từ người sang người.
WHO cho biết họ lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm ở Italy. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh hiện nay chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019. Các ca tử vong vì nCoV bên ngoài Trung Quốc đại lục được ghi nhận ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Philippines, Đài Loan, Hong Kong, Iran và Italy.
Huyền Lê (Theo ABC, CNN)
"Siêu lây nhiễm" và chuỗi lây nhiễm vô hình khiến dịch Covid-19 trở nên khó kiểm soát hơn bao giờ hết
WHO khẳng định tình huống tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Các quan chức WHO cho rằng sự bùng phát các ca lây nhiễm ... |
Hàn Quốc ghi nhận ca tử vong thứ 7, số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 763
Hàn Quốc có 161 ca nhiễm virus Corona mới (COVID-19) trong ngày 24.2, nâng tổng số ca nhiễm virus ở nước này lên 763. |